Tết Đoan Ngọ
Buổi sáng ngày mùng 4, mẹ tôi ra chợ thật sớm. Nếu không bận ngái ngủ thì tôi cũng theo chân mẹ để được sung sướng ngắm nhìn những cành lá móng người ta cắt bán đầy chợ. Những cành lá khẳng khiu với những chiếc lá nhỏ như đốt ngón tay, màu xanh nhạt chứ không xanh đậm, xanh biếc như lá của những loài cây khác.
Lúc mẹ lựa lá móng, tôi đi bên cạnh để rồi sau đó lòng lâng lâng khi được cầm cành lá móng từ chợ về đến tận nhà. Rồi tôi sẽ cất nó thật cẩn thận trong gầm giường để khỏi héo. Nhảy chân sáo sang nhà đứa bạn, tôi gọi nó rõ to từ ngoài cổng: "Thi ơi, mẹ đằng ấy mua lá móng chưa? Bọn mình đi hái lá vông đi!".
Rồi vừa hái, hai đứa vừa bàn nhau buổi chiều sẽ rủ thêm mấy đứa nữa để sớm mai đi tung hòn sành, hòn sỏi. Nhưng muốn có sành sỏi để tung chúng tôi lại phải đi tìm, đi lựa. Thế là chiều hôm đó, đứa nào đứa nấy cứ bận rộn hết cả lên. Nào lượm hòn sỏi, mảnh sành, nào tước dây chuối.
Tối đến, tôi tuốt lá móng cho vào cái cối đá nhỏ, giã nhuyễn. Mấy đứa em tôi háo hức ngồi xung quanh. Dây chuối, lá vông đặt bên cạnh. Mẹ tôi cẩn thận cầm bàn tay từng đứa lên. Em út được ưu tiên trước. Lấy một chút lá móng trong cối, mẹ khẽ vê vê rồi đặt lên từng móng tay của em tôi. Đoạn lấy lá vông bọc móng tay lại rồi dùng dây chuối tước nhỏ buộc ra ngoài móng để giữ chặt lá móng ở đấy. Đêm ngủ có quẫy đạp lung tung thì lá cũng không bị rơi ra ngoài. Cứ thế lần lượt từng đứa một. Riêng tôi là con gái lại lớn nhất nên được mẹ đắp cả lá móng lên mười đầu ngón chân nữa.
Suốt cả tối tôi khum khum đôi bàn tay đắp lá móng, nghe thớ thịt chạy giần giật, thích thú đến lạ. Trước khi đi ngủ, tôi ngó lại chỗ để mấy hòn sành hòn sỏi, dặn bà tôi: "Mai bà nhớ gọi cháu dậy thật sớm, bà nhé!".
Mọi ngày, bà tôi gọi một lần không bao giờ tôi dậy được. Nhưng buổi sáng ngày mùng 5, bà chỉ gọi khẽ thôi là tôi đã choàng dậy ngay. Bên ngoài trời còn tối, tôi nhảy ngay xuống đất, châm đèn lên rồi nín thở, hồi hộp tháo mấy cái móng ra, sung sướng tột độ khi thấy móng tay, móng chân đỏ chót lên. Sau đó, tôi nhặt mấy hòn sỏi, chạy vù ra cổng. Lũ trẻ chúng tôi lố nhố đứng đợi nhau nhưng không đứa nào nói một câu. Vì chúng tôi sợ nói ra sẽ mất thiêng!
Khi đã đông đủ, chúng tôi lặng lẽ cùng nhau tới giếng chùa. Tự xếp hàng một cách rất chi là trật tự, từng đứa một khẽ khàng bước xuống bậc giếng, thả những hòn sỏi trong lòng bàn tay ra và thầm thì điều ước mà mình mong muốn với một niềm tin mãnh liệt. Có lẽ sau đó đứa nào cũng quên tuột những điều mình ước và chẳng đứa nào biết điều đó có thành sự thật hay không. Ấy vậy mà năm nào chúng tôi cũng ước.
Tôi về tới nhà thì trời cũng tang tảng sáng. Ngồi ở bậc hè, tôi đợi mẹ mang hoa quả về để giết sâu bọ. Thoáng thấy bóng mẹ ngoài cổng là tôi chạy vào nhà, lay lũ em dậy rồi hớn hở giúp chúng bỏ lá móng ra, tíu tít xem của đứa nào đỏ hơn, đẹp hơn. Thường mẹ tôi hay mua mận, xoài, có thời gian thì làm thêm rượu nếp. Mận có quả chua, có quả chát. Xoài cũng có quả ngọt, quả chua. Tôi nhăn cả mặt mà vẫn cố ăn trong khi dạ dày còn rỗng nhưng không thấy đau bụng bao giờ.
Tôi vừa ăn vừa ngắm nghía thật kĩ mười đầu ngón tay, ngón chân mình. Chà, nó đỏ chót và bóng lên, đẹp không thể tả. Phần da xung quanh móng cũng đỏ thẫm lên nữa, như bã trầu. Cái này thì không đẹp chút nào nhưng không sao, chỉ rửa bằng xà phòng vài ngày nó sẽ hết, sẽ chỉ còn lại những cái móng sạch sẽ và đỏ chót không bao giờ phai màu. Móng dài đến đâu thì màu đỏ sẽ đẩy lên đến đấy. Móng tay, chân tôi lúc đó lại có hai màu: đỏ và trắng. Bao giờ phần màu đỏ bị màu trắng lấn hết, bàn tay, bàn chân tôi lại trở về như cũ.
Quãng nửa buổi, độ tám chín giờ, tôi xăng xái giúp mẹ những việc lặt vặt để chuẩn bị mâm cỗ cúng gia tiên buổi trưa. Thỉnh thoảng lại chạy vù ra ngõ để xem những cái móng đỏ của lũ bạn.
Làng tôi bây giờ đi mỏi chân chắc cũng không thể tìm đâu ra một cây lá móng. Trẻ con không nhuộm móng nữa. Cũng chẳng còn thời gian để đi tìm, đi tung hòn sành, hòn sỏi mà thì thầm điều mong ước ngây thơ như chúng tôi ngày xưa. Tết Đoan Ngọ với chúng chẳng có gì đặc biệt.
Tôi cứ vẩn vơ nghĩ như vậy để rồi lòng lại chợt buồn, chợt tiếc...
Có một người được sinh ra và lớn lên nơi mảnh đất phương Nam đầy nắng gió. Cô luôn ao ước được chiêm ngưỡng vẻ rêu phong cổ kính, được đắm mình trong tiết thu se sắt hay cái giá rét của ngày đông phố cổ, được ngắm nhìn những phụ nữ Hà Thành với nét duyên dáng đặc trưng của mình… Và rồi cô cũng có dịp đến thăm mảnh đất kinh kỳ với bao háo hức, mong chờ.
Thời tiết năm nay khác hẳn năm trước. Năm trước mưa thường ghé lúc chiều chiều, mưa từng hồi nặng hạt kéo theo nước dâng ngập lối. Năm nay mưa đỏng đảnh và bất chợt, cứ đến rồi đi, bất kể thời gian nào trong ngày. Mưa đi ngang tưới mát con phố nhỏ, mưa vô tình làm ướt góc sân mới hôm trước còn đắm mình trong cái nắng oi ả. Có người cũng quen dần với sự thất thường ấy của những ngày mưa.
Có một người nhìn vườn thu qua ô cửa sổ, thấy cây lá reo vui, trái chín gọi mời. Mùi hương quen thuộc mỗi mùa thu lại dậy lên trong gió thoảng. Cây thị góc vườn, cây ổi bờ ao bao năm nay vẫn đúng hẹn đơm hoa kết trái để mỗi khi thu về lại lặng lẽ tỏa hương. Gió thu xao động, trái chín đung đưa.
Mùi hương hoa sử quân tử trong đêm mưa luôn dịu dàng ôm ấp tôi sau ngày dài mỏi mệt. Có một người cũng như tôi, vẫn nhìn thấy loài hoa quen thuộc ấy hằng ngày, thế mà phải vào một đêm mưa tan, cô ấy mới nhận ra hương thơm của sử quân tử có thể khiến người ta thấy bình an đến vậy.
Một ngày cuối hạ ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, khi những tán cây ngô đồng dần trở nên vàng vọt, lòng một người không khỏi nao nao nhớ mùa thu Hà Nội. Đó cũng là lý do dẫu sống xa xứ nhưng người đó thường giữ thói quen quay trở về Hà Nội vào mùa thu. Cũng bởi, mùa thu trong ký ức của nhiều người Hà Nội có một hương vị rất riêng biệt, chẳng thể trộn lẫn với bất kỳ nơi nào.
Có một người ngồi trong quán nhâm nhi từng ngụm café. Nhìn ngắm không gian được bài trí theo lối cổ xưa, những vật dụng xưa cũ, những ký ức chợt ùa về. Những vui buồn, sung sướng hay khổ đau đều như một thước phim quay chậm từ từ hiện ra trong trí óc cô. Một bản nhạc không lời nhiều âm sắc khiến cô chầm chậm đi ngược dòng thời gian.
0