Tết ở nơi chào đón các thiên thần nhỏ

Những ngày Tết, thay vì quây quần bên mâm cơm cùng gia đình, cùng mọi người du Xuân chúc Tết thì nhiều nhân viên y tế vẫn đang tất bật cứu chữa người bệnh. Với những cán bộ Y tế tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, họ coi đây là một nhiệm vụ, nghĩa vụ thiêng liêng và là một sứ mệnh cao cả khi đón những sinh linh bé bỏng chào đời.
Các y bác sĩ vẫn luôn tất bật trong những ngày Tết.

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn không tấp nập như thường nhật. Dãy nhà chờ lấy phiếu khám bệnh khá vắng vẻ. Những ngày này chỉ có khoa Sản là vẫn tấp nập người ngược, kẻ xuôi. Đâu đó bóng dáng của những người đàn ông nào làn, nào cạp lồng và quần áo để chăm vợ chờ sinh hay dưỡng bệnh. Bên cạnh đó có những sản phụ, những bà bầu vật vã với những cơn đau, quằn quai với nỗi nhớ con và khắc khoải cho một cái Tết xa nhà. Chị Nguyễn Thị Bông, 28 tuổi ở tỉnh Vĩnh Phúc đang điều trị tại khoa sản bệnh đang có những cảm xúc rất xáo trộn khi ở lại bệnh viện những ngày Tết: "Tôi từng có thai nhiều lần nhưng đều không giữ được con. Lần này tôi đã đến bệnh viện và nằm tại đây gần một tháng. Bây giờ tôi đang ở tuần thai thứ 31 và chắc chắn sẽ ở lại đến khi sinh con luôn. Không được về những ngày Tết thì cũng có chút chạnh lòng. Nhưng Tết thì năm nào cũng có, còn con thì chỉ có một mà thôi."

Sản phụ Nguyễn Thị Bông ở tỉnh Vĩnh Phúc đang điều trị tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: Văn Tuyến

Với các y bác sĩ họ đã quá quen với việc đón Tết tại bệnh viện. Họ vẫn miệt mài tất bật cho những ca bệnh, chăm lo chu toàn cho những bệnh nhân của mình. Tết đến Xuân về cũng chính những y bác sĩ ấy tự tay trang hoàng từng khoa phòng để người bệnh luôn cảm nhận được không khí ấm áp của ngày Tết. Với những y bác sĩ, dù Tết không được cùng gia đình sum họp nhưng họ vẫn cảm thấy hạnh phúc bởi sự nghiệp cao cả mà họ đã yêu và lựa chọn. Thạc sĩ Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Anh Tuấn  - Phó trưởng khoa Đẻ dịch vụ D3, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: "Trực Tết vất vả hơn ngày thường rất nhiều. Các y bác sĩ lúc nào cũng phải trực chiến 24/24h. Dù vậy khi nhìn bệnh nhân đau đớn, người bác sĩ không thể cầm lòng, lúc ấy lại làm việc quên hết mệt mỏi".

ThS.BS Chuyên khoa 2 Nguyễn Anh Tuấn đang thăm khám cho sản phụ. Ảnh: Văn Tuyến

Những cặp mắt hạnh phúc của cha mẹ đón con mình chào đời, nhìn những thiên thần ra đời mạnh khỏe òa khóc trong vòng tay chúng tôi lúc đó niềm hạnh phúc khó nói nên lời. Lúc đó mọi áp lực, mệt mỏi đều tan biết hết, bác sĩ Tuấn xúc động chia sẻ.

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng giống như rất nhiều bệnh viện khác, nơi mà các y bác sĩ không có ngày nghỉ Tết. Ở đó lúc nào các y bác sĩ cũng động viên nhau làm việc, không một phút sơ sểnh vì các bệnh nhân nơi đây rất đặc biệt. Dù có những lo âu, nhưng đến khoảnh khắc đón các thiên thần nhỏ, bác sỹ nào cũng thấy vô cùng tự hào và niềm vui, niềm hạnh phúc như vỡ òa.

Thay vì ở bên quây quần với gia đình vào ngày Tết, các y bác sĩ vẫn luôn túc trực bên những "thiên thần nhỏ".

TS.BS Nguyễn Thị Sim – Giám đốc Trung tâm can thiệp bào thai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mỗi lần đón các bé chào đời những dịp Tết lại khiến chị thêm yêu nghề bởi đã mang lại mùa xuân hạnh phúc cho cả gia đình. "Có hôm chạy vội vào viện giữa đêm để cấp cứu những ca vỡ ối, có những ca mổ xuyên trưa, bữa cơm của chúng tôi thường chẳng khi nào có giờ cố định. Những trường hợp tôi trực tiếp theo dõi và đỡ đẻ thường là những ca đặc biệt, mẹ gặp các vấn đề về sức khỏe, mang đa thai hoặc thai bị thiểu ối... Chính vì thế khi đón em bé chào đời khỏe mạnh lần nào cũng khiến tôi rất xúc động", bác sĩ Sim chia sẻ.

Tiếng khóc trào đời của mỗi đứa trẻ không chỉ là niềm vui, niềm hạnh phúc của riêng mỗi gia đình, mà với tất cả các y bác sĩ trực Tết.

Đối với mỗi đứa trẻ, được sinh ra và lớn lên khỏe mạnh là một điều hạnh phúc. Nhưng vẫn có những em bé đang phải nỗ lực giành giật sự sống để đi tới "vạch xuất phát" - đó là những trẻ sinh non. Tại khoa Sơ sinh, nơi đang chăm sóc và điều trị cho hơn 150 bệnh nhi nhẹ cân, non tháng. Bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Hương – người đã có 18 năm công tác tại khoa Sơ sinh cho biết: "Xuân mới náo nức đang gõ cửa mọi nhà, mọi người nô nức đi chơi Tết, còn trong khoa Sơ sinh, bệnh viện Phụ sản Hà Nội, guồng quay điều trị, giành sự sống cho các bé sinh non, nhẹ cân vẫn xoay vần lặng lẽ và không một phút ngơi nghỉ". Tết này khoa Sơ sinh đông bệnh nhi hơn những năm trước. Làm việc và gắn bó ở nơi này không thể chỉ bằng trách nhiệm mà phải bằng cả trái tìm mình. Nhìn con con bé xíu, chúng tôi yêu thương như con của mình. 18 năm đồng hành cùng các bé, tôi đã coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Mỗi khi thấy các bé ăn tốt, ngủ ngoan, nhanh chóng được đoàn viên bên gia đình tôi thấy rất hạnh phúc, bác sĩ Hương chia sẻ thêm.

Niềm hạnh phúc của các bác sĩ trong ngày Tết chính là đón được những em bé mạnh khỏe trào đời.

Ngay cửa Khoa Sơ sinh là "Cây Điều ước" chứa ngàn vạn lời cầu nguyện của các bậc cha mẹ, các anh chị của bé mong người thân của mình vượt qua lằn ranh sinh tử, khỏe mạnh lớn lên.

"Cây điều ước" được đặt ngay ở cửa Khoa Sơ sinh. Ảnh: Văn Tuyến
Lời ước nguyện của mỗi bậc cha mẹ chỉ mong sao các "thiên thần nhỏ" sớm khỏe mạnh để được về nhà đón Tết bên gia đình. Ảnh: Văn Tuyến

Còn trong khoa sơ sinh, nhịp điệu làm việc lúc nào cũng khẩn trương, các bác sĩ điều dưỡng ở đó không lúc nào ngơi chân ngơi tay. Mọi thao tác cần phải tỉ mỉ, chính xác để theo dõi sát từng nhịp thở, bữa ăn của các bé. Vì thế với những điều dưỡng như chị Cấn Thị Bình, trực Tết là chuyện rất bình thường, chỉ cần các bé bình an là chị cảm thấy hạnh phúc. Chị chia sẻ: "Con mình ở nhà thì cũng hơi thiệt thòi một chút nhưng các bạn nhỏ ở đây còn đáng thương hơn nhiều lần. Có bạn bé tí xíu chỉ khoảng 500-600g, chưa kể lại mắc bệnh khi vừa sinh ra. Mình vẫn cứ động viên bản thân và con của mình như vậy. Mình mong các bạn nhỏ nhanh sau khi được ra viện sẽ lớn nhanh, khỏe mạnh. Niềm vui những ngày Tết với mình đơn giản chỉ có vậy thôi".

Điều dưỡng Cấn Thị Bình đang chăm sóc các bé sinh non. Ảnh: Văn Tuyến

Đã lựa chọn ngành y thì bất cứ người thầy thuốc nào cũng không phân biệt thời gian hay thời điểm mà phải mọi lúc mọi nơi. Lặng thầm cống hiến, lặng lẽ làm việc bằng cả trí tuệ và trái tim, các nhân viên y tế bệnh viện Phụ sản Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã tạm gác lại hạnh phúc riêng để mang lại sức khỏe và niềm hạnh phúc cho người dân./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong bối cảnh ngành y tế còn nhiều khó khăn như thiếu nhân lực, chưa đồng bộ ở các tuyến điều trị, việc ứng dụng công nghệ cao giúp rút ngắn thời gian khám chữa bệnh, tăng độ chính xác và nâng cao hiệu quả điều trị, tiết kiệm chi phí, giúp nhiều người bệnh có cơ hội được khám chữa bệnh ở giai đoạn sớm.

Thuốc lá chứa 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây nên 25 loại bệnh như: các bệnh ung thư, tim mạch, các bệnh về hô hấp và sinh sản. Sử dụng thuốc lá là một trong nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong sớm.

100% trạm y tế ở 10 tỉnh vùng cao, miền núi, khó khăn sẽ được triển khai khám, chữa bệnh từ xa thông qua việc áp dụng công nghệ thông tin, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Chiều 21/11, Quốc hội đã thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Dược, trong đó nghiêm cấm hành vi bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử với thuốc kê đơn.

Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) vừa tiếp nhận 7 nạn nhân bị ngộ độc thực phẩm do ăn thịt của chó bị bệnh.

Sở Y tế Hà Nội và Cơ quan Quản lý các bệnh viện công Paris đã ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2024 - 2029.