Tha nhân và trăng

Tha nhân và trăng có duyên nợ gì với nhau mà cứ theo nhau hoài. Cuộc đời tha nhân như đời trăng, hết mờ rồi tỏ, hết buồn rồi lại vui. Đến một ngày chợt nhận ra tất cả là nhân duyên, vậy nên cứ tùy duyên mà sống.

Chiều nay, Hường mời bạn cùng lắng nghe những dòng tự sự của Thu Thủy.

Tôi là tha nhân trong 6 tỷ người, cứ ám ảnh với trăng của Lý Bạch, trăng của Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương và hoài niệm từ khi trăng lên đến khi trăng tàn.

Tôi không biết uống trăng, không biết làm nũng cùng trăng, không theo trăng về chốn Nga My u tịnh. Tôi đi trong phố xá nhưng chỉ ngóng trăng, nói với trăng về sự khuyết tròn. Phố thuở xa xưa, tha nhân tính ngày tháng bằng hình hài trăng cụ thể :

“Mồng một lưỡi trai

Mồng hai lá lúa

Mồng ba câu liêm

Mồng bốn lưỡi liềm

…..

Rồi đến cuối tháng

Ba mươi chẳng thấy

Mặt mày trăng đâu?”

Vậy là hết một vòng trăng. Trăng đi hoài qua tuổi thơ, “bóng trăng tròn lướt qua ngọn cây” với những bài đồng dao, những trò chơi dân gian hồn nhiên ngộ nghĩnh. Dưới trăng, tha nhân chơi trò bịt mắt bắt dê, chơi nhảy dây, đánh chuyền, trốn tìm, rồng rắn lên mây…. gieo tiếng cười tắm đẫm ánh trăng, đâu định tuổi trăng non hay già. Những ngày hè theo trăng qua nhanh mà cứ hồn nhiên nói cười và im thin thít khi thấy khuya con chưa về, cha nóng ruột bực lòng cầm roi đi tìm đầu làng, chỗ tre đằng ngà cót két cùng gió nam đưa đẩy chơi chuyền trăng với mây trời trong cao. Cha giơ roi quất vào mông, con rối rít xin cha.

Trăng cười chúm chím xấu hổ chìm vào bóng mây xám, tha nhân đâu rõ mặt trăng thút thít về trong đêm đen.Thuở đó, tha nhân sống cùng những mùa trăng cổ tích của chú Cuội tinh nghịch, với chị Hằng dịu dàng để mình cũng mong muốn mang một thứ ánh sáng thánh thiện cho đời. Theo trăng từ khi còn bé nhỏ như lưỡi trai, mỏng như lá lúa rồi trăng dậy thì, tròn trĩnh nhô hẳn ra khỏi đám mây lững lờ. Lúc đó trăng của riêng trời, mỗi lần trăng náu lại mơ ước lúc trăng nhô. Mỗi lần trăng khuyết chỉ ước trăng đầy mà đâu có hiểu quy luật của trăng cũng giống như đời người, cứ khuyết rồi lại tròn.

Mỗi chu kỳ trăng là một vòng mong mỏi hướng về nơi xa xăm vĩnh hằng, cầu mong cho những người thân đi xa được về miền cực lạc, cho người còn sống sự hy vọng và niềm tin, cho đong đầy thêm tình thương yêu dân tộc, đất nước, thiên nhiên và con người.

Trăng thanh xuân cứ vơi lại đầy, lấp lánh, vui tươi dâng hiến không toan tính thiệt hơn. Trăng Gành Hào miền Bạc Liêu nơi cực Nam đất nước nay tròn như nỗi nhớ, tròn như chiếc gương son sắt nghĩa tào khang. Trăng nghiêng thương nhớ thành dòng chảy dịu dàng, nghiêng trên rừng đước rừng tràm nghe bìm bịp gọi bạn tình thiết tha. Trăng theo tới lúc mái tóc đã pha sương, tha nhân lại ngồi “tiếc một vầng trăng” với tiếng đàn kìm man mác trôi đi lang thang cùng vạt lục bình tím ngát cả dòng sông.

Tha nhân và trăng có duyên nợ gì với nhau mà cứ theo nhau hoài. Cuộc đời tha nhân như đời trăng, hết mờ rồi tỏ. Hết buồn rồi lại vui. Rồi chợt nhận ra tất cả là nhân duyên, vậy nên cứ tùy duyên mà sống.

Đêm nay, lại một đêm tôi ngồi ngắm trăng, trăng lung linh rọi sáng nhân gian trong êm đềm mùi dạ hương thoang thoảng, xua đi hết những đắng chát của cuộc đời. Trăng khuyết, rồi đêm nay, trăng tròn vành vạnh. Từng dải sáng rực rỡ tựa như con đường mở lối tới ngày mai. Ngày mai, sẽ là một ngày mới./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Thành phố hình như không ngủ. Tiếng ồn ào từ phía chợ bắt đầu lúc hai, ba giờ sáng. Tôi nằm im trong phòng trọ lắng nghe tiếng gà gáy, những con gà chắc cũng mang từ quê lên chưa quen được với môi trường đêm lúc nào cũng rực rỡ ánh đèn.

Bỗng một sớm mai thức giấc, hương dẻ ngọt ngào đã chờ sẵn trên khung cửa sổ màu xám tro cùng chú mèo mun khoanh tròn say sưa bên chồng sách đêm qua tôi đọc còn dang dở. Hương hoa chực chờ cánh cửa vừa hé là vội vàng len vào xâm chiếm cả căn phòng. Căn phòng tôi ngập tràn hương hoa dẻ, ngập tràn tháng tư mang chớm hạ khẽ khàng...

Làm việc thời gian tự do mang cho tôi nhiều trải nghiệm, từ việc sắp xếp thời gian cho công việc, cho gia đình và bản thân. Phải thật khéo léo nếu không rất dễ bị chìm đắm trong những bộn bề mà không có thời gian riêng cho chính mình.

Chiều mưa, hương ngọc lan bên hiên nhà cứ lặng thầm quyến rũ. Bản nhạc Trịnh văng vẳng đâu đây cùng tiếng mưa "nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa...".

Hoa lưu ly (forget me not) - một loài hoa tím nhỏ thủy chung, suốt đời ôm thương nhớ về mối tình vô vọng. Loài hoa tím ấy như tượng trưng cho một cuộc tình tàn phai rồi hồi sinh, hồi sinh rồi lại phai tàn từ kiếp này qua kiếp khác mặc cho trong đời ai nhớ ai quên.

Dường như hầu hết ở các làng quê Việt bây giờ, cùng với những thiết chế văn hóa được xây dựng khang trang, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân, thì cổng làng gắn với tên làng đã tạo nên nét riêng dáng dấp của một làng lưu dấu trong tâm khảm mỗi người. Những tên gọi của làng thường hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa nhân văn sâu xa, mang cả ước vọng khát khao của cha ông một thuở lập làng với sự bình an, ấm no đầy đủ. Vì thế, danh xưng những tên làng cứ lưu mãi qua từng thế hệ…