Thách thức của Ba Lan khi đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên EU

Ba Lan vừa kế nhiệm Hungary đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu EU trong vòng sáu tháng. Đây là lần thứ hai Ba Lan giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU sau khi gia nhập khối này. Đây được cho là lợi thế để Ba Lan thực hiện những mục tiêu trong thời gian đảm nhiệm chức vụ này. Tuy nhiên, nước này cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức.

Những ưu tiên của Ba Lan 

Từ ngày 1/1, Ba Lan kế nhiệm Hungary đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu EU trong vòng sáu tháng.

Trong nhiệm kỳ của mình, Ba Lan cam kết điều chỉnh một số ưu tiên của EU như tìm cách củng cố quyền tự chủ chiến lược của châu Âu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường lương thực và y tế.

Ba Lan được cho là có lợi thế để thực hiện những mục tiêu này. Tuy nhiên, nước này cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức trong bối cảnh bất ổn chính trị gia tăng ở Pháp và Đức, xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine và sự trở lại của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Ưu tiên chính của Ba Lan trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên 6 tháng tới là "An ninh và châu Âu". Ba Lan đã nhấn mạnh quyết tâm coi an ninh là nền tảng của mọi vấn đề cơ bản của châu Âu.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho rằng EU có thể phải đối mặt với một bước ngoặt trong cuộc xung đột Nga – Ukraine. Do vậy, chương trình an ninh rộng rãi của Ba Lan sẽ tập trung vào mọi góc độ, bao gồm an ninh quốc phòng, kinh tế, năng lượng, lương thực và y tế, nhằm giúp Liên minh châu Âu giành lại toàn bộ khả năng cạnh tranh.

Tôi thực sự muốn Ba Lan là quốc gia không chỉ có mặt mà còn định hình cách thức thực hiện những quyết định này nhằm mang lại an ninh cho EU và bảo vệ lợi ích của Ba Lan. Và khi bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên, chúng tôi sẽ tiếp đón Thủ tướng Anh tại đây, tôi sẽ đến Oslo gặp Thủ tướng Na Uy. Mục tiêu của toàn bộ hành động này là cách tiếp cận nghiêm túc đối với trách nhiệm chính trị.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk.

Ưu tiên này của Ba Lan cũng trùng hợp với ưu tiên chung mà EU đang hướng tới. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa tuyên bố: "Không có thời điểm nào tốt hơn để Ba Lan lãnh đạo Liên minh châu Âu”, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu tăng cường năng lực phòng thủ của châu Âu.

Liên minh của chúng ta ra đời như một dự án hòa bình sau Thế chiến II và chúng ta cần củng cố một lần nữa an ninh của mình để đảm bảo hòa bình ở châu Âu.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa.

Về chính sách năng lượng và khí hậu, Ba Lan tuyên bố sẽ ưu tiên tập trung tìm các biện pháp giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nhiên liệu hóa thạch của Nga trong khi cân bằng nhu cầu chuyển đổi xanh. Do vẫn phụ thuộc vào than đá, Ba Lan có thể sẽ ủng hộ một cách tiếp cận thực tế và từng bước để đạt được trung hòa carbon.

Nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của EU, Ba Lan có thể sẽ ưu tiên các biện pháp tăng cường khả năng phục hồi kinh tế và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong khối. Các đề xuất chính của Ba Lan cho chương trình nghị sự có thể hướng đến việc tái công nghiệp hóa EU, thông qua việc hỗ trợ các ngành công nghiệp chiến lược châu Âu phục hồi nhằm giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Về nông nghiệp, Ba Lan dự kiến sẽ tập trung vào an ninh lương thực bằng cách tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế của ngành nông nghiệp châu Âu và duy trì năng lực sản xuất, trong khi vẫn thận trọng trong việc điều chỉnh ngành chăn nuôi phù hợp với các mục tiêu về khí hậu.

Về vấn đề người nhập cư, Ba Lan sẽ hướng tới mục tiêu tăng cường các chính sách quản lý nhập cư và bảo vệ biên giới của liên minh như tăng cường năng lực của Cơ quan Bảo vệ biên giới của EU (Frontex), khuyến khích các quốc gia thành viên phân bổ công bằng hơn các trách nhiệm trong vấn đề tiếp nhận người di cư.

Một ưu tiên quan trọng khác của Ba Lan là tăng cường hợp tác xuyên Đại Tây Dương, cụ thể là với Mỹ. Chính phủ Ba Lan luôn xác định việc hợp tác với Mỹ là rất quan trọng không chỉ đối với Ba Lan mà còn đối với an ninh của châu Âu.

Ba Lan tự nhận mình là trung gian tiềm năng giữa Mỹ và châu Âu, ủng hộ “sự hòa hợp chiến lược” giữa NATO và EU, điều này không chỉ đảm bảo sự tham gia của Mỹ vào an ninh châu Âu mà còn tránh hết sức việc các nước châu Âu quá phụ thuộc vào sự bảo đảm an ninh của Mỹ.

Châu Âu phải thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn, phải đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn. Không phải để loại người Mỹ khỏi châu Âu, mà là để giữ họ lại. Đây chính xác là một hành động chiến lược rất quan trọng và các quốc gia không đạt được mục tiêu chi tiêu quốc phòng 2% GDP phải hành động ngay lập tức. Nếu không chi thêm tiền cho vũ khí, nếu không có sự thay đổi trong cách tiếp cận của Liên minh châu Âu, nơi hiện đang chi 1,5 tỷ euro cho ngành công nghiệp vũ khí, nếu không bắt đầu chi ít nhất 100 tỷ euro, thì mọi chuyện sẽ kết thúc tồi tệ.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak - Kamysz.

Việc ông Trump yêu cầu các nước NATO tăng chi tiêu quốc phòng phù hợp với những lo ngại về an ninh của Ba Lan. Ba Lan đã chi 35% ngân sách quốc phòng để mua thiết bị quân sự của Mỹ và có kế hoạch đầu tư 4,7% GDP vào quốc phòng vào năm 2025. Yêu cầu của ông Trump về việc EU mua thêm dầu và khí đốt tự nhiên của Mỹ cũng trùng hợp với việc Ba Lan thúc đẩy EU từ bỏ hoàn toàn việc nhập khẩu năng lượng của Nga.

Các nhà quan sát nhận định, bất chấp những khác biệt về quan điểm giữa chính phủ của Thủ tướng Donald Tusk và Tổng thống Mỹ Donald Trump, Ba Lan sẽ ủng hộ việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Lợi thế của Ba Lan 

Là quốc gia lớn nhất ở Trung và Đông Âu và là quốc gia lớn thứ năm trong Liên minh EU, Ba Lan đã nỗ lực để nâng cao vị thế của mình trên vũ đài chính trị châu Âu kể từ khi gia nhập liên minh này 20 năm trước, thu hẹp khoảng cách kinh tế với các nước Tây Âu. Giờ đây, khi đảm nhiệm vai trò nước Chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU, Ba Lan được cho là có nhiều lợi thế để thực hiện chương trình nghị sự đầy tham vọng của mình.

Ba Lan là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất và ổn định nhất ở châu Âu, bất chấp những biến động kinh tế thế giới và khu vực. Từ năm 2004 đến 2023, GDP bình quân đầu người của Ba Lan dựa trên sức mua tương đương đã tăng từ 50% lên 80% mức trung bình của EU và tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này đứng thứ ba trong EU. Giới chuyên gia nhận định, Ba Lan có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý khả năng phục hồi kinh tế, và đây được xem là lợi thế để Ba Lan thúc đẩy các chiến lược phục hồi trên toàn khu vực.

Trước đây nhiều năm, Ba Lan bị EU gạt sang một bên vì những bất đồng liên quan đến lợi ích chung. Nhưng đến tháng 12 năm 2023, chính phủ Thủ tướng Donald Tusk lên nắm quyền và tích cực hàn gắn quan hệ với EU.

Khi xung đột giữa Nga và Ukraine dẫn đến sự chia rẽ của liên minh bốn nước Trung Âu là Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia, chính phủ của ông Donald Tusk đã thay đổi hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Ba Lan một cách đáng kể, từ các nước Trung Âu chuyển sang Pháp, Đức, các nước vùng Baltic và các nước Bắc Âu, đồng thời gia tăng ảnh hưởng đối với chính trị châu Âu.

Xung đột Nga - Ukraine bùng nổ đã thúc đẩy Ba Lan phải mở rộng hơn nữa sức mạnh quân sự và hiện đại hóa quân sự trên quy mô lớn. Trong 10 năm qua, ngân sách quốc phòng của Ba Lan đã tăng từ 7,7 tỷ euro lên 23,4 tỷ euro. Năm 2024, chi tiêu quốc phòng của Ba Lan chiếm 4,12% GDP, đứng đầu trong các nước NATO. Ngoài ra, Ba Lan là quốc gia có lực lượng quân sự lớn thứ ba trong NATO, chỉ sau Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Xung đột ở Ukraine đã dạy chúng ta điều gì? Nó cho thấy tầm quan trọng của phòng không và phòng thủ tên lửa, những hệ thống nào cần thiết để ứng phó với hàng nghìn cuộc tấn công nhằm tự vệ. Chúng ta rút ra bài học, học hỏi từ những kinh nghiệm đó, chúng ta cần xây dựng hệ thống phòng không của riêng mình.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak - Kamysz.

Theo các nhà phân tích, Ba Lan có đủ động lực để trở thành một đối tác đáng tin cậy của EU, giúp đẩy mạnh các sáng kiến chung về quốc phòng của EU; thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa EU và NATO, tăng chi tiêu quốc phòng của các quốc gia thành viên và thiết lập các cơ chế mạnh mẽ hơn để đối phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Đối mặt với nhiều thách thức

Nếu như ở cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro năm 2011, Ba Lan giữ chức Chủ tịch luân phiên với tư cách là quốc gia ngoài khu vực đồng euro, thì giờ đây, Ba Lan không còn bị EU “gạt sang một bên” và đã có đủ kinh nghiệm để đảm nhiệm vai trò lãnh đạo.

Việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của EU mang lại cho Ba Lan cơ hội trở thành trung tâm của EU và ảnh hưởng đến đường hướng phát triển của EU. Tuy nhiên, Ba Lan vẫn sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức trong 6 tháng tới trong bối cảnh EU đang chia rẽ sâu sắc.

Vào tháng 5 tới, Ba Lan sẽ tổ chức bầu cử tổng thống. Trong năm qua, chính phủ Thủ tướng Donald Tusk sau khi lên nắm quyền đã xảy ra xung đột với Tổng thống Duda của Đảng Pháp luật và Công lý.

Giờ đây, Tổng thống Duda sẽ kết thúc nhiệm kỳ thứ hai và không thể tiếp tục tranh cử, Đảng Nền tảng Công dân do Thủ tướng Tusk lãnh đạo đã đề cử Thị trưởng Warsaw Chaskovsky làm ứng cử viên tổng thống.

Đối với chính phủ Thủ tướng Donald Tusk, nhu cầu cấp thiết là các nhân vật trong đảng cầm quyền giành được và tăng cường quyền kiểm soát của họ đối với chính trị trong nước. Tuy nhiên, trong thời gian đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên EU, Ba Lan cần cân bằng sự quan tâm dành cho những vấn đề nội bộ và chương trình nghị sự của EU.

Một thách thức nữa là Ba Lan đang thiếu đối tác mạnh. “Tam giác Weimar”, một diễn đàn do Đức, Pháp và Ba Lan thành lập không còn là nền tảng để tiến hành đối thoại chiến lược. Ba Lan còn chuyển các vấn đề các nước Bắc Âu và vùng Baltic cùng quan tâm sang nền tảng này để tiếp tục thảo luận.

Bên cạnh đó, dưới thời Đảng Pháp luật và Công lý (PiS) nắm quyền, những tranh chấp giữa Ba Lan với Uỷ ban châu Âu (EC) về cải cách tư pháp và các mối quan tâm về pháp quyền vẫn đang tiếp diễn và có thể làm suy yếu uy tín của Warsaw.

Ngoài ra, việc thúc đẩy Ukraine gia nhập EU và NATO sẽ gặp nhiều trở ngại. Ba Lan tuyên bố sẽ ưu tiên cho việc mở rộng về phía Đông của EU, đặc biệt ủng hộ mạnh mẽ việc Ukraine gia nhập EU và NATO. Tuy nhiên để đạt mục tiêu đó, Ba Lan cần giải quyết nhiều rào cản từ các thành viên của khối. Một số nước thành viên có thái độ thận trọng trước việc EU và NATO mở rộng về phía Đông.

Ukraine luôn có thể trông cậy vào sự ủng hộ của Ba Lan khi nói đến tư cách thành viên NATO. Không có gì thay đổi trong vấn đề này. Nếu để Ba Lan quyết định, sẽ không mất quá một ngày. Nhưng bạn có thể trông cậy vào ngoại giao và hành động của chúng tôi ở đây. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để triển vọng gia nhập NATO của Ukraine ngày càng gần hơn. Chúng tôi biết rằng đây không phải là con đường dễ dàng.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk.

Về vấn đề ủng hộ EU áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga, Ba Lan có thể gặp phải sự phản kháng từ Hungary. Vào tháng 11 năm 2024, Thủ tướng Hungary Orban đề nghị EU đánh giá lại các lệnh trừng phạt đối với Nga vì các lệnh trừng phạt đã khiến giá năng lượng của EU tăng cao và làm suy yếu khả năng cạnh tranh của EU. Trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên lần này, Ba Lan có kế hoạch thúc đẩy vòng trừng phạt thứ 16 đối với Nga.

Người Ba Lan có tham vọng lớn và muốn thể hiện mình như thường lệ, nhưng nội dung kế hoạch nhiệm kỳ của họ về các chủ đề chính như Nga, chuyển đổi năng lượng và nông nghiệp sẽ khiến tình hình trở nên căng thẳng một cách vô nghĩa. Cách mà người Ba Lan nói về xung đột Nga - Ukraine trên các phương tiện truyền thông cho thấy họ có ý định leo thang xung đột hơn nữa và không có ý định tìm kiếm một giải pháp thỏa hiệp.

Bà Konecna, Chủ tịch Đảng Cộng sản Séc và Moravia.

Trong vấn đề di cư, vì là quốc gia ở “tuyến đầu", Ba Lan phải đối mặt với áp lực trực tiếp từ làn sóng nhập cư bất hợp pháp và an ninh biên giới, gây khó khăn không nhỏ cho các nỗ lực cân bằng lợi ích quốc gia với các chính sách di cư rộng hơn của EU.

Chỉ còn hơn một tuần nữa, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ chính thức quay trở lại Nhà Trắng. Với vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, nhiệm vụ của Ba Lan được dự đoán sẽ vô cùng nặng nề. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội của Ba Lan, bởi trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, ông Trump đã vun đắp mối quan hệ chặt chẽ với Ba Lan. Mối quan hệ này sẽ giúp mở ra một con đường để EU và Mỹ thúc đẩy lợi ích chung, một nguồn lực mà châu Âu cần tận dụng để duy trì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương ổn định và tích cực.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Quốc hội Hàn Quốc đã bác bỏ 2 dự luật nhằm vào Tổng thống bị luận tội Yoon Suk Yeol liên quan đến việc ban bố thiết quân luật và cáo buộc liên quan đến Đệ nhất Phu nhân Kim Keon Hee. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc bác bỏ những lời đồn đoán rằng ông Yoon Suk Yeol đã rời khỏi tư dinh vào thời điểm các công tố viên tìm cách bắt giữ ông.

Chiều 9/1, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng đã chủ trì buổi gặp gỡ báo chí, thông tin về sự kiện Xuân quê hương 2025.

Tổ chức Thú y Thế giới khuyến nghị cần hành động quyết liệt hơn nữa để kiểm soát sự lây lan của dịch cúm gia cầm ở động vật, qua đó hạn chế nguy cơ lây truyền sang người sau ca tử vong đầu tiên vì căn bệnh này được ghi nhận tại Mỹ.

Những tuyên bố chưa thực sự rõ ràng của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trong nỗ lực chấm dứt xung đột Nga – Ukraine, bất ổn trên chính trường châu Âu hay việc Thủ tướng Canada Justin Trudeau bất ngờ tuyên bố từ chức có thể khiến Ukraine ngày càng mất đi sự ủng hộ từ các đồng minh thân cận và viễn cảnh cho hòa bình còn khá xa vời.

Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran thông báo nước này đang triển khai xây dựng hai tổ máy mới tại Nhà máy Điện hạt nhân Bushehr, nằm ở tỉnh Bushehr, miền Nam nước này.

Chính phủ Anh thông báo sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào tội phạm buôn người. Đây là một phần nỗ lực của Luân Đôn nhằm ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp qua eo biển Manche.