Thách thức đầu tiên với tân Tổng tư lệnh Ukraine
Ukraine tuyên bố rút quân, Avdiivka thất thủ
Đơn vị xung kích của Quân đội Nga đã cắm cờ trên tấm bia ở trung tâm thành phố Avdiivka, nơi Tổng thống Ukraine Zelensky từng chụp ảnh kỷ niệm trong chuyến thăm đến đây vào tháng 12 năm ngoái, trong khi binh sỹ Ukraine ồ ạt rút khỏi thành phố. Avdiivka chính là thách thức đầu tiên đối với tân Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Ukraine - Oleksandr Syrskyi.
Trận chiến nhằm giành quyền kiểm soát thành phố nằm ở vùng công nghiệp Donbas, cách thành phố Donetsk do Nga kiểm soát khoảng 15 km về phía bắc, đã diễn ra ác liệt kể từ tháng 10 năm ngoái, nhưng giao tranh ngày càng tăng nhiệt thời gian gần đây. Trong thế tấn công như vũ bão, tuần trước, các lực lượng Nga đã chọc thủng tuyến phòng thủ của Ukraine ở rìa phía bắc và phía nam thành phố. Đêm 13/2, họ tiếp tục chặn một trong ba tuyến đường tiếp tế cho các đơn vị của Ukraine đồn trú ở Avdiivka.
Trước tình thế nguy cấp khi bị lực lượng Nga bao vây từ nhiều hướng, sáng sớm ngày 17/2, tân Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrskyi đã quyết định rút quân khỏi thành phố. Trong một tuyên bố đưa ra trên mạng xã hội Facebook, ông Syrskyi cho biết: “Dựa trên tình hình hoạt động xung quanh Avdiivka, để tránh bị bao vây và bảo toàn tính mạng cũng như sức khỏe của quân nhân, tôi quyết định rút các đơn vị của chúng tôi khỏi thành phố và chuyển sang phòng thủ trên những tuyến đường thuận lợi hơn”.
Cũng theo ông Oleksandr Syrskyi, Ukraine đang thực hiện các biện pháp để ổn định tình hình và duy trì vị trí, đồng thời cho biết thêm tính mạng của quân nhân có giá trị cao nhất.
Quyết định này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tướng Syrskyi và Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov đến thăm tiền tuyến ở Avdiivka, và cam kết gửi quân tiếp viện để ngăn chặn các lực lượng Nga tiến sâu hơn vào lãnh thổ.
Đầu tuần này, lữ đoàn xung kích số 3 – một đơn vị được phương Tây vũ trang tinh nhuệ đã được điều tới Avdiivka để giải vây cho lữ đoàn cơ giới số 110 trong tình cảnh bị bao vây và suy kiệt không còn khả năng chiến đấu, nhưng cũng không thể vãn hồi được cục diện ở thành phố này.
Avdiivka từng trải qua một thập kỷ đụng độ, kể từ năm 2014, giữa quân đội Ukraine và các lực lượng thân Nga. Ukraine đã đầu tư nhiều thời gian xây dựng hệ thống phòng ngự tại đây với những boongke sâu và các blogger quân sự Nga so sánh thị trấn này như một “pháo đài”.
Tuy vậy, các lực lượng Ukraine từng chiến đấu tại Avdiivka cho biết các điều kiện tại đây như “địa ngục” khi binh sỹ Nga “tấn công từ mọi hướng”.
Theo giới quan sát, Nga đã tận dụng việc Ukraine thiếu đạn pháo nghiêm trọng do viện trợ phương Tây bị đình trệ trong vài tháng qua. Với tiềm lực áp đảo, Nga trút “mưa” hỏa lực vào các vị trí, cứ điểm của Ukraine, bào mòn dần năng lực chiến đấu của đối phương.
Tướng Oleksandr Tarnavskyi, người đứng đầu các lực lượng Ukraine ở miền Nam cho biết Kiev không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rút lui, do Nga có lợi thế về hỏa lực và số lượng binh sĩ mà họ sẵn sàng tung vào trận chiến.
Ông Oleksandr Tarnavskyi - Người đứng đầu các lực lượng Ukraine ở miền nam cho hay: “Trong tình huống đối phương đang tiến vào với lợi thế về đạn pháo gấp 10 lần và bắn phá liên tục, rút quân là giải pháp đúng đắn duy nhất.”
Từng là nơi đặt nhà máy sản xuất than cốc và hóa chất lớn nhất châu Âu, Avdiivka có dân số khoảng 30.000 người trước xung đột nhưng hiện chỉ còn dưới 1.000 cư dân. Cả thành phố công nghiệp giờ chỉ còn là đống đổ nát.
Việc Ukraine rút khỏi Avdiivka đánh dấu sự thay đổi lớn nhất trên chiến tuyến kể từ khi quân đội Nga kiểm soát Bakhmut vào tháng 5/2023, cũng nằm ở vùng Donbas. Với việc kiểm soát Avdiivka, Nga đang hướng tới mục tiêu đảm bảo quyền kiểm soát hoàn toàn hai tỉnh tạo nên khu vực công nghiệp Donbas của Ukraine là Donetsk và Lugansk.
Kiểm soát Avdiivka cũng cho phép lực lượng Nga tiến xa hơn về phía tây của vùng Donetsk, và ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào các thị trấn và thành phố của Nga, và có thể mở đường cho Nga đổ quân tới Kostyantynivka - một thành trì khá quan trọng khác.
Avdiivka là chiến thắng quan trọng nhất trên chiến trường của Nga kể từ cuộc phản công thất bại của Ukraine vào năm ngoái, là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy các lực lượng Nga đang giành thế chủ động khi Kiev thiếu cả binh sỹ và vũ khí, đạn dược do sự ủng hộ từ phương Tây suy giảm.
Còn đối với Ukraine, để mất Avdiivka sẽ khiến Kiev gặp khó khăn hơn trong việc chiếm lại Donetsk, thành phố lớn nhất ở khu vực Donbas và tước đi vị trí của pháo binh Ukraine để tấn công các tuyến liên lạc của thành phố. Đánh mất thị trấn này cũng đồng nghĩa với việc làm suy giảm nhuệ khí chiến đấu của binh sỹ Ukraine trong bối cảnh cuộc phản công mùa hè và mùa thu đã thất bại, còn viện trợ của Mỹ thì rơi vào trạng thái bất định.
Bổ sung đạn dược cho tiền tuyến
Theo giới quan sát, trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ cấp bách nhất của Tướng Syrskyi sẽ là ổn định tiền tuyến. Một nhiệm vụ quan trọng khác cũng được ông ưu tiên là bổ sung cho đội ngũ đã kiệt sức tại một số lữ đoàn giỏi nhất của Ukraine và đẩy nhanh việc đưa đạn dược phương Tây đến tiền tuyến – cũng như cách thức đối phó cho đến khi điều đó xảy ra. Các ưu tiên khác bao gồm: tập trung hơn vào các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào cơ sở hạ tầng của Nga như kho nhiên liệu và căn cứ quân sự, tích hợp máy bay F-16 vào kế hoạch chiến đấu và phát triển nhanh chóng thế hệ không người lái tiếp theo.
Các binh sĩ Ukraine đồn trú ở thành phố Bakhmut, miền đông nước này cho biết họ đang cạn kiệt đạn dược, vũ khí, nhân lực và phải đối mặt với thách thức trong việc ngăn chặn quân đội Nga đột phá ở tiền tuyến.
Anh Denys – Lữ đoàn tấn công không quân Galician chuyên biệt số 80 cho biết: “Đạn dược luôn cần thiết, chiến tranh vẫn chưa kết thúc, vì vậy chúng tôi cần rất nhiều đạn dược, vũ khí và rất nhiều thứ khác nữa.”
Tướng Oleksandr Syrskyi, khi còn giữ chức chỉ huy lực lượng mặt đất, trong cuộc phỏng vấn với Reuters cũng thừa nhận quân đội Ukraine đang tổ chức các cuộc phản công nhỏ hơn và các cuộc giao tranh đều ở quy mô nhỏ hơn để tiết kiệm đạn dược và quân số.
Như vậy, gần hai năm kể từ khi xung đột nổ ra, Ukraine một lần nữa lại bị áp đảo về vũ khí. Ước tính hiện tại, Nga đang bắn 10.000 quả đạn pháo mỗi ngày so với 2.000 quả đạn pháo của Ukraine, tỷ lệ chênh lệch cực lớn này có thể còn tồi tệ hơn nếu không có sự hỗ trợ đạn dược trong tương lai của Mỹ.
Trong khi đó, với việc gói viện trợ quân sự trị giá 61 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Biden cho Ukraine vẫn bị chặn tại Quốc hội, từ vài tháng qua, Mỹ chỉ có thể gửi các gói viện trợ nhỏ hơn và sự chậm lại đã bắt đầu ảnh hưởng đến kế hoạch và hoạt động của quân đội Ukraine.
Việc khai thông viện trợ quân sự của Mỹ và thúc đẩy sản xuất đạn dược của châu Âu là những ưu tiên quan trọng nếu Ukraine chuyển từ trạng thái chờ đợi sang tấn công.
Trong chuyến thăm tới Ukraine mới đây, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell cam kết: “Chúng tôi nhất trí tạo điều kiện đẩy nhanh việc cung cấp đạn dược và tên lửa. Công việc đó đang được tiến hành, đang tăng tốc và đến cuối năm nay chúng tôi sẽ quyên góp cho lực lượng vũ trang Ukraine 1.155.000 quả đạn. Từ tháng 3 đến cuối năm mục tiêu là 631 nghìn.”
EU từng cam kết sản xuất một triệu quả đạn pháo cho Ukraine trong năm tính đến tháng 3. Tuy nhiên, con số sản xuất thực tế ước tính chỉ bằng một nửa.
Bổ sung nhân lực cho mặt trận
Một thách thức lớn đối với quân đội Ukraine đó là tình trạng thiếu nhân lực. Nguồn nhân lực của Nga lớn hơn ít nhất ba lần so với Ukraine. Người đứng đầu Cơ quan tình báo Quân đội Ukraine, Trung tướng Kyrylo Budanov từng nói rằng lực lượng Nga chỉ riêng ở bên trong và gần lãnh thổ Ukraine đã lên tới 510.000 quân nhân.
Các đơn vị chuyên nghiệp của Ukraine đã kiệt sức sau hai năm chiến đấu không ngừng nghỉ, hàng ngũ của họ mỏng dần vì thương vong. Ukraine không công bố số liệu nhưng giới chức Mỹ ước tính có tới 70.000 binh sĩ Ukraine thiệt mạng và gần gấp đôi con số đó bị thương.
Quy mô và tốc độ huy động bổ sung ở Ukraine là một câu hỏi chính trị hóc búa và là một nguyên nhân gây ra rạn nứt giữa Tổng thống Zelensky và Tướng Zaluzhnyi - người từng nói rằng quân đội cần thêm nửa triệu binh sĩ và chỉ trích những lỗ hổng trong luật pháp cho phép công dân trốn tránh trách nhiệm của mình.
Một dự luật được Quốc hội Ukraine thông qua sẽ hạ độ tuổi tối thiểu tham gia quân dịch từ 27 xuống 25 và đưa ra những hình phạt nặng đối với những người vi phạm các quy tắc huy động quân. Tuy nhiên vẫn còn phải xem biện pháp mới này có hiệu quả như thế nào.
Trong khi đó, Nga đang thể hiện quyết tâm trong một cuộc xung đột tiêu hao kéo dài tại Ukraine, và có khả năng điều động thêm hàng trăm nghìn binh sỹ tham chiến. Trong cuộc họp báo cuối năm 2023, Tổng thống Putin cho biết, Nga hiện có 617.000 binh sỹ đang chiến đấu ở Ukraine. Trước đó vào đầu tháng 12, ông Putin đã ký sắc lệnh tăng thêm 170.000 binh sỹ trong lực lượng vũ trang Nga, nâng tổng quân số lên đến 1,32 triệu người.
Đẩy mạnh hệ thống không người lái
Trong bài phát biểu công khai đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền, tân Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi cho biết quân đội nước này cần thích nghi và tìm ra những cách thức sáng tạo trong chiến đấu để giành chiến thắng trước Nga. Ông chỉ ra rằng máy bay không người lái và tác chiến điện tử là những ví dụ về công nghệ mới có thể giúp Ukraine giành chiến thắng. Tuy nhiên, Nga cũng không kém phần nhanh nhạy trong lĩnh vực này.
Bộ trưởng Kỹ thuật số Ukraine Mykhailo Fedorov trong một cuộc phỏng vấn mới đây cho biết trong năm 2024, Ukraine sẽ sản xuất hàng nghìn máy bay không người lái (UAV) tầm xa.
Các chỉ huy Ukraine cho biết máy bay không người lái có vai trò rất quan trọng để giành thế thượng phong trong cuộc xung đột. Trong những tháng gần đây Ukraine mở rộng các cuộc tấn công bằng UAV nhằm vào cơ sở hạ tầng quân sự, các tuyến giao thông và nhà máy lọc dầu của Nga ở xa chiến tuyến. Ukraine cũng được cho là đã phát triển các máy bay không người lái trên biển để phá huỷ một số tàu chiến của Hạm đội Biển Đen Nga. Mục đích chính của các hoạt động phá hoại là làm gián đoạn hoạt động hậu cần của Nga.
Tuy nhiên, không chỉ có Ukraine, Nga cũng đã quyết định tăng cường chi tiêu quân sự trong năm 2024, đồng thời yêu cầu tổ hợp công nghiệp-quốc phòng đẩy mạnh sản xuất vũ khí, từ máy bay không người lái đến máy bay chiến đấu. Moscow đang tích cực khai thác máy bay không người lái tấn công, trinh sát và tác chiến điện tử, khi số lượng hệ thống không người lái các loại, bao gồm cả hệ thống trên mặt đất đã tăng lên đáng kể.
Các binh sĩ Ukraine bảo vệ bầu trời xung quanh Thủ đô Kiev nói với CNN rằng Nga đang triển khai các phương pháp ngụy trang mới với đường bay đánh lừa đối phương và cải tiến kỹ thuật để khiến máy bay không người lái và tên lửa của họ khó bị hạ gục hơn. Quân đội Nga cũng đã khai thác công nghệ lượn để ném bom trên không chính xác hơn. Đây là một lý do khiến cuộc tấn công của Ukraine ở miền nam bị đình trệ vào mùa hè năm ngoái.
Theo giới quan sát, trong năm qua, các đồng minh cũng như các chỉ huy tiền tuyến của Ukraine dường như không còn lạc quan như trước. Và chính Tổng thống Zelensky cũng đã phải thừa nhận diều này.. Trong bối cảnh ấy, rất có thể sẽ không có bước đột phá sâu sắc nào trên chiến trường, và những nhiệm vụ đặt ra cho tân Tổng tư lệnh Syrskyi trên cương vị mới là không hề dễ dàng. Đến nay, dù đã sắp bước sang năm thứ ba và cả hai bên chịu tổn thất lớn, nhưng cuộc xung đột Nga – Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Nga có đủ nguồn lực để duy trì cuộc xung đột thêm 2 đến 3 năm nữa hoặc thậm chí còn lâu hơn. Nga đã tăng chi tiêu quốc phòng chính thức cho năm 2024 hơn 60% so với năm ngoái. Tổng chi tiêu quốc phòng hiện nay chiếm 1/3 ngân sách quốc gia và chiếm khoảng 7,5% GDP, cho thấy Moscow đang đặt trọng tâm vào cuộc xung đột này.
Báo chí Mỹ mới đây đưa tin Iran đang chuẩn bị tấn công Israel, có thể là trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11, nhằm trả đũa vụ Israel tiến hành chiến dịch không kích quy mô lớn nhằm vào hàng loạt mục tiêu quân sự của Iran hôm 26/10.
Vài ngày trước khi diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ, cuộc so găng giữa ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris vẫn hết sức gay cấn. Hầu hết, các chuyên gia nhận định đây là cuộc bầu cử khó dự đoán nhất lịch sử nước Mỹ, mọi kịch bản sẽ không loại trừ trong cuộc bỏ phiếu ngày 5/11 tới.
Gần 200 người đã thiệt mạng trong trận lũ quét ở vùng Valencia, miền Đông Tây Ban Nha. Trận lũ lụt chết người nhất ở Tây Ban Nha trong nhiều thập kỷ là một lời nhắc nhở đau thương rằng châu Âu chưa chuẩn bị đối phó với hậu quả của bầu khí quyển quá nóng.
Cuộc bầu cử Quốc hội Gruzia đã kết thúc với chiến thắng thuyết phục thuộc về đảng Giấc mơ Gruzia cầm quyền. Phe đối lập dựa vào sự ủng hộ của bên ngoài, không công nhận kết quả bầu cử và cố gắng tìm cách lật ngược kết quả thông qua các cuộc biểu tình và khiêu khích sử dụng vũ lực. Những diễn biến này giống với những cuộc cách mạng màu của những năm trước.
Ngày 31/10, Triều Tiên xác nhận đã phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Đây là vụ phóng thử ICBM đầu tiên sau gần một năm, cho thấy khả năng tấn công hạt nhân tầm xa tiềm tàng của nước này.
Từ một tỉ phú, ngôi sao truyền hình, ngày 20/1/2017, ông Donald Trump đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Trong nhiệm kỳ 4 năm của mình, ông trở thành vị Tổng thống gây nhiều tranh cãi. Dù sẽ còn mất nhiều năm lẫn nhiều giấy mực để các nhà sử học và báo chí nhận định về nhiệm kỳ của ông, nhưng những dấu ấn mà ông tạo ra có lẽ sẽ còn lưu lại rất lâu.
0