Thách thức lớn về đảm bảo an toàn cho chính trị gia tại Mỹ

Chỉ hai tháng sau vụ bị ám sát hụt tại cuộc vận động tranh cử ở bang Pennsylvania, Mỹ, cựu Tổng thống Donald Trump, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, lại một lần nữa thoát nạn trước một âm mưu ám toán nhằm vào mình. Trước hai vụ ám sát ứng cử viên Tổng thống bất thành - sự việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, người dân Mỹ đang hoài nghi về khả năng bảo vệ những nhân vật quan trọng của lực lượng mật vụ nước này.

Tình tiết vụ mưu sát ông Trump lần hai

Cựu Tổng thống Donald Trump, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, lại vừa bị ám sát không thành tại sân golf ở West Palm Beach, bang Florida. Lần này, ông Trump vẫn an toàn và không thương tích gì. Việc một ứng viên tổng thống bị ám sát hụt hai lần trong vòng hai tháng là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chính trị Mỹ.

Sự việc xảy ra ngày 15/9, tại Câu lạc bộ golf quốc tế Trump tại West Palm Beach, Florida,  khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có mặt tại đây.

Lực lượng mật vụ Mỹ đã phát hiện một cá nhân có vũ trang đang cố gắng vượt qua hàng rào bao quanh Câu lạc bộ. Người này có vẻ đã chĩa súng trường kiểu AK về phía sân golf.

Cảnh sát trưởng hạt Palm Beach Ric Bradshaw cho biết đối tượng nổ súng cách ông Trump từ 365 - 457 m và bắn ít nhất 4 lần.

Cảnh sát phong tỏa bên ngoài sân golf ở West Palm Beach, nơi xảy ra vụ nổ súng nhằm vào cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngày 15/9/2024. Ảnh: Reuters.

Mật vụ đã bắn nhiều phát súng, buộc nghi phạm phải chạy trốn khỏi hiện trường trên một chiếc xe Nissan màu đen. Trước khi chạy trốn, nghi phạm vứt khẩu súng trường, hai chiếc ba lô và các vật dụng khác ở hiện trường.

Cảnh sát trưởng quận Palm Beach cho biết một nhân chứng đã nhìn thấy tay súng và chụp ảnh chiếc xe và biển số xe của hắn. Sau đó, các nhà chức trách đã gửi cảnh báo đến các cơ quan trên toàn tiểu bang với thông tin về chiếc xe và lực lượng cảnh sát quận Martin lân cận đã dừng chiếc xe lại và bắt giữ nghi phạm trên đường I-95.

Chúng tôi đã chặn chiếc xe mà FBI, Sở Mật vụ và Sở Cảnh sát trưởng quận Palm Beach yêu cầu tất cả các cơ quan thực thi pháp luật tìm kiếm. Chúng tôi có mô tả về chiếc xe. Chúng tôi có biển số. Chúng tôi đã huy động lực lượng truy tìm trên đường cao tốc liên bang. Hai đơn vị của tôi đã bắt được chiếc xe. Sau đó, FBI và Sở Mật vụ đã có mặt tại hiện trường. Chúng tôi chắc chắn đã có chiếc xe liên quan đến vụ việc tại Mar-a-Lago và chúng tôi đã bắt giữ được nghi phạm mà họ đang tìm kiếm. Và bây giờ FBI và Sở Mật vụ sẽ tiếp quản cuộc điều tra đó.

Ông William Snyder, Cảnh sát trưởng quận Martin.

Người đàn ông ám sát hụt ông Trump tại Câu lạc bộ golf Florida, đã được nhiều phương tiện truyền thông đưa tin trích dẫn nguồn tin ẩn danh từ cơ quan thực thi pháp luật, là Ryan Wesley Routh, 58 tuổi, sống tại bang Hawaii.

Ryan Wesley Routh, 58 tuổi, sống tại bang Hawaii - người ám sát hụt ông Trump. Ảnh: NY Post.

Routh làm việc trong ngành xây dựng, không có kinh nghiệm quân sự. Hồ sơ cảnh sát cho thấy Routh từng hàng chục lần chạm trán với lực lượng hành pháp và từng bị bắt khi còn sinh sống tại bang Bắc Carolina, với các tội danh như tàng trữ ma túy, lái xe mà không có bằng, điều khiển phương tiện hết hạn đăng kiểm và không có bảo hiểm.

Theo John Miller, chuyên gia phân tích tình báo và thực thi pháp luật của CNN, các trang mạng xã hội của Routh tràn ngập các bài đăng được cho là ủng hộ Ukraine. Năm 2022, nghi phạm đăng tải một loạt bài viết trên mạng xã hội X. Một trong những bài viết đó nói người đàn ông này sẵn sàng chiến đấu cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Cuối năm 2022, Routh sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để kêu gọi người ngoại quốc tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine. Ông nhắm đến những lính nghĩa vụ Afghanistan và tự coi mình là người liên lạc không chính thức cho Ukraine.

Nhiệm vụ của Cơ quan mật vụ Mỹ

Trước đó hôm 13/7,  cựu Tổng thống Donald Trump đã bị bắn sượt tai phải trong một vụ ám sát hụt.

Sự việc làm dấy lên câu hỏi về việc bảo vệ các ứng cử viên chỉ vài tháng trước cuộc bầu cử có khả năng diễn ra rất căng thẳng vào ngày 5/11 khi ông sẽ đối đầu với Phó Tổng thống Kamala Harris. Âm mưu ám sát nhằm vào ông Donald Trump ở câu lạc bộ golf cũng là lời nhắc nhở về những thách thức mà mật vụ Mỹ phải đối mặt khi bảo vệ cựu Tổng thống ở ngoài trời.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump được lực lượng mật vụ bảo vệ sau khi bị bắn sượt qua tai hôm 13/7. Ảnh: Reuters.

Mật vụ Mỹ đã củng cố đáng kể đội ngũ bảo vệ ông Trump sau khi cơ quan này bị chỉ trích dữ dội vì vụ ám sát hụt mà ông phải đối mặt ở Butler, Pennsylvania.

Trong vụ ám sát hụt lần hai, mật vụ Mỹ đã ngăn chặn được vụ việc trước khi đạn được bắn ra khỏi nòng. Vụ việc cho thấy những cải tổ của phía mật vụ bao gồm triển khai thêm nhân lực, tăng cường thông tin tình báo thực địa có thể đã phát huy tác dụng một phần nào đó.

Kể từ vụ việc xảy ra ở Butler, Pennsylvania, cơ quan mật vụ đã thực sự cố gắng tăng mức độ bảo vệ. Họ cho biết đã tăng gấp đôi số lượng nhân viên mà họ thường có cách đây khoảng một hoặc hai năm. Vấn đề chỉ là, bạn không thể loại bỏ tất cả các mối đe dọa tiềm tàng. Đó là thực tế hiện nay.

Ông Jason Russell, cựu nhân viên mật vụ Mỹ.

Tuy nhiên, theo New York Times, việc một tay súng vẫn có thể mang một khẩu súng trường bán tự động có ống ngắm đến cách ông Trump chỉ vài trăm mét cho thấy các vấn đề đã xảy ra ở Butler hai tháng trước dường như vẫn chưa được giải quyết triệt để. Vụ việc lần này cũng cho thấy mật vụ Mỹ ngày càng đối mặt với khó khăn lớn hơn trong môi trường chính trị khó lường và có xu hướng gia tăng bạo lực.

Vấn đề lớn nhất mà mật vụ đối mặt trong việc bảo vệ ông Trump chính là việc lập ra một vòng an toàn xung quanh cựu Tổng thống để ngăn ngừa các mối đe dọa.

Cảnh sát trưởng Ric Bradshaw của hạt Palm Beach ngày 15/9 cho biết, ông Trump, với cương vị cựu Tổng thống và cũng là ứng cử viên tổng thống, không thể nhận được sự bảo vệ bằng của một tổng thống đương nhiệm. Ông Bradshaw cho rằng, lần tới nếu ra sân golf, ông Trump sẽ cần có thêm các lớp bảo vệ xung quanh.

Cảnh sát trưởng quận Palm Beach, Ric Bradshaw cầm bức ảnh chụp khẩu súng trường và các vật dụng khác được tìm thấy gần nơi phát hiện nghi phạm. Ảnh: News 3 Las Vegas.

Theo The Guardian, Cơ quan mật vụ Mỹ cho biết họ có bố trí lực lượng lại một số điểm gần các lỗ trên sân golf mà ông Donald Trump hiện diện khi xảy ra vụ ám sát hụt hôm 15/9. Nhờ vậy, các đặc vụ phát hiện một nòng súng trường kiểu AK nhô ra khỏi bụi cây dọc theo sân golf, cách họ gần 400 m.

Có những câu hỏi được đặt ra về việc ông Trump tiếp tục trở thành mục tiêu ám sát, nhưng mật vụ Mỹ lần này được khen ngợi vì đã ngăn chặn được vụ việc. Các nhà lập pháp ở cả hai đảng đều ghi nhận việc mật vụ Mỹ lần này đã phản ứng nhanh, nhưng các nghị sĩ tuyên bố sẽ điều tra về chu vi bảo vệ mà mật vụ Mỹ thiết lập quanh ông Trump.

Làm thế nào, sau khi suýt bị ám sát ở Butler vào tháng 7, ông Trump lại có thể ra ngoài chơi golf trong một bối cảnh dường như không thể đảm bảo được? Vì sao một ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa lại bị ám sát hụt tới hai lần?

Cơ quan mật vụ (USSS) là một trong những cơ quan thực thi pháp luật liên bang lâu đời nhất của Mỹ. Được thành lập lần đầu tiên vào năm 1865 để giải quyết nạn làm tiền giả trong thời kỳ sơ khai của nền tài chính của Mỹ, ban đầu, nó chỉ là một cục của Bộ Tài chính. Theo trang web chính thức của Cơ quan mật vụ, vai trò của cơ quan này đã thay đổi sau vụ ám sát Tổng thống McKinley vào năm 1901. Sau vụ việc, Cơ quan mật vụ được giao nhiệm vụ bảo vệ toàn thời gian cho Tổng thống Mỹ. Theo thời gian, sứ mệnh bảo vệ này đã được mở rộng nhờ những thay đổi về luật pháp, quyết định của tổng thống, chỉ thị của tổng thống về an ninh nội địa, chỉ thị của tổng thống về an ninh quốc gia và nhiều sắc lệnh hành pháp khác nhau.

Tranh minh họa vụ ám sát Tổng thống William McKinley tại triển lãm liên Mỹ ở Buffalo, bang New York năm 1901. Ảnh: Library of Congress.

Năm 1998, cơ quan này một lần nữa được mở rộng nhờ Quyết định 62 của Tổng thống (PDD 62) thành lập Cơ quan mật vụ với tư cách là cơ quan liên bang chủ trì và điều phối việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch an ninh cho các Sự kiện An ninh Đặc biệt Quốc gia (NSSE).

Trong hơn một thập kỷ qua, uy tín của USSS bị suy giảm mạnh sau một số bê bối đáng chú ý. Năm 2014, một kẻ đột nhập cầm dao nhảy qua hàng rào Nhà Trắng và đi vào qua cửa trước. Năm 2011, một tay súng đã bắn nhiều phát đạn vào Nhà Trắng từ khẩu súng trường bán tự động.

Nhiệm vụ trọng tâm của Cơ quan mật vụ Mỹ là bảo vệ Tổng thống Mỹ, cùng với các cựu tổng thống, gia đình của họ và các nhân vật chính trị cấp cao khác, bao gồm cả các nguyên thủ quốc gia và ứng cử viên tổng thống các nước đến thăm Mỹ. Số lượng yếu nhân cần bảo vệ tăng lên, đồng nghĩa với sự quá tải trong công việc của các đặc vụ USSS. Báo cáo cho hay, tình trạng luân chuyển nhân viên và tuyển dụng không đủ nhân sự dẫn đến đội ngũ nhân viên USSS luôn phải làm việc quá sức trong môi trường căng thẳng. Trong khi đó, dường như có lỗ hổng trong đào tạo nhân viên mới, dẫn tới sự thiếu hụt kinh nghiệm trong ứng phó tình huống. Từ đây, nhiều sai sót, sơ hở không đáng có từng bước làm sụt giảm uy tín mật vụ Mỹ.

Cơ quan mật vụ (USSS) là một trong những cơ quan thực thi pháp luật liên bang lâu đời nhất của Mỹ. Ảnh: blesk.cz.

Dẫu sao cũng khó có thể đổ lỗi cho các yếu tố khách quan, khi mà vào năm 2023, USSS đã tuyển dụng hơn 600 nhân viên mới, và ngay trước vụ ám sát hụt ứng cử viên Trump hôm 13/7, cơ quan này đã tăng cường an ninh bảo vệ cựu Tổng thống. Đó là lý do khiến Quốc hội Mỹ mở rộng điều tra vượt ra ngoài những gì đã xảy ra trong vụ ám sát hụt ứng cử viên Donald Trump, nhằm xem xét lại tính minh bạch, vấn đề nhân sự và phạm vi nhiệm vụ của USSS.

Vấn đề bạo lực chính trị tại Mỹ

Sau nhiều thập kỷ không xảy ra bạo lực chính trị nhằm vào các ứng viên tổng thống của một trong hai đảng lớn, nước Mỹ đã trải qua hai sự cố trong vòng hai tháng và cả hai đều nhằm vào cựu Tổng thống Donald Trump. Việc một nhân vật chính trị tầm cỡ của Mỹ bị ám sát hụt nhiều lần trong giai đoạn nước rút của cuộc bầu cử làm dấy lên nhiều lo ngại về một đất nước vốn đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự chia rẽ đảng phái.

Xét đến tình trạng bạo lực súng đạn đang lan tràn khắp nước Mỹ, những cuộc tấn công như thế này có thể là một “điều bình thường mới” không thể tránh khỏi. Nhưng hiện tại, điều này vẫn còn gây sốc.

Những chi tiết về vụ ám sát hụt, đặc biệt là danh tính và động cơ của kẻ tấn công, cuối cùng sẽ quyết định tác động đối với nền chính trị Mỹ. Nhưng, ít nhất vào lúc này, có vẻ như bạo lực kiểu này ngày càng trở thành một phần của nước Mỹ ngày nay.

Nước Mỹ đã trải qua hai sự cố trong vòng hai tháng và cả hai đều nhằm vào cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: NBC.

Trong tuyên bố đầu tiên sau sự cố ở sân golf, ông Trump đã cam kết rằng không điều gì có thể làm chậm bước hoặc khiến ông đầu hàng.

Phản ứng này phù hợp với chiến dịch tranh cử mà ông Trump thường lập luận rằng ông đã trở thành mục tiêu bị tấn công vì ông lên tiếng thay cho những người Mỹ bị lãng quên.

Ông Trump thường nói: “Họ không nhằm vào tôi, họ nhằm vào các bạn. Tôi chỉ đang đứng cản đường họ”.

Giờ đây, cựu Tổng thống Trump có thêm một ví dụ kịch tính nữa để minh họa cho quan điểm của mình.

Ông Trump đã cập nhật trên trang web gây quỹ của mình bằng một thông điệp mạnh mẽ sau khi bị ám sát hụt lần thứ hai: “Đừng sợ! Tôi an toàn và khỏe mạnh, không ai bị thương. Tạ ơn Chúa! Nhưng có những người trên thế giới này sẵn sàng làm mọi thứ để ngăn chặn chúng ta. Tôi sẽ không ngừng chiến đấu vì các bạn. Tôi sẽ không bao giờ đầu hàng. Tôi luôn yêu quý các bạn vì đã ủng hộ tôi. Bằng sự đoàn kết, chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.”

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên án mọi hành vi bạo lực chính trị ở Mỹ, đồng thời chỉ đạo Cơ quan mật vụ Mỹ huy động “mọi nguồn lực” để bảo vệ ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa.

Không có chỗ cho bạo lực chính trị tại Mỹ. Chúng ta giải quyết những bất đồng của mình một cách hòa bình bằng lá phiếu, chứ không phải bằng súng. Nước Mỹ đã phải chịu đựng quá nhiều thảm kịch do súng đạn của kẻ ám sát. Nó không giải quyết được gì và chỉ làm vấn đề thêm trầm trọng. Chúng ta phải làm mọi cách có thể để ngăn chặn bạo lực và không để nó bùng phát thêm nữa.

Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Thông thường, một hành động được cho là ám sát hụt nhắm vào một ứng viên tranh cử tổng thống có thể khơi dậy sự cảm thông từ phía cử tri, từ đó chuyển thành một cú huých về mặt chính trị.

Tuy nhiên, vụ việc lần này xảy ra trong bối cảnh cuộc đua giữa bà Harris và ông Trump đang ở thế sít sao và cả hai phải nỗ lực để giành được sự ủng hộ từ khoảng vài trăm nghìn cử tri đang lưỡng lự tại các bang tranh chấp.

Hiện chưa rõ ông Trump có thể chinh phục được bao nhiêu phần trong số những cử tri nói trên, đặc biệt là với hình ảnh một chính trị gia thường gây chia rẽ đất nước kể từ khi tỷ phú này lần đầu tham gia chính trường vào năm 2015.

Hiện tại, ít nhất vụ ám sát dường như sẽ tạo ra các tin tức mới, tạm thời làm người ta bớt chú ý đến những ngày khó khăn vừa qua trong chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Trump. Với những tính huống bất ngờ, gây sốc như thời gian vừa qua, dự kiến, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ xưa nay vốn đã luôn gây bất ngờ sẽ càng trở nên kịch tính hơn tại cuộc bầu cử năm nay.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 15/11 đã lên tiếng phản đối việc các nhà lãnh đạo phương Tây nói chuyện với Moscow về đàm phán chấm dứt xung đột.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã chọn trợ lý lâu năm Karoline Leavitt làm thư ký báo chí Nhà Trắng.

Một con tàu từ Tromso mới đây đã bắt được 200kg cá bơn và ... một tàu ngầm Mỹ nặng 7.800 tấn.

Kiev phản đối việc các nhà lãnh đạo phương Tây nói chuyện với Moscow về việc đàm phán chấm dứt xung đột.

Tổng công ty Đường sắt đô thị Delhi cho biết sẽ đưa thêm 20 chuyến tàu vào chạy bổ sung với kỳ vọng giúp làm giảm mật độ xe ô tô cá nhân lưu thông trên đường. Chính quyền hạn chế hoạt động của các loại phương tiện giao thông gây ô nhiễm.

Một nguồn tin của chính phủ Đức cho biết, vào chiều ngày 15/11, theo giờ địa phương, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm trong một tiếng.