Thách thức với Trung Quốc khi ông Trump trở lại Nhà Trắng
Những gương mặt cứng rắn trong chính quyền Trump 2.0
Một cuộc đối đầu mới giữa hai siêu cường đã sớm được dự báo qua việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đề cử những nhân vật nổi tiếng về quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc tham gia vào chính quyền sắp tới của mình, cho thấy chính quyền Trump 2.0 sẽ có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh trong nhiều lĩnh vực, từ an ninh quốc gia đến thương mại.
Giới chức Trung Quốc chắc hẳn đã nhận thức rõ ràng những thách thức và cả cơ hội đối với nước này sau chiến thắng của ông Donald Trump. Trong thông điệp chúc mừng ông Trump đắc cử tổng thống hôm 7/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh hợp tác giữa hai nước sẽ có lợi cho cả hai bên.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chúc mừng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ ra rằng lịch sử đã cho chúng ta thấy rằng hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ có lợi cho cả hai bên và rằng chiến tranh sẽ gây tổn hại cho cả hai bên. Một mối quan hệ Trung - Mỹ ổn định, lành mạnh và bền vững phù hợp với lợi ích chung của hai nước và kỳ vọng của cộng đồng quốc tế.
Bà Mao Ning - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Mặc dù vậy, mối quan hệ hợp tác mà Bắc Kinh mong muốn có thể sẽ khó trở thành hiện thực trong nhiệm kỳ tới đây của ông Donald Trump. Đã có nhiều dấu hiệu cho thấy quan hệ Mỹ - Trung sẽ trở nên rất khó khăn dưới thời chính quyền Trump sắp tới, sau khi những nhân vật nổi tiếng với quan điểm cứng rắn về Trung Quốc được ông Trump đề cử vào chính quyền.
Ngày 12/11, ông Trump đã đề cử cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia John Ratcliffe làm Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), người dẫn chương trình FOX News Pete Hegseth làm Bộ trưởng Quốc phòng, và Nghị sĩ Florida Michael Waltz làm Cố vấn an ninh quốc gia.
Trước đó, Tổng thống đắc cử Mỹ đã đề cử bà Elise Stefanik, Hạ nghị sĩ bang New York, làm đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc và Thượng nghị sĩ bang Florida, ông Marco Rubio làm Ngoại trưởng. Cả 5 người này đều được biết đến với quan điểm cho rằng Mỹ và Trung Quốc đang bị mắc kẹt trong một cuộc đấu tranh giành quyền lực, đồng thời ủng hộ lập trường cứng rắn đối với Bắc Kinh.
Đặc biệt, ông Rubio, người được đề cử làm Ngoại trưởng vào năm 2020 từng bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc và nằm trong danh sách 11 quan chức Mỹ bị Trung Quốc trừng phạt do quan điểm về các cuộc biểu tình ở Hong Kong.
Thông báo gần đây về các quan chức cấp cao mà ông Trump đề cử sẽ khiến Mỹ và Trung Quốc rất khó để duy trì mối quan hệ tốt đẹp. Nếu những người như ông Marco Rubio được xác nhận là Ngoại trưởng Mỹ, thì điều đó sẽ đặt ra một thách thức đáng kể cho Trung Quốc, vì Bắc Kinh sẽ phải dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với ông Rubio, nếu không, họ sẽ không thể làm việc với Ngoại trưởng Mỹ. Nhưng ngay cả khi họ có thể làm được điều đó, thì các cuộc trò chuyện giữa ông Rubio và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vẫn sẽ không dễ dàng.
Ông Steve Tsang - Giám đốc Viện Soas Trung Quốc.
Những đề cử khác cũng có đường lối cứng rắn đối với Trung Quốc bao gồm cựu Đại sứ tại Đức Richard Grenell, Thượng nghị sĩ Tennessee Bill Hagerty và cựu Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer.
Tờ Thời báo Phố Wall, trích dẫn những nguồn tin quen thuộc với vấn đề này, cho biết ông Trump có kế hoạch bổ nhiệm ông Lighthizer, người được mệnh danh là “kiến trúc sư” của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài ba năm dưới nhiệm kỳ đầu của mình, làm Bộ trưởng Thương mại.
Trong khi đó, trên cương vị người đứng đầu cơ quan tình báo hàng đầu của Mỹ, ông Ratcliffe, có khả năng sẽ ưu tiên mối đe dọa an ninh được cho là do Trung Quốc gây ra. Trong một bài xã luận năm 2020 cho tờ Thời báo phố Wall, cựu Nghị sĩ bang Texas này đã gọi Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ hiện nay”.
Ngoài ra, ông Hegseth, người được Tổng thống đắc cử Mỹ lựa chọn làm Bộ trưởng Quốc phòng, cũng đã bày tỏ quan điểm tương tự về quy mô của mối đe dọa từ Trung Quốc. Trong một lần xuất hiện trên YouTube vào đầu tháng này, ông Hegseth từng tuyên bố rằng Trung Quốc đang “xây dựng một đội quân chuyên đánh bại nước Mỹ”, cũng như sử dụng sự thống trị của mình trong lĩnh vực công nghệ và sản xuất để tích lũy ảnh hưởng toàn cầu.
Nguy cơ về một cuộc chiến thương mại mới
Trong năm qua, Mỹ và Trung Quốc đã cố gắng kiểm soát cuộc cạnh tranh của họ để trấn an thế giới rằng căng thẳng giữa các siêu cường sẽ không leo thang thành xung đột. Nhưng việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng có thể sẽ làm đảo lộn sự cân bằng mong manh đó. Theo nhận định của giới quan sát, đường lối chủ đạo trong chính sách với Trung Quốc của chính quyền Trump 2.0 sẽ còn cứng rắn hơn nhiệm kỳ đầu tiên, trong đó kinh tế, cụ thể là thuế quan, sẽ là lĩnh vực đầu tiên chịu tác động.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, với cam kết sẽ “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, ông Donald Trump đã phát động một cuộc chiến thương mại căng thẳng với Trung Quốc, đưa tập đoàn viễn thông khổng lồ của nước này là Huawei vào danh sách đen vì lý do an ninh quốc gia và đổ lỗi cho Bắc Kinh về đại dịch Covid-19. Vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, quan hệ song phương Mỹ - Trung đã lao dốc xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Lần này, trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã đe dọa sẽ áp thuế 60% đối với tất cả hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc và thu hồi quy chế “quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn” của nước này, vốn mang lại cho Trung Quốc các điều khoản thương mại thuận lợi nhất với Mỹ trong hơn hai thập kỷ.
Tôi nghĩ chắc chắn trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump, Mỹ sẽ có cách tiếp cận thương mại cứng rắn hơn nhiều đối với Trung Quốc. Bất kể bạn nghĩ gì về ông Trump, hầu hết thời gian ông ấy đều làm những gì ông ấy nói. Và rất rõ ràng là ông ấy thực sự thích thuế quan.
Ông Steve Tsang - Giám đốc Viện Soas Trung Quốc.
Mức thuế 60% nếu được áp đặt có thể giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Trung Quốc vốn đã bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng bất động sản, nhu cầu tiêu dùng giảm sút và nợ của chính quyền địa phương tăng cao. Ngân hàng đầu tư Macquarie ước tính, mức thuế này của Mỹ có thể làm giảm tới hai điểm phần trăm, hay khoảng một nửa, mức tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến của Trung Quốc.
Trên thực tế, thuế đánh vào hàng nhập khẩu sẽ gây tổn hại cho người tiêu dùng tại quốc gia áp thuế, cũng như các doanh nghiệp phụ thuộc và nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian nhập khẩu để sản xuất ra các sản phẩm hoàn thiện. Căng thẳng thương mại leo thang đáng kể có thể sẽ gây tổn hại không chỉ cho Trung Quốc và Mỹ mà còn cả các quốc gia khác tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Không dừng lại ở thuế quan cao hơn, một nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Donald Trump cũng có khả năng sẽ hạn chế lượng công nghệ chảy từ Mỹ hoặc châu Âu vào Trung Quốc. Điều này sẽ làm suy giảm khả năng phát triển công nghệ của Trung Quốc, tác động tiêu cực đến tham vọng của Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu về AI toàn cầu vào năm 2030.
Ngoài ra, chính quyền mới ở Mỹ cũng có thể theo đuổi chiến lược tách rời kinh tế để “giảm nguy cơ” khỏi sự tiếp xúc với Trung Quốc. Theo đó, Mỹ có thể sẽ chuyển chuỗi cung ứng của mình sang nơi khác và hạn chế đầu tư vào Trung Quốc.
Trước nguy cơ đòn thuế quan từ Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump có thể gây tổn hại cho nền kinh tế, từ nhiều tháng qua, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã cân nhắc các biện pháp ứng phó. Mới đây, tờ Thời báo Phố Wall cho biết chính phủ Trung Quốc đang xem xét kế hoạch cắt giảm thuế quan, miễn thị thực, tăng cường đầu tư và các ưu đãi khác cho các nước châu Âu và châu Á có quan hệ gần gũi với Mỹ. Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng đang cố gắng thúc đẩy khả năng tự cường và bảo vệ nền kinh tế đất nước khỏi những rủi ro bên ngoài.
Trong một động thái mới nhất, ngày 8/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã nhất trí thông qua gói kích thích 6 nghìn tỷ nhân dân tệ (837 tỷ USD) để giải quyết những thách thức kinh tế trong nước, đặc biệt là khoản nợ của chính quyền địa phương và thị trường địa ốc; đồng thời cam kết các biện pháp hỗ trợ tài chính “mạnh mẽ” hơn để hỗ trợ tăng trưởng. Đây được coi là gói kích thích kinh tế gần như lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008. Môi trường thuế quan quốc tế khắc nghiệt buộc Trung Quốc phải dựa nhiều hơn vào nhu cầu trong nước để thúc đẩy tăng trưởng. Họ không còn cách nào khác ngoài phải đả thông điểm nghẽn bất động sản, tạo ra môi trường tín dụng thông thoáng.
Thách thức đi cùng cơ hội
Theo các chuyên gia, mặc dù không tránh khỏi những lo ngại về tính khó lường trong chính sách của ông Trump nhưng giới chức Trung Quốc cũng nhận thấy rằng thách thức có thể mang lại cơ hội. Lập trường “Nước Mỹ trên hết”, với chính sách bảo hộ thương mại và cách tiếp cận kiểu giao dịch trong chính sách đối ngoại của ông Trump có thể sẽ có lợi cho Bắc Kinh, khi có thể làm suy yếu các liên minh và sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, từ đó tạo cơ hội để Trung Quốc lấp đầy khoảng trống do Mỹ rút lui và định hình một trật tự thế giới thay thế.
Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden đã khiến Bắc Kinh thất vọng sâu sắc từ khi nhậm chức, vì ông hầu như giữ nguyên mức thuế từ thời ông Trump, sau đó bổ sung một loạt chính sách nhằm ngăn chặn nguồn tài trợ và công nghệ cao của Mỹ giúp Trung Quốc tăng cường năng lực công nghệ và quân sự. Theo giới phân tích, những biện pháp này đã ảnh hưởng đáng kể đến hệ sinh thái bán dẫn và sự phát triển của Trung Quốc. Đồng thời, việc ông Biden hồi sinh và nuôi dưỡng các quan hệ liên minh của Mỹ trên khắp châu Á, thể hiện qua nỗ lực đưa Seoul và Tokyo xích lại gần nhau hơn trong hợp tác an ninh khu vực, ủng hộ các nhóm an ninh như AUKUS và Quad, khiến Bắc Kinh ngày càng cảnh giác.
Tổng thống Biden cũng thắt chặt quan hệ xuyên Đại Tây Dương để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, lôi kéo các đối tác châu Âu tham gia nỗ lực “giảm thiểu rủi ro” cho chuỗi cung ứng từ hàng hóa Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Donald Trump từng gây xôn xao khắp châu Âu khi tuyên bố ông sẽ không bảo vệ đồng minh NATO nào không chi tiêu đủ cho quốc phòng. Tổng thống đắc cử Mỹ cũng tỏ ra sẵn sàng sử dụng biện pháp thương mại chống lại châu Âu, dù chắc chắn điều đó sẽ làm xấu đi mối quan hệ xuyên Đại Tây dương. Theo giới quan sát, việc ông Trump theo đuổi “chủ nghĩa đơn phương”, nghĩa là ít quan tâm đến việc duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, do đó sẽ tạo ra cơ hội để Bắc Kinh lấp vào chỗ trống.
Bất chấp mối lo ngại về một cuộc chiến thương mại mới, Bắc Kinh tin rằng các chính sách thuế quan cứng rắn của ông Trump sẽ không được ủng hộ ở châu Âu, tạo cơ hội cho Trung Quốc tăng cường quan hệ kinh tế với châu lục này và chống lại nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường tách rời công nghệ và chuỗi cung ứng giữa Trung Quốc và các nước phương Tây.
Ông Tong Zhao, Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế.
Bên cạnh đó, thái độ không mấy mặn mà của ông Trump với NATO cũng như các liên minh và thế chế quốc tế nói chung, cũng đe dọa làm suy yếu các liên minh của Mỹ mà Tổng thống Joe Biden dày công vun đắp để chống lại những gì mà Washington cho là mối đe dọa từ một Trung Quốc đang trỗi dậy. Điều đó sẽ mang lại sự nhẹ nhõm kịp thời cho Bắc Kinh, vốn ngày càng khó chịu với những gì họ coi là chiến lược bao vây và kiềm chế Trung Quốc của Washington bằng một “NATO châu Á”.
Việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng được nhận định sẽ làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ vốn đã bất ổn giữa hai siêu cường. Tuy nhiên, vẫn có cơ hội để hai bên cùng ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết bất đồng và cùng tìm giải pháp cho những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, như cuộc xung đột Nga - Ukraine. Ông Trump từng tuyên bố rằng sẽ nhanh chóng kết thúc cuộc chiến mà không nói rõ bằng cách nào, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của cả Nga và Ukraine.
Những mối quan hệ kinh tế chặt chẽ này mang đến cho Trung Quốc cơ hội độc nhất vô nhị để đóng vai trò lớn hơn trong các nỗ lực kiến tạo hòa bình. Ngoài ra, truyền thông Trung Quốc cũng nhìn thấy một tia hy vọng khác cho việc hàn gắn quan hệ Mỹ - Trung, khi Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk, nhà tài trợ chính, người ủng hộ mạnh mẽ chiến dịch tranh cử của ông Trump, nhưng cũng có lợi ích kinh doanh đáng kể ở Trung Quốc, có thể đóng vai trò là cầu nối. Một số người dùng mạng xã hội Weibo của Trung Quốc thậm chí còn gợi ý rằng ông Musk có thể trở thành đại sứ Mỹ tiếp theo tại nước này, nói rằng Trung Quốc sẽ rất vui khi thấy ông ấy đóng vai trò giúp hai quốc gia hiểu nhau hơn. Bởi về cơ bản, đây là những cơ hội đôi bên cùng có lợi khi hợp tác.
Hàng trăm người Syria đã trở về quê hương kể từ khi các cửa khẩu biên giới mở cửa trở lại vào đầu tháng này, gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong cộng đồng người dân Thổ Nhĩ Kỳ về những tác động kinh tế và xã hội của việc này.
Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố áp thuế 25% lên hàng hóa từ Mexico và Canada, nhằm kiểm soát ma túy và người di cư. Các doanh nghiệp Mexico cảnh báo rằng điều này không chỉ vi phạm thỏa thuận thương mại tự do mà còn đe dọa nghiêm trọng đến sức cạnh tranh và đầu tư song phương giữa hai nước.
Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov cáo buộc Mỹ đã châm ngòi cho các cuộc xung đột trên toàn thế giới và phá vỡ các hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng của chiến tranh lạnh.
Hôm nay 19/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ chủ trì cuộc họp báo cuối năm. Công dân từ nhiều vùng khác nhau của Nga đã gửi câu hỏi và đề xuất của mình tới tổng thống.
Ngày 18/12, Israel đã tiến hành một cuộc không kích đánh trúng một ngôi nhà gần Bệnh viện ở dải Gaza, gây ra nhiều thương vong.
Đại cử tri đoàn đã xác nhận ông Donald Trump là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 với 312 phiếu đại cử tri, đánh bại đối thủ đảng Dân chủ, Phó Tổng thống sắp mãn nhiệm Kamala Harris, với 226 phiếu. Ông Trump cũng giành 77,2 triệu phiếu phổ thông so với 75 triệu phiếu của bà Harris.
0