Thảm hoạ thử thách sức mạnh và công nghệ của Nhật Bản
Một loạt trận động đất mạnh ngoài khơi bờ biển phía tây Nhật Bản đã làm hư hại nhà cửa, gây hỏa hoạn, kích hoạt cảnh báo sóng thần và khiến hàng chục nghìn người chịu cảnh mất điện ngay trong ngày đầu năm mới.
Trận động đất với cường độ ban đầu là 7,6 độ richter đã gây ra những đợt sóng cao khoảng một mét dọc theo bờ biển phía tây Nhật Bản và nước láng giềng Hàn Quốc.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) ban đầu đưa ra cảnh báo sóng thần lớn. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản đưa ra cảnh báo sóng thần kể từ trận động đất và sóng thần tháng 3 năm 2011 ập vào vùng đông bắc Nhật Bản khiến gần 20.000 người thiệt mạng ở tỉnh Ishikawa. Đến sáng thứ ba thì cảnh báo sóng thần đã được dỡ bỏ.
Nhiều nhân chứng cho biết động đất khiến mặt đường nứt toác, vỉa hè nhô cao, nhiều người sợ hãi bỏ chạy.
Anh Xu, người Trung Quốc sống ở Nhật Bản cho biết: “5 chiếc điện thoại của chúng tôi đổ chuông, chúng tôi đồng thanh nói “động đất rồi”. Tôi tạt xe vào lề đường thì thấy cột điện rung chuyển. Sau một hồi tính toán, chúng tôi quyết định tránh xa bãi biển, vì chúng tôi nhận được thông báo có thể có sóng thần cao tới 5 mét. Chúng tôi lái xe nhanh nhất có thể theo hướng ngược lại".
Hơn 100 tòa nhà cao và thấp tầng ở thành phố Wajima, tỉnh Ishikawa đã bị thiêu rụi do trận hỏa hoạn lớn bùng phát từ trận động đất mạnh 7,6 độ richter. 25 tòa nhà ở thành phố này đã bị sập. Tổng cộng khoảng 200 tòa nhà trên diện tích khoảng 280 mét vuông, bao gồm các cửa hàng và nhà ở, đã bị thiêu rụi quanh phố Asaichi, một địa điểm du lịch nổi tiếng. Tính đến sáng ngày 3/1, có ít nhất 57 người thiệt mạng sau trận động đất mạnh làm rung chuyển Nhật Bản vào ngày đầu năm mới.
Theo Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hayashi Yoshimasa, khoảng 33.000 hộ gia đình đã bị mất điện và dịch vụ liên lạc qua điện thoại di động đã bị gián đoạn ở hai tỉnh IIshikawa và Niigata. Một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại máy biến áp ở nhà máy điện hạt nhân Shika, nhưng đã được dập tắt sau đó và không ảnh hưởng đến nhà máy. Đến sáng 2/1, chưa có điều bất thường nào được xác nhận tại bất kỳ cơ sở nhà máy điện hạt nhân nào của Nhật Bản.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hayashi Yoshimasa phát biểu: “Sau trận động đất xảy ra ở Ishikawa và kéo theo hàng loạt các dư chấn khác, nhà máy điện hạt nhân Shika - gần tâm chấn nhất của trận động đất cũng như các nhà máy điện hạt nhân khác, đến nay đã không có bất thường nào được báo cáo. Tôi kêu gọi tất cả người dân hãy thận trọng trước nguy cơ có thể xảy ra các trận động đất tiếp theo, yêu cầu mọi người sống trong khu vực xảy ra trận động đất cần chú ý theo dõi lệnh sơ tán của chính quyền địa phương, đồng thời thường xuyên cập nhật thông tin liên quan trên các cơ quan truyền thông như đài truyền hình, đài phát thanh và mạng Internet”.
Thống đốc tỉnh IIshikawa Hiroshi Hase đã yêu cầu lực lượng phòng vệ cử các nhân viên tham gia lực lượng cứu trợ thảm họa. Trong khi đó, nhiều Hãng hàng không tại Nhật Bản phải hủy bỏ chuyến bay. Công ty đường sắt Đông Nhật Bản cũng đình chỉ tất cả các dịch vụ tàu cao tốc tại tỉnh IIshikawa.
Không chỉ trong phạm vi Nhật Bản, trận động đất kinh hoàng tại IIshikawa cũng kéo theo những đợt sóng thần ở bờ biển phía Đông Hàn Quốc và Nga, buộc hai nước phải ban bố cảnh báo sóng thần. Trong một tuyên bố vào hôm 1/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Mỹ sẵn sàng hỗ trợ mọi điều kiện cần thiết để giúp Nhật Bản khắc phục hậu quả của trận động đất.
Chính phủ Nhật Bản đã thành lập văn phòng ứng phó khẩn cấp tại Văn phòng Thủ tướng ở Thủ đô Tokyo. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng đã trực tiếp chỉ đạo các phản ứng của chính phủ cũng như đánh giá thiệt hại do trận động đất gây ra. Hàng nghìn nhân viên quân đội, lính cứu hỏa và cảnh sát từ khắp đất nước đã được điều động đến khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Bán đảo Noto tương đối hẻo lánh. Các đội cứu hộ cố gắng tiếp cận các khu vực bị cô lập, nhưng lực lượng cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận mũi phía bắc của Bán đảo Noto do đường sá bị hư hỏng.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida kêu gọi người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng sơ tán ngay lập tức và cần cảnh giác đề phòng những trận động đất tiếp theo có thể xảy ra.Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho rằng có 10 đến 20% khả năng xảy ra một trận động đất có quy mô tương tự khác trong tuần tới. 149 trận động đất đã được ghi nhận trong khu vực kể từ 4 giờ chiều ngày 1/1.
Trận động đất xảy ra vào thời điểm nhạy cảm đối với ngành công nghiệp hạt nhân của Nhật Bản, vốn vấp phải sự phản đối gay gắt của một số người dân địa phương kể từ trận động đất và sóng thần năm 2011 gây ra vụ nổ hạt nhân ở Fukushima.
Một năm sau thảm họa động đất năm 1923, Nhật Bản đã ban hành quy định xây dựng phòng chống động đất. Những tiêu chuẩn này thường xuyên được mở rộng từ sau đó, dựa trên bài học rút ra từ các trận địa chấn lớn nhỏ khác nhau tại Nhật Bản.
Sau trận động đất ở Kobe năm 1995 khiến hơn 6.000 người thiệt mạng, Nhật Bản chú trọng tăng cường tiêu chuẩn chống động đất đối với nhà gỗ mới và nâng cấp các tòa nhà cũ từ trước năm 1981. Trận động đất Kanto năm 1923 được cho là lời cảnh tỉnh đối với Nhật Bản, không chỉ là hồi chuông cảnh tỉnh với các kỹ sư mà cả với người dân.
Trận động đất năm 2011 kéo theo những đợt sóng thần mạnh dọc vùng ven biển Đông Bắc nhưng thiệt hại tại Tokyo rất hạn chế. Các tòa nhà cao tầng chao đảo trong vài phút nhưng không bị đổ.
Một khía cạnh quan trọng của các tòa nhà chống động đất ở Nhật Bản là việc sử dụng công nghệ tiên tiến. Các tòa nhà được trang bị hệ thống cảnh báo sớm có thể phát hiện động đất, sóng thần, nhằm giảm thiểu thương vong.
Một trong những đặc điểm chính của các tòa nhà Nhật Bản là sử dụng gối cách ly địa chấn. Những vòng bi này cho phép tòa nhà di chuyển theo chiều ngang khi xảy ra động đất, giảm áp lực lên kết cấu và giảm thiểu thiệt hại. Ngoài ra, nhiều tòa nhà ở Nhật Bản có khung bê tông cốt thép, giúp tăng cường độ ổn định và chống sụp đổ.
Nhật Bản có hệ thống kiểm tra và quy định xây dựng nghiêm ngặt nhằm đảm bảo rằng các tòa nhà được xây dựng có thể chịu được động đất và các thảm họa thiên nhiên khác. Theo chuyên gia Nakano, quy định xây dựng chống địa chấn của Nhật Bản là một trong những quy định nghiêm ngặt nhất thế giới.
Tất cả các tòa nhà ở Nhật Bản đều phải trải qua cuộc kiểm tra an toàn thường xuyên 10 năm một lần để đảm bảo rằng chúng vẫn có khả năng chống động đất và an toàn cho người ở. Điều này giúp duy trì tính toàn vẹn về cấu trúc của tòa nhà và cũng mang lại sự an tâm cho cư dân và chủ sở hữu tài sản.
Hệ thống kiểm tra và quy chuẩn xây dựng toàn diện này không chỉ áp dụng cho các công trình xây dựng mới mà còn cho các tòa nhà cũ có thể đã được xây dựng trước khi các quy chuẩn xây dựng hiện tại được thực thi. Kết quả là, ngay cả một tòa nhà đã có tuổi đời vài thập kỷ, nếu đã trải qua các cuộc kiểm tra và cải tạo an toàn cần thiết thì nó vẫn được coi là an toàn cho người ở.
Bất chấp những nỗ lực trên, theo một số chuyên gia, Tokyo vẫn dễ bị tổn thương bởi động đất và thậm chí còn dễ bị tổn thương hơn trước các thảm họa thiên nhiên khác như lũ lụt. Các quận phía Đông Thủ đô được xây trên nền đất kém ổn định và dễ ngập, đồng thời tập trung nhiều ngôi nhà gỗ cũ.
Nhà địa chấn học Massayuki Takemura người Nhật từng tỏ ra lo ngại về việc tái thiết Tokyo sau chiến tranh nhằm ưu tiên phát triển kinh tế thay vì xây dựng một thành phố “kiên cường”. Thành phố đang quá tập trung vào việc xây dựng các tòa nhà chọc trời và xây dựng các khu dân cư trên đảo nhân tạo nhưng điều này làm tăng nguy cơ bị cô lập khi thảm họa thiên nhiên xảy ra. Các chuyên gia cũng lưu ý có 70% khả năng một trận động đất lớn sẽ diễn ra ở Tokyo trong vòng 30 năm tới.
Một máy bay của lực lượng tuần tra bờ biển khi cất cánh từ sân bay Haneda ở Tokyo để đi làm nhiệm vụ cứu hộ các nạn nhân của vụ động đất, đã va chạm với một máy bay thương mại chở gần 400 hành khách. Trong số 6 thành viên phi hành đoàn trên máy bay của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, 5 người được phát hiện đã thiệt mạng, trong khi phi công Genki Miyamoto đã kịp thoát ra khỏi máy bay. Chiếc máy bay chở khách bốc cháy ngùn ngụt, nhưng may mắn thay, tất cả 379 hành khách, bao gồm 8 trẻ em và phi hành đoàn trên chuyến bay 516 đều được đưa đến nơi an toàn, một kỳ tích được một cựu phi công mô tả là "phép màu". Bộ trưởng Bộ Đất đai cơ sở hạ tầng giao thông và du lịch Nhật Bản Tetsuo Saito cho biết, nguyên nhân vụ tai nạn máy bay trên hiện chưa được xác định rõ ràng.
Ban An toàn giao thông (JTSB) và Cảnh sát Nhật Bản đã mở một cuộc điều tra với sự tham gia của đại diện từ Pháp, nơi chế tạo máy bay A350 và Anh, quốc gia sản xuất hai động cơ Rolls-Royce Trent XWB. Airbus cho biết cũng đang cử cố vấn kỹ thuật tới Nhật Bản.
Các chuyên gia cho rằng việc đưa hành khách ra khỏi chiếc máy bay bốc cháy một cách an toàn là nhờ sự kết hợp giữa các tiêu chuẩn an toàn hiện đại và văn hóa an toàn nghiêm ngặt của hãng hàng không Japan Airlines.
Ông Graham Braithwaite, Giáo sư điều tra an toàn và tai nạn tại Đại học Cranfield của Anh: “Đó là một vụ tai nạn nghiêm trọng. Nhưng với những gì tôi biết về hãng hàng không đó, cũng như mức độ nỗ lực của họ trong việc đảm bảo an toàn và đào tạo phi hành đoàn, tôi không ngạc nhiên khi thấy họ làm tốt công việc như vậy.”
Trên thực tế, chính một vụ tai nạn thảm khốc cách đây gần 40 năm đã giúp Japan Airlines trở thành một hãng hàng không an toàn như ngày nay.
Vào ngày 12/8/1985, chuyến bay 123 của JAL từ Tokyo đến Osaka bị rơi, khiến 520 trong số 524 người trên máy bay thiệt mạng. Cho đến ngày nay, đây là vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng nhất trong lịch sử hàng không. Và bài học đó thường xuyên được nhắc lại trong các khóa đào tạo phi hành đoàn. Trụ sở của hãng hàng không còn trưng bày một phần xác máy bay để nhắc nhở nhân viên.
Các nhân viên của Japan Airlines biết rất rõ hồ sơ an toàn của hàng không hiện đại được đánh đổi bằng tính mạng của những người không may mắn. Các tiêu chuẩn an toàn tối thiểu quốc tế do Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO, thuộc Liên hợp quốc) yêu cầu phi hành đoàn phải thực hành sơ tán khẩn cấp hàng năm. Các nhà sản xuất máy bay cũng phải chứng minh rằng bất kỳ máy bay mới nào cũng có thể sơ tán toàn bộ hành khách trong 90 giây.
Trận động đất cũng như vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng là hai thảm họa lớn mà Nhật Bản phải đối mặt ngay trong ngày đầu năm mới. Nhưng cả hai thảm họa một lần nữa chứng minh rằng quy chuẩn an toàn nghiêm ngặt cũng như việc tuân thủ đầy đủ của tất cả mọi người có liên quan không chỉ làm nên uy tín mà còn bảo vệ tính mạng của rất nhiều người.
TikTok có thể xem là một trong những ứng dụng "xấu số" nhất thế giới. Dù có lượng người dùng đông đảo, ứng dụng này cũng đang bị cấm tại rất nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều lý do khác nhau.
Sáng 17/12, một thiết bị nổ được cài trong một chiếc xe scooter điện đã phát nổ gần lối vào của một tòa dân cư trên Đại lộ Ryazansky ở Moscow, vào đúng thời điểm người đứng đầu Lực lượng Phòng chống Phóng xạ, Hóa học và Sinh học của quân đội Nga Igor Kirillov cùng trợ lý của ông đi ngang qua, khiến hai người thiệt mạng.
Theo các nguồn tin Ukraine, tính đến tháng 11 năm nay, ít nhất 18 tướng, một đô đốc Nga đã thiệt mạng. Tuy nhiên, phía Nga mới xác nhận 8 trường hợp, và thêm trường hợp mới nhất là Trung tướng Igor Kirillov.
Ở tuổi 73, ông Francois Bayrou trở thành thủ tướng thứ 4 của nước Pháp chỉ trong vòng một năm. Ông sẽ đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài nhiều tháng qua và vực dậy nền kinh tế.
Israel đã tận dụng khoảng trống quyền lực ở Syria để ném bom các mục tiêu trên khắp đất nước nước này. Israel tuyên bố chiến dịch quân sự của họ ở Syria chỉ là “biện pháp tạm thời” để đảm bảo an ninh quốc gia, ngăn vũ khí của Syria rơi vào tay những kẻ cực đoan.
Người đứng đầu lực lượng phòng thủ hạt nhân của Nga Igor Kirillov và trợ lý của ông đã thiệt mạng trong một vụ nổ ở phía đông nam Moscow vào sáng thứ Ba. Người phát ngôn của Ủy ban điều tra Nga Svetlana Petrenko cho biết: Vụ nổ là do một thiết bị nổ được giấu bên trong một chiếc xe máy điện.
0