Tháng Ba hoa gạo

Xuân đã sang đến hai phần chặng đường. Lộc non biêng biếc. Không gian các miền quê thoang thoảng hương xoan, hương bưởi, khiến con người không thể không thở thật chậm và sâu. Mùa xuân đã chín. Trên nền xanh miên man, trung du bỗng rộ lên màu đỏ rực của hoa gạo.

Hoa gạo còn có tên là hoa mộc miên, cái tên nghe rất gợi, nhưng hoa gạo vẫn là cách gọi dân dã, thân thuộc. Cây gạo mọc nhiều ở miền đồi núi trung du, bờ ruộng, triền núi hay ven sông. Vỏ cây dày và trắng bạc, theo thời gian thêm chút sần sùi và thô ráp. Mùa đông, lá theo mưa về với đất. Trên cây chỉ còn trơ trụi cành như những cánh tay khẳng khiu vươn dài trong mưa gió. Đầu xuân, những nụ hoa cứng cỏi nứt ra từ các nhánh cây tưởng đã khô vì giá rét. Có khi là cả một chuỗi nụ sắp hàng nối nhau, chờ khi đến độ cùng bung nở.

Ít loài cây nào ở miền trung du có hoa nở to như hoa gạo. Mỗi hoa có năm cánh dày như bàn tay xòe rộng, giữa là chùm nhị và nhụy có màu nhạt hơn cánh. Đài hoa cũng dày có màu xanh. Hoa thường có màu đỏ đậm hoặc đỏ pha cam. Cây gạo bình dị mà cũng đầy kiêu hãnh. Giữa muôn loài cây lá, cây gạo vươn cao thường đơn độc, từ xa có thể dễ dàng nhận biết.

Cứ vào tháng Ba là những bông hoa gạo bung nở. Ảnh: Đình Huy

Mỗi độ cuối xuân, nhìn lên các triền gần thung xa, cây gạo bung hoa cứ như những chiếc dù màu đỏ khổng lồ nổi bật trên nền xanh cao. Hoa thi nhau nở rộ khoảng dăm bảy ngày là rụng. Khi đó mới nẩy chồi ra lá mới. Chợt nhớ trong bài tập đọc hồi lớp vỡ lòng có nhà văn miêu tả: “Bộp! Một đóa hoa gạo rụng, làm tôi giật nảy mình”. Hoa gạo mạnh mẽ, đến khi rơi rụng vẫn vẹn nguyên sắc đỏ, còn nguyên cả đóa hoa. Sắc đỏ của hoa gợi cho tôi cảm giác ấm áp đến nao lòng. Tôi nhớ có một truyền thuyết kể hoa gạo hóa thân từ kỷ vật tình yêu của một chàng trai và cô sơn nữ. Tình yêu dở dang vì số phận, nên hoa gạo rực rỡ thay cho mối tình nồng thắm thuở nào.

Hoa gạo, cái tên chân chất như vẻ đẹp của nó. Rực rỡ mà không kiêu sa. Mạnh mẽ và tràn trề sức sống mà đời hoa cũng mong manh, ngắn ngủi. Cái vẻ của hoa khiến người ta thường nghĩ đến người nông dân quê mùa chất phác, rắn rỏi và kiên cường dãi dầu mưa nắng. Người dân quê tôi yêu lắm loài hoa gạo mộc mạc, thật thà. Khi hoa gạo nở nhiều, vụ Xuân thường bội thu.

Hoa gạo mạnh mẽ và tràn trề sức sống.

Trong tôi vẫn còn mãi một khung cảnh thật đẹp thời ấu thơ của làng mình. Đó là một sự kết hợp thật lạ lùng của tự nhiên. Giữa đồi nương xanh mướt là cây gạo dáng cao to, cứng cáp. Mỗi mùa hoa gạo nở, từng đàn chim ríu rít bay về. Bức tranh quê xanh ngắt được điểm tô một màu đỏ thắm. Nơi ấy mùa hoa gạo khoe sắc thắm, hàng đêm tiếng chim bắt cô trói cột kêu hoài không mỏi./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Có một ngày, ta trở về thăm chốn cũ, lặng yên bên thềm giếng xưa, chiếc giếng khơi vẫn một mình đứng đó, cất giữ giùm ta bao kỷ niệm, bao ký ức thân thương, đợi ta trở về.

Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc lên rừng hái rau. Có một người con luôn nhớ mẹ hay nói câu đó trước khi bắt đầu kể chuyện của bố và mẹ. Không hiểu sao mỗi lần mẹ kể là mỗi lần mưa dầm, cũng có thể mẹ chọn ngày mưa dầm để kể, cho nó hợp với câu chuyện, kiểu vậy.

Khi mọi loài hoa khác đã héo tàn hoặc thu mình cho qua mùa giá rét thì hoa dã quỳ lại bừng nở vàng tươi giữa cao nguyên mang đến cảm giác quyến rũ đến lạ thường.

Có muôn ngàn cách để kể về ba. Là chiếc lưng biến hóa thần kỳ thành ngựa cho con cưỡi nhong nhong. Là anh hùng dũng cảm giải cứu khi con mắc kẹt. Là siêu nhân giúp con hướng đến những việc làm tử tế. Nhưng với một người con, trên hết, ba là ánh nắng ấm áp chở che suốt cuộc đời này.

Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....

Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?