Tháng ba về xao xuyến hương bưởi
“Tháng ba về xao xuyến quá đi thôi
Bưởi đơm hoa trắng cả trời thương nhớ
Hương dìu dịu nồng nàn như hơi thở
Của một người…từ thuở rất xa xôi…”
Cây bưởi và tôi như hai người bạn thân đã cùng nhau lớn lên từ thuở ấu thơ trong ngôi nhà cũ của ông bà nội. Ngày ấy, ở trong làng, nhà nào cũng có ít nhất vài cây bưởi Diễn, vậy mà mảnh vườn nhỏ của nhà tôi chỉ có duy nhất một cây ở góc vườn. Cây bưởi ngay sát phòng ngủ của chị em tôi nên cứ mỗi độ tháng ba về, căn phòng dường như được ướp trong hương hoa bưởi thơm ngát. Hương bưởi thơm cả quần áo, chăn màn, cả tóc, cả người, thơm cả khung trời xưa.
Tháng ba lất phất mưa xuân. Trong màn bụi nước li ti có chút se se của rét nàng Bân. Tuy tiết trời đã không còn cái lạnh se sắt nhưng dường như mùa đông vẫn chưa hết dùng dằng giữa tiết xuân nhân gian. Tôi nhớ buổi sáng hôm đó, khi chị em tôi còn đang say giấc nồng, mẹ khẽ kéo chốt rồi đẩy tung hai cánh cửa sổ gỗ sơn màu xanh lá. Hiện ra trước mắt mẹ là cây bưởi cuối vườn hàng ngày vẫn lặng lẽ vô hình đứng đó mà nay bỗng hóa nàng thiếu nữ e ấp, dịu dàng trong chiếc áo trắng tinh khôi.
Chẳng giấu nổi sự phấn khích trước vẻ đẹp thơ mộng ấy, mẹ đã reo lên thành tiếng: “Hoa bưởi nở rồi, đẹp quá các con ơi!” Qua cặp mắt còn ngái ngủ, tôi thấy đôi mắt mẹ lung linh, khuôn mặt mẹ bừng sáng bởi nụ cười rạng rỡ dưới những sợi nắng xuân màu vàng non tinh khiết. Tôi chẳng rõ hình ảnh đó là thực hay còn trong cơn mộng mị chưa tỉnh nhưng tôi chợt nhận ra đằng sau vẻ ngoài lam lũ ruộng đồng với hàng trăm áp lực cơm áo gạo tiền của mẹ vẫn ẩn chứa một trái tim biết rung động trước cái đẹp, vẫn là một người phụ nữ yếu mềm khao khát được nhận về những lãng mạn yêu thương.
“Chẳng phải vô tình em nhớ tháng ba. Nhớ về anh, nhớ mùa hoa bưởi. Cánh hoa rơi lòng em bồi hồi. Chút hương thầm lặng mãi lan xa…”
Những câu hát ấy đã vô tình đưa tôi chìm lại vào giấc ngủ buổi sớm hôm xưa và cả những giấc ngủ bình yên mỗi mùa hoa bưởi đi qua cuộc đời. Mãi cho tới khi ngôi nhà cũ của ông bà nội được xây mới thành hai căn khang trang, vị trí vốn dĩ của cây bưởi trước kia nay đã trở thành phòng khách. Mùi hoa bưởi thân thương, từ ấy, mãi chỉ còn trong miền ký ức…
Tháng Ba về, nhớ nhất những buổi trưa không ngủ, tôi cùng lũ trẻ con trong làng rủ nhau đi lượm hoa bưởi để đem bán cho những nhà làm bột sắn dây. Người ta không mua những bông bưởi cánh đã dập nát hoặc héo vàng. Mỗi lần trời đổ cơn mưa, chúng tôi phải mặc cả áo tơi để đi nhặt ngay những bông hoa bưởi vừa rơi xuống. Nhặt được mỗi bông bưởi còn nguyên vẹn, tôi lại cho lên mũi hít hà như thể mùi hoa bưởi ướp khắp xóm làng, quyện cả vào những hạt mưa vẫn chưa làm tôi thỏa mãn.
Hoa bưởi sau khi được phơi khô, dù cánh đã héo khô và chuyển sang màu nâu nhưng vẫn giữ được mùi thơm thoang thoảng. Ở làng tôi, người ta thường hay cho hoa bưởi khô vào những túi bột sắn dây để tạo mùi thơm dịu nhẹ hoặc làm trà hoa bưởi. Vào ngày hè nóng bức, mỗi khi đi làm đồng về, mẹ lại pha cho cả nhà một bình bột sắn dây bỏ thêm vài viên đá. Uống cốc nước mát lạnh phảng phất mùi hoa bưởi, tôi khăng khăng tự cho rằng hương bưởi này chính là do mình góp nhặt.
Thấm thoát hơn hai mươi năm trôi qua kể từ ngày cây bưởi trong vườn không còn nữa. Hàng xóm cũng lần lượt tách đất xây nhà tầng, tôi đã chẳng còn được hít hà mùi hoa bưởi về mỗi tháng ba. Vài năm trở lại đây, ngày càng nhiều người nhớ thương thứ hương hoa nồng nàn mà dịu êm ấy, nên có lẽ vì thế mà cứ đến mùa hoa bưởi, nếu có dịp dạo khắp phố phường Hà Nội, ai cũng có thể dễ dàng bắt gặp những gánh hàng rong chở đầy hoa bưởi trắng muốt toả hương ngào ngạt. Hoa bưởi không rực rỡ như hoa cúc, không kiêu sa như hoa hồng, không lôi cuốn như hoa ly mà lẳng lặng làm xao lòng người với màu trắng ngà quý phái và mùi hương mộc mạc, tinh khiết.
Từ khi sống xa Hà Nội, tôi chưa có dịp được tận tay cầm một chùm hoa bưởi để hít hà mùi hương tôi thương nhớ bấy lâu. Thế nhưng, chỉ cần nhắc tới hoa bưởi, chỉ cần nhìn thấy một tấm hình hoa bưởi thì thứ hương thơm nồng nàn chứa đựng hồn quê ấy lại như đang toả khắp quanh tôi, hệt như sợi nắng màu vàng non bịn rịn trong buổi sớm năm nào.
Bích Ngọc
Theo dòng hồi ức về một thời xưa cũ, tìm về vùng ánh sáng của những chiếc đèn dầu một thuở đã gắn liền cùng nếp sống sinh hoạt và văn hóa của bà con. Điện xưa rất yếu, ban ngày gần như không có điện, ngoài đường rất tối, không sáng như ngày nay, trong nhà lúc nào cũng phải có chiếc đèn dầu.
Với khán giả của Hà Nội thập niên 90 của thế kỷ trước và đầu những năm 2000, Tuyết Nhung là cái tên không hề xa lạ. Trong ký ức của nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung đồng thời là một chuyên gia trong lĩnh vực ẩm thực, căn bếp của gia đình khi bà con nhỏ ngoài một bóng đèn dây tóc leo lét chỉ đủ soi sáng để gia đình dọn mâm bát, còn lại không có bất cứ đồ dùng nào chạy bằng điện.
Nếu bạn đã thấy hơi lạnh tràn về trên phố mỗi sớm mai, đã thấy cuốn lịch trên tường mỏng dần đi theo ngày tháng... thì cho dù có bận rộn để hoàn thành kế hoạch của năm, cho dù có đang mải miết chinh chiến vì áo vì cơm, cũng có đôi lần lòng chùng xuống. Vì ngoài kia, tháng 12 đã về, đã lấp ló đâu đó, trên vệt nắng vàng nhạt đầu ngày, trong cơn gió se se mỗi sáng, trong những đêm lành lạnh một mình.
Đầu đông, những cây phượng bắt đầu trút lá. Trên vòm cây lá vẫn xanh đó mà dưới gốc cây xác lá đã trải vàng một đoạn đường. Một cơn gió nhẹ lay. Lòng người cũng say say với những chiếc lá phượng bay bay trong gió, vương vào mái tóc, vương trên vai áo. Vậy là cũng sắp hết một năm!
Chớm đông, ấy là khi những ngày cuối cùng của tháng 10 dần đi qua và tháng 11 bắt đầu kéo về. Ta chẳng còn mấy khi có dịp được ngắm bầu trời trong vắt với ánh nắng vàng ruộm trải dài mênh mang mỗi buổi chiều tà mà thay vào đó là một màu trời xám xịt với những cơn mưa phùn lê thê ướt rượt.
Thời bao cấp đi đã qua hơn 40 năm nhưng với nhiều người, những hình ảnh về dòng người chen chúc xếp hàng chờ mua thực phẩm với tờ tem phiếu trên tay thật khó quên. Trong những năm tháng ấy, cơm độn - một món ăn giản dị nhưng chứa đựng biết bao cảm xúc và kỷ niệm của người Hà Nội xưa - luôn khiến ta bồi hồi nhớ về những năm tháng khó khăn nhưng cũng đầy tình thương yêu.
0