Tháng Chạp nhớ thương

Tháng Chạp trong người con xa quê là nỗi nhớ niềm thương, nhớ vạt nắng nhạt trải trên mái ngói sẫm nâu điểm vệt rêu xanh. Nhớ ruộng ngô với những bắp non đang căng tròn, mẩy hạt. Luống rau cải mẹ trồng ở triền đê đã lên ngồng, chực chờ trổ bông vàng bãi sông. Bóng mẹ lưng còng bên những luống rau vụ đông, chất đầy đôi gánh, bóng mẹ xiêu xiêu buổi chiều gió bấc thổi hun hút.

Chiều nay, Hường mời bạn nghe những dòng tự sự của Nguyễn Thắm gửi về cho Hường trong một chiều đông tháng Chạp nhớ thương.

Tháng Chạp. Cây đào đã chúm chím những nụ hoa xinh xinh. Cây quất trong vườn chi chít quả đang ngả dần sang vàng. Mọi người nói cười. Bố cẩn thận lau chùi bàn thờ gia tiên. Mẹ tôi tranh thủ nắng nhạt để phơi lại chăn màn ngoài sân đầy nắng gió. Chị tôi vừa gội đầu, đang chải mái tóc dài bên hiên, hương bồ kết nồng nàn bên thềm nắng.

Tháng Chạp trong tôi còn là tiếng lao xao rộn ràng của làng trên xóm dưới gọi nhau để chỉnh trang lại đường làng, ngõ xóm. Các chị, các dì tranh thủ những ngày thảnh thơi để trồng thêm những luống hoa cúc vàng, gieo thêm những hoa sao nhái, trồng thêm vài luống mười giờ. Mấy anh, mấy chú tay cuốc tay xẻng khơi thông con ngòi thoát nước, vá lại đoạn đường làng bị sụt lún sau vụ gặt nặng nhọc xe qua. Những bác thợ vẽ tài ba đang dùng nước ve nắn nót viết câu khẩu hiệu “Mừng Đảng, mừng Xuân”. Nhà nhà treo cờ Tổ quốc trên giá treo trước cổng. Giữa không gian xanh mênh mang của đất trời, đường làng quanh co, những con ngõ nhỏ rực rỡ màu của cờ đỏ sao vàng.

Tháng Chạp. Tôi nghe những âm thanh huyên náo rộn ràng chuẩn bị Tết. Năm nào mất mùa đói kém, những âm thanh ấy chững lại, khẽ và trầm buồn. Những năm mùa màng bội thu, âm thanh ấy rộn ràng tươi vui. Tiếng lợn kêu eng éc, tiếng người làng rủ nhau đi đánh đụng thịt lợn. Tiếng kỳ cọ xoong nồi bên cầu ao. Tiếng chào hỏi giọng quê thân thương quá đỗi, những câu hỏi thăm chân tình. Những lời mời chào ồn ã ở phiên chợ cuối năm.

Tháng Chạp. Trong tôi còn là mùi nhớ ấm nồng. Những ngày cuối năm chị em chúng tôi theo chân bố ra nghĩa trang làng dọn dẹp lại phần mộ gia tiên. Bố đốt bó hương to, thành tâm khấn vái như đang nói chuyện với ông bà, tổ tiên. Chị em chúng tôi cắm từng thẻ hương cho những ngôi mộ xung quanh. Khói hương vấn vít. Mùi hương gợi ký ức trầm mặc, kết nối quá khứ - hiện tại, tổ tiên với con cháu.

Tháng Chạp. Những phút giây lặng lẽ chơi vơi trong khoảng không vô định của dòng chảy mưu sinh. Tôi ngồi đợi tàu mòn mỏi trên sân ga, mong từng phút, từng giờ nhanh nhanh được trở về nhà sau một năm dài mệt nhoài, lo toan với những gánh nặng cơm áo gạo tiền. Là những năm tôi nuốt giọt nước mắt vào trong khi lỡ chuyến tàu về thăm mẹ chiều ba mươi. Tôi gặp ánh mắt buồn xa xăm của phận đời giống mình trên đường phố đã thưa dần bóng xe dập dìu qua lại. Cái bóng ngả trong chiều nắng nhạt đổ xuống đường phố thênh thang, hình bóng mẹ già mỏi mắt ngóng trông đứa con phương xa trở về. Chợt trong tim lại phập phồng một tình yêu vẫn mãi dành cho tháng Chạp thân thương./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Dường như hầu hết ở các làng quê Việt bây giờ, cùng với những thiết chế văn hóa được xây dựng khang trang, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân, thì cổng làng gắn với tên làng đã tạo nên nét riêng dáng dấp của một làng lưu dấu trong tâm khảm mỗi người. Những tên gọi của làng thường hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa nhân văn sâu xa, mang cả ước vọng khát khao của cha ông một thuở lập làng với sự bình an, ấm no đầy đủ. Vì thế, danh xưng những tên làng cứ lưu mãi qua từng thế hệ…

Hà Nội đón tôi đương vào khoảnh khắc giao mùa. Gánh hoa loa kèn trắng tinh khôi tỏa mùi hương dịu nhẹ giao hòa trong làn gió nhè nhẹ khiến tâm hồn đa cảm thêm khắc khoải giao cảm với đời, để mênh mang thương nhớ hương vị cà phê Giảng - thức uống trở thành một phần thân thương, một phần văn hóa của Hà Nội phố.

Mẹ tôi không nghiện trầu cau nhưng mẹ vẫn trồng một giàn trầu xanh mơn mởn. Mẹ bảo nhà có giàn trầu mới ấm áp. Nhưng tôi hiểu mẹ đã gửi gắm vào đó biết bao nhiêu ân tình và cả nỗi nhớ về ngoại khôn nguôi.

Sống nhẩn nha giữa đời vội vã có thể chưa từng dễ dàng với chúng ta. Nhưng khi bước đi dưới những tán lá xanh xào xạc theo con gió, dưới bầu trời một màu ngăn ngắt xa xôi, tôi cảm giác hồn mình như cánh bồ công anh mảnh khảnh tự do bay mãi, chẳng nghĩ ngợi gì. Có những ngày như thế, những khoảnh khắc như thế. Chỉ cần im lặng hít thở thôi cũng đủ hạnh phúc.

Hà Nội với tôi là những thương nhớ đầu tiên từ hồi tôi đi thi đại học. Hà Nội đã lấy đi của tôi bao nhiêu nước mắt và còn là giấc mơ mà tôi chẳng thể chạm vào. Hà Nội là nhưng kỷ niệm của tôi khi biết người thương nhập viện, là khoảnh khắc thót tim khi đưa con ra cấp cứu viện nhi, là khoảnh khắc cháy lòng khi cha bệnh trọng. Và là khoảnh khắc đi chơi về muộn, thấy những người dân lầm lũi ngủ ngon lành nơi gầm cầu, trong lòng cống...

Trải qua các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đất nước ta đã sản sinh ra những thế hệ thanh niên đại diện cho mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước. Như thế hệ làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"; thế hệ một thời hoa đỏ 'xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước'; thế hệ 'sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử' trong chiến tranh bảo vệ biên giới...