Thanh Duyên có 'duyên' với giải thưởng
Phóng viên: Được biết Thanh Duyên là một trong những phóng viên của Đài Hà Nội có “duyên” với nhiều giải báo chí?
Thanh Duyên: Vâng, rất tự hào cho những người làm phát thanh vì thời gian qua những sản phẩm báo chí phát thanh đã được ghi nhận qua các Giải Báo chí nói chung và Giải dành cho phát thanh nói riêng. Tôi may mắn gặt hái được khá nhiều giải thưởng, điều đó càng khiến tôi cảm thấy yêu nghề hơn và phấn đấu nhiều hơn. Mới đây nhất hôm 28/8/2024, tại Lễ trao giải Báo chí toàn quốc về Sự nghiệp phát triển văn hóa thể thao và du lịch lần thứ hai, tác phẩm của tôi đã được trao giải Nhì. Trước đó, tôi cũng vinh dự được nhận giải Nhì Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 2023; giải Bạc Liên hoan phát thanh toàn quốc các năm 2020, 2024; giải 3 Giải báo chí Quốc gia năm 2019…và còn khá nhiều giải thưởng khác. Nhưng tôi thấy vẫn cần cố gắng hơn rất nhiều.
Phóng viên: Có “duyên” là cách nói vui, để giành được nhiều giải thưởng như vậy thì chắc chắn phải có những bí quyết khi thực hiện những tác phẩm phát thanh?
Thanh Duyên: Bí quyết thì thật sự không có bí quyết gì, nhưng tôi nghĩ sự yêu nghề, say nghề, nghiêm túc với công việc và sự trăn trở với chính những tác phẩm của mình là yếu tố quan trọng nhất để có một sản phẩm báo chí tốt. Phát thanh có đặc thù riêng so với các loại hình báo chí khác, cần khai thác thế mạnh của tiếng động hiện trường, âm thanh. Có những tác phẩm tôi phải dựng file âm thanh rất nhiều lần cho đến khi ưng. Nhiều tác phẩm mất rất nhiều thời gian đi rất nhiều nơi, gặp gỡ phỏng vấn rất nhiều người, tổng hợp, chắt lọc để thực hiện. Mỗi tác phẩm là “đứa con tinh thần”, tâm huyết. Chính mình cũng phải là một thính giả khó tính với tác phẩm của mình, không ngừng tìm tòi các đề tài mới, góc tiếp cận mới.
Phóng viên: Trong xu thế phát triển của báo điện tử, MXH thì phát thanh được thính giả đón nhận như thế nào?
Thanh Duyên: Tôi nghĩ, phát thanh vẫn là một trong những phương tiện truyền thông năng động, có tính tương tác cao, thiết thực, gần gũi. Để thu hút thính giả trong bối cảnh chuyển đổi số, xu thế phát triển của mạng xã hội hiện nay thì các chương trình phát thanh cần được xây dựng theo xu hướng hiện đại, tăng sự tương tác, khuyến khích sự tham gia của thính giả vào các chương trình trên sóng. Đài Hà Nội đã quan tâm đầu tư cho phát thanh, nhiều chương trình phát thanh mới, có tính tương tác cao ra đời được thính giả yêu thích như: Góc nhìn Hà Nội, Chuyện Hà Nội, Tiếng nói Thủ đô ta, Hà Nội cao điểm sáng/trưa/chiều về giao thông… Thính giả của chương trình không chỉ được cung cấp thông tin mà còn có thể trở thành người cung cấp thông tin trực tiếp tới chương trình qua trang Fanpage và qua điện thoại. Sự phát triển của công nghệ số đã mở ra một cơ hội để phát thanh tận dụng như một kênh tiếp cận những thính giả mới - nghe trên các thiết bị di động. Hiện nay, chúng tôi cũng đang thực hiện Podcast đưa lên các nền tảng mạng xã hội.
Phóng viên: Làm phóng viên phát thanh “thầm lặng” hơn so với phóng viên truyền hình hay Báo điện tử, vậy điều gì giúp những người làm Phát thanh gắn bó với công việc này?
Thanh Duyên: Có rất nhiều ngày tôi ra khỏi nhà đi làm từ 5 sáng, về nhà khi đã nửa đêm. Nhưng đã chọn nghề, đã quyết tâm theo đuổi, thì tôi luôn cháy hết mình với đam mê. Những chuyến đi tác nghiệp, được trải nghiệm thực tế với người thật, việc thật, được gặp gỡ, trò chuyện với những nhân vật của mình, được hòa mình với niềm vui, nỗi buồn của các nhân vật đã trở thành những kỷ niệm khó quên.
Phát thanh người ta hay nói thầm lặng, không rực rỡ như báo hình hay báo điện tử nhưng những người làm phát thanh vẫn tràn đầy cảm xúc, tinh thần lạc quan và luôn biết đổi mới. Chúng tôi có những đối tượng thính giả yêu mến và gắn bó. Có những gia đình nhiều thế hệ yêu mến phát thanh, nghe Đài mỗi ngày với họ phát thanh là món ăn tinh thần không thể thiếu.
Sau gần 10 năm gắn bó với phát thanh, niềm hạnh phúc lớn nhất với chúng tôi là những lần nhận được những cuộc gọi điện, tin nhắn, đặc biệt cả thư tay được những thính giả, hay những nhân vật trong bài gửi về chia sẻ rằng rất yêu thích, cảm động khi nghe những tác phẩm đó. Đây là thực sự là món quà, là phần thưởng lớn nhất đối với những phóng viên như tôi, khi những đứa con tinh thần của mình được nhiều người đón nhận. Tôi nghĩ nơi nào có thính giả nơi đó có phát thanh và chúng tôi luôn đồng hành với thính giả ở mọi nơi, trên mọi nẻo đường.
Bước ra từ cuộc chiến khốc liệt, hơn ai hết, những cựu chiến binh hiểu rõ giá trị của hòa bình cho Tổ quốc và giá trị của yên bình với mỗi người. Bình yên của người cựu chiến binh, chẳng cần to tát hay xa vời, chỉ là những buổi chiều đi bộ trên phố phường tấp nập, nhìn nắng nhạt xuyên qua những tán cây.
Nói đến nhiếp ảnh về Hà Nội thì không thể không nói tới nhà nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo. Ông đã tạo dựng được tên tuổi bằng một phong cách chụp riêng về Hà Nội mà thời gian càng trôi qua, người xem càng thấy giá trị của từng khung hình.
Giáng Sinh đang đến gần, không khí lễ hội tràn ngập khắp nơi, đặc biệt tại Nhà thờ Lớn Hà Nội, nơi đây đã được trang hoàng lộng lẫy, thu hút du người dân và du khách đến tham quan, thưởng thức không khí đặc biệt mùa lễ hội.
Với nghệ nhân Nguyễn Đức Bình, giò chả Ước Lễ không chỉ là một món ăn mà còn chứa đựng trong đó tinh hoa văn hóa. Hơn 40 năm qua, ông đã góp phần gìn giữ, lưu truyền nét tinh hoa ẩm thực này một cách vừa khoa học lại đầy chất nghệ thuật.
Với nhiều người, việc dạy và học ngoại ngữ là một cách để nhìn cuộc sống và thế giới rộng mở hơn. Bên cạnh đó, ngoại ngữ còn giúp mỗi người hiểu chính mình, hiểu mọi người một cách sâu sắc hơn.
Không phải vô cớ mà nhiều người lại mong ngóng Noel đến vậy. Có người nói, đó là bởi Giáng sinh có nhiều hoa và đèn rực rỡ, hay tại bởi không khí vui vẻ, sum vầy mà Giáng sinh đem lại…
0