Thành tựu phòng chống tác hại thuốc lá 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ | Hà Nội tin mỗi chiều

Thành tựu phòng chống tác hại thuốc lá 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ; Thêm hai sản phẩm du lịch đêm ngoại thành Hà Nội; Hà Nội có thêm khu công nghiệp Phụng Hiệp gần 3.000 tỷ đồng... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Thành tựu phòng chống tác hại thuốc lá 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ

Đây là thông tin được Bộ y tế đưa ra tại tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2024 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 - 31/5, vừa tổ chức chiều ngày hôm qua 26/5.

Theo đó, mỗi năm có hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu có nguyên nhân liên quan đến việc sử dụng thuốc lá. Tại Việt Nam, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là gần 110 nghìn tỷ đồng một năm.

Bộ trưởng Bộ Y tế cùng các đại biểu đạp xe hưởng ứng chiến dịch truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá. Ảnh: Anninhthudo

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cho biết, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là các sản phẩm mới xuất hiện trôi nổi tại Việt Nam trong gần 10 năm trở lại đây. Các loại thuốc lá này được thiết kế đa dạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị, chủ yếu nhằm vào giới trẻ. Điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh tăng nhanh gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của các em học sinh.

TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, các nhà hoạch định chính sách và các nhà lập pháp ban hành lệnh cấm hoàn toàn đối với các sản phẩm thuốc lá mới gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Theo TS Pratt, giá thuốc lá ở Việt Nam cực kì rẻ vì thuế thấp. Giá cả không tạo được rào cản với nhóm trẻ tuổi bắt đầu hút thuốc và không khuyến khích người hiện đang hút bỏ thuốc lá. Do đó, tăng thuế thuốc lá là biện pháp nhanh nhất và hiệu quả nhất, giúp “tiêm phòng” cho thanh niên Việt Nam khỏi tác hại của việc sử dụng thuốc lá suốt đời.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, đây là những sản phẩm gây nghiện và có hại cho sức khỏe. Nếu không kịp thời ngăn chặn thì trong tương lai gần, các tổn thất về sức khỏe và kinh tế do việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới gây ra cũng nghiêm trọng không kém các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường.

Để tiếp tục tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế đề nghị Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chỉ đạo tổ chức các hoạt động tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá; hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25-31/5.

Công cuộc phòng chống tác hại thuốc lá không phải đơn giản, đòi hỏi phải diễn ra thường xuyên, liên tục và lâu dài. Việc thực thi quy định xử phạt hành chính hành vi hút thuốc lá nơi công cộng cần thực chất đủ để răn đe. Đặc biệt, vấn đề cốt lõi là người dân phải tự nâng cao ý thức tự giác không hút thuốc lá. Bên cạnh đó cần xây dựng môi trường không thuốc lá từ bệnh viện, trường học, công sở và gia đình. Đây là khâu then chốt vì là nơi chúng ta có thể bắt đầu thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá.

Thêm hai sản phẩm du lịch đêm ngoại thành Hà Nội

Sở du lịch Hà Nội đề xuất hai sản phẩm du lịch đêm ngoại thành Hà Nội, đó là mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, mua sắm, giải trí đêm, giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm tại xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) và mô hình văn hóa ẩm thực Vân Đình - Làng nghề sản xuất hương xã Quảng Phú Cầu tại Trung tâm Thương mại thị trấn Vân Đình (huyện Mỹ Đức) và xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa).

Việc xây dựng sản phẩm du lịch đêm ở huyện ngoại thành không chỉ khai thác lợi thế sẵn có ở các địa phương mà còn gia tăng cơ hội cho người dân và khách du lịch vui chơi, giải trí, mua sắm về đêm.

Sau khi 16 tour đêm đặc sắc Hà Nội được giới thiệu, ngành du lịch Thủ đô đang lên phương án mở rộng thêm tour đêm ngoại thành Hà Nội.

TP Hà Nội cũng xác định, việc phát triển kinh tế ban đêm có thể coi là đòn bẩy cho du lịch khi tạo thêm nguồn thu cho người dân địa phương cũng như đóng góp cho ngân sách Nhà nước. Như tại quận Hoàn Kiếm, đây là địa bàn đã có những thành tựu về phát triển kinh tế đêm. Từ năm 2016, quận đã tổ chức không gian phố đi bộ quanh khu vực Hồ Gươm và phố cổ; một số quán bar nhà hàng trong khu Phố cổ kinh doanh thí điểm tới 2h sáng vào các ngày cuối tuần. Tại thị xã Sơn Tây, tuyến phố đi bộ cũng mở ra không gian sinh hoạt cộng đồng thu hút du khách mỗi dịp tối cuối tuần.

Chia sẻ về câu chuyện phát triển kinh tế đêm ở Hà Nội, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích, tiềm năng phát triển kinh tế đêm ở Thủ đô rất lớn, bắt đầu từ những nhu cầu thực tế của nền kinh tế nói chung và cả ngành du lịch nói riêng. Đó là nhu cầu phát triển du lịch, tạo ra nhiều sản phẩm hấp dẫn du khách hơn. Cũng nhu cầu của khách du lịch đến từ nhiều nơi mong muốn có một cơ hội tìm hiểu đời sống văn hóa, phong tục tập quán vùng miền…

Với bề dày nghìn năm văn hiến thế nhưng phải thừa nhận một thực tế, những điểm đến du lịch của Hà Nội tuy là “đặc sản” nhưng đã quá quen thuộc. Nhắc tới Thủ đô hiện tại, du khách trong và ngoài nước sẽ chỉ nghĩ tới những di tích trứ danh như Chùa Một Cột, Lăng Bác, Văn Miếu Quốc Tử Giám… Khi đêm về sẽ chỉ là dạo bộ bên Bờ Hồ Hoàn Kiếm, ngắm tháp Rùa lung linh. Đã tới lúc Hà Nội thực sự cần một “món ăn mới trên bàn tiệc” để tiếp đãi khách du lịch, níu chân họ ở lại, trải nghiệm và quay lại nhiều lần sau đó. Đó phải là nơi mà du khách có thể tận hưởng từ di tích văn hóa đến hoạt động làng nghề; từ vui chơi, ẩm thực đến thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao. Một nơi không có giới hạn về thời gian, ngay cả khi đêm xuống vẫn có thể thỏa sức khám phá và tận hưởng nhiều hoạt động phong phú.

Việc phát triển kinh tế ban đêm mang lại tác động tích cực đến nền kinh tế, là một phần không thể thiếu của phát triển du lịch. Vì vậy, tổ chức triển khai thí điểm kinh tế ban đêm trên địa bàn Quốc Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức và các khu vực có đủ điều kiện thúc đẩy tăng trưởng du lịch được coi là một trong những nhiệm vụ đột phá, cần tập trung triển khai trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn Hà Nội.

Hà Nội có thêm khu công nghiệp Phụng Hiệp gần 3.000 tỷ đồng

Dự án vừa được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh. Dự án nằm trên địa bàn bốn xã thuộc huyện Thường Tín với tổng diện tích gần 175 ha.

Về hiện trạng các khu công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Giám đốc Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, đến năm 2020 TP Hà Nội được định hướng quy hoạch và phát triển 34 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 7.400ha. Tuy nhiên, đến nay mới có 10 khu công nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 1.300ha.

Bên cạnh đó, Hà Nội có 70 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động phân bố tại 17 quận huyện, thị xã thu hút khoảng gần 4 nghìn chủ đầu tư doanh nghiệp thứ phát, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 60.000 lao động, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 1.100 tỷ đồng/năm.

Việc hình thành các cụm công nghiệp đã giúp di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư của hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề. Qua đó hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, hạn chế việc sản xuất phân tán không theo quy hoạch. Giải quyết được mặt bằng cho các doanh nghiệp cơ sở sản xuất kinh doanh, khuyến khích thu hút các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố.

Khu công nghiệp Phụng Hiệp tọa lạc tại huyện Thường Tín, rộng 175ha. Ảnh: Anninhthudo

Mặc dù vậy, PGS.TS Hoàng Sỹ Động - nguyên Trưởng Ban các ngành sản xuất Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho rằng, các khu công nghiệp của Hà Nội hiện nay có quy mô nhỏ, manh mún, chưa đồng bộ về hạ tầng, quản trị, công nghệ, doanh nghiệp thì đa ngành dẫn đến chưa chuyên nghiệp. Giá trị kinh tế - xã hội từ các khu công nghiệp mang lại cho thành phố cũng chưa cao. Trong các khu công nghiệp mới chủ yếu là các doanh nghiệp gia công, lắp ráp, doanh nghiệp Việt tham gia còn thấp nên giá trị gia tăng còn rất ít. Đây không chỉ là nhược điểm của các khu công nghiệp của Hà Nội mà là thực trạng chung của cả nước.

Để phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội định hướng phát triển các khu, cụm công nghiệp đến năm 2030. Theo đó, bổ sung 9 khu công nghiệp với diện tích gần 3 nghìn ha triển khai trong giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050; giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn TP Hà Nội dự kiến có 174 cụm công nghiệp, tổng diện tích gần 6 nghìn ha.

PGS.TS Trần Kim Chung - Thư ký Hội đồng Lý luận T.Ư, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, phương án phân bố và lựa chọn khu công nghiệp trong giai đoạn tới phải dựa trên phân bổ địa bàn của Thủ đô Hà Nội. Cần xác định rõ đâu là khu hành chính, khu công nghiệp, khu dịch vụ thương mại. Cần xóa bỏ ngay tư duy bao quanh Hà Nội là các khu công nghiệp. Bên cạnh đó việc phân bố khu công nghiệp theo quy mô doanh nghiệp, theo thời gian, xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt, các khu công nghiệp của Hà Nội cần xem xét giải quyết theo bài toán mở, các khu công nghiệp phải kết nối thuận lợi với các tỉnh có lợi thế về đường sắt, đường cao tốc, cảng biển, cảng sân bay trong Vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và vùng Đồng bằng sông Hồng.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, việc phát triển các cụm công nghiệp là giải pháp quan trọng để thúc đẩy sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố. Hỗ trợ các khu, cụm công nghiệp phát triển vững mạnh, sẽ tạo ra đòn bẩy phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Thủ đô./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Phố đi bộ hồ Ngọc Khánh sẽ hoạt động trước Ngày Giải phóng Thủ đô; Vụ salon tóc bị tố "ăn bớt" 700 bộ tóc dành cho bệnh nhân ung thư là tin đồn thất thiệt... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Xe đưa đón học sinh cần thêm công nghệ để giảm sai sót do con người; Ra mắt ứng dụng Công dân Thủ đô số iHaNoi với nhiều tiện ích... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội đề xuất xây dựng 9 khu nhà ở xã hội; Hà Nội sẽ mở thêm điểm trông xe không dùng tiền mặt; Nỗi lo đuối nước với trẻ em dịp hè... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội lại đón nắng nóng, xen giữa mưa dông; Đề xuất người đóng BHXH trên 20 năm được nghỉ hưu sớm 5 năm; Từ 1/7, những ai chuyển tiền trên 10 triệu đồng phải xác thực sinh trắc học?... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Mưa lớn gây ngập lụt nghiêm trọng ở nhiều nơi; Đề xuất đánh thuế giao dịch vàng để tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng thị trường; Ngăn chặn cá độ bóng đá trái phép khi mùa Euro 2024 đang tới gần... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Sông Tô Lịch sắp có nước sạch; Hà Nội sắp có tuyến du lịch đường sông qua Bát Tràng tới Hưng Yên; Hà Nội quy hoạch trung tâm văn hóa Phật giáo Thủ đô tại huyện Gia Lâm... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.