Thành ủy Hà Nội yêu cầu tăng cường công tác PCCC&CHCN

Trước những yêu cầu cấp bách đặt ra trong công tác PCCC&CNCH, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác PCCC&CNCH trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới.

Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thủ đô tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm, hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể:

Quán triệt quan điểm trong công tác PCCC và CNCH: Người dân là trung tâm, là chủ thể, đặt an toàn, tính mạng người dân là trên hết, trước hết; an toàn cháy, nổ là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của Thủ đô Hà Nội. Lấy chủ động phòng ngừa là chính, lấy phòng ngừa là “cơ bản - chiến lược - lâu dài”, làm tốt công tác phòng cháy để ngăn ngừa cháy, nổ với phương châm: Từng nhà an toàn - Từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn - Từng khu phố an toàn - Từng xã, phường, thị trấn an toàn. Huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và nhân dân tham gia chữa cháy, nhất là trong “thời điểm vàng” 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra với phương châm bốn tại chỗ “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.

Tăng cường tập huấn kiến thức về PCCC&CNCH cho người dân

Phải ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới không để xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan. Đề cao hơn ý thức phòng ngừa, nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn của người dân trong PCCC và CNCH.

Thực hiện nghiêm nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố về công tác PCCC và CNCH đảm bảo thực chất, toàn diện; việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC là một tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, hội viên, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động; cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị đối với nhiệm vụ PCCC và CNCH. 

Đổi mới tư duy, nhận thức, phương pháp, cách tiếp cận và tổ chức thực hiện trong công tác PCCC và CNCH phù hợp với yêu cầu tình hình mới hiện nay. Xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC và CNCH, là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào việc thực hiện nhiệm vụ PCCC và CNCH. 

Tổ chức tuyên truyền tới từng cụm dân cư về PCCC&CNCH

Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế các vụ cháy, nổ, nhất là ở các khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao như: các khu dân cư, hộ gia đình, chung cư, nhà cao tầng, nhà ở nhiều căn hộ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, khu nhà trọ, trường mầm non, các cơ sở kinh doanh hoạt động vui chơi giải trí, karaoke, vũ trường, chợ, trung tâm thương mại, nơi tập trung đông người, cụm điểm làng nghề truyền thống, khu, cụm công nghiệp, rừng...; coi công tác phòng cháy, chữa cháy là công việc hằng ngày ở mọi nơi, mọi lúc. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của HĐND, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong công tác PCCC và CNCH.

Đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức kỹ năng về PCCC và CNCH, các biện pháp, kỹ năng phòng cháy, thoát nạn và xử lý các tình huống khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; ý thức tự trang bị hệ thống PCCC và CHCN trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trong từng gia đình, nhất là các thiết bị báo cháy, dụng cụ thoát hiểm, mặt nạ phòng độc, cửa thoát hiểm đến từng hộ gia đình, cá nhân...; tập huấn thường xuyên về các kỹ năng thoát nạn cơ bản, hướng dẫn thoát nạn, kỹ năng cảnh báo khi có sự cố xảy ra. Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH. Xây dựng phong trào toàn dân PCCC và CNCH, nhân rộng các mô hình phù hợp với từng địa bàn bảo đảm an toàn về PCCC và CNCH tại các khu dân cư, hộ gia đình, các địa bàn, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, như: “Dân vận khéo” trong PCCC ở khu dân cư…; lồng ghép việc phổ biến, học tập kiến thức và kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy vào chương trình học tập, hoạt động ngoại khóa trong các nhà trường và cơ sở giáo dục phù hợp với từng ngành học, cấp học trên địa bàn Thành phố; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC và CNCH.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và CNCH. Tất cả các hành vi vi phạm về PCCC và CNCH phải được xử lý nghiêm theo quy định và bắt buộc các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn PCCC và CNCH phải tổ chức khắc phục khi đủ điều kiện mới cho phép hoạt động. Công khai thông tin của các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về PCCC trên phương tiện thông tin đại chúng và thường xuyên cảnh báo cộng đồng, dân cư xung quanh biết; kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các cá nhân, tổ chức cố tình đưa dự án, công trình, cơ sở vào sử dụng nhưng không bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH gây hậu quả nghiêm trọng. Việc thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trong diện quản lý phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ và tuân thủ theo quy định pháp luật trên nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Thực hiện nghiêm túc phương châm bốn tại chỗ “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ”, nòng cốt là lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và chuyên ngành. Kiện toàn, củng cố về nhân lực, cơ sở vật chất cho các lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành, bảo đảm hoạt động hiệu quả, thực chất; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện để ứng phó kịp thời khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Tiếp tục rà soát quy chế phối hợp giữa lực lượng cơ sở phòng cháy, chữa cháy với các ngành, các cấp. Phát huy trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc hướng dẫn thực hiện công tác PCCC và CNCH và thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm là lực lượng nòng cốt tham mưu, triển khai thực hiện công tác PCCC và CNCH trên địa bàn; tăng cường công tác phối hợp hiệp đồng giữa lực lượng Công an và Quân đội trong công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin cảnh báo cháy nhanh, số hóa hồ sơ quản lý địa bàn, cơ sở, nâng cao hiệu quả quản lý và xử lý kịp thời khi cháy, nổ xảy ra. Thường xuyên tổ chức và nâng cao chất lượng tập huấn, diễn tập, thực tập các phương án, tình huống xử lý sự cố cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ có huy động nhiều lực lượng tham gia. Tăng cường công tác huấn luyện về nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành, lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ theo phương châm “4 tại chỗ”. 

Tăng cường đầu tư nguồn lực, xây dựng, trang bị cơ sở vật chất cho công tác phòng cháy, chữa cháy; có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy (giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc…); nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; mua sắm phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (phù hợp với điều kiện của đô thị Hà Nội).

Thực hiện nghiêm công tác thẩm định, cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng, đô thị theo đúng quy định; xử lý nghiêm các công trình xây dựng không phép, trái phép (trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, sử dụng đất sai mục đích) và các công trình vi phạm về trật tự xây dựng, công trình chưa được thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu về PCCC theo quy định nhưng đã đưa vào hoạt động trên địa bàn Thành phố.

Các Sở, Ban, Ngành, MTTQ thành phố Hà Nội, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện nghiêm túc trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác PCCC&CNCH; tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và đặc biệt 'không có vùng cấm' đối với những vi phạm về PCCC&CNCH.

Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 31/10/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy và được phổ biến đến chi bộ./.  

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong căn phòng nhỏ trên con phố Phan Bội Châu, Hà Nội, một người lính từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ sống và chơi đàn. Những ký ức về một thời chiến đấu kiên cường, gian khổ và tràn đầy tình đồng chí, đồng đội đó, vẫn luôn trong tâm trí ông và được ông thể hiện qua những giai điệu chiến thắng.

17 thiếu nhi xuất sắc đạt danh hiệu "Chiến sĩ nhỏ Điện Biên" và 18 cán bộ Đội xuất sắc đạt giải thưởng 15/5, vừa được Quận Đoàn Tây Hồ khen thưởng nhân dịp kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 83 năm ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh.

Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc đang chuẩn bị bước vào cao điểm mùa mưa bão. UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch bảo đảm công tác thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành trong mùa mưa năm 2024.

Quận Ba Đình (Hà Nội) sẽ thực hiện cải tạo Vườn hoa Trúc Bạch bằng cách trồng thêm nhiều rặng trúc, kết hợp chỉnh trang đô thị, mở rộng không gian đi bộ, phục vụ các hoạt động quảng bá văn hóa, giới thiệu ẩm thực.

Sở Du lịch Hà Nội đã có buổi kết nối, trao đổi khách hai chiều giữa doanh nghiệp du lịch Hà Nội với doanh nghiệp lữ hành vùng Viễn Đông (Liên bang Nga).

10 năm Hà Nội thực hiện Chỉ thị 35, công tác tiếp công dân, đối thoại giải quyết khiếu nại, tố cáo đã đạt kết quả tích cực. Lượng đơn thư, nhất là đơn thư vượt cấp đã giảm đáng kể, nhiều vụ việc khiếu kiện kéo dài đã được giải quyết dứt điểm.