Thầy giáo Hà Nội nhận nuôi toàn bộ trẻ em làng Nủ | Hà Nội tin mỗi chiều

Thầy Nguyễn Xuân Khang Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie (Hà Nội) sẽ nhận nuôi tất cả trẻ thoát nạn vụ lũ quét Làng Nủ đến năm 18 tuổi.

Siêu bão Yagi đã đổ bộ lên các tỉnh, thành phía Bắc từ ngày 7/9, gây ra thảm họa thiên tai kinh hoàng, với rất nhiều cảnh phận tang thương. Làng Nủ có lẽ là cái tên gắn với cảnh phận bi thương được nhắc đến nhiều nhất trong những ngày qua.

Trận lũ lớn quét qua thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai gây quá nhiều đau thương. Cả thôn chìm trong bùn đá. Tính tới ngày 17/9, tổng số người chết và mất tích tại Làng Nủ là 66 trường hợp. Trong đó, có 52 người chết, 14 người mất tích, 87 người đã được xác định an toàn, trong khi 15 người bị thương đang được điều trị tại bệnh viện.

Lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm nạn nhân mất tích tại hiện trường. Ảnh: Báo Tuổi trẻ.

Trong khó khăn hoạn nạn, tình người lại một lần nữa được thắp sáng. Chia sẻ những đau thương đối với người dân Làng Nủ, một người Hà Nội - thầy Nguyễn Xuân Khang quyết định sẽ cấp dưỡng cho toàn bộ các em học sinh của thôn, mỗi em 3 triệu đồng, hàng tháng cho đến khi các em 18 tuổi. Tiền sẽ được chuyển khoản trực tiếp cho bố mẹ hoặc người đỡ đầu của các em. Thầy chia sẻ, đây là dự án nuôi trẻ em và học sinh Làng Nủ còn sống sót sau lũ quét.

"Nuôi các con đến 18 tuổi, nghĩa là còn lâu dài. Tôi sẽ tập trung những việc cần thiết ban đầu là lập danh sách các em. Nay mai, người nuôi các em đã có và những người được nuôi sẽ có cụ thể thì chúng tôi sẽ báo cáo đầy đủ", thầy Khang chia sẻ.

Trong khi chờ các cơ quan thống kê danh sách các em học sinh, thì ngay ngày 17/9, em Nguyễn Văn Hành, học sinh lớp 12A9, Trường THPT số 1 Bảo Yên, một trong những hoàn cảnh đáng thương tại Làng Nủ đã nhận được sinh hoạt phí tháng 9/2024 - tháng đầu tiên.

Nguyễn Văn Hành, người được thầy Khang nhận nuôi ăn học, hiện đang điều trị tại Bệnh viện huyện Bảo Yên. Ảnh: Báo Thanh niên.

Nguyễn Văn Hành mất bố, trận lũ quét đã cuốn trôi đi nốt người mẹ. Vì thế, sau trận lũ quét, Hành chỉ còn lại một mình. Thầy Khang hy vọng có tài khoản mới, có suất học bổng đầu tiên phần nào sẽ an ủi cậu bé mồ côi - tương lai không còn mờ mịt nữa.

Đây không phải là lần đầu tiên thầy Khang thể hiện tinh thần thiện nguyện, sẻ chia, tương thân tương ái. Trước đó, vào năm 2021, xuất phát từ đề án quốc gia trồng 1 tỷ cây xanh, thầy Khang đã quyết định trồng 2 vạn cây Sa Mộc tại xã Khâu Vai và tới năm 2024 tiếp tục trồng 3 vạn cây, tương lai tạo thành khu rừng Marie Curie. Rồi sau đó, thầy trò trường Marie Curie cũng hỗ trợ sách giáo khoa, truyện, đồ dùng học tập cho một số trường ở Mèo Vạc.

Thầy Nguyễn Xuân Khang cùng học trò của mình tại lễ khai giảng vừa qua. Ảnh: Báo Thanh niên.

Điều đặc biệt hơn cả là năm học 2022 - 2023, khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3, nhưng gần 20 trường tiểu học ở huyện Mèo Vạc chỉ có một giáo viên cho môn học này. Các trường học ở Mèo Vạc rất lúng túng khi năm học mới đã cận kề. Dự án mang tên "Dạy tiếng Anh cho học sinh Mèo Vạc" chi phí khoảng hơn 1,7 tỷ đồng/năm học ngay lập tức được thầy Khang triển khai. Đều đặn ba tiết/tuần, học sinh lớp 3 ở huyện Mèo Vạc được học trực tuyến môn tiếng Anh với các giáo viên ở Thủ đô theo đơn vị lớp. Dự án không dừng ở một năm như kế hoạch ban đầu, thầy Khang quyết định nối dài yêu thương và tiếp tục giúp Mèo Vạc dạy tiếng Anh cho hơn 2.600 học sinh lớp 3 đến khi các em tốt nghiệp tiểu học vào năm 2025.

Những giúp đỡ sẻ chia như thế tưởng đã quá ngưỡng. Vậy mà, người thầy giáo già của Hà Nội lại không đành lòng khi nghĩ đến lúc dự án kết thúc, Mèo Vạc lại khó khăn bởi vẫn thiếu giáo viên. Ông tâm niệm tặng con cá lúc nguy cấp là rất cần, nhưng để lâu dài và bền vững thì phải có cần câu. Nghĩ vậy, thầy Nguyễn Xuân Khang chủ động đề xuất UBND huyện Mèo Vạc về việc phối hợp đào tạo giáo viên tiếng Anh cho huyện với hình thức cử tuyển kết hợp xã hội hóa. Ông đặt tên cho dự án là "Đào tạo giáo viên tiếng Anh cho Mèo Vạc".

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie và 9 sinh viên Mèo Vạc đầu tiên được nhận học bổng của trường. Ảnh: Báo Kinh tế & Đô thị.

Trường Marie Curie đã cấp học bổng tối thiểu 5 triệu/tháng/sinh viên trong 4 năm, bắt đầu từ tháng 12/2023. Dự án sẽ nuôi 30 sinh viên, dự tính kinh phí lên tới từ 6 tỷ - 12 tỷ đồng.

Em Vàng Thị Lía, người dân tộc Mông ở xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc chia sẻ: "Sau niềm vui trúng tuyển đại học là nỗi lo trọ học xa nhà, đủ thứ phải chi tiêu, nhưng mỗi tháng bố mẹ chỉ có thể gom góp vay mượn gửi cho 500.000 đến nhiều nhất là 1 triệu đồng. Thậm chí có tháng chỉ có 300 nghìn đồng. Những tháng đầu tiên xa nhà, chưa thể làm thêm, nhiều khi em cảm thấy hoang mang không biết mình có thể bám trụ và tiếp tục học ra trường được không. Do vậy không thể diễn tả được niềm vui khi một ngày em nhận được tin thầy Nguyễn Xuân Khang và dự án Đào tạo tiếng Anh cho Mèo Vạc đã tài trợ kinh phí, cho em theo đuổi ước mơ".

Dự án "Đào tạo giáo viên tiếng Anh cho Mèo Vạc" mới chỉ bắt đầu thì thầy Nguyễn Xuân Khang lại ấp ủ thực hiện mong muốn xây tặng nơi đây một ngôi trường đủ lớn, đủ khang trang để thu hẹp phần nào khoảng cách giữa miền xuôi với miền ngược.

Ngay lập tức, thầy Khang và tập thể Trường Marie Curie cũng đã lên kế hoạch tài trợ khoảng 100 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị cho Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Marie Curie - Mèo Vạc.

Thầy Nguyễn Xuân Khang cùng sinh viên được nhận học bổng trong lễ ký cam kết hỗ trợ đào tạo giáo viên tiếng Anh cho huyện Mèo Vạc, tháng 11/2023. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Trước đó, khoảng tháng 1/2024, Thường trực Huyện ủy và lãnh đạo UBND huyện Mèo Vạc đã về Hà Nội bàn bạc việc xây dựng dự án Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Marie Curie - Mèo Vạc. Hai bên đã thống nhất về tiến độ: năm 2024 là giai đoạn chuẩn bị đầu tư; năm 2025 là giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản; dự kiến năm học 2026 - 2027 trường sẽ đi vào hoạt động, tuyển sinh lứa đầu tiên.

Khi được hỏi, vì sao những dự án cho Mèo Vạc cả trăm tỷ đều được thầy quyết nhanh như vậy? Thầy Nguyễn Xuân Khang nói: "Cách đây 45 năm, khi tròn 30 tuổi, khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, lúc đấy tôi đã có vợ và một con, đã viết tâm thư xung phong lên bảo vệ biên giới phía Bắc, nhưng không được toại nguyện. Tôi tâm nguyện, nếu không được dùng xương máu để bảo vệ biên giới phía Bắc, thì nay xin dùng mồ hôi nước mắt để giữ đất và giữ nước ở biên cương Tổ quốc. Đó chính là hạnh phúc".

Theo thầy Khang, người có nhiều tiền, tặng tiền có thể là cách dễ nhất; nhưng khi đã xây dựng thành các dự án, có mục tiêu, có kế hoạch thì chủ đầu tư sẽ phải có trách nhiệm đến cùng, dù biết sẽ nhiều khó khăn, vất vả. Vì thế, trong thư ngỏ gửi các thầy cô tham gia dạy tiếng Anh cho học sinh huyện Mèo Vạc, thầy Khang nói điều cần nhất vẫn là ngọn lửa nồng nàn trong tim mỗi người khi tham gia dự án này.

Ngọn lửa mà tôi nhắc đến trước hết phải là trong tim của chính tôi và tôi muốn những người đồng hành cũng phải có ngọn lửa ấy...

Và ngọn lửa ấy lại rực cháy khi thầy Nguyễn Xuân Khang tiếp tục nâng bước các em Làng Nủ. Đó là ngọn lửa của lòng nhân ái được lan tỏa, là niềm hạnh phúc cho sự nghiệp trồng người của ông giáo Hà Nội hay lo sự đời.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong suốt chiều dài lịch sử, vai trò của người thầy luôn được đề cao và kính trọng như một “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”. Nghề gieo những hạt mầm yêu thương lên mảnh đất tâm hồn học trò, để nó nảy mầm thành cây xanh của lòng nhân ái, là một điều thiêng liêng mà không phải ai cũng biết cách làm.

Vốn không hài lòng về chuyện con dâu thuê người giúp việc, Hồng Hà và mẹ chồng lại tiếp tục căng thẳng. Mục đích cuối cùng của mẹ chồng Hồng Hà vẫn là muốn con dâu ở nhà nội trợ, chăm sóc gia đình. Không ép được con dâu thay đổi, mẹ của Tuấn lại đến tìm con trai vừa thuyết phục vừa nói xấu con dâu, nhưng khi Tuấn tỏ rõ thái độ, bà vô cùng thất vọng.

Nhiều năm về trước, khi Internet mới xuất hiện, blog không phải là một khái niệm quá xa lạ với người dùng. Qua thời gian, Internet phát triển bùng nổ hơn, kéo theo đó là sự ra đời của hàng loạt các trang mạng xã hội khiến xu hướng xem blog dần thoái trào. Thế nhưng đến nay, vẫn có những người trẻ tìm đến blog như một nơi để lưu giữ kỉ niệm về một thành phố mà họ yêu.

Lừa đảo tài chính trực tuyến gia tăng tại Việt Nam; Bà Đỗ Thị Nhàn mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ tội; Làm rõ 1.400 tỷ đồng do Xuyên Việt Oil chiếm đoạt;... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.

Để giữ thể diện trước Ngân, Long mua kẹo giúp Hải, một người bán kẹo dạo tỏ ra nghèo khổ. Sau đó, Ngân bất ngờ phát hiện Hải lành lặn, sống trong cùng chung cư và thực chất chỉ giả vờ để lừa gạt người khác. Cuối cùng, Ngân quyết định báo cáo sự việc cho cơ quan công an.

Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khép lại tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil), với nhiều cam kết mạnh mẽ về chống đói nghèo, đánh thuế tỷ phú và tài chính khí hậu. Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất vẫn là liệu những cam kết này có được hiện thực hóa hay không?