Thế giới đối mặt mùa mưa bão khốc liệt, thiên tai phức tạp

Biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ nước biển tăng lên gần mức kỷ lục ở Đại Tây Dương và nhiều khu vực khác trên thế giới sẽ khiến mùa bão năm nay hoạt động mạnh hơn bình thường.

Siêu bão Yagi càn quét Trung Quốc

Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) đã cảnh báo như vậy. Cơ quan này ước tính có khoảng 17 đến 25 cơn bão lớn, trong đó, 8 đến 13 cơn bão sẽ phát triển thành bão cuồng phong (tức là có tốc độ gió trên 119 km/h) và từ 4 đến 7 cơn bão đặc biệt lớn, có tốc độ gió vượt ngưỡng 179 km/h.

Chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần, các nước châu Á liên tiếp chứng kiến hai siêu bão có sức tàn phá nặng nề.

Ngày 29/8, bão Shanshan có sức gió lên tới 252 km/h đã đổ bộ vào đất liền Nhật Bản. Đây là một trong những cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Nhật Bản kể từ năm 1960.

Một khu vực bị nhấn chìm do mưa lớn từ cơn bão Shanshan ở Yufu thuộc tỉnh Oita, Tây Nam Nhật Bản vào ngày 29/8/2024 Ảnh: Reuters.

Ngày 2/9, bão Yagi đổ bộ vào Philippines đã làm 16 người thiệt mạng, thiệt hại về cơ sở hạ tầng ước tính khoảng 4 triệu USD.

Cơn bão này đã tăng gấp đôi sức mạnh và trở thành siêu bão sau khi rời Philippin để tiến vào Trung Quốc.Với sức gió duy trì tối đa 234 km/giờ, Yagi được ghi nhận là cơn bão mạnh nhất châu Á trong năm nay từ đầu năm 2024 đến nay.

Theo Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc, siêu bão Yagi đã đổ bộ vào tỉnh đảo Hải Nam lúc 16h20 giờ địa phương ngày 6/9. Hơn một giờ sau khi bão đổ bộ, Hải Nam đã rơi vào cảnh mất điện gây ảnh hưởng đến 830.000 hộ gia đình trong tỉnh. Ít nhất 3 người chết và hơn 90 người bị thương theo công bố được đưa ra vào sáng 7/9.

Cây đổ chắn ngang đường phố khi siêu bão Yagi đổ bộ tỉnh đảo Hải Nam, Trung Quốc ngày 6/9. Ảnh: Reuters.

Cũng trong đêm 6/9, bão Yagi tiến vào Quảng Đông với sức gió vẫn vượt 200 km/h. Hơn 410.000 người ở Hải Nam và 670.000 người ở Quảng Đông đã được sơ tán tránh cơn bão.

Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc dự báo trong hai ngày tới lượng mưa tại một số nơi ở tỉnh Hải Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam thuộc miền Nam Trung Quốc có thể lên tới 600 mm.

Con phố ngập lụt sau trận mưa lớn do bão nhiệt đới Yagi tại một ngôi làng ở thị trấn Cainta, tỉnh Rizal, phía Đông Manila, Philippines, ngày 3/9. Ảnh: AFP.

Đài Khí tượng Trung ương Trung Quốc dự báo trong khoảng 10 ngày tới sẽ có 1 đến 2 cơn bão đổ bộ vào khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, một trong số đó có thể ảnh hưởng đến bờ biển Đông Nam Trung Quốc vào khoảng ngày 11/9.

Lũ lụt tại Italia và Mỹ 

Còn tại châu Âu, một số cơn bão đã tấn công miền Bắc Italy trong những ngày gần đây, gây lũ lụt trên diện rộng và gián đoạn giao thông nghiêm trọng ở nhiều thành phố. Hình ảnh được phát sóng bởi RAI, kênh công cộng quốc gia của Italia, cho thấy nước sông Orco đã tràn bờ sau một cơn bão dữ dội, gây ra lũ lụt ở các khu vực xung quanh.

Nước sông Orco đã tràn bờ sau một cơn bão dữ dội, gây ra lũ lụt ở các khu vực xung quanh.

Tại thành phố Milan, đô thị phát triển bậc nhất châu Âu, thủ phủ của vùng Lombardia, giao thông bị gián đoạn do nước lũ của hai con sông Seveso và Lambro. Lính cứu hỏa Milan cho biết họ đã nhận được hàng chục cuộc gọi tới giải cứu những người mắc kẹt trong ô tô ở những đường hầm ngập nước. Một số dịch vụ tàu điện ngầm cũng đã phải tạm dừng hoạt động do lũ lụt.

Lần đầu tiên kể từ khi thành lập vào năm 1976, Đài phát thanh Popolare ở Milan phải ngừng phát sóng vì trung tâm phát sóng của đài này bị ngập nước.

Lũ quét nghiêm trọng tấn công quận Tom Greet, Texas, hôm 4/9.

Lũ quét nghiêm trọng tấn công quận Tom Greet, Texas, Mỹ, hôm 4/9. Lượng mưa lớn trong khu vực đã làm quá tải hệ thống thoát nước, gây ngập lụt đường phố, đặc biệt là ở các vùng trũng thấp.

Tại thành phố San Angelo, các dịch vụ khẩn cấp địa phương, bao gồm cả lính cứu hỏa, đã nhanh chóng ứng phó với cuộc giải cứu dưới nước sau khi 5 người, trong đó có một trẻ 3 tuổi, bị cuốn trôi gần đường McMillan và Wright Road. Các nạn nhân được tìm thấy khi đang bám vào một thân cây.

Trước đó, Thư viện Smithtown ở Long Island, New York cũng đã hứng chịu trận lũ lụt thảm khốc sau khi một cơn bão lịch sử đổ lượng mưa gần 30 cm xuống quận Suffolk. Tầng dưới của thư viện bị ngập trong nước lũ, phá hủy hàng nghìn cuốn sách, máy tính và bộ sưu tập Long Island Americana của Richard H. Handley gồm các tài liệu lịch sử vô giá. Sách ngập trong bùn và những mảnh vụn trôi nổi trong mực nước sâu tới 3 m. Các chuyên gia từ Detroit đã được cử đến thư viện để vớt và phục hồi các hiện vật vô giá này.

Thư viện Smithtown ở Long Island, New York hứng chịu trận lũ lụt thảm khốc sau khi một cơn bão lịch sử đổ lượng mưa gần 30 cm xuống quận Suffolk.

Các nhà khoa học cho biết, một trong những nguyên nhân khiến ngày càng xuất hiện nhiều trận siêu bão là bởi nhiệt độ đại dương ấm hơn đang góp phần hình thành các siêu bão, làm tăng tốc độ gió và lượng mưa mà chúng tạo ra. Họ cũng cảnh báo rằng khi hành tinh tiếp tục ấm lên, bão và lốc xoáy sẽ trở nên thường xuyên hơn và có sức tàn phá lớn hơn.

Cần thúc đẩy giáo dục hành động khí hậu 

Một báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy khủng hoảng khí hậu đang ảnh hưởng nặng nề đến giáo dục.

Hơn 400 triệu học sinh trên toàn cầu đã phải nghỉ học do thời tiết khắc nghiệt kể từ năm 2022. Báo cáo cho thấy tại các nước thu nhập thấp, trung bình mỗi năm học sinh phải nghỉ học 18 ngày, cao hơn nhiều so với con số 2,4 ngày ở các quốc gia giàu có hơn.

Báo cáo cũng ước tính rằng, khoản đầu tư một lần cho giáo dục về khí hậu trị giá 18,51 USD cho mỗi đứa trẻ có thể giảm tác động từ những cú sốc khí hậu.

Khủng hoảng khí hậu đang ảnh hưởng nặng nề đến giáo dục. Ảnh: AFP.

Báo cáo mang tên “Lựa chọn tương lai của chúng ta: Giáo dục vì hành động vì khí hậu” của Ngân hàng Thế giới Wold Bank xem xét tác động bất lợi của biến đổi khí hậu đối với giáo dục ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, đồng thời đưa ra các giải pháp khai thác giáo dục để thúc đẩy hành động vì khí hậu.

Theo báo cáo này thì một đứa trẻ 10 tuổi vào năm 2024 sẽ phải hứng chịu lũ lụt gấp ba lần, hạn hán gấp năm lần và sóng nhiệt gấp 36 lần trong suốt cuộc đời so với một đứa trẻ 10 tuổi vào năm 1970.

Và ngay cả khi các trường học mở cửa, một số học sinh không thể đến trường do khí hậu. Ở Brazil, học sinh ở 50% thành phố nghèo nhất có thể mất nửa năm học tập chỉ vì nắng nóng.

Giáo dục là một chất xúc tác mạnh mẽ nhưng chưa được sử dụng đúng mức cho hành động vì khí hậu, cho cả việc thay đổi hành vi và kỹ năng xanh. Thêm một năm giáo dục, có thể giúp nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu lên 9%. Đồng thời, giáo dục cũng cần được bảo vệ khỏi biến đổi khí hậu.

Trong một năm rưỡi qua, hơn 400 triệu học sinh đã bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa trường học liên quan đến khí hậu. Chỉ với gần 20 USD cho mỗi học sinh, các chính phủ có thể làm rất nhiều điều để bảo vệ hệ thống giáo dục và giáo dục trẻ em giảm các tác động của biến đổi khí hậu.

Bà Shwetlena Sabarwal - chuyên gia kinh tế giáo dục Ngân hàng Thế giới.

Báo cáo cũng đưa ra ba khuyến nghị chính. Đầu tiên là các chính phủ phải hành động ngay bây giờ để bảo vệ hệ thống giáo dục và điều chỉnh hệ thống giáo dục cho phù hợp với tình trạng khí hậu đang thay đổi.

Trong đó trọng tâm là theo dõi tần suất các trường học phải đóng cửa vì biến đổi khí hậu. Khuyến nghị thứ hai là các chính phủ có thể đưa chương trình giảng dạy về khí hậu thực tế của địa phương vào hệ thống trường học nhằm giúp trẻ em hiểu về biến đổi khí hậu và thích ứng với nó. Và cuối cùng, các chính phủ có thể sử dụng hệ thống giáo dục đại học của mình để đào tạo kỹ năng xanh cho sinh viên.

Philippines là một trong số ít quốc gia đã bắt đầu theo dõi một cách có hệ thống tần suất các trường học đóng cửa do các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt. Và đây sẽ là bước đầu tiên giúp quốc gia thường xuyên đối mặt với khí hậu khắc nghiệt điều chỉnh hệ thống giáo dục của mình để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại Australia, một số trường học đang tích hợp giáo dục về biến đổi khí hậu vào các môn học chính.

Sierra Leone và Hàn Quốc là các ví dụ điển hình về các quốc gia đang thực sự ưu tiên giảng dạy các kỹ năng cơ bản để giảm biến đối khí hậu.

Bồ Đào Nha, Ấn Độ đang triển khai tốt việc sử dụng hệ thống giáo dục đại học để thúc đẩy kỹ năng xanh và đổi mới.

Tại Australia, một số trường học đang tích hợp giáo dục về biến đổi khí hậu vào các môn học chính. Điều này giúp học sinh hiểu rõ hơn và có thể ứng phó với sự thay đổi về môi trường và khí hậu

Tại Trường Tiểu học Harkaway ở Melbourne, Australia, các em học sinh được học cách sử dụng hộp cứu hỏa, tìm hiểu môi trường biển, các loài động vật hoang dã và sự thay đổi của thời tiết.

Chỉ khoảng 30% các trường ở Australia tích cực giảng dạy về chủ đề biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, không phải trường học nào cũng có cách tiếp cận tương tự. Nhiều giáo viên vẫn e ngại khi đưa chủ đề biến đổi khí hậu vào lớp học vì lo ngại phản ứng tiêu cực từ cộng đồng.

Mặc dù chương trình giảng dạy quốc gia đã được cập nhật vào năm 2022 để tăng cường nội dung về biến đổi khí hậu nhưng việc triển khai vẫn chưa đồng đều. Hiện tại, chỉ khoảng 30% các trường ở Australia tích cực giảng dạy về chủ đề này, trong khi phần lớn còn lại vẫn do dự vì lo ngại về thiếu nguồn lực và phản ứng từ cộng đồng.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gây hậu quả rõ rệt thì việc nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và trang bị các kiến thức ứng phó với các thảm họa thiên tai đóng vai trò quan trọng đối với chúng ta và các thế hệ tương lai.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bộ Quốc phòng Nga mới thông báo đã bắn rơi ba máy bay tiêm kích của Ukraine trong vòng 24 giờ đồng hồ trước đó, bao gồm hai chiếc Su-27 và một chiếc MiG-29.

Người phát ngôn của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết vào ngày 16 tháng 9, giờ địa phương, rằng Tổng Giám đốc WTO Iweala đã chính thức công bố ý định tái tranh cử.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 16/9 thông báo các lực lượng nước này đã đẩy lùi quân đội Ukraine theo nhiều hướng ở khu vực Kursk.

Tổ chức Kỷ lục thế giới Guinness vừa phát hành Sách kỷ lục thế giới Guinness phiên bản năm 2025, giới thiệu 2.115 thành tích trên khắp thế giới, trong đó có hơn 80% là thành tích mới.

Cơ quan Cứu trợ và Việc làm cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông của Liên Hợp Quốc (UNRWA) cho biết vào trưa ngày 16/9 ( giờ địa phương), đợt tiêm và uống vaccine phòng bại liệt đầu tiên ở Dải Gaza đã hoàn thành.

Giải vô địch lái xe điện lần thứ 11 đã được tổ chức tại thành phố Frankfurt, Đức, với sự tham gia của 26 đội đến từ 21 quốc gia, với phần thưởng cao nhất là chiếc cúp dành cho đội lái xe điện xuất sắc nhất châu Âu.