Thế giới đối mặt thách thức ô nhiễm rác thải nhựa đại dương

Ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa đã trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với các đại dương trên thế giới, là vấn đề môi trường toàn cầu, được chính phủ các quốc gia, các tổ chức, nhà khoa học và người dân trên toàn thế giới quan tâm.

Hiện nay, rác thải nhựa đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế - xã hội tại các vùng biển và vùng bờ biển, như du lịch, nghỉ dưỡng, giao thông, môi trường, đa dạng sinh học và nguồn lợi cá biển, sức khỏe và sự an toàn của con người. Theo báo cáo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) về thực trạng rác thải nhựa đại dương, mỗi năm có khoảng từ 19 đến 23 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển, trong đó, phần lớn là sản phẩm nhựa dùng một lần. Rác này chiếm tới 60% nguyên nhân gây ô nhiễm đại dương. Bên cạnh đó, các sự cố tràn hạt nhựa xảy ra liên tiếp trong những năm gần đây cũng là một nguyên nhân góp phần làm nghiêm trọng thêm vấn đề rác thải nhựa xâm nhập vào các đại dương và sông ngòi trên thế giới.

Hàng triệu hạt nhựa bao phủ bãi biển ở Galicia

Mới đây, một cuộc khủng hoảng môi trường đã xảy ra ở bờ biển Đại Tây Dương, phía Bắc Tây Ban Nha, khi hàng triệu hạt nhựa đã trôi dạt vào một số bãi biển dọc đường bờ biển Galicia. Được biết, những hạt nhựa này rơi ra từ container của một con tàu Liberia được hãng vận tải khổng lồ Maersk thuê và vận hành ngoài khơi bờ biển Bồ Đào Nha. Những hạt nhựa này được sử dụng để tạo ra nhiều loại sản phẩm nhựa và được thiết kế để từ đó làm nóng chảy thành dạng lỏng nhằm đổ vào khuôn thành hình dạng khác. Chúng thường nhỏ hơn 5 milimet, rất khó để dọn sạch khỏi môi trường trong trường hợp phân tán do bản chất siêu nhẹ.

Kêu gọi tình nguyện viên dọn bãi biển.

Ông Luis Ribeira, Thị trưởng khu vực Liberia, Tây Ban Nha chia sẻ: "Sự cố tràn loại vật liệu này đang gây ra những rắc rối lớn cho đại dương của chúng ta, một vấn đề lớn được hình thành bởi hàng triệu hạt nhựa hiện đang lắng đọng ở biển và bãi biển của chúng ta, ảnh hưởng đến hệ thực vật và động vật biển và trên cạn".

Trước sự chậm trễ trong việc xử lý hạt nhựa tích tụ của chính phủ, chính quyền địa phương đã kêu gọi tình nguyện viên dọn bãi biển, tuy nhiên, quá trình này mất rất nhiều thời gian. Bất chấp điều kiện thời tiết mưa gió, hàng chục tình nguyện viên cùng người dân thị trấn Ribeira và Corrubedo đã tham gia thu nhặt các hạt nhựa trôi dạt tại bãi biển vùng Galicia, Tây Bắc Tây Ban Nha, gây ra những mối lo ngại về môi trường.

Người dân thị trấn Ribeira và Corrubedo đã tham gia thu nhặt các hạt nhựa trôi dạt tại bãi biển.

Những hạt nhựa này được sử dụng để sản xuất các vật dụng hàng ngày từ chai nước đến túi mua sắm và chúng được cho là góp phần làm nghiêm trọng thêm vấn đề rác thải nhựa xâm nhập vào các đại dương và sông ngòi trên thế giới. Hạt nhựa rất cứng và có thể tồn tại trong thời gian dài. Chúng không dễ dàng phân hủy và theo thời gian có thể trở thành loại nhựa nhỏ hơn gọi là vi nhựa, thậm chí khó loại bỏ hơn. Càng tệ hơn là hạt nhựa có thể ngấm hóa chất độc hại từ nước. Hóa chất từ nhựa có thể thay đổi đời sống vi khuẩn trong nước biển, gây hại cho các dạng sống có vai trò thiết yếu với sản xuất oxy ở đại dương, đồng thời làm gián đoạn mạng lưới thức ăn dưới biển.

Cũng theo chuyên gia, không có cách nào để thu hồi hoàn toàn hàng triệu viên nhựa trôi dạt vào bờ biển vùng Galicia phía Tây Bắc Tây Ban Nha và hiện đã lan sang các bãi biển Asturias và Basque.

Một phần của vấn đề là, không giống như dầu mỏ, Tổ chức Hàng hải Quốc tế chưa phân loại nhựa là nguy hiểm. Nếu nhựa được phân loại là nguy hiểm thì sẽ có nhiều áp lực hơn từ giới truyền thông và các chính trị gia trong việc giải quyết các vấn đề như ô nhiễm nhựa.

Bosnia: Rác thải nhựa đe dọa du lịch, sức khỏe người dân

Khu vực Tây Balkan là nơi tập trung của một số con sông và phong cảnh thiên nhiên hoang sơ nhất châu Âu. Tuy nhiên môi trường và sức khỏe cộng đồng nơi đây đang bị đe dọa do rác thải nhựa. Một bãi rác thải nổi khổng lồ trong hẻm núi sông Drina là cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt du khách khi bước vào thị trấn Visegrad phía Đông Bosnia, làm mất đi những ấn tượng tích cực về thị trấn lịch sử và làm dấy lên lo ngại về tác động của nó đối với sức khỏe của người dân và nền kinh tế.

Một bãi rác thải nổi khổng lồ trong hẻm núi sông Drina.

Sông Drina chảy qua Montenegro, Serbia và Bosnia, nhưng phần lớn rác thải đã tích tụ ở dòng chảy Bosnia sau khi Nhà máy thủy điện Visegrad bắt đầu lắp đặt hệ thống phao chắn để ngăn rác tràn vào đập khoảng 20 năm trước. Không mấy ai muốn đến gần địa điểm này bởi mùi hôi thối bốc lên từ bãi rác khổng lồ, chai lọ nhựa chất đống, mảnh xốp, nổi trên mặt nước.

Anh Dejan Furtula - Thành viên của tổ chức “Eco-centre visegrad” cho biết: Rác thải đến từ khắp mọi nơi và cảnh tượng này lặp đi lặp lại năm này qua năm khác. Chẳng hạn, năm ngoái, nhân viên Nhà máy thủy điện đã dọn rác trong 11 tháng, gần như cả năm. Tại bãi rác thành phố cách đây khoảng 300 mét, là nơi chất thải được tập kết.”

Chai lọ nhựa chất đống, mảnh xốp, nổi trên mặt nước.

Khu vực Tây Balkan gồm Albani, Bosnia và Herzegovina, Bắc Macedonia, Montenegro, Serbia và vùng lãnh thổ Kosovo là nơi tập trung của một số con sông và phong cảnh thiên nhiên hoang sơ nhất châu Âu. Tuy nhiên môi trường và sức khỏe cộng đồng nơi đây đang bị đe dọa do những yếu kém trong hệ thống xử lý rác thải.

Ngân sách hạn chế, cơ sở hạ tầng lạc hậu và việc cơ quan liên quan và người dân không hành động kịp thời là những nguyên nhân khiến việc xử lý rác thải tại Tây Balkan không hiệu quả. Hiện nay tại hầu hết các nước khu vực Tây Balkan, việc tái chế chưa phổ biến trong khi các bãi rác "đổ trộm" mọc lên ngày càng nhiều ven các con đường nông thôn và ngoại ô các thị trấn, thành phố.

Phân tích lượng vi nhựa có trong vùng biển tại Nam Cực

Không chỉ rác thải nhựa, các hạt vi nhựa, mảnh vỡ của các vật dụng bằng nhựa hàng ngày, còn được tìm thấy trong băng, thậm chí trong tuyết rơi ở Nam Cực. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học The Cryosphere đã nêu bật "mức độ ô nhiễm nhựa trên toàn cầu" bằng cách xác định trung bình 29 hạt vi nhựa trên một lít tuyết tan chảy. Việc tìm thấy vi nhựa trong tuyết mới rơi ở Nam Cực làm nổi bật mức độ ô nhiễm nhựa ở ngay cả những vùng xa xôi nhất trên thế giới.

Mới đây nhất, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích lượng vi nhựa có trong nước biển tại các khu vực ở Nam Cực. Dự án được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế của Liên hợp quốc và Viện Nam Cực Argentina tiến hành. Đây là một phần của “Sáng kiến Nhựa NUTEC” của IAEA nhằm xem xét ô nhiễm vi nhựa ở các nước trên thế giới.

Các nhà khoa học đã tiến hành phân tích lượng vi nhựa có trong nước biển tại các khu vực ở Nam Cực.

Ông Rafael Grossi – Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế IAEA chia sẻ: “Sức khỏe của Nam Cực rất quan trọng đối với sức khỏe của hành tinh. Hạt vi nhựa đang ảnh hưởng đến môi trường và nơi này cũng không ngoại lệ. Thông qua NUTEC Plastics, chúng tôi đang bắt đầu một chiến dịch khoa học để đánh giá và xác định lượng vi nhựa có thể tồn tại ở đó. Chúng tôi đặc biệt chú ý đến phần nhỏ nhất của vi nhựa và cố gắng xác định nguồn gốc của chúng. Thậm chí nếu chúng được dòng hải lưu từ các nơi khác trên hành tinh mang đến hoặc được tạo ra ở chính Nam Cực.”

Chương trình sẽ sử dụng tàu phá băng Almirante Irízar của Argentina và các nhà khoa học sẽ lấy mẫu từ phân chim cánh cụt, trầm tích từ đáy biển và từ nước xung quanh dải băng để phân tích tại căn cứ Carlini của Argentina ở Nam Cực. Từ đó, các nhà khoa học sẽ theo dõi mức độ ô nhiễm vi nhựa trên Biển Nam Cực và nghiên cứu cách phân hủy sinh học và ngăn ngừa ô nhiễm vi nhựa ở Nam Cực.

Giải cứu rùa biển khỏi rác thải nhựa

Báo cáo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) cho biết, 88% các loài sinh vật biển mà tổ chức này nghiên cứu bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm nhựa rất nghiêm trọng. Ít nhất có hơn 2.100 loài phải sống trong môi trường ô nhiễm nhựa. Trên thực tế, các nhà khoa học ước tính rằng hơn một nửa số rùa biển trên thế giới đã ăn phải nhựa trong suốt cuộc đời của chúng. Một số khác thì bị mắc kẹt trong rác thải nhựa, chủ yếu là vỏ chai, phao và lưới đánh cá dạt vào các bãi biển. Nhiều cuộc giải cứu rùa biển đã được thực hiện để cứu những con rùa biển bị mắc kẹt và thả lại chúng về với đại dương.

Một con rùa biển Quản Đồng nặng khoảng 90 kg tên là Ida, đã được một nhóm ngư dân và lực lượng bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ giải cứu, và thả trở lại Đại Tây Dương tại Marathon, Florida. Ida được phát hiện vướng vào dây phao bẫy tôm hùm bởi hai vợ chồng người dân địa phương khi đang đi câu cá.

Một con rùa biển Quản Đồng nặng khoảng 90 kg tên là Ida được giải cứu.

Nhóm Bệnh viện Rùa có trụ sở tại Florida Keys đã tham gia cùng cảnh sát biển để giải cứu Ida và đưa nó đến bệnh viện điều trị. Nó đã được truyền dịch và dùng thuốc kháng sinh để điều trị vết thương nhẹ trước khi sẵn sàng quay trở lại biển sau hai ngày hồi phục nhanh chóng.

Bệnh viện Rùa là một tổ chức phi lợi nhuận đã giải cứu, phục hồi và thả rùa biển từ năm 1986. Đây là bệnh viện thú y được nhà nước chứng nhận duy nhất trên thế giới về rùa biển.

Rùa biển Quản Đồng là loài rùa mai cứng lớn nhất thế giới và được coi là loài dễ bị tổn thương. Con trưởng thành có thể đo được 90 cm và nặng 150 kg. Kích thước và lớp vỏ cứng của chúng thường bảo vệ chúng khỏi những kẻ săn mồi, nhưng lưới đánh cá, cánh quạt tàu và ô nhiễm đã và đang trở thành những mối đe dọa đáng kể đối với loài này.

Ước tính mỗi năm có khoảng 300 triệu túi nhựa trôi dạt trên vùng biển Đại Tây Dương, gây ô nhiễm đại dương trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó, 80% lượng túi nilon và các loại rác thải nhựa trôi nổi trên biển có nguồn gốc từ đất liền. Rõ ràng, rác nhựa đại dương xuất phát từ chính thói quen tiêu dùng của con người, để rồi hệ sinh thái biển phải gánh chịu hậu quả khó lường. Rất nhiều quốc gia trên thế giới hiện đang có nhiều chính sách khuyến khích nhằm đẩy mạnh việc tái sử dụng và tạo ra các vật liệu thay thế nhựa có nguồn gốc sinh học hoặc có thể phân hủy sinh học. Điều này không những góp phần làm giảm đáng kể lượng rác thải nhựa ra môi trường, mà còn tái chế để biến rác thải nhựa thành những nguồn tài nguyên quay trở lại phục vụ cho chính cuộc sống của con người.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong bối cảnh các thảm họa thiên nhiên gia tăng nhanh chóng và lượng khí nhà kính đang ở mức cao nhất mọi thời đại, Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lần thứ 29 của Liên hợp quốc (COP29) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các hành động bảo vệ môi trường mạnh mẽ hơn trên toàn cầu.

Ngày 14/11, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghzi đã gặp Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi tại Tehran để thảo luận chi tiết về chương trình hạt nhân của Iran trong bối cảnh diễn biến quốc tế bị chi phối bởi việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp trở lại Nhà Trắng.

Việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống được dự đoán sẽ tác động đến chính trị toàn cầu, đặc biệt là đối với Trung Đông. Câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền sắp tới của ông Donald Trump có thể tháo ngòi nổ Trung Đông và lập lại hòa bình trong khu vực?

Theo nhận định của giới chuyên gia, nguyên nhân khiến giá đồng Bitcoin tăng chóng mặt là do các nhà đầu tư mong đợi về một môi trường tài chính cởi mở hơn với tiền kỹ thuật số dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Chiến thắng áp đảo của Tổng thống đắc cử Donald Trump đánh dấu một chiến thắng lớn cho tỷ phú Elon Musk, người đã chi ít nhất 119 triệu đô la cho một nhóm ủng hộ ứng viên của Đảng Cộng hòa.

Liên minh cầm quyền tại Đức đã sụp đổ, kinh tế trì trệ, cùng với căng thẳng địa chính trị và áp lực bên ngoài có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào giai đoạn bất ổn. Nước Đức đang ở thời điểm bước ngoặt cho những cải cách và đổi mới để mạnh mẽ vươn lên.