Thế giới nỗ lực giảm phát thải khí methane

Các cuộc thảo luận về khí hậu thường xoay quanh việc giảm carbon dioxide (CO₂) - loại khí nhà kính nguy hiểm nhất. Tuy nhiên, methane (CH₄) - một loại khí thải khác chỉ đứng sau CO₂ về tác động đến hiện tượng nóng lên toàn cầu, cũng cần được chú ý nếu muốn làm chậm tình trạng biến đổi khí hậu.

Gia tăng lượng khí thải methane trên toàn cầu

Chiếm khoảng 20% lượng khí nhà kính do con người thải ra, methane có nguy cơ gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu mạnh hơn khí CO₂ gấp 80 lần trong khoảng thời gian 20 năm và ước tính đã góp phần gây ra 30% tình trạng nóng lên toàn cầu kể từ thời kỳ tiền công nghiệp. Trong 20 năm qua, lượng phát thải khí methane trên toàn cầu hằng năm đã tăng gần 10% bất chấp những cam kết quốc tế trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Theo nghiên cứu được công bố gần đây, lượng khí thải methane toàn cầu trong 5 năm qua đã tăng nhanh hơn bao giờ hết. Với nồng độ methane trong khí quyển hiện cao hơn 2,5 lần so với thời kỳ tiền công nghiệp, vấn đề cấp bách là phải kiềm chế sự phát triển nhanh chóng của chất gây ô nhiễm không khí mạnh nhưng tồn tại trong thời gian ngắn này.

Xử lý khí methane là một trong những việc quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất, có thể thực hiện để hạn chế tình trạng nóng lên trong thời gian ngắn.

Ông Fattih Birol, Giám đốc điều hành Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA).

Lượng khí thải methane tăng nhanh có thể làm suy yếu những nỗ lực hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu, khi các nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách kêu gọi hành động mạnh mẽ để hạn chế loại khí nhà kính mạnh hơn CO₂ trong việc giữ nhiệt. Trong 20 năm đầu tiên sau khi phát thải, methane làm nóng bầu khí quyển nhanh hơn gần 90 lần so với carbon dioxide. Chính vì vậy, giảm phát thải khí methane trở thành mục tiêu chính để hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu trong tương lai gần.

Gần 160 quốc gia đã cam kết cắt giảm 30% lượng khí thải methane so với năm 2020 vào cuối thập kỷ này. Nhưng nồng độ methane đang tăng nhanh hơn bất kỳ loại khí nhà kính chính nào khác, trong đó hoạt động của con người chiếm ít nhất 2/3 lượng khí thải toàn cầu, theo Ngân sách Methane toàn cầu năm 2024. Mặc dù có nhiều chính sách ngày càng tập trung vào methane, nhưng tổng lượng khí thải methane hàng năm đã tăng 61 triệu tấn (khoảng 20%) trong hai thập kỷ qua theo ước tính mới. Sự gia tăng này chủ yếu là do sự gia tăng phát thải từ khai thác than, sản xuất và sử dụng dầu khí, chăn nuôi gia súc và cừu, phân hủy thức ăn và chất thải hữu cơ trong bãi chôn lấp.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, sự gia tăng lượng khí methane hằng năm là do con người gây ra theo ba hình thức: nông nghiệp (bao gồm cả hoạt động tiêu hóa thức ăn của gia súc), việc đốt các nhiên liệu hóa thạch và sự phân hủy của các chất hữu cơ trong rác thải. Nghiên cứu đã phát hiện hơn 60% khí methane thải ra môi trường hiện nay là do các hoạt động của con người.

Trong khi đó, lượng khí methane hình thành tự nhiên trong các vùng đầm lầy và hồ vẫn không thay đổi. Các nhà khoa học cảnh báo với mức độ gia tăng khí thải hiện tại, đến cuối thế kỷ này, nhiệt độ trung bình trên toàn cầu có thể sẽ tăng hơn 3 độ C so với năm 1750, vượt xa mục tiêu tăng nhiệt độ 2 độ C được đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Theo Giáo sư Akihito Ito thuộc Viện Nghiên cứu môi trường quốc gia Nhật Bản, những biện pháp cắt giảm khí thải chưa đủ mạnh, trong bối cảnh hoạt động công nghiệp và nông nghiệp ngày càng phát triển, là lý do chính làm tăng nồng độ khí methane trong khí quyển.

Ở Bắc Mỹ và Trung Quốc, các nhiên liệu hóa thạch là nguồn phát thải chính của khí methane.

Trong khi đó, tại những khu vực có nền công nghiệp kém phát triển hơn như châu Phi và châu Á, các hoạt động nông nghiệp và xử lý rác thải lại là nguyên nhân chính khiến lượng khí này gia tăng. Riêng với Nhật Bản, ông Ito cho biết lượng phát thải khí methane tại nước này đang có xu hướng giảm kể từ những năm 90 của thế kỷ trước, chủ yếu do hoạt động sản xuất lúa gạo giảm đáng kể. Ngoài ra, báo cáo còn cho thấy các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới có xu hướng phát thải khí methane nhiều hơn.

Theo Giáo sư Ito, mặc dù hiện có rất nhiều công nghệ có sẵn để kiểm soát các nguồn phát thải khí methane, nhưng chúng chưa được áp dụng rộng rãi vì chi phí đắt đỏ. Tuy nhiên, những hành động thiết thực như giảm thiểu lượng rác thải thực phẩm cũng có thể tạo nên sự khác biệt.

EU nỗ lực hạn chế khí thải methane

Trong bối cảnh vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng trở nên cấp bách, Liên minh châu Âu (EU) đã chủ động thực hiện các bước đi quan trọng nhằm giảm thiểu lượng khí methane thải ra môi trường. Trong năm nay, các nước EU đã thông qua luật quy định giới hạn phát thải khí methane đối với nhập khẩu dầu và khí đốt vào châu Âu từ năm 2030, theo đó gia tăng áp lực buộc các nhà cung cấp quốc tế phải kiểm soát rò rỉ loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính này.

Bộ trưởng nông nghiệp các nước EU đã thông qua lần cuối đối với chính sách trên tại một cuộc họp ở Brussels. Theo đó, luật có thể có hiệu lực ngay lập tức.

Nhập khẩu chiếm hơn 80% lượng dầu và khí đốt tiêu thụ ở EU, do đó các nhà lập pháp nhất trí đặt ra các yêu cầu đối với dầu, khí đốt và than nhập khẩu. Kể từ ngày 1/1/ 2027, các nhà nhập khẩu sẽ phải đáp ứng các yêu cầu về giám sát, báo cáo và xác minh ở cấp độ sản xuất.

Từ năm 2030, các nước EU sẽ áp đặt các giới hạn về "giá trị mật độ khí methane tối đa" đối với nhiên liệu hóa thạch tại EU. Khi đó, Ủy ban châu Âu sẽ xác định các mức giới hạn chính xác. Các nhà nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt vi phạm giới hạn có thể phải đối mặt với hình phạt tài chính.

Quy định trên có thể tác động đến các nhà cung cấp khí đốt lớn từ Mỹ, Algeria và Nga.

Các quy định cũng yêu cầu những nhà sản xuất tại các nước EU phải kiểm tra định kỳ các hoạt động sản xuất để đề phòng rò rỉ khí methane, với khung thời gian từ 4 tháng/lần đối với kho khí đốt tự nhiên hóa lỏng, đến 3 năm/lần đối với cơ sở hạ tầng năng lượng dưới đáy biển.

Khí methane là thành phần chính của khí tự nhiên và cũng là nguyên nhân lớn thứ hai gây ra tình trạng biến đổi khí hậu, sau CO₂. Trong ngắn hạn, loại khí thải này có tác động làm khí hậu ấm lên hơn nhiều so với CO₂. Các nhà khoa học nhấn mạnh việc nhanh chóng cắt giảm lượng khí thải methane trong thập niên này là rất quan trọng nếu thế giới muốn tránh biến đổi khí hậu nghiêm trọng.

Trong bối cảnh vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng trở nên cấp bách, Liên minh châu Âu (EU) đã chủ động thực hiện một bước đi quan trọng nhằm giảm thiểu lượng khí methane thải ra môi trường.

Tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 29 (COP29) diễn ra tại Baku, Azerbaijain, EU đã chính thức ra mắt kế hoạch hợp tác giảm phát thải methane.

Kế hoạch này nhằm tăng cường hợp tác giữa các quốc gia nhập khẩu và xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch, tập trung vào việc cải thiện hệ thống giám sát, báo cáo và xác minh để giảm thiểu lượng khí methane thoát ra từ quá trình sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Đây được xem là một trong những giải pháp hiệu quả và nhanh chóng để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Ủy viên châu Âu về hành động khí hậu, ông Wopke Hoekstra, nhấn mạnh giảm phát thải methane từ ngành năng lượng không chỉ là một giải pháp bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế. Việc cắt giảm khí methane giúp tăng cường an ninh năng lượng, đồng thời góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Ông cho biết, kế hoạch hợp tác mới này sẽ mở ra một chương mới trong việc hợp tác quốc tế, đặc biệt là giữa các quốc gia nhập khẩu và xuất khẩu năng lượng. Theo ông Hoekstra, để giải quyết hiệu quả vấn đề phát thải methane, "tất cả các quốc gia cần cùng nhau hợp tác trên toàn cầu".

Kế hoạch hợp tác được xây dựng dựa trên nền tảng của cam kết toàn cầu về methane, một sáng kiến do EU và Mỹ khởi xướng, đã nhận được sự tham gia của hơn 150 quốc gia. Theo cam kết này, các quốc gia thành viên đặt mục tiêu giảm ít nhất 30% lượng phát thải methane toàn cầu vào năm 2030 so với mức năm 2020.

Kế hoạch mới của EU đưa ra các hành động cụ thể như xây dựng hệ thống giám sát, báo cáo và xác minh chặt chẽ, cũng như đầu tư vào các dự án giảm phát thải từ các cơ sở hiện có. Điều này sẽ giúp các quốc gia thành viên có thể theo dõi chặt chẽ lượng khí methane thải ra, đánh giá hiệu quả của các biện pháp giảm thiểu và đưa ra những điều chỉnh cần thiết.

Việc ra mắt kế hoạch hợp tác tại COP29 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Các ví dụ cụ thể về việc thực hiện kế hoạch này sẽ được giới thiệu tại COP30 diễn ra tại Brazil.

Việc kiểm soát khí thải methane một cách chủ động, thận trọng và có trật tự có thể mang lại nhiều lợi ích cho khí hậu, kinh tế, môi trường, an ninh và các lĩnh vực quan trọng khác.

Ông Liu Zhenmin, Đặc phái viên Trung Quốc về biến đổi khí hậu tại COP29.

Với sự tham gia của các quốc gia, tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp, hy vọng rằng kế hoạch hợp tác giảm phát thải methane sẽ góp phần quan trọng vào việc đạt được các mục tiêu khí hậu toàn cầu, bảo vệ môi trường và đảm bảo một tương lai bền vững cho nhân loại.

Đan Mạch giảm phát thải methane từ chăn nuôi gia súc

Nông nghiệp là nguồn phát thải khí methane lớn thứ hai, chỉ sau ngành năng lượng. Trong đó, nông nghiệp chiếm 40% lượng phát thải methane toàn cầu. Khí methane hình thành chủ yếu từ khí thải đường tiêu hóa của gia súc, phân bón và từ việc nuôi trồng lúa nước. Đan Mạch là quốc gia đầu tiên thực hiện việc đánh thuế nguồn phát thải methane từ việc chăn nuôi gia súc. Theo đó, từ năm 2030, Đan Mạch sẽ đánh thuế người chăn nuôi gia súc do lượng khí nhà kính từ bò, cừu và lợn của họ thải ra. Đây là quốc gia đầu tiên thực hiện việc đánh thuế này nhắm tới nguồn phát thải khí methane.

Bộ trưởng về chuyển đổi xanh của Đan Mạch Jeppe Bruus cho biết mục tiêu là giảm 70% lượng khí thải nhà kính của Đan Mạch vào năm 2030 so với mức của năm 1990.

Đến năm 2030, những người chăn nuôi gia súc Đan Mạch sẽ phải chịu mức thuế 300 kroner (43 USD) cho mỗi tấn CO₂ tương đương vào năm 2030. Mức thuế này sẽ tăng lên 750 kroner (108 USD) vào năm 2035. Tuy nhiên, do được khấu trừ thuế thu nhập 60% nên chi phí thực tế cho mỗi tấn sẽ bắt đầu ở mức 120 kroner (17,3 USD) và tăng lên 300 kroner vào năm 2035.

Đan Mạch sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng thuế CO₂ đối với nông nghiệp, Bộ trưởng Jeppe Bruus cho hay và hy vọng các quốc gia khác sẽ làm theo.

Methane được thải ra từ các nguồn bao gồm bãi chôn lấp, hệ thống dầu khí và gia súc gia tăng nhanh kể từ năm 2020. Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc cho biết, gia súc chiếm khoảng 32% lượng khí thải methane do con người gây ra.

Hầu hết khí methane là từ chăn nuôi gia súc. Khoảng 90% xuất phát từ cách chúng tiêu hóa, thông qua quá trình lên men và được thải ra dưới dạng ợ hơi qua miệng. Bò là nguồn tạo ra phần lớn khí metan. 10% khí metan còn lại từ chăn nuôi gồm cả lợn và gia súc.

Một con bò Đan Mạch trung bình thải ra 6 tấn CO₂ mỗi năm. Đan Mạch, một nước xuất khẩu sữa và thịt lợn lớn, sẽ đánh thuế từ lợn mặc dù bò thải ra lượng khí thải cao hơn nhiều so với lợn.

Theo Cơ quan Thống kê Đan Mạch, tính đến ngày 30/6/2022, quốc gia Scandinavia này có gần 1,5 triệu con bò.

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho rằng cắt giảm khí methane là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp chúng ta có để làm chậm biến đổi khí hậu trong những năm tới và bổ sung cho những nỗ lực cần thiết để giảm lượng khí CO₂. Theo ước tính, việc cắt giảm 45% lượng khí thải metan có thể ngăn chặn 260.000 ca tử vong sớm, 775.000 ca nhập viện liên quan đến bệnh hen suyễn và 25 triệu tấn hoa màu thiệt hại hàng năm.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tae-yul cho biết chính phủ của ông đang tìm cách khôi phục lại “vị thế toàn cầu” và uy tín của mình sau tuyên bố thiết quân luật sai lầm của Tổng thống Yoon Suk Yeol dẫn đến việc ông bị luận tội.

Cơ quan điều tra Nga cho biết lực lượng chức năng nước này đã bắt giữ một nghi phạm liên quan đến vụ ám sát Trung tướng Igor Kirillov ở thủ đô Moscow. Theo điều tra ban đầu, nghi phạm là một công dân Uzbekistan sinh năm 1995.

Sân bay bận rộn nhất thế giới Hartsfield-Jackson ở Atlanta, Mỹ, đã tổ chức sự kiện chào đón Giáng sinh với việc thắp sáng cây thông và biểu diễn hòa nhạc để lan tỏa niềm vui kỳ nghỉ tới hàng triệu hành khách trong mùa lễ này.

Thủ đô Paris của nước Pháp đã mở cửa trở lại sân băng trong nhà khổng lồ để những người yêu thích trượt băng có thể vui chơi trong mùa Giáng sinh này. Với diện tích 3.000m², đây là sân băng trong nhà tạm thời lớn nhất thế giới.

Tài xế, người đang đợi để đưa Trung tướng Kirillov đến cuộc họp, đã thoát chết trong vụ nổ khiến vị tướng và phụ tá của ông thiệt mạng ở Moscow, Nga,

Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi cho biết Nga đã tăng cường các cuộc tấn công vào lực lượng Ukraine - hiện đang cố thủ tại một vùng đất biệt lập ở khu vực Kursk của Nga, đồng thời gia tăng áp lực ở khu vực Donetsk phía đông Ukraine.