Thế tiến thoái lưỡng nan của Ukraine ở Kursk

Từ ngày 10/9, Nga phát động một cuộc phản công lớn ở khu vực Kursk, đồng thời đẩy mạnh tấn công ở miền Đông Ukraine. Cuộc xâm nhập vào Kursk đang khiến Kiev phải đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan cả về quân sự và ngoại giao.

Nga gia tăng sức ép tại Kursk 

Từ ngày 10/9, Nga phát động một cuộc phản công lớn ở khu vực Kursk và đến nay đã tuyên bố giành lại quyền kiểm soát ít nhất 14 khu định cư tại tỉnh biên giới này. Sức ép từ Nga đang không ngừng gia tăng lên các lực lượng Ukraine tại Kursk.

Ngày 19/9, Thiếu tướng Apty Alaudinov, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quân sự - Chính trị lực lượng vũ trang Nga, kiêm chỉ huy đơn vị biệt kích đặc nhiệm Akhmat, cho biết quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát các khu định cư Nikolayevo - Dayino và Daryino ở vùng biên giới Kursk.

Trước đó, hôm 16/6, Bộ Quốc phòng Nga thông báo các lực lượng của nước này đã giải phóng thêm hai khu định cư Uspenovka và Borki sau khi nhanh chóng chiếm lại 10 ngôi làng ở sườn trái của khu vực mà Kiev đã chiếm giữ trong những ngày phản công đầu tiên.

Hiện có thông tin cho rằng Nga đã điều động 38.000 binh sĩ, với nhiều đơn vị được trang bị và huấn luyện tốt hơn tới tỉnh Kursk. Lãnh đạo Chechnya, ông Ramzan Kadyrov cũng cho biết lực lượng đặc nhiệm Chechnya đã có mặt trong khu vực.

Nga bắt đầu chiến dịch phản công ở Kursk để đẩy lùi lực lượng Ukraine. Ảnh: Tass.

Chiến dịch tấn công bất ngờ của Ukraine vào tỉnh Kursk đầu tháng 8 đã đánh dấu cuộc xâm nhập đầu tiên vào lãnh thổ Nga. Chiến dịch được kỳ vọng có thể mang đến cho Kiev đòn bẩy giá trị trong các cuộc đàm phán hòa bình tương lai. Tuy nhiên, mục tiêu đó có thể đạt được hay không đang là một câu hỏi lớn, khi theo Bộ Quốc phòng Nga, tổn thất của Ukraine đã lên tới hơn 14.950 quân nhân, 122 xe tăng, 52 xe chiến đấu bộ binh, 93 xe bọc thép chở quân, 768 xe chiến đấu bọc thép, 464 xe, 109 khẩu pháo, 28 bệ phóng tên lửa đa nòng, bao gồm 7 hệ thống HIMARS và 6 hệ thống MLRS do Mỹ sản xuất, 8 bệ phóng tên lửa phòng không, 4 xe vận tải -nạp đạn, 28 trạm radar, 7 radar phản pháo, 2 radar phòng không, 14 thiết bị kỹ thuật, bao gồm tám xe phá hủy kỹ thuật và một đơn vị rà phá bom mìn UR-77.

Trong khi đó, Ukraine tuyên bố đã thực hiện hàng loạt cuộc tấn công theo các hướng mới vào Kursk nhằm ngăn cản Moscow phản công tại khu vực này.

Tôi và Tổng Tư lệnh Syrskyi vừa thảo luận về kết quả của ngày hôm qua. Hơn một trăm trận chiến đã diễn ra trong ngày, với những trận giao tranh ác liệt nhất ở hướng Kurakhove và Pokrovsk. Chúng tôi đang bảo vệ các vị trí của mình. Về chiến dịch Kursk, chúng tôi đã thảo luận chi tiết và chúng tôi đang hành động theo đúng kế hoạch mỗi ngày.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Hiện vẫn còn phải xem xét liệu cuộc phản công hiện tại của Nga có phải là bước đầu tiên nhằm tiến tới một cuộc phản công toàn diện hay chỉ là nỗ lực thăm dò thực địa cho một chiến dịch khác trong tương lai. Nhưng bất kể ý định của Nga là gì, cuộc phản công ở khu vực Kursk chắc chắn sẽ làm gia tăng áp lực lên hệ thống phòng thủ của Ukraine trong bối cảnh Kiev đang đối mặt với sức ép lớn tại thành phố Pokrovsk thuộc vùng Donetsk.

Nếu Nga thành công trong việc giành lại lãnh thổ của mình, họ có thể tước đi của Ukraine một con át chủ bài quan trọng trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình tương lai nào, đồng thời thay đổi quan điểm cho rằng chiến dịch tấn công Kursk là một thành công lớn đối với Ukraine, hoặc một động lực tinh thần cần thiết khi tình trạng thiếu hụt nhân lực và thiết bị tiếp tục đeo bám Kiev.

Lực lượng Nga đang nỗ lực phản công đẩy lùi quân Ukraine khỏi vùng biên giới Kursk. Ảnh: Tass.

Các nhà quan sát đánh giá chiến lược của Nga trong cuộc xung đột dường như đã được tính toán kỹ lưỡng. Moscow đã để Ukraine điều động lực lượng thiện chiến nhất cùng trang thiết bị do NATO cung cấp vào khu vực Kursk, khiến đối phương bị mắc kẹt tại “chảo lửa” này, sau đó mới tìm cách khép chặt vòng vây.

Cùng với đó, Nga đã gia tăng cường độ tấn công tại Donetsk, nơi mà các điểm yếu của Ukraine bị phơi bày. Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong tuần từ 7 - 13/9, quân đội nước này đã giành được quyền kiểm soát 8 khu định cư ở vùng Donesk, miền Đông Ukraine. Ngày 17/9 vừa qua, Nga tiếp tục kiểm soát khu định cư Ukrainsk và đang tiến nhanh về thành phố chiến lược Pokrovsk. Gọng kìm đối với Ukraine có thể bị siết chặt hơn trong những ngày tới.

Canh bạc của Ukraine tại Kursk

Giới phân tích cho rằng Nga đang khiến quân đội Ukraine cùng vũ khí và trang thiết bị của họ bị sa lầy tại Kursk để có thể mở rộng hoạt động ở chiến trường miền Đông Ukraine. Việc mất đi thiết bị và nhân sự quan trọng trong cuộc tấn công Kursk có thể cản trở khả năng triển khai các hoạt động quy mô lớn trong tương lai của Ukraine. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến vị thế của Ukraine trong bất kỳ cuộc đàm phán tiềm năng nào. Trong bối cảnh ấy, theo giới quan sát, cuộc xâm nhập vào Kursk là một canh bạc, khi các lực lượng Ukraine hiện đang ở thế yếu, rủi ro đang gia tăng và một thắng lợi về chiến lược vẫn là điều khó nắm bắt.

Quân nhân Ukraine phóng một lựu pháo về hướng binh lính Nga. Ảnh: Reuters.

Cuộc xâm nhập của Ukraine vào tỉnh Kursk của Nga hôm 6/8 có thể coi là một thành công về mặt chiến thuật, giúp nâng cao tinh thần binh sĩ khi các lực lượng của Kiev đã kiểm soát được khoảng 1.300 km2 lãnh thổ Nga. Chiến dịch này đã phần nào khôi phục niềm tin vào tiềm năng tấn công của Ukraine, thay đổi câu chuyện về cuộc chiến. Tuy nhiên, mục tiêu buộc Moscow phải chuyển lực lượng đáng kể khỏi chiến trường miền Đông Ukraine đã không thành công khi các lực lượng vốn đã kiệt sức của Ukraine đang liên tục để mất lãnh thổ.

Theo các nhà phân tích, kết quả cuối cùng của cuộc xâm nhập vào Kursk sẽ phụ thuộc vào cái giá mà Ukraine phải trả để giữ lãnh thổ. Và điều đó sẽ phụ thuộc vào chiến thuật mà Nga sử dụng để đẩy lùi các lực lượng Ukraine.

Điều quan trọng không phải là Ukraine đã chuyển hướng nguồn lực. Điều đó không sao cả - miễn là Nga chuyển hướng nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu Nga chơi trò chơi dài hạn bằng cách chỉ cam kết nguồn lực hạn chế cho Kursk, họ có thể kéo dài xung đột và khiến các lực lượng Ukraine chịu thêm tổn thất.

Ông Rob Lee, Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại, Mỹ.

Theo một số nhà quan sát, với cuộc tấn công ở Kursk, Ukraine đã tự tạo ra một mặt trận mở rộng mà họ sẽ phải liên tục cung cấp và củng cố, trong bối cảnh bị áp đảo về quân số và hỏa lực so với Nga. Điều đó có khả năng gây tổn hại đến các tuyến phòng thủ của Ukraine ở trong nước.

Không chỉ vậy, các lựa chọn của Ukraine để luân chuyển các đơn vị hoặc gửi quân tiếp viện cũng bị hạn chế. Họ vẫn đang trong giai đoạn đầu bổ sung quân sau khi thực hiện luật động viên mới vào mùa xuân.

Theo người đứng đầu Uỷ ban Quốc phòng của Quốc hội Ukraine, Oleksandr Zavitnevych, việc huy động lực lượng đang đi đúng hướng, nhưng phải mất thêm ba tháng nữa thì những binh lính vừa được huấn luyện mới có thể tạo ra tác động trên chiến trường.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ra lệnh cho quân đội nước này tăng quân số thêm 180.000 binh sĩ, lên tổng cộng 1,5 triệu quân nhân. Với sắc lệnh trên, các lực lượng vũ trang Liên bang Nga sẽ trở thành đội quân có quy mô lớn thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc với 2 triệu quân nhân.

Tổng thống Putin tăng biên chế lực lượng vũ trang Nga lên 1,5 triệu quân nhân. Ảnh: Reuters.

Bất chấp cuộc xâm nhập của Ukraine tại Kursk, đến nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn chưa quyết định điều chuyển lực lực lượng tinh nhuệ khỏi khu vực Donetsk.

Chỉ huy quân sự cấp cao của Ukraine Oleksandr Syrskyi hồi đầu tháng này thừa nhận rằng mục tiêu đó đã không đạt được. Nhưng ông cũng tuyên bố rằng Nga đã mất đi “khả năng điều động các đơn vị của mình” và không thể tăng cường lực lượng đến Pokrovsk.

Kết quả trái chiều trên mặt trận ngoại giao

Mặc dù diễn ra một cách táo bạo, nhưng cuộc xâm nhập của Ukraine vào tỉnh Kursk của Nga vẫn có những hạn chế về mặt chiến lược. Khả năng thành công trên chiến trường của Ukraine phần lớn được quyết định bởi các đối tác phương Tây, đặc biệt là Mỹ, quốc gia viện trợ quân sự hàng đầu cho Kiev.

Thời gian gần đây, Ukraine đã tăng cường các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa nhắm vào cơ sở hạ tầng quân sự và các mục tiêu có giá trị cao ở Nga. Truyền thông Nga ngày 18/9 đưa tin một cuộc tấn công quy mô lớn bằng thiết bị bay không người lái (UAV) của Ukraine đã gây ra hỏa hoạn và các vụ nổ lớn tại thành phố Toropets thuộc vùng Tver của Nga.

Cuộc tấn công bằng UAV vào kho đạn dược ở Toropets. Ảnh: CNN.

Theo truyền thông phương Tây, một kho vũ khí ở Tver đã bị nhắm mục tiêu, gây ra nổ lớn, khiến một thị trấn gần đó phải sơ tán. Theo Avia. pro, nhà kho này chứa gần 30.000 tấn đạn dược. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố trong đêm 17 rạng sáng 18/9 đã bắn hạ 54 UAV của Ukraine, trong đó nhiều nhất là ở tỉnh Kursk với 27 thiết bị.

Để tập kích sâu vào lãnh thổ Nga, Ukraine đã đẩy mạnh sản lượng UAV tầm xa tự chế tạo. Kiev cũng nhiều lần kêu gọi phương Tây, đặc biệt là để Mỹ thay đổi lập trường cho phép nước này sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, hiện tại, Mỹ và nhiều nước phương Tây, trong đó có Anh, vẫn chưa cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa nhằm vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.

Việc sử dụng vũ khí do Mỹ tài trợ để tấn công tầm xa vào Nga sẽ không thể giúp thay đổi cục diện cuộc chiến. Bạn biết đấy, chúng tôi đã có những cuộc thảo luận về xe tăng hay các loại vũ khí khác và mỗi lần, chúng tôi đã chỉ ra rằng không chỉ có một một loại vũ khí mà sự kết hợp các loại vũ khí và cách bạn tích hợp chúng để đạt được mục tiêu.

Ông Lloyd Austin - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.

Đối với Ukraine, điều này đồng nghĩa với việc các mục tiêu của họ trong cuộc chiến không phải lúc nào cũng phù hợp với tính toán địa chính trị rộng lớn của các đối tác phương Tây, và đôi khi dẫn tới sự mâu thuẫn về chiến lược. Trong khi Ukraine tìm kiếm những chiến thắng quyết định trên chiến trường để củng cố vị thế đàm phán của nước này, các đối tác phương Tây như Mỹ và châu Âu lại hành động một cách thận trọng hơn để tránh xung đột leo thang.

Chiến dịch đột kích ở Kursk cũng có nguy cơ khiến một số nước phương Tây ủng hộ Ukraine dần quay lưng với Kiev. Các quốc gia châu Âu như Đức và Pháp vốn ủng hộ biện pháp ngoại giao và lệnh ngừng bắn, lo ngại xung đột sẽ vượt ra ngoài lãnh thổ của Nga và Ukraine. Những nước này đã bày tỏ rõ quan điểm rằng sự ủng hộ của họ đối với Ukraine phụ thuộc vào các hoạt động phòng thủ chứ không phải là các cuộc tấn công vào Nga. Trong bối cảnh ấy, nếu xung đột lan rộng hơn, Kiev có thể mất đi sự ủng hộ quan trọng về mặt ngoại giao và bị hạn chế về các lựa chọn trên chiến trường.

Hiện tại, hỗ trợ từ phương Tây, đặc biệt là từ Mỹ, là một yếu tố then chốt giúp Ukraine duy trì cuộc chiến với Nga. Tuy nhiên, sự hỗ trợ ấy có thể thay đổi nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump quay lại Nhà trắng sau cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Ông Trump, người vừa bị ám sát hụt lần thứ hai hôm 15/9, luôn chỉ trích Mỹ can thiệp quân sự ở nước ngoài, bao gồm việc tài trợ cho Ukraine, khiến nhiều nhà quan sát lo ngại rằng nếu ông Trump trở lại chính trường, Washington có thể rút lại hoặc giảm mạnh viện trợ cho Kiev.

Ông Trump an toàn sau sự cố an ninh ở sân golf tại Florida hôm 15/9. Ảnh: AP.

Vụ ám sát hụt lần thứ hai đang làm tăng khả năng này khi tình hình chính trị Mỹ trở nên khó lường và các chính sách hỗ trợ quốc tế có thể bị ảnh hưởng trực tiếp. Nếu nguồn viện trợ từ Mỹ bị đe dọa bởi tình hình không ổn định chính trị ở Mỹ, Ukraine sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt tài chính và quân sự, từ đó làm giảm khả năng đối phó với lực lượng Nga.

Chiến dịch xâm nhập lãnh thổ Nga đã chứng minh khả năng tấn công của Ukraine, nhưng cũng phơi bày những hạn chế trong chiến lược quân sự và ngoại giao của nước này. Thành bại của Ukraine sẽ không chỉ được đo lường bằng những lợi ích về lãnh thổ. Theo giới phân tích, những tháng tới sẽ là thời điểm then chốt đối với cả Ukraine và các đồng minh phương Tây. Khi xung đột bước vào giai đoạn quan trọng, Kiev sẽ phải có cách tiếp cận nhất quán hơn để có thể cân bằng giữa các hoạt động quân sự với những mục tiêu ngoại giao thực tế và sự hạn chế về nguồn lực.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Dự luật chi tiêu của Đảng Cộng hòa được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ủng hộ đã không được thông qua tại Hạ viện ngày hôm qua (19/12), khiến chính phủ Mỹ có nguy cơ cao bị đóng cửa.

Phát biểu sau Hội nghị thượng đỉnh EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa cho biết, Liên minh châu Âu (EU) sẽ cung cấp thêm 30 tỷ Euro hỗ trợ tài chính cho Ukraine vào năm 2025.

Washington đã cung cấp khoảng 100 tỷ USD viện trợ tài chính và hỗ trợ quân sự cho Kiev kể từ khi xung đột Nga - Ukraine leo thang vào năm 2022 và phần lớn số tiền này được chi bên trong nước Mỹ cho sản xuất quốc phòng.

Nhà Trắng ngày 19/12 cho biết, Tổng thống Mỹ ông Joe Biden sẽ tới Rome vào tháng 1/2025 để gặp Giáo hoàng Francis và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni. Chuyến đi sẽ diễn ra ngay trước khi nhiệm kỳ của ông Biden kết thúc.

Ngày 20/12, hãng thông tấn Yonhap đưa tin, Cảnh sát Hàn Quốc đã điều tra riêng Thủ tướng Han Duck-soo về lệnh thiết quân luật do Tổng thống Yoon Suk Yeol ban hành.

NATO và EU đều tổ chức gặp cấp cao của liên minh vào dịp cuối năm 2024. Đối với cả hai liên minh, trong năm 2024 đều ít có tin vui trong khi đó lại vướng bận nhiều rắc rối, mà những rắc rối đó trong năm tới vẫn khó có thể giải quyết được.