Thị trường lao động thế giới 2024 kém lạc quan

Khi nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ đối mặt với nhiều “cơn gió ngược” trong năm 2024, triển vọng việc làm cũng trở nên kém lạc quan. Trong báo cáo mới nhất về xu hướng triển vọng xã hội và việc làm thế giới, Tổ chức lao động quốc tế nhận định, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu sẽ tăng trong năm nay, với tình trạng bất bình đẳng ngày càng tăng và năng suất trì trệ cũng là nguyên nhân gây lo ngại về triển vọng kinh tế.

Thêm hai triệu người thất nghiệp trong năm 2024

Theo báo cáo xu hướng triển vọng xã hội và việc làm thế giới năm 2024 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên hợp quốc, hiện chỉ 5,1% lực lượng lao động thế giới không có việc làm. Tình hình này tốt hơn so với trước đại dịch, nhưng nó sẽ không kéo dài vì dự kiến sẽ có thêm hai triệu người thất nghiệp trong 12 tháng tới, khiến tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu tăng lên 5,2%.

Dự báo của ILO cũng phù hợp với một báo cáo mới của Ngân hàng thế giới cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang trên đà đạt mức tăng trưởng nửa thập kỷ chậm nhất trong 30 năm. Ngoài triển vọng thị trường việc làm không chắc chắn, ILO lưu ý rằng phần lớn các quốc gia giàu nhất thế giới đã chứng kiến mức sống bị xói mòn do lạm phát, hiện đang suy giảm ở nhiều nền kinh tế lớn.

Tổ chức lao động quốc tế nhận định tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu sẽ tăng trong năm nay.

Các chuyên gia cho biết có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia có thu nhập cao và thấp. Trong khi tỷ lệ chênh lệch việc làm, tức số người thất nghiệp đang tìm việc, vào năm 2023 là 8,2% ở các quốc gia giàu có thì con số này ở mức 20,5% ở các quốc gia nghèo hơn. Tương tự, trong khi tỷ lệ thất nghiệp năm 2023 ở mức 4,5% ở các nước giàu, thì tỷ lệ này ở các nước thu nhập thấp là 5,7%.

Tổng Giám đốc ILO Gilbert Houngbo cho hay: “Mức sống giảm sút và năng suất yếu kết hợp với lạm phát dai dẳng tạo điều kiện cho sự bất bình đẳng lớn hơn và làm suy yếu các nỗ lực đạt được công bằng xã hội. Và nếu không có công bằng xã hội, chúng ta sẽ không bao giờ có được sự phục hồi bền vững.”

Mặc dù giảm nhanh chóng sau năm 2020, số lượng người lao động sống trong tình trạng nghèo cùng cực với thu nhập dưới 2,15 USD/người/ngày vẫn tăng khoảng một triệu vào năm 2023. Bất bình đẳng về thu nhập cũng ngày càng gia tăng, cho thấy sự xói mòn của thu nhập thực tế khả dụng. Giới phân tích nhận định đây là điềm báo xấu cho sự phục hồi kinh tế bền vững.

Một điểm đáng chú ý là sau một thời gian ngắn tăng cường sau đại dịch, năng suất lao động đã trở lại mức thấp trong thập kỷ trước. Bất chấp sự tiến bộ của công nghệ và đầu tư, nhưng tốc độ tăng trưởng năng suất vẫn tiếp tục chậm lại.

Trong khi đó, nền tảng phân tích đầu tư toàn cầu Morning Star cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại vào năm 2024 sẽ buộc các công ty phải giảm tốc độ tuyển dụng để tránh lợi nhuận giảm sút. Khi tăng trưởng kinh tế tăng tốc trở lại trong giai đoạn 2025-2026, quá trình phục hồi thị trường lao động sẽ tiếp tục diễn ra.

Suy giảm triển vọng việc làm cho người khuyết tật tại Mỹ

Trong suốt đại dịch Covid-19, Mỹ đã ghi nhận thành công đáng kể trong việc gia tăng tỷ lệ việc làm cho người khuyết tật, một bước tiến quan trọng hướng tới sự bình đẳng trong cơ hội làm việc. Tuy nhiên, sau giai đoạn ban đầu tích cực, dữ liệu các tháng đầu năm 2024 cho thấy động lực tăng việc làm cho người lao động khuyết tật đang giảm dần. Nhiều nhà kinh tế cũng như chuyên gia chính sách cho rằng những người khuyết tật đang tìm việc có thể phải đối mặt với một triển vọng không chắc chắn trong nay.

Covid-19 đã thay đổi quỹ đạo sự nghiệp của Lucy Trieshmann. Mắc hội chứng Ehlers-Danlos, một chứng rối loạn di truyền hiếm gặp, Trieshmann từng rất khó tham dự đầy đủ những bài giảng trực tiếp ở trường luật. Nhưng lệnh phong tỏa để phòng tránh Covid-19 hồi tháng 3/2020 đã khiến các lớp học phải diễn ra trực tuyến. Nhờ đó, Trieshmann có thể tham gia lớp học từ nhà, cuối cùng nhận được học bổng của Liên minh Tự do Dân sự Mỹ, rồi có được một công việc làm từ xa.

Dữ liệu các tháng đầu năm 2024 cho thấy động lực tăng việc làm cho người lao động khuyết tật đang giảm.

Trieshmann nằm trong số khoảng 2 triệu người Mỹ khuyết tật tìm được việc làm, hoặc bắt đầu tìm kiếm việc làm kể từ tháng 12 năm 2019. Số liệu của Cục Thống kê Lao động cho thấy tỷ lệ người khuyết tật tham gia lao động đã tăng cao chưa từng có là 30%. Trước đại dịch, cứ năm người khuyết tật thì có bốn người thất nghiệp, nhưng tỷ lệ hiện tại đã giảm xuống còn ba trên bốn.

Còn đối với Tameka Citchen-Spruce, một nhà làm phim phải sử dụng xe lăn từ khi còn nhỏ, cơ hội gia nhập ngành công nghiệp giải trí đã gõ cửa nhà cô vào đầu năm 2020. Khi số ca nhiễm Covid-19 gia tăng, cô đã chuyển sang giới thiệu bộ phim tài liệu do mình sản xuất bằng các phương thức trực tuyến. Phim tài liệu “My Girl Story” của cô đã giành được nhiều giải thưởng chính thức tại một số liên hoan phim.

Theo các chuyên gia, sự phát triển đa dạng của các ngành nghề làm việc từ xa trong thời kỳ đại dịch đã mở ra cơ hội việc làm cho người khuyết tật. Sự sôi động của thị trường việc làm cũng góp phần tăng tỷ lệ người khuyết tật tham gia lao động.

Bà Stacy Cervenka - Giám đốc chính sách cấp cao, tổ chức Becomeability chia sẻ: “Khi thời kỳ phong tỏa bắt đầu, tỷ lệ tham gia lao động của người khuyết tật cũng giảm như đối với người dân nói chung. Nhưng điều thú vị là đến tháng 12 năm 2021, có nhiều người khuyết tật tham gia lực lượng lao động hơn so với trước đại dịch. Có một vài lý do khác nhau giải thích cho trường hợp này. Quan trọng nhất là sự gia tăng hình thức làm việc từ xa.”

Nhưng bước sang năm 2024, ngày càng có nhiều nhà tuyển dụng thúc đẩy các chính sách làm việc trực tiếp. Điều đó có nghĩa là số cơ hội việc làm từ xa đang giảm xuống. Một báo cáo từ Resume Builder cho thấy 90% công ty có kế hoạch triển khai các chính sách bắt buộc làm việc tại văn phòng vào cuối năm 2024, kéo theo rào cản đối với nhiều người vốn chỉ có thể làm việc từ xa.

Một số người khuyết tật bắt đầu bị ảnh hưởng bởi xu hướng quay trở lại làm việc trực tiếp.

Một số người khuyết tật bắt đầu bị ảnh hưởng bởi xu hướng quay trở lại làm việc trực tiếp, trong đó có Trieshmann. Sau khi nhận được lời mời làm việc đầu tiên vào cuối năm ngoái và đến gặp người phỏng vấn tại văn phòng, nhà tuyển dụng cho biết vị trí này đã bị thu hồi.

Một vấn đề khác là đại dịch đã làm gia tăng số người thuộc diện khuyết tật ở Mỹ. Netia McCray từng nằm liệt giường vì mắc Covid-19 vào đầu năm 2020. Cô bị co giật nặng, giảm chức năng nhận thức và đông máu vi mô, khiến cô phải từ chức giám đốc điều hành của một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận. Khi dần hồi phục, cô được coi là người khuyết tật, mắc hội chứng Covid kéo dài.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, khoảng 7,5% người Mỹ từ 18 tuổi trở lên đã trải qua thời gian mắc Covid kéo dài, một tình trạng hạn chế đáng kể hoạt động của 25% số người mắc bệnh. Các triệu chứng bao gồm từ mệt mỏi đến sương mù não, kéo dài từ một tuần đến nhiều năm.

Cơ hội việc làm phù hợp bị suy giảm, trong khi số lượng người khuyết tật gia tăng, giới chức Mỹ đang đối mặt với bài toán khó về giải quyết việc làm cho nhóm lao động dễ bị tổn thương. Để duy trì việc làm cho người khuyết tật, Stacy Cervenka, Giám đốc chính sách cấp cao tại Tổ chức BecomeAbility, khuyến nghị chính phủ liên bang và các cơ quan tiểu bang nên đóng vai trò là những người sử dụng lao động kiểu mẫu và đặt ra các hướng dẫn và quy định tại nơi làm việc, bao gồm cả làm việc từ xa.

Giới trẻ Trung Quốc loay hoay tìm việc

Tại Trung Quốc, giới trẻ đang gặp nhiều thách thức để tìm kiếm cơ hội việc làm trong mùa tuyển dụng sau Tết Nguyên đán. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 16-24 đã tăng lên mức cao kỷ lục 21,3% vào tháng 6 năm 2023, tương đương 11,6 triệu người, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang nỗ lực để quay trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế thứ 2 thế giới cũng được dự báo sẽ giảm trong năm nay, đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai cho các lao động trẻ tuổi.

Trương Bách Xuyên là sinh viên mới tốt nghiệp đại học. Trong nhiều tháng qua, anh đã di chuyển liên tục từ quê nhà ở tỉnh Hà Bắc đến Thủ đô Bắc Kinh để tham dự các hội chợ việc làm, sau khi đã nộp hồ sơ cho gần 1.000 nhà tuyển dụng nhưng đều thất bại. Bách Xuyên hi vọng việc bắt đầu mùa tuyển dụng ở Trung Quốc, nơi nhiều công ty có xu hướng tìm nhân sự cho các vị trí mới sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, có thể mang lại cơ hội tốt hơn.

Giới trẻ Trung Quốc loay hoay tìm việc.

Bách Xuyên cho biết anh hài lòng với mức lương hàng tháng 5.000 Nhân dân tệ, tương đương khoảng 695 USD, được công ty hỗ trợ chi phí ăn ở. Nhưng anh sợ văn hóa làm việc 12 giờ - 6 ngày một tuần ở một số công ty Trung Quốc. Hiện anh đang phải dùng đến tiền tiết kiệm để sống trong một ký túc xá trị giá 50 nhân dân tệ một đêm (7 USD) ở ngoại ô Bắc Kinh khi lùng sục thị trường việc làm.

Ban đầu, Bách Xuyên theo học tại một trường cao đẳng ở Hà Bắc và nâng cấp lên đại học hai năm sau đó. Một số người bạn của anh cũng làm như vậy. Họ phải vật lộn với số lượng công việc hạn chế, hầu hết chỉ được tuyển vào các vị trí bán hàng.

Để khích lệ cho sự tăng trưởng kinh tế trong quý đầu tiên của Trung Quốc, mùa tuyển dụng sau Tết Nguyên đán đã có khởi đầu mạnh mẽ hơn so với hồi năm 2023, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trải qua làn sóng lây nhiễm COVID-19 lớn nhất. Nhưng tỷ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên mang lại cho người sử dụng lao động một lượng lớn ứng viên để lựa chọn, khiến tốc độ tăng lương chậm lại. Điều này cũng làm tăng thêm lo ngại rằng Trung Quốc có thể gặp khó khăn trong việc thúc đẩy tiêu dùng hộ gia đình đủ để ổn định tăng trưởng và đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng giảm phát.

Hiện mức tăng lương trung bình chỉ là 3%, có nơi thậm chí còn giảm. Theo một nền tảng tuyển dụng trực tuyến, mức lương trung bình để tuyển dụng nhân viên mới vào năm 2023 đã giảm ở 38 thành phố trọng điểm, mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2016.

Thị trường lao động 2024 kém lạc quan.

Tình trạng này đã đặt ra áp lực ngày càng tăng đối với các nhà lãnh đạo trong việc ban hành các chính sách giải quyết vấn đề chi tiêu hộ gia đình yếu kém và mất cân bằng cơ cấu kéo dài. Khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại và thị trường lao động vẫn thắt chặt, giới trẻ sẽ ngày càng gặp nhiều thách thức để tìm kiếm việc làm phù hợp trong bối cảnh triển vọng kinh tế không mấy sáng sủa.

Năng suất dưới áp lực, tăng trưởng đầu tư vừa phải, sức mua thấp hơn… Trong một thế giới bị nhấn chìm bởi nhiều cuộc khủng hoảng, triển vọng kinh tế tổng thể trở nên kém lạc quan, tác động lớn đến thị trường lao động. Theo Phó Giáo sư Hà Vân, Chuyên gia Chính sách công tại Đại học Hồ Nam, Trung Quốc, đảm bảo việc làm cũng là đảm bảo sinh kế cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế và duy trì ổn định xã hội. Vì vậy, các quốc gia cần tăng cường hợp tác để cùng nhau thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu, đồng thời đưa ra những chính sách hiệu quả để giải quyết vấn đề việc làm.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.

Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.

Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.

Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.

Tuần lễ cấp cao APEC 2024 quy tụ khoảng 20.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên trên khắp châu Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Với chủ đề năm APEC 2024 là “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru kỳ vọng thông qua các Hội nghị lần này thúc đẩy sự thịnh vượng lớn hơn trong khu vực.