Thoả thuận thương mại giữa EU và Mercosur gây hỗn loạn chính trị

Khả năng một thỏa thuận thương mại giữa Liên minh châu Âu và Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) có thể sớm được ký kết đã gây ra sự hỗn loạn chính trị ở Pháp và trên khắp châu Âu. Nếu được hoàn tất, đây sẽ là thỏa thuận thương mại tự do quan trọng nhất từng được EU ký kết, tuy nhiên, nó cũng châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình tại Pháp.

Sự bất bình của nông dân Pháp

Đây là một thỏa thuận thương mại tự do được đề xuất giữa EU và các quốc gia trong Mercosur, bao gồm các thành viên đầy đủ là Brazil, Argentina, Paraguay, Uruguay và Bolivia. Nếu được hoàn tất, đây sẽ là thỏa thuận thương mại tự do quan trọng nhất từng được EU ký kết, xét về cả tổng dân số liên quan (bao gồm 780 triệu người) và khối lượng thương mại (đạt từ 40 đến 45 tỷ Euro trong nhập khẩu và xuất khẩu).

Thỏa thuận thương mại Liên minh châu Âu - Mercosur sắp hoàn tất đã châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình tại Pháp. Nông dân nước này lo ngại về cạnh tranh không lành mạnh. Họ lập luận rằng thỏa thuận này sẽ đe dọa sinh kế bởi nó cho phép một làn sóng nhập khẩu nông sản Nam Mỹ được sản xuất theo các tiêu chuẩn môi trường ít nghiêm ngặt hơn.

Các cuộc biểu tình hôm thứ Hai là lớn nhất kể từ khi nông dân Pháp tổ chức nhiều tuần biểu tình quy mô lớn vào mùa đông năm ngoái phản đối hàng nhập khẩu giá rẻ, các quy định phiền hà và thu nhập ít ỏi. Nông dân ở thị trấn phía Tây Angouleme đã lấy biển báo giao thông và xếp hàng trên đường cao tốc, đồng thời tạo thành khẩu hiệu "Nói không với Mercosur, hãy dừng các quy tắc".

Nông dân lo ngại rằng thỏa thuận Mercosur sẽ mở cửa cho thịt bò, thịt gà, đường và ngô được nhập khẩu ồ ạt từ Brazil và Argentina, những quốc gia mà họ cho là sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc kháng sinh tăng trưởng bị cấm ở châu Âu.

Ngày nay, chúng ta có một mô hình nông nghiệp mà cả thế giới mơ ước, chúng ta có phương pháp canh tác có trách nhiệm nhất với môi trường. Chúng ta sản xuất rất bền vững, nhưng chỉ về mặt môi trường. Mặt khác, về mặt kinh tế, phương pháp của chúng ta không còn tối ưu nữa, vì thu nhập không đủ. Và chúng ta cũng không tối ưu về mặt xã hội vì chúng ta có những đồng nghiệp làm việc rất nhiều giờ mà không được trả lương. Điều đó là không thể. Trong một năm khó khăn như năm 2024, vẫn còn một số người trong chúng ta không được trả lương một năm. Thật là hỗn loạn, không thể nào như vậy được.

Ông Christian Daniau - Chủ tịch Hiệp hội nông dân Charentes.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm Chủ Nhật đã nhắc lại sự phản đối của mình đối với thỏa thuận với Mercosur theo đề xuất. Nhưng trong các cuộc đàm phán Mercosur, không có đồng minh EU nào ủng hộ Pháp.

Năm nay, nông dân Pháp phải đối mặt với tình trạng mùa màng bị ảnh hưởng do mưa, dịch bệnh gia súc bùng phát và cuộc bầu cử Quốc hội đã trì hoãn việc thực hiện các cam kết mà chính phủ đưa ra trước đó. Người đứng đầu Hiệp hội nông nghiệp lớn nhất của Pháp là FNSEA cho biết, hàng chục nghìn trang trại ở Pháp, nhà sản xuất nông nghiệp lớn nhất EU, đang gặp khó khăn về tài chính. Cũng theo hiệp hội này, các cuộc biểu tình dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 12.

Khi Armelle Fraiture tham gia cùng những người biểu tình chặn một xa lộ gần thị trấn Beauvais ở miền Bắc nước Pháp vào tháng 1 năm ngoái, cô hy vọng chính phủ sẽ lắng nghe yêu cầu của họ về mức lương cao hơn và các quy định nhẹ nhàng hơn. Nhưng gần một năm sau, người nông dân chăn nuôi bò sữa 25 tuổi, vùng Saint-Leger-en-Bray cho biết không có gì thay đổi và cô có kế hoạch biểu tình một lần nữa cùng với những người nông dân trong vùng.

Chúng tôi có những yêu cầu giống như hồi tháng 1. Chúng tôi yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, chúng tôi yêu cầu giá nông sản cao hơn, thu nhập khá hơn cho nông dân và chúng tôi vẫn chưa có được điều đó. Chúng tôi không hiểu mục đích của việc áp đặt quá nhiều tiêu chuẩn lên chúng tôi, quá nhiều hạn chế, lệnh cấm, những điều nên làm và những điều không nên làm và nhiều mặt khác, nhưng lại cho phép nhập khẩu mọi thứ từ các trang trại ở Mỹ Latinh.

Cô Armelle Fraiture - Nông dân chăn nuôi bò sữa.

Kể từ khi tiếp quản trang trại của cha cô vào tháng 4, Fraiture và chồng của cô đã không ngừng chăm sóc 110 con bò của họ, đồng thời trồng lúa mì và củ cải đường để nuôi bò. Mỗi ngày, họ bắt đầu làm việc trước khi mặt trời mọc và kết thúc sau khi mặt trời lặn. Cô cho biết, trong khi một số nông dân có thể kiếm được tới 2.000 euro/tháng, thì vợ chồng cô chỉ kiếm được khoảng 800 euro/tháng và phải làm việc hơn 70 giờ một tuần. Cô chỉ mong có được doanh thu đáng kể hơn, đồng thời mất ít thời gian hơn cho các vấn đề hành chính.

Lợi ích kinh tế

EU và khối thương mại Mercosur, bao gồm Brazil, Argentina, Paraguay, Uruguay và Bolivia, đã đạt được thỏa thuận ban đầu vào năm 2019, nhưng các cuộc đàm phán đã gặp trở ngại do sự phản đối của nông dân và một số chính phủ châu Âu, đặc biệt là Pháp.

Có những lo ngại rằng thỏa thuận có thể được hoàn tất tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brazil vào tuần này hoặc trong những tuần tới. Nhiều nội dung trong thỏa thuận này khiến nông dân Pháp thấy khó chịu, bất an có thể được nhất trí thông qua vì Pháp không có quyền phủ quyết. Các quốc gia khác như Đức và Tây Ban Nha muốn đạt được một thỏa thuận sâu rộng với các đối tác Nam Mỹ của họ. Những người ủng hộ thỏa thuận này cho rằng, nó sẽ thúc đẩy đáng kể quan hệ kinh tế giữa châu Âu và Nam Mỹ bằng cách xóa bỏ thuế quan đối với hàng xuất khẩu của châu Âu, đặc biệt là máy móc, hóa chất và ô tô, qua đó tăng cường khả năng tiếp cận thị trường và tạo ra các cơ hội sinh lợi cho các doanh nghiệp châu Âu.

Thỏa thuận này nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại giữa châu Âu và Nam Mỹ bằng cách dần dần xóa bỏ gần như toàn bộ thuế hải quan đối với thương mại giữa hai khối. EU hy vọng qua đó sẽ thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa châu Âu hiện đang phải chịu mức thuế cao mà các nước Mercosur áp dụng, chẳng hạn như ô tô, quần áo và rượu vang. Thỏa thuận này cũng quy định hạn ngạch nhập khẩu thịt bò đáng kể, công nhận gần 400 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho các sản phẩm và một số biện pháp khác được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty châu Âu và Nam Mỹ tiếp cận lẫn nhau với thị trường mua sắm công.

Sau một quá trình đàm phán kéo dài bắt đầu vào đầu những năm 2000, thỏa thuận đã chính thức được ký kết vào ngày 28/6/2019. Tuy nhiên, một số quốc gia liên quan, ở cả hai bờ Đại Tây Dương, đã bày tỏ sự do dự khiến việc phê chuẩn bị chậm trễ.

Tổng thống Brazil Lula đắc cử vào năm 2022 đã làm hồi sinh vấn đề này. Ủy ban châu Âu và Mercosur đã nối lại các cuộc đàm phán về phụ lục của thỏa thuận, nhằm làm rõ văn bản của thỏa thuận và giải quyết những bất đồng chính.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hiện hy vọng sẽ đạt được một sự thỏa hiệp trước khi kết thúc năm nay. Hai sự kiện có thể là cơ hội để chính thức ký kết thỏa thuận là: Hội nghị thượng đỉnh G20 (tại Brazil, từ ngày 18 đến 19/11); hoặc Hội nghị thượng đỉnh Mercosur (tại Uruguay, dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 5 đến 6/12).

Trong nhiều năm nay, dự án này đã trở thành mối lo ngại lớn đối với nông dân, họ lo ngại thực phẩm Nam Mỹ ồ ạt đổ vào thị trường Pháp. Thỏa thuận bao gồm cắt giảm thuế nhập khẩu đối với 45.000 tấn mật ong, 60.000 tấn gạo và thậm chí 180.000 tấn đường.

Tuy nhiên, điểm gây tranh cãi chính là hạn ngạch thịt bò. 99.000 tấn thịt bò sẽ phải chịu mức thuế cố định là 7,5%, còn 60.000 tấn thịt bò nữa và 180.000 tấn gia cầm sẽ được miễn thuế. Những người chăn nuôi châu Âu cho đây là một hình thức cạnh tranh không lành mạnh, vì các trang trại ở Nam Mỹ lớn hơn, các tiêu chuẩn về sức khỏe, chất lượng và môi trường ít nghiêm ngặt hơn và chi phí lao động thấp hơn.

Bất đồng trong nội bộ châu Âu

Tại Pháp, sự phản đối thỏa thuận này xuất phát từ nhiều đảng phái. Hơn 600 thành viên Quốc hội từ nhiều đảng phái chính trị khác nhau gần đây đã bày tỏ lập trường này trong một bài xã luận trên tờ Le Monde, lập luận rằng thỏa thuận này không đáp ứng được "các tiêu chí dân chủ, kinh tế, môi trường và xã hội do Hạ viện và Thượng viện đặt ra".

Xã hội dân sự cũng phản đối thỏa thuận EU - Mercosur. Họ đã tập hợp lại thành một liên minh chưa từng có của những người nông dân, nhà môi trường và những người chỉ trích các thỏa thuận thương mại tự do.

Năm 2020, một ủy ban gồm các chuyên gia do nhà kinh tế học môi trường Stefan Ambec đứng đầu, được chính phủ giao nhiệm vụ đánh giá các tác động tiềm tàng của hiệp ước, đã kết luận rằng: “EU đã bỏ lỡ cơ hội sử dụng sức mạnh đàm phán của mình để có được những đảm bảo vững chắc đáp ứng được các kỳ vọng về môi trường, sức khỏe và xã hội rộng lớn hơn của những người dân". Báo cáo đã trích dẫn những rủi ro như nạn phá rừng ở các nước Mercosur, có thể tăng 5% mỗi năm trong sáu năm sau khi phê chuẩn thỏa thuận, do dự đoán sản lượng thịt bò sẽ tăng.

Một cuộc kiểm toán gần đây của Ủy ban châu Âu được công bố vào tháng 10 đã củng cố mối lo ngại về rủi ro sức khỏe do những người chỉ trích thỏa thuận nêu ra. Kiểm tra kết luận rằng, Brazil - nước xuất khẩu thịt bò hàng đầu thế giới, không thể đảm bảo rằng thịt đỏ mà họ xuất khẩu sang EU không được sản xuất bằng estradiol 17-β, một loại hormone tăng trưởng đã bị cấm ở châu Âu cách đây nhiều thập kỷ nhưng vẫn được sử dụng rộng rãi ở Brazil.

Mặc dù ban đầu ủng hộ thỏa thuận, nhưng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhanh chóng thay đổi ý định, một phần để trả đũa đối với các chính sách về môi trường của Tổng thống Brazil khi đó là ông Jair Bolsonaro, vốn gây bất lợi cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Mặc dù ông Bolsonaro đã rời nhiệm sở, nhưng ông Macron vẫn kiên định với vấn đề này.

Tương tự như vậy, vào ngày 13/11, Thủ tướng Pháp Barnier đã thông báo với bà Von der Leyen rằng, ông phản đối thỏa thuận này. Ông lên án "tác động tai hại mà thỏa thuận này sẽ gây ra cho toàn bộ các lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp và chăn nuôi".

Chính phủ Pháp cũng đã ủng hộ việc bổ sung các biện pháp ràng buộc về môi trường, để làm cho hiệp ước tương thích với các mục tiêu của Thỏa thuận khí hậu Paris. Tuy nhiên, Ủy ban EU hiện không có vẻ muốn tuân thủ các yêu cầu này.

Việc thỏa thuận thương mại EU - Mercosur có thể được ký kết vào cuối năm hay không phụ thuộc vào Ủy ban châu Âu và các quốc gia thành viên EU. Tuy nhiên, ngay cả khi được ký kết, hiệp ước vẫn cần phải được EU chính thức phê chuẩn thì mới có hiệu lực.

Việc đưa các điều khoản không liên quan đến thương mại vào thỏa thuận, đòi hỏi sự chấp thuận của 27 quốc gia thành viên EU, sau đó là của Nghị viện châu Âu và Quốc hội của tất cả các quốc gia thành viên. Do đó, điều này sẽ tạo cơ hội cho Pháp phủ quyết thỏa thuận.

Hiện tại, Paris vẫn chủ yếu đơn độc trong nỗ lực này. Mặc dù Ba Lan, Áo, Hà Lan và Ireland đều thường xuyên bày tỏ mối quan ngại về thỏa thuận thương mại, nhưng sức ảnh hưởng không đủ để ngăn chặn thỏa thuận được bỏ phiếu thông qua.

Mặt khác, các nước EU có vị thế như Đức và Tây Ban Nha đã thúc đẩy Ủy ban châu Âu hoàn tất thỏa thuận vào cuối năm nay, với hy vọng thúc đẩy tăng trưởng của châu Âu.

Để có nhiều thỏa thuận thương mại tự do hơn, chúng ta phải từ bỏ nguyên tắc về cách thức đàm phán các thỏa thuận thương mại tự do vẫn áp dụng cho đến nay. Do đó, tôi đặc biệt ủng hộ các thỏa thuận được gọi là chỉ dành cho EU, dù đã được thông qua bởi đa số đủ điều kiện trong hội đồng và Quốc hội, nhưng chỉ một cá nhân hoặc chỉ một vài cá nhân không thể ngăn chặn mọi thứ. Điều đó là không thể chấp nhận được.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Italy và Bồ Đào Nha cũng ủng hộ ý tưởng này. Riêng Berlin sẽ coi Mercosur là thị trường mới cho các nhà sản xuất ô tô của mình. Hơn nữa, bằng cách củng cố mối quan hệ với khu vực toàn cầu giàu tài nguyên này, châu Âu cũng đang tìm cách đảm bảo quyền tiếp cận các nguyên liệu thô như lithium, đồng, sắt và coban - những nguyên liệu rất quan trọng cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của châu Âu.

Hiệp định thương mại tự do này được dư luận rộng rãi ở châu Âu coi là có lợi cho các ngành như công nghiệp ô tô và máy móc, nhưng lại bất lợi cho ngành nông nghiệp, do đó gây chia rẽ các quốc gia thành các nhóm lợi ích.

Ủy ban châu Âu cũng chịu áp lực ngày càng tăng trong việc kết thúc các cuộc đàm phán vì lo ngại rằng các đối tác Mercosur có thể ngày càng ủng hộ việc từ bỏ thỏa thuận với EU và thay vào đó tập trung vào các thỏa thuận thương mại khác với các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.

Khối thương mại Nam Mỹ đã ký một thỏa thuận thương mại quan trọng vào năm ngoái với Singapore và đang tích cực theo đuổi các thỏa thuận với Hàn Quốc và Nhật Bản để tăng cường xuất khẩu thực phẩm sang châu Á. Các chuyên gia cho biết mối quan tâm chính của châu Âu hiện nay là đa dạng hóa quan hệ thương mại và giảm sự phụ thuộc vào cả Trung Quốc và Mỹ.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ngày 23/11, người phát ngôn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thông báo, Tổng thư ký NATO, ông Mark Rutte đã gặp Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tại bang Florida để thảo luận về các vấn đề an ninh toàn cầu mà liên minh phải đối mặt.

Khả năng một thỏa thuận thương mại giữa Liên minh châu Âu và Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) có thể sớm được ký kết đã gây ra sự hỗn loạn chính trị ở Pháp và trên khắp châu Âu. Nếu được hoàn tất, đây sẽ là thỏa thuận thương mại tự do quan trọng nhất từng được EU ký kết, tuy nhiên, nó cũng châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình tại Pháp.

Theo Reuters, trong ngày đàm phán kéo dài của Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và các quốc gia giàu có khác đã nhất trí tăng mục tiêu tài chính toàn cầu từ 250 tỷ USD lên 300 tỷ USD mỗi năm vào năm 2035, để giúp các nước đang phát triển chống chịu với biến đổi khí hậu.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề cử nhà đầu tư Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ mới.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nhận định rằng, việc Moscow sử dụng tên lửa Oreshnik sẽ làm thay đổi tiến trình của cuộc xung đột Ukraine.

Nếu đến thủ đô Paris của Pháp những ngày này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một “công viên kỷ Jura” thu nhỏ khi những mô hình của các loài động vật từ thời tiền sử được đem ra trưng bày và tỏa sáng lung linh trong màn đêm.