Thời tiết cực đoan càn quét khắp các châu lục

Những trận mưa cực lớn đang trở nên phổ biến và dữ dội hơn ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu, châu Á, Trung và Đông Bắc Mỹ, và một số vùng Nam Mỹ, châu Phi, Australia.

Bão Boris đã đổ lượng mưa gấp năm lần lượng mưa trung bình của tháng 9 xuống một số khu vực của Áo, Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia trong bốn ngày, nhấn chìm toàn bộ các khu phố và buộc hàng trăm nghìn người phải sơ tán, và làm chết ít nhất 18 người và một số người mất tích.

Trung Âu tan hoang vì lũ lụt

Các khu vực biên giới giữa Cộng hòa Séc và Ba Lan đã bị ảnh hưởng nặng nề. Mưa lớn và mực nước dâng cao đã làm sập một số cây cầu, buộc người dân phải đi sơ tán và để lại phía sau cảnh tượng hoang tàn. Hơn 12.000 người đã được sơ tán tại Cộng hòa Séc. 250 nghìn hộ gia đình ở Séc đã không có điện vào cuối tuần.

Tại thị trấn Klodzko, Ba Lan, nước sông dâng cao đã chạm tới gầm cây Cầu Sắt. Nước dâng tới 6,65 mét, cao hơn nhiều so với mức báo động là 2,4 mét. Nước sông đã vượt qua mức kỷ lục trong trận lũ lớn năm 1997, từng phá hủy một phần thị trấn và cướp đi sinh mạng của 56 người ở Ba Lan.

Nước sông đã vượt qua mức kỷ lục trong trận lũ lớn năm 1997

Một người đã chết đuối và 1.600 người đã được sơ tán ở Klodzko. Hôm Chủ nhật, Thủ tướng Donald Tusk đã tổ chức một cuộc họp với nhóm quản lý khủng hoảng tại thị trấn Klodzko. Lính cứu hỏa và quân đội đã sử dụng xe lội nước, máy đào, thuyền và xuồng để đưa người dân ra khỏi khu vực bị ngập lụt.

Tình trạng biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều cơn mưa lớn hơn vì không khí ấm hơn có thể chứa nhiều hơi nước hơn. Các yếu tố khác do con người  như quy hoạch phòng chống lũ lụt và sử dụng đất cũng là những yếu tố quan trọng gây ra lũ lụt.

Thời tiết thay đổi đột ngột từ hạn hán nghiêm trọng sang mưa lớn đang trở nên phổ biến hơn do biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng thời tiết thay đổi đột ngột từ hạn hán nghiêm trọng sang mưa lớn đang trở nên phổ biến hơn do biến đổi khí hậu.

Các mối nguy hiểm liên quan đến thời tiết mà EU phải đối mặt trong những thập kỷ tới có thể được chia thành các nhóm như sau:

- Nhiệt độ không khí trung bình sẽ tăng đều đặn trên khắp châu Âu.

- Lượng mưa dự kiến sẽ thay đổi đáng kể trên khắp châu lúc này, trong đó mưa lớn ở phía Bắc, cực đoan hơn ở Trung Âu và nguy cơ hạn hán cao hơn ở phía Nam.

- Cường độ bão dự kiến sẽ tăng trên khắp châu Âu, nhưng tần suất thay đổi được dự kiến sẽ khác nhau giữa các khu vực.

- Lượng tuyết rơi dự kiến sẽ giảm ở miền Trung và miền Nam châu Âu, trong khi dự kiến sẽ có những thay đổi hỗn hợp ở miền Bắc châu Âu.

- Các vùng ven biển: Mực nước biển sẽ dâng cao ở tất cả các khu vực ngoại trừ Biển Baltic phía Bắc. Nhiệt độ bề mặt biển dự kiến sẽ tăng ở tất cả các vùng biển châu Âu, kèm theo sự gia tăng các đợt nắng nóng trên biển. Các vùng biển của châu Âu cũng dự kiến sẽ có nồng độ axit cao hơn.

Mặt đất cằn khô

Trong khi nhiều nơi phải hứng chịu mưa lũ khủng khiếp thì Nam Mỹ đang bị tàn phá bởi đám cháy từ rừng nhiệt đới Amazon của Brazil, trải dài từ vùng đất ngập nước lớn nhất thế giới đến các khu rừng khô ở Bolivia, phá vỡ kỷ lục trước đó về số vụ cháy được ghi nhận trong một năm.

Dữ liệu vệ tinh do cơ quan nghiên cứu không gian Inpe của Brazil phân tích đã ghi nhận gần 350 nghìn điểm nóng cháy rừng từ đầu năm đến nay tại tất cả 13 quốc gia Nam Mỹ, vượt qua kỷ lục trước đó vào năm 2007.

Những đám cháy lớn đang thiêu đốt thảm thực vật dọc theo các con đường. Cây xanh chỉ còn là những khúc gỗ đen cháy nham nhở. Khói bốc lên từ các đám cháy ở Brazil khiến bầu trời phía trên các thành phố như Sao Paulo tối sầm, tạo thành một vệt khói đen trải dài trên khắp lục địa từ Colombia ở phía Tây Bắc đến Uruguay ở phía Đông Nam.

Brazil và Bolivia đã điều động hàng nghìn lính cứu hỏa để cố gắng kiểm soát các đám cháy, nhưng chủ yếu vẫn phải chịu khuất phục trước thời tiết khắc nghiệt.

Các nhà khoa học cho rằng hầu hết các đám cháy đều do con người gây ra, nhưng tình trạng nóng và khô gần đây do biến đổi khí hậu đang khiến đám cháy lan nhanh hơn. Nam Mỹ đã phải hứng chịu hàng loạt đợt nắng nóng kể từ năm ngoái. Mặc dù vẫn đang là mùa đông ở Nam Bán cầu, nhiệt độ ở Sao Paulo vẫn duy trì ở mức trên 32 độ C .

Tại Brazil, hạn hán bắt đầu từ năm ngoái đã trở thành đợt hạn hán tồi tệ nhất từng được ghi nhận, theo cơ quan giám sát thảm họa quốc gia Cemaden. Còn theo dữ liệu của Viện nghiên cứu không gian quốc gia Bồ Đào Nha Inpe, số vụ cháy lớn nhất trong tháng này là ở Brazil và Bolivia, tiếp theo là Peru, Argentina và Paraguay. Các vụ cháy dữ dội bất thường cũng xảy ra ở Venezuela, Guyana và Colombia vào đầu năm đã góp phần vào kỷ lục này.

Hạn hán nghiêm trọng trên khắp khu vực rừng mưa nhiệt đới Amazon của Brazil đang làm thay đổi đáng kể cuộc sống của người dân. Việc đi lại của họ bị cản trở bởi mực nước thấp kỷ lục ở các đoạn thượng nguồn sông Amazon.

Theo Trung tâm Giám sát và Cảnh báo sớm về thiên tai Quốc gia (Cemaden), hạn hán hiện tại là đợt hạn hán nghiêm trọng nhất và lan rộng nhất mà Brazil từng trải qua kể từ khi bắt đầu ghi chép vào năm 1950.

Nhiều yếu tố khác nhau có thể góp phần gây ra những thay đổi đột ngột về thời tiết - bao gồm El Niño, La Niña và biến đổi khí hậu. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng bản thân đất cũng có thể có tác động. Họ phát hiện ra 'vòng phản hồi từ đất' làm tăng khả năng xảy ra mưa lớn sau hạn hán. Ở những vùng ẩm ướt, hạn hán đẩy nhanh quá trình bốc hơi nước từ đất và thực vật, tạo ra nguồn độ ẩm để hình thành mưa lớn. Ở những vùng khô hạn, thời tiết nóng và áp suất thấp hút độ ẩm từ các khu vực khác như đại dương làm tăng nguy cơ xảy ra mưa nguy hiểm.

Khoảng một phần ba diện tích đất trên thế giới có thể chứng kiến hạn hán kéo dài nhiều năm thường xuyên hơn

Một nghiên cứu mới của Earth’s Future phát hiện ra rằng thời gian và mức độ nghiêm trọng của hạn hán dự kiến sẽ tăng trên toàn cầu từ năm 2015 đến năm 2100. Các nhà nghiên cứu đã xem xét xu hướng, thời điểm hạn hán theo mùa và tần suất hạn hán theo các kịch bản phát thải khác nhau. Kết quả cho thấy khoảng một phần ba diện tích đất trên thế giới có thể chứng kiến hạn hán kéo dài nhiều năm thường xuyên hơn, nếu thế giới đạt được mức phát thải thấp, trong khi 62% diện tích đất có thể phải đối mặt với hạn hán thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn, nếu lượng phát thải vẫn ở mức cao nhất.

Đại dương nóng lên - bão mạnh hơn

Một nghiên cứu mới đã cảnh báo rằng thời tiết khắc nghiệt sẽ nhanh chóng trở nên khốc liệt hơn trong 20 năm tới. Các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu khí hậu quốc tế CICERO tại Na Uy cho biết gần 3/4 dân số thế giới sẽ chứng kiến những thay đổi đáng kể về điều kiện thời tiết, nếu lượng khí thải nhà kính không được cắt giảm nhanh chóng.

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Geoscience, cho thấy hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể kết hợp với những biến động bình thường của thời tiết để tạo ra những giai đoạn biến động nhanh chóng về lượng mưa và nhiệt độ kéo dài hàng thập kỷ. Các hiện tượng như El Niño có thể thay đổi điều kiện thời tiết dẫn đến lượng mưa và nhiệt độ đạt đỉnh. Khi trái đất nóng hơn và ẩm ướt hơn, các hiện tượng thời tiết cực đoan bắt đầu đạt đến mức độ hệ sinh thái và con người không thể ứng phó nổi.

Siêu bão mạnh nhất mà châu Á chứng kiến trong năm nay, bão Yagi, với tốc độ gió gần tâm bão đạt hơn 200 km/h đã gây ra thiệt hại lớn vè người và của ở một số quốc gia. Những cơn bão đổ bộ vào Đông Á và Đông Nam Á trong những năm gần đây dường như đang trở nên mạnh hơn. Các nhà khoa học cho biết đại dương ấm hơn là một trong những yếu tố làm gia tăng khả năng phá hủy của bão.

Siêu bão tương đương với bão cấp 5 - mạnh nhất trong thang đo Saffir-Simpson. Tất cả các cơn bão nhiệt đới đều có tốc độ gió rất lớn, lượng mưa lớn và nước dâng do bão khiến mực nước biển dâng cao tạm thời.

Bão, bão nhiệt đới và lốc xoáy đều như những cỗ máy quay khổng lồ sử dụng không khí ấm và ẩm. Nhiệt độ bề mặt biển thường cần ít nhất là 27 độ C để cung cấp đủ năng lượng cho một trong những cơn bão mạnh này bắt đầu quay. Các cơn bão nhiệt đới thường bắt đầu suy yếu khi chúng đổ bộ vào đất liền vì chúng không còn năng lượng từ vùng nước biển ấm để nuôi dưỡng. Tuy nhiên, ngày nay những cơn bão không chỉ mạnh hơn mà hoành hành trên đất liền lâu hơn.

Các nhà khoa học cho biết bão, cuồng phong và lốc xoáy nói chung đã trở nên mạnh hơn do biến đổi khí hậu. Điều này là do nước biển ấm hơn, cung cấp cho các cơn bão nhiều năng lượng hơn và gió mạnh hơn.  Ví dụ, các cơn bão Đại Tây Dương năm 2024 được dự đoán là hoạt động cực mạnh do nhiệt độ bề mặt biển cao kỷ lục.

Nếu không có đại dương, hành tinh này sẽ nóng hơn nhiều do biến đổi khí hậu. Trong 40 năm qua, đại dương đã hấp thụ khoảng 90% lượng nhiệt ấm lên do khí thải nhà kính. Phần lớn lượng nhiệt ở đại dương này được tích lũy gần bề mặt nước, tiếp thêm năng lượng để các cơn bão mạnh hơn và gây ra lượng mưa lớn hơn.

Mực nước biển dâng cao cũng có thể làm cho các cơn bão nhiệt đới thêm trầm trọng, tàn phá các cộng đồng ven biển và khiến tình trạng lũ lụt này trở nên tồi tệ hơn. Theo IPCC, số lượng các cơn bão nhiệt đới trên toàn thế giới khó có thể tăng lên, nhưng trái đất nóng lên có thể khiến nhiều cơn bão đạt đến cường độ cao nhất. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 7 năm nay cũng tiết lộ rằng các cơn bão nhiệt đới ở Đông Nam Á hiện đang hình thành gần bờ biển hơn, mạnh lên nhanh hơn và hoành hành trên đất liền trong thời gian dài hơn.

Biến đổi khí hậu khiến trái đất nóng lên, nước biển dâng sẽ làm cho thiên tai trở nên khắc nghiệt hơn, với những vòng xoáy bất tận của lũ lụt và hạn hán. Mưa lớn xuất hiện thường xuyên hơn. Những cơn bão mạnh hơn và hoành hành trong đất liền lâu hơn

Minh chứng rõ nhất cho những biến đổi này là: lũ lụt đang tàn phá Trung Âu, bão Yagi tàn phá châu Á còn cháy rừng lại thiêu đốt Mỹ Latinh.

Các mô phỏng khí hậu hiện tại cho thấy khoảng 70% dân số thế giới – tương đương 5,6 tỷ người - sẽ phải đối mặt với những thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa khắc nghiệt, nếu lượng khí thải vẫn ở mức cao. Ngay cả trong trường hợp cộng đồng quốc tế đang có những nỗ lực mạnh mẽ để cắt giảm lượng khí thải theo mục tiêu của Thỏa thuận Paris, thì 20% dân số toàn cầu, tức khoảng 1,5 tỷ người vẫn sẽ bị ảnh hưởng, chủ yếu ở Bán đảo Ả Rập và Nam Á.

Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế cảnh báo thế giới cần đầu tư nhiều hơn vào việc thích ứng thay vì giảm thiểu, vì thiên tai có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn và khắc nghiệt do biến đổi khí hậu.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố Ukraine sẵn sàng tổ chức đàm phán với Mỹ và các quốc gia châu Âu về giải quyết xung đột vào cuối tháng 1.

Hôm nay, Indonesia chính thức triển khai chương trình bữa ăn miễn phí dành cho học sinh và phụ nữ mang thai như lời hứa trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Prabowo Subianto.

Ngay trong ngày đầu năm mới nước Mỹ choáng váng bởi hai vụ khủng bố, và lý lịch của cả hai nghi can khiến người ta lo ngại hơn. Tất cả các vụ tấn công đều do các thành viên đã xuất ngũ hoặc đang tại ngũ của lực lượng vũ trang gây ra.

Bộ Y tế Kazakhstan cho biết nước này đã ghi nhận các ca nhiễm virus human metapneumovirus (HMPV) gây bệnh đường hô hấp, loại virus đang lây lan rộng ở Trung Quốc.

Sự bùng phát của bệnh viêm đường hô hấp do virus Metapneumovirus (HMPV) tại Trung Quốc đại lục đã thu hút sự chú ý lớn từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ lân cận. Hiện cả Hồng Kông (Trung Quốc) và Malaysia đều báo cáo về nhiều trường hợp mắc bệnh. Vậy chính xác HMPV là gì? Những nhóm người nào cần phải cẩn thận trước virus này?

Theo nguồn tin Reuters, quân đội Hàn Quốc thông báo Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo không xác định về biển Nhật Bản trong ngày hôm nay, 6/1.