Thời trang thế giới và những sáng tạo đột phá

Ngành thời trang đã duy trì sự hiện diện của mình bằng cách không ngừng phát triển và kết hợp công nghệ mới với sự sáng tạo của các nhà thiết kế. Từ những thay đổi trong sản xuất vải đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thời trang đổi mới là nền tảng của sự thành công này.

Đột phá công nghệ với loại vải tự đổi màu

Trong lĩnh vực thời trang, sáng tạo là yếu tố vô cùng quan trọng. Sự đổi mới không ngừng trong việc sử dụng vật liệu mới, mẫu thiết kế hay kỹ thuật sản xuất đã tạo ra các sản phẩm thời trang độc đáo. Nhờ sự phát triển của công nghệ, các kỹ sư công nghệ và chuyên gia thời trang từ khắp mọi nơi trên thế giới đã cho ra đời loại quần áo sáng tạo nhất từ các loại vải dệt cảm ứng, quần áo có thể tự làm mát hoặc giữ ấm tùy thuộc vào điều kiện thời tiết. Với công nghệ kết nối trực tuyến được tích hợp vào vải dệt thông minh, người mặc có thể điều khiển màu sắc, hoa văn của trang phục thông qua ứng dụng trên điện thoại di động hoặc thậm chí chỉ cần ra hiệu bằng cử chỉ ...

Những sáng tạo này không chỉ mang lại sự thay đổi cho thời trang mà còn mở ra những ứng dụng thú vị và hữu ích trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ giải trí đến y tế và an toàn. Một trong những tiến bộ độc đáo nhất gần đây là sự xuất hiện của hàng dệt thông minh, đặc biệt là loại vải chuyển màu, do một nhóm nghiên cứu tại Hồng Kông phát triển.

Sự sáng tạo trong thời trang được thể hiện tại Tuần lễ thời trang Milan năm nay. Những người mẫu sải bước trên sàn diễn tràn ngập trang phục và những phụ kiện lấp lánh.  Những trang phục này biến đổi từ màu xanh sáng, màu cam, đến màu xanh lá cây và sau đó là màu tím đậm. Đó là nhờ loại vải đổi màu được dệt bằng sợi nhựa quang học polymer (POF) kết hợp với vải may mặc thông thường do Phòng thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo trong thiết kế (AiDLab) có trụ sở tại Hồng Kông phát triển. AiDLab là một hoạt động nghiên cứu do Đại học Bách khoa Hồng Kông (PolyU) và Đại học Nghệ thuật Hoàng gia (RCA) ở Anh đồng thành lập, tập trung vào việc tích hợp Trí tuệ nhân tạo (AI) vào thiết kế.

Giáo sư Jeanne Tan, Trưởng nhóm Phát triển sản phẩm cho biết: “Sợi quang polymer POF thực sự là vật truyền ánh sáng. Khi ánh sáng truyền từ điểm này sang điểm khác, sợi POF thông thường chỉ phát ra ánh sáng ở đầu. Nhưng chúng tôi đã xử lý bề mặt vải để ánh sáng có thể truyền qua mặt bên của vải.”

Các nhà thiết kế đã tạo ra lớp vải có thể phản chiếu nhiều sắc độ khác nhau của màu sắc và được tích hợp một chiếc camera siêu nhỏ giúp hệ thống AI quan sát cử chỉ của người mặc, thiết bị di động hoặc điều khiển từ xa.

Chẳng hạn, khi người mặc giơ ngón cái ra hiệu đồng ý, vải sẽ biến thành màu xanh nước biển đậm; ngón tay làm hình trái tim, vải sẽ biến ra màu hồng; và làm dấu “OK” sẽ chuyển sang màu xanh lục.

Tính năng mới nhất của loại vải này thậm chí còn cho phép người mặc trích xuất màu sắc từ ảnh trên điện thoại của họ, chiếu chúng lên vải.

Theo nhóm phát triển sản phẩm, loại vải đổi màu này rất mềm, giống như các loại vải thông thường khác và cấu trúc của nó cũng cho phép người dùng dễ dàng tách POF ra khỏi sợi vải thông thường để thực hiện việc tái chế. Điều này góp phần tạo nên thời trang bền vững.

Nhà nghiên cứu Miffy Yu, Đại học Bách khoa Hồng Kông chia sẻ: “Tôi nghĩ công nghệ mới này cũng rất có lợi cho sự phát triển bền vững. Khi bạn mua một món quần áo có kiểu dáng mình thích, bạn có thể thay đổi màu sắc của món đồ đó nhờ chất liệu cải tiến này. Bằng cách này, bạn sẽ không gặp phải tình trạng giống như những người trẻ khác là mua cùng một kiểu quần áo nhưng với tất cả các màu sắc khác nhau. Khi không còn ưa chuộng phong cách đó, họ thường vứt bỏ hết quần áo, dẫn đến lãng phí và ô nhiễm môi trường.”

Theo Giáo sư Jeanne Tan, thành viên nhóm phát triển sản phẩm, ngoài ứng dụng rõ ràng trong ngành thời trang, công nghệ này còn có thể được khai thác cho mục đích phục hồi chức năng.

“Kích thích đa giác quan là điều rất phổ biến, nó là một hình thức mang lại hạnh phúc cho nhiều người, đặc biệt là những người mắc chứng mất trí nhớ, những người gặp khó khăn trong học tập”- Giáo sư Jeanne Tan cho biết.

Tại Trung tâm Y tế Quận Wong Tai Sin ở Hồng Kông, ba thiết bị thể dục được làm từ vải dệt thông minh đáp ứng các bài tập cụ thể bằng cách thay đổi màu sắc, thúc đẩy sự tương tác thông qua phản hồi trực quan tức thì.

Các nhà nghiên cứu hy vọng, một ngày nào đó, công nghệ này sẽ được thương mại hóa. Các trang phục này hiện đang được trưng bày tại các trung tâm mua sắm và các địa điểm khác ở Hồng Kông – Trung Quốc.

Đưa nghề dệt truyền thống của Trung Quốc đến với thế giới

Nghệ thuật dệt đã có từ lâu đời và là nguồn cảm hứng cho những ý tưởng độc đáo mới. Nghề thủ công dệt len lâu đời của Tây Tạng, Trung Quốc đã được cải tiến, kết hợp giữa yếu tố truyền thống với hiện đại nhờ một công nghệ hiện đại. Sự sáng tạo này giúp tạo ra các sản phẩm độc đáo, thể hiện sự giao thoa giữa quá khứ và tương lai, đồng thời cải thiện đáng kể sinh kế của nhiều phụ nữ địa phương.

Nằm ở độ cao trung bình hơn 4.000 mét so với mực nước biển, huyện Gyangze, thành phố Shigatse ở phía Tây Nam khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc có truyền thống dệt pulu. Loại vải len truyền thống của người Tây Tạng là chất liệu chính được họ sử dụng để làm áo choàng, ủng, mũ và các vật dụng khác mang nét truyền thống đặc biệt của người dân trên cao nguyên tuyết trắng.

Một nhóm các nghệ nhân Thượng Hải đã phát động phong trào giúp người Gyangze củng cố, phát triển ngành dệt pulu. Trong khi duy trì các yếu tố truyền thống của Tây Tạng, dệt pulu được tích hợp thiết kế thời trang hiện đại để sản xuất khăn quàng cổ, khăn choàng và các nhu yếu phẩm hàng ngày khác phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, giải quyết vấn đề việc làm tại địa phương và đưa hàng thủ công truyền thống của Tây Tạng ra với thế giới.

Chị Yangkyi, một doanh nhân người Tây Tạng cho biết: "Loại pulu truyền thống trước đây có màu sắc và hoa văn tương đối đơn giản. Các nghệ nhânThượng Hải đã đến Gyangze để tìm hiểu cách sử dụng máy dệt của chúng tôi và giúp phát triển một loại máy mới, chính là loại máy mà chúng ta thấy hiện nay. Nó có thể gập lại và di động. Nó là rất hiệu quả và tạo ra nhiều kiểu mẫu khác nhau."

Chị Yangkyi cũng cho biết thêm, pulu truyền thống tương đối cứng và thô, gây khó chịu cho da nên người dân ở các vùng khác của Trung Quốc khó chấp nhận. Nhờ công nghệ và máy móc mới từ Thượng Hải, các sản phẩm pulu giờ đây rất mềm mại và có hoa văn bắt mắt.

Nhờ đó, sản phẩm này ngày càng được ưa chuộng. Điều đó cũng đem lại thu nhập cao hơn cho những phụ nữ nông thôn địa phương.

Những sáng tạo mới cho đôi bốt truyền thống của Nga

Đôi bốt Valenki gắn bó mật thiết với người Nga qua nhiều thế hệ giờ đây không còn là một vật dụng để bảo vệ đôi chân khỏi bùn, giá lạnh hay tuyết ướt. Qua thời gian, với sự ra đời của những đôi giày hiện đại, Valenki dần bị quên lãng, chúng chỉ tồn tại ở những vùng đất lạnh khắc nghiệt như Siberia hay vòng Bắc cực. Nhưng nhờ những nhà thiết kế tâm huyết, Valenki đã được đưa trở lại với cuộc sống thường ngày ở nhiều nơi trên đất nước Nga, thậm chí, chúng còn xuất hiện trên các sàn diễn thời trang. Các nhà thiết kế đã trang trí, tạo phong cách thời trang cho những đôi bốt truyền thống với những hình in, vẽ tay, các mẫu thêu, hay có viền lông, đem lại dáng vẻ mới cho đôi bốt, biến chúng thành tác phẩm nghệ thuật rực rỡ.

Theo truyền thống, những đôi bốt Valenki mang đậm dấu ấn văn hóa Nga thường không có đế. Chúng chỉ có 3 màu là đen, xám, trắng. Giờ đây, các nhà thiết kế đã tạo cho chúng một dáng vẻ đa dạng hơn với nhiều hình dáng, kích cỡ và được trang trí bằng các họa tiết độc đáo như hình chú chim hay bông hoa. Sự sáng tạo mới này thu hút sự chú ý của nhiều khách hàng là người dân thành thị. Công ty sản xuất giày Valenki World of Wool đã có những khách hàng trung thành ở thủ đô Moscow.

Để bảo vệ đôi bốt dạ khỏi bùn hay tuyết ướt, chúng thường được bao bằng một đôi bốt cao su bên ngoài, và sau này thường được làm thêm một lớp đế da hay cao su. Thời trước, những đôi Valenki được làm thủ công nên mất rất nhiều công sức, và giá cũng khá đắt. Chính vì vậy, nó thường được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình cùng với công nghệ ép lông cừu mà sau này được phổ biến rộng rãi trong các làng quê Nga. Mỗi người thợ thủ công lại có bí quyết làm Valenki riêng và mỗi đôi làm ra rất khác nhau. Nhưng các công đoạn chính là giặt sạch và chải mượt lông cừu rồi đặt vào một chiếc máy ép đặc biệt tạo thành từng tấm, sau đó tạo thành hình dáng giày mà không phải cắt hay khâu vá. Như vậy, Valenki sẽ giữ ấm tốt hơn cho đôi chân.

Vào thế kỷ 18, bốt Valenki bắt đầu được sản xuất hàng loạt bằng phương pháp công nghiệp và được sử dụng rộng rãi trong mọi tầng lớp từ người giàu tới người nghèo, đặc biệt ở các làng quê Nga. Nó trở thành vật dụng quan trọng khi thời tiết băng giá, khi nhiệt độ xuống dưới không độ. Nhưng việc sản xuất hàng loạt những đôi giày cao su, giày da hay vải tiện dụng hơn, đẹp hơn và giá rẻ hơn đã khiến Valenki trở nên thất sủng. Giờ đây, Valenki không còn mang ý nghĩa quê mùa, lỗi mốt mà là thời trang, phong cách.

Ông Semyon Shmykov, Giám đốc nhà máy giày Felt Yaroslavl cho biết: "Nhu cầu về giày Valenki khá ổn định trong những năm gần đây. Chúng tôi sản xuất khoảng 400.000 đôi mỗi năm. Chúng tôi cố gắng làm mới kiểu dáng của giày dép mà chúng tôi sản xuất, khiến nó trở nên đẹp hơn, hiện đại hơn.”

Không chỉ trở nên phổ biến, ngày nay Valenki thậm chí còn chinh phục được nhiều khách hàng trẻ tuổi.

Kim cương nuôi cấy trong phòng thí nghiệm

Kim cương vốn được mệnh danh là nữ hoàng trong các loại đá quý, bởi không chỉ là món đồ trang sức đắt đỏ mà còn được xem là biểu tượng cho vẻ đẹp vĩnh cửu. Tuy nhiên, nhiều năm qua, ngành khai thác đá quý bị lên án là một trong những ngành công nghiệp vốn có hại cho môi trường và con người. Vì thế, khi cả thế giới đang bắt đầu nói nhiều hơn về sống xanh và phát triển bền vững, các thợ kim hoàn đã tìm đến những phương pháp sáng tạo mới cho ra đời những viên kim cương tổng hợp, thân thiện với môi trường và có vẻ đẹp sánh ngang với kim cương tự nhiên.

Những viên kim cương này không được “đào lên từ lòng đất” mà chúng được “nuôi cấy trong phòng thí nghiệm”. Nhà kim hoàn nổi tiếng Anabela Chan, người Anh, đã dành gần 10 năm để nghiên cứu và tạo ra những viên kim cương trong phòng thí nghiệm. Kim cương nuôi cấy mở ra không gian cho nhà thiết kế trẻ thể hiện sự sáng tạo và đổi mới với những thiết kế tinh tế, thanh lịch hay những trang sức cá nhân và phóng khoáng. Ý tưởng tạo ra những viên kim cương nhân tạo của chị Chan ra đời sau khi chị tới thăm một mỏ khai thác ở Sri Lanka.

Nhà kim hoàn Anabela Chan cho biết: “Đó là một trải nghiệm thay đổi cuộc đời đối với tôi. Tôi cảm thấy thực sự sốc trước điều kiện làm việc, những rủi ro trong việc khai thác một thứ sản vật quý giá như vậy. Nó làm tôi cảm thấy kim cương không còn là niềm vui và sự lãng mạn.”

Các viên kim cương nuôi cấy trong phòng thí nghiệm cũng được hình thành bằng cách mô phỏng y hệt môi trường tạo ra kim cương tự nhiên, nhưng thay vì mất hàng tỷ năm thì chúng chỉ cần thời gian khoảng 10 tuần. Viên kim cương tổng hợp được tạo ra từ một mảnh kim cương nhỏ, được gọi là hạt giống kim cương. Carbon dioxide từ không khí được thu giữ bao phủ lên hạt giống kim cương để tạo ra viên kim cương có tính chất hóa học giống kim cương tự nhiên. Kim cương nhân tạo này có giá thấp hơn 60% so với đá quý tự nhiên, vì thế, nhiều đối tượng khách hàng có thể tiếp cận những món đồ trang sức này hơn.

Theo nhà phân tích Edahn Golan của Công ty Edahn Golan Diamond, thị trường đồ trang sức nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đang tăng trưởng mạnh, với mức tăng trưởng thị trường hàng năm là 20% trong những năm gần đây và lợi nhuận toàn cầu ở mức 15 tỷ USD.

Theo ông Edahn Golan, “Kim cương được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm là sản phẩm mới đang có nhu cầu rất lớn ở thị trường Mỹ, chiếm 85% doanh số bán hàng trên toàn cầu. Và trong năm qua, xét về tổng doanh số bán đồ trang sức được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, chúng tôi đã chứng kiến ​​mức tăng 55% so với năm ngoái.”

Nhà phân tích Edahn cũng cho biết, chi phí sản xuất đã giảm, vì thế viên kim cương 1 carat được nuôi trong phòng thí nghiệm hiện được bán với giá thấp hơn nhiều so với viên kim cương tự nhiên. Điều này có nghĩa là các thương hiệu sẽ cần phải tạo sự khác biệt theo những cách khác.

Pandora, nhà sản xuất đồ trang sức lớn nhất thế giới đã giới thiệu danh mục khoảng 1.200 tùy chọn thiết kế kim cương tổng hợp đem lại lợi nhuận hấp dẫn hơn, đồng thời tạo ra sự thay đổi trong ngành công nghiệp kim cương.

Cả Pandora và Anabela Chan đều sử dụng 100% nguồn năng lượng tái tạo để sản xuất kim cương trong phòng thí nghiệm, lượng khí thải carbon là 5% so với quy trình tìm nguồn cung ứng kim cương khai thác.

Năm 2022, thời trang là mộ trong những ngành công nghiệp lớn nhất và quan trọng nhất trên thế giới, đạt doanh số vượt hơn 1,7 nghìn tỷ USD.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Theo WHO, lô vaccine đậu mùa khỉ đầu tiên được gửi tới Cộng hòa Dân chủ Congo là một nỗ lực kiểm soát sự bùng phát dịch bệnh.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngày 4/9 đã bắt đầu chuyến công du Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng khu vực tiếp tục gia tăng do cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Gaza.

Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 9 là sự kiện tạo nền tảng quan trọng để Nga thúc đẩy chính sách hướng Đông được Nga đề ra từ hơn một thập kỷ trước, trên cơ sở xác định thế kỷ XXI là “thế kỷ của châu Á”.

Các cuộc biểu tình quy mô lớn nhất kể từ đầu cuộc xung đột đã bùng phát tại nhiều thành phố ở Israel, nhằm gây sức ép yêu cầu Thủ tướng Benjamin Netanyahu hành động để đạt được thỏa thuận ngừng bắn, giải cứu các con tin còn lại.

Hãng thông tấn Nga TASS trích dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Nga đưa tin: Lực lượng vũ trang Ukraine đã mất tới 400 người và 12 xe bọc thép trong ngày qua tại Khu vực Kursk. Tổng số quân Ukraine thiệt mạng kể từ khi giao tranh bắt đầu ở khu vực này là hơn 9.300. Không quân Nga đã tấn công lực lượng dự bị của Ukraine tại 15 địa phương ở Khu vực Sumy trong ngày.

Chiến sự leo thang ở Trung Đông đã kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng với nền kinh tế của tất cả quốc gia trong khu vực.