Thông điệp đằng sau cảnh báo hạt nhân của Tổng thống Putin

Ngày 25/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ mới với các nước phương Tây. Ông cho biết, bất kỳ cuộc tấn công thông thường nào của một quốc gia vào Nga với sự hỗ trợ của một cường quốc hạt nhân sẽ được coi là một cuộc tấn công liên minh vào Liên bang Nga. Đây được coi là lời cảnh báo mạnh mẽ nhất từ trước nay của Điện Kremlin trước các cuộc thảo luận ở Mỹ và Anh về việc có nên cho phép Ukraine dùng tên lửa của phương Tây tấn công vào lãnh thổ Nga hay không.

Cảnh báo hạt nhân mới nhất của Tổng thống Nga Putin

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga ngày 25/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh: “Ngày nay, bộ ba hạt nhân vẫn là sự đảm bảo quan trọng nhất cho an ninh của nhà nước và người dân chúng ta, là công cụ để duy trì sự ngang bằng chiến lược và cân bằng quyền lực trên thế giới”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng An ninh ở Moscow

Chủ nhân Điện Kremlin cũng tuyên bố, Nga cần phải cập nhật học thuyết hạt nhân để xác định rõ ràng các tình huống có thể thúc đẩy Moscow tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân. Theo đó, ông đề xuất một danh sách mở rộng các tình huống bị coi là mối đe dọa với Nga cũng như với các đồng minh.

Đề xuất sửa đổi đầu tiên đối với học thuyết hạt nhân của Nga là “mở rộng danh mục các quốc gia và liên minh quân sự” trong diện áp dụng biện pháp ngăn chặn hạt nhân và “bổ sung danh sách các mối đe dọa quân sự”.

Theo đó, Moscow sẽ coi “hành động khiêu khích chống lại Nga của bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào, nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân” là một cuộc tấn công chung vào Nga và vượt ngưỡng hạt nhân.

Mặc dù không nêu cụ thể tên quốc gia nào, nhưng điều này rõ ràng sẽ áp dụng với việc Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Mỹ hoặc các đồng minh hạt nhân NATO cung cấp. Tổng thống Putin trước đó đã cảnh báo, các cuộc tấn công như vậy sẽ đồng nghĩa với phương Tây trực tiếp xung đột với Nga.

Ngoài ra, các sửa đổi được đề xuất cũng nêu rõ các tình huống mà Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân, như “nhận được thông tin đáng tin cậy về một vụ tấn công quy mô lớn nhằm vào Nga”. Ông Putin nói rõ đó là những cuộc tấn công bằng máy bay chiến lược và chiến thuật, tên lửa hành trình, máy bay không người lái (UAV), máy bay siêu thanh và các loại máy bay khác.

“Chúng ta sẽ xem xét khả năng này ngay khi nhận được thông tin đáng tin cậy về một cuộc tấn công quy mô lớn bằng các phương tiện tấn công hàng không vũ trụ và sự xâm nhập qua biên giới đất nước, bao gồm của các máy bay chiến lược hoặc chiến thuật, tên lửa hành trình, UAV, tên lửa siêu thanh và các loại phương tiện hàng không khác”, nhà lãnh đạo Nga cho biết.

Việc đề cập đến UAVA đặc biệt có ý nghĩa, khi Ukraine đã nhiều lần tiến hành các cuộc tấn công hàng loạt bằng UAV nhằm vào các căn cứ chiến lược của Nga.

Đặc biệt, lần đầu tiên, Nga tuyên bố rằng khả năng răn đe hạt nhân của nước này cũng có thể được sử dụng trong trường hợp các hoạt động gây hấn của bên thứ 3 nhằm vào đồng minh Belarus - thành viên của Nhà nước Liên minh.

“Chúng ta bảo lưu quyền sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp xảy ra hành động xâm lược chống lại Nga và Belarus, với tư cách là thành viên của Nhà nước Liên minh. Những vấn đề này đã được thỏa thuận với Belarus và Tổng thống Belarus, bao gồm cả các trường hợp đối phương sử dụng vũ khí thông thường nhưng gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với chủ quyền của chúng ta”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ khi nào những thay đổi trong học thuyết hạt nhân của Nga sẽ có hiệu lực.

Học thuyết hạt nhân hiện tại của Nga, được ban hành trong sắc lệnh năm 2020 của Tổng thống Putin, quy định rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp bị tấn công hạt nhân hoặc bị tấn công bằng vũ khí thông thường đe dọa đến sự tồn vong của nhà nước.

Cuộc đối đầu nguy hiểm

Quyết định thay đổi học thuyết hạt nhân chính thức của Nga được coi là câu trả lời của Điện Kremlin trước các cuộc thảo luận ở Mỹ và Anh về việc có nên cho phép Ukraine dùng tên lửa của phương Tây tấn công vào lãnh thổ Nga hay không.

Ukraine là một quốc gia phi hạt nhân, song nước này đã nhận được sự hỗ trợ quân sự lớn từ Mỹ và các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khác kể từ đầu cuộc xung đột.

Hiện vẫn có những rào cản nhất định về phạm vi Ukraine được phép sử dụng vũ khí viện trợ trong giao tranh với Nga. Tuy nhiên, từ nhiều tháng qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thúc giục các đồng minh của Kiev cho phép nước này sử dụng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp, gồm ATACMS của Mỹ và Storm Shadows của Anh, tấn công sâu trong lãnh thổ Nga nhằm hạn chế khả năng tấn công của Moscow.

Ông Zelensky lập luận rằng những vũ khí này sẽ giúp Ukraine tấn công chính xác vào các kho quân sự quan trọng của Nga. Tuy nhiên, Mỹ lâu nay vẫn hành động thận trọng vì lo ngại rằng một động thái như vậy sẽ khiến xung đột leo thang.

Trong bối cảnh Ukraine đang để mất các thị trấn quan trọng ở miền Đông nước này vào tay lực lượng Nga, cuộc chiến đang bước vào giai đoạn được cho là nguy hiểm nhất.

Giới chức Ukraine đã liên tục thúc giục các đồng minh phương Tây, đặc biệt là Mỹ, vượt qua “ranh giới đỏ” của Nga.

“Nga không còn bất kỳ công cụ nào để đe dọa thế giới ngoài hạt nhân”. “Những công cụ này sẽ không hiệu quả”, ông Andriy Yermak, chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine phát biểu đáp lại lời cảnh báo của Tổng thống Nga Putin.

Trong khi đó, Nga, quốc gia đang kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine, đã cảnh báo về nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh toàn cầu. Cả Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden đều nói rằng, một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO có thể leo thang thành Thế chiến thứ ba, trong khi ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump cũng đã cảnh báo về nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

Nga hiện là cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới. Cùng với Mỹ, hai quốc gia này đang kiểm soát 88% số đầu đạn hạt nhân của thế giới.

Những ý kiến trái chiều

Trong những năm gần đây, các cuộc đối thoại giữa Moscow và Washington về việc kiểm soát vũ khí hạt nhân gần như đã đình trệ. Kể từ đầu năm 2022, Điện Kremlin đã nhiều lần tuyên bố sẽ thay đổi học thuyết hạt nhân của nước này, song giới quan sát vẫn nhận định rằng, những động thái như vậy chỉ đơn thuần là đòn chính trị nhằm ngăn dòng chảy viện trợ tiếp tục đổ về Kiev.

“Mỗi lần Kiev được cung cấp vũ khí mới, được phép sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga hoặc tấn công hệ thống cảnh báo tên lửa của Nga, Moscow lại dùng đến các mối đe dọa hạt nhân. Điều này gần như đã trở thành thông lệ”, chuyên gia hạt nhân Maxim Starchak viết trong một bài phân tích gần đây cho Quỹ Carnegie.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến khác. Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một nhóm chuyên gia tư vấn có trụ sở tại Mỹ, trong một bài bình luận cho rằng: “Ông Putin có thể có ý định sử dụng tính siêu cụ thể của các mối đe dọa hạt nhân của mình để thổi luồng sinh khí mới vào hoạt động thông tin về vũ khí hạt nhân đã cũ của Điện Kremlin và tạo ra làn sóng hoảng loạn mới trong số các nhà hoạch định chính sách phương Tây trong thời điểm đặc biệt quan trọng trong các cuộc thảo luận chính sách của phương Tây về khả năng Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp”.

“Bất kể bạn có nghĩ đây là một lời nói dối hay không, thì việc một cường quốc hạt nhân nới lỏng các điều kiện sử dụng hạt nhân trong chính sách đã tuyên bố của mình cũng không bao giờ là điều tốt”, ông Samuel Charap, nhà khoa học chính trị cấp cao tại RAND, cho biết trong một bài đăng trên X.

Các quan chức và học giả Nga cũng nhanh chóng củng cố tuyên bố của Tổng thống Putin. Phát biểu với phương tiện truyền thông nhà nước Nga, ông Andrey Kartapolov, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng tại Hạ viện Nga, cho biết những thay đổi được đề xuất sẽ giúp học thuyết này trở nên linh hoạt và hiệu quả và phù hợp với thực tế hơn.

Chia sẻ trên trang Telegram cá nhân, nhà hoạt động xã hội Nga Sergey Markov cho biết ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân hiện đã được hạ xuống và dự đoán rằng Moscow sẽ dễ dàng triển khai các loại vũ khí như vậy hơn. “Vẫn có khả năng Nga sẽ tấn công Kiev bằng vũ khí hạt nhân”, ông Markov viết.

Hồi tháng 6, Tổng thống Putin cho biết học thuyết hạt nhân của Nga là một “công cụ sống” có thể thay đổi theo các sự kiện thế giới. Các quan chức cấp cao của Nga, bao gồm cả Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov và phát ngôn viện Điện Kremlin Dmitry Peskov đã thảo luận về các thay đổi tiềm tàng đối với học thuyết hạt nhân trong những tháng gần đây. Hồi cuối tháng 8, Ngoại trưởng Sergey Lavrov tiết lộ tài liệu này “đang được tái xem xét”.

Ông Sergei Karaganov, một nhà khoa học chính trị và là người có quan điểm cứng rắn về chính sách đối ngoại của Nga, đã trả lời tờ Kommersant vào đầu tháng này rằng Nga “có thể tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân cục bộ vào một quốc gia NATO mà không cần phải gây ra một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện”. Ông Karaganov nhấn mạnh, mục tiêu chính của học thuyết hạt nhân của Nga “là đảm bảo rằng Nga đã sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân khi cần thiết”.

Không có luật nào hạn chế việc sử dụng vũ khí hạt nhân

Cuộc xung đột tại Ukraine kéo dài hai năm rưỡi qua đã gây ra cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất giữa Nga và phương Tây, kể từ Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, được coi là cuộc chiến tranh hạt nhân gần nhất giữa hai siêu cường thời Chiến tranh Lạnh.

Theo giới quan sát, thương vong trong một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Nga và Mỹ có thể lên tới hàng chục triệu người, thậm chí một quả bom cũng có khả năng xóa sổ khoảng 580.000 người, theo ước tính của Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân.

Các thỏa thuận kiểm soát vũ khí giữa Mỹ và Nga cũng phân loại vũ khí hạt nhân “chiến thuật”, được xác định là loại vũ khí có sức công phá nhỏ hơn và được dùng cho mục đích chiến trường trái ngược với vũ khí chiến lược được bắn từ khoảng cách xa.

Nhưng ngay cả những đầu đạn nhỏ hơn này cũng có sức hủy diệt lớn và có sức mạnh tương đương với hai quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai khiến khoảng 210.000 người thiệt mạng.

Theo giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ Bill Burns, vào năm 2022, Washington đã rất lo ngại về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật đến mức đã cảnh báo ông Putin về hậu quả của việc sử dụng chúng. Trên bình diện quốc tế, có rất ít sức mạnh có thể ngăn cản các cường quốc hạt nhân sử dụng kho vũ khí của họ.

Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân của Liên hợp quốc chính thức thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân và cấm phát triển, thử nghiệm, sản xuất, mua lại, sở hữu và tích trữ vũ khí hạt nhân nhưng cả Nga và Mỹ đều không tham gia. Hà Lan là thành viên NATO duy nhất tham gia hiệp ước./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tại cuộc họp báo ngày 21/11, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre xác nhận, Mỹ đã thông báo trước cho Ukraine và các đồng minh về kế hoạch phóng tên lửa tầm trung của Nga.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang cân nhắc thay đổi ban lãnh đạo của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) bằng cách sa thải giám đốc hiện tại và đưa một cựu đặc vụ giàu kinh nghiệm và trung thành với chương trình Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại (MAGA) của ông vào vị trí đứng đầu cơ quan này.

Ngày 22/11, một người đàn ông đã tử vong và một người khác phải nhập viện sau khi một chiếc trực thăng rơi ở một vùng xa xôi của Australia.

Sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) quyết định ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant ngày 21/11 với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, hàng loạt các quan chức Mỹ đã có những phản ứng trái chiều trước vấn đề này.

Tân Hoa xã hôm 21/11 đưa tin, Cục địa chất tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc xác nhận một mỏ vàng khổng lồ với trữ lượng ước tính hơn 1.000 tấn đã được phát hiện ở miền nam Trung Quốc.

Đảng Dân chủ Xã hội trung tả (SPD) của Đức xác nhận sẽ đề cử ông Olaf Scholz làm ứng cử viên thủ tướng vào ngày 25/11 tới.