Thống nhất làm đường dành riêng cho xe đạp ven sông Tô Lịch | Hà Nội tin mỗi chiều

Thống nhất làm đường dành riêng cho xe đạp ven sông Tô Lịch; Bảo đảm mùa lễ hội 2024 an toàn, văn minh và tiết kiệm... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Thống nhất làm đường dành riêng cho xe đạp ven sông Tô Lịch

UBND thành phố Hà Nội vừa thống nhất về chủ trương thí điểm tổ chức làn đường dành cho xe đạp trên tuyến đường ven sông Tô Lịch, đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy. Sở Giao thông vận tải Hà Nội có nhiệm vụ phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND quận Đống Đa triển khai, bảo đảm khoa học, hiệu quả, phù hợp với thực tế. Trong thời gian thí điểm, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chủ động đánh giá, phân tích kỹ tồn tại, bất cập của phương án và điều chỉnh cho phù hợp, nếu cần, bảo đảm giao thông ổn định, thuận tiện, hạn chế ùn tắc.

Từ tháng 3/2022, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị Hà Nội với nhận định xe đạp công cộng sẽ đem đến cho người dân một "phương tiện hiện đại, thuận tiện, thân thiện", tăng khả năng kết nối vận tải hành khách công cộng.

Việc thí điểm làn đường riêng cho xe đạp là chủ trương tiến bộ vì phát triển giao thông xanh, là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đô thị bền vững. Giao thông xanh có thể hiểu là các phương tiện giao thông hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Việc sử dụng xe đạp, xe máy điện, ô tô điện, xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió… chính là góp phần tham gia giao thông xanh.

Thống nhất chủ trương thí điểm tổ chức làn đường dành cho xe đạp trên tuyến đường ven sông Tô Lịch trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Danviet

Phát triển xe đạp công cộng mang đến nhiều lợi thế. Cụ thể, xe đạp sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông vì đây là loại phương tiện gọn gàng; giảm thiểu tai nạn giao thông, đặc biệt là các tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng; giảm thiểu ô nhiễm môi trường; nâng cao sức khoẻ cho người dân…

Tuy nhiên nếu làn đường riêng cho xe đạp mà chúng ta chỉ dừng lại trên một vài tuyến đường thì mới chỉ thu hút người dân sống xung quanh tập thể dục hoặc một bộ phận người tham gia giao thông có lộ trình tương tự, bởi hiện nay đa phần người đi xe đạp vì thú vui, để rèn luyện sức khỏe, còn lượng người đi làm bằng xe đạp chưa nhiều. Và kể cả tuyến đường đã có thể triển khai, nếu thiếu bóng mát cây xanh trong những ngày hè, rác thải không được thu dọn hay mùi bốc lên từ dòng sông ô nhiễm thì cũng khó thu hút người dân lưu thông.

Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng kế hoạch của UBND TP. Hà Nội về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giai đoạn 2022-2025, trong đó có thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp vẫn là tiền đề quan trọng để phát triển giao thông phi cơ giới. Lần triển khai thí điểm này sẽ giúp cơ quan quản lý rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng làn đường riêng cho xe đạp như: tiêu chuẩn kỹ thuật, xây dựng cảnh quan, đảm bảo vệ sinh môi trường, và quan trọng nhất là khả năng kết nối với các phương tiện công cộng khác như tàu điện, xe buýt.

Việc phát triển giao thông phi cơ giới là rất cấp thiết, coi đó như một phương thức quan trọng kết nối các phương tiện vận tải hành khách công cộng, từ đó hạn chế xe cá nhân và giảm thiểu ùn tắc giao thông. Cần phải coi việc thí điểm như một bước trong lộ trình xây dựng làn đường riêng cho xe đạp. Cần phải coi việc phát triển hạ tầng là để dẫn hướng chứ không chạy theo nhu cầu, bởi đến khi có nhu cầu thì việc xây dựng hạ tầng đã muộn và sẽ gặp nhiều khó khăn. Làn đường cho xe đạp không cần quá phức tạp như làn đường cho xe buýt nhanh BRT. Tại một số khu vực có thể chỉ cần một phần lề đường, vỉa hè là đủ với rào chắn để đảm bảo an toàn.

Trong tương lai không xa, khi Thành phố triển khai lộ trình cấm xe máy, hạn chế ô tô cá nhân thì xe đạp sẽ là phương tiện quan trọng để di chuyển và kết nối các phương tiện giao thông công cộng khác. Sớm triển khai và lắng nghe góp ý, điều chỉnh kịp thời, học tập kinh nghiệm của các quốc gia phát triển là cách để cơ quan quản lý xây dựng được mạng lưới đường dành riêng cho xe đạp tối ưu và hiệu quả nhất.

Bảo đảm mùa lễ hội 2024 an toàn, văn minh và tiết kiệm

Các lễ hội được tổ chức vào dịp Xuân mới trên địa bàn cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của cộng đồng dân cư, thể hiện lòng tôn kính của nhân dân đối với bậc tiền nhân có công lao với quê hương, đất nước cũng như gửi gắm những mong ước về năm mới bình an, hạnh phúc.

Để đáp ứng việc phục vụ lượng du khách tăng đột biến tại các điểm đến di tích, tâm linh đặc biệt những nơi có lễ hội lớn đầu xuân, các địa phương của Hà Nội đều đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể trong công tác tổ chức, có phương án ứng phó với tình huống phát sinh. Thành phố cũng ban hành kế hoạch về quản lý, tổ chức lễ hội truyền thống bảo đảm diễn ra vui tươi, tiết kiệm, đúng truyền thống.

Ảnh minh họa

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, thành phố có hơn 1.200 lễ hội truyền thống với quy mô tổ chức khác nhau, trong đó phần lớn tập trung vào mùa xuân và dịp Tết cổ truyền. Đáng chú ý, nhiều lễ hội truyền thống lớn của Hà Nội bắt đầu vào mùng 5 và mùng 6 tháng Giêng như là Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (quận Đống Đa); lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức); lễ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn), lễ hội Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh)...

Mùa lễ hội năm 2023 cơ bản  diễn ra thuận lợi nhưng vẫn có một số hiện tượng gây phản cảm, như chèo kéo khách ở chùa Hương, hay xuất hiện “sới gà” tại một lễ hội ở huyện Phú Xuyên. Năm nay, để chấm dứt tình trạng này, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị, các địa phương tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự; thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát để phát hiện và xử lý nghiêm những hiện tượng phản cảm, trục lợi trong lễ hội. Để bảo đảm mùa lễ hội 2024 diễn ra an toàn, văn minh, các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền tới người dân và du khách các hoạt động lễ hội, hành vi ứng xử văn minh.

Một trong những nội dung mới của việc triển khai công tác lễ hội năm 2024 tại Hà Nội, đó là ngành Văn hóa đã ban hành bộ Tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống. Hà Nội đặt mục tiêu trong năm 2024, 70% các lễ hội bảo đảm các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Thành phố đã công bố đường dây nóng: 0965.404.557 tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh về lễ hội.

Mùa lễ hội xuân 2024 sẽ kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Mỗi người dân tham gia lễ hội cần trang bị cho mình văn hóa ứng xử lễ hội tích cực. Cần hiểu đúng và thực hành đúng các nghi thức, cũng như tham gia đúng mực vào các hoạt động phần hội, góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa tinh thần của lễ hội trong đời sống hiện đại, xây dựng nếp sống văn minh tại các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn vừa ký quyết định về việc thành lập Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội.

Công việc thi công, cải tạo cảnh quan hồ Ngọc Khánh đang khẩn trương và gấp rút nhằm kịp tiến độ đưa phố đi bộ vào hoạt động đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Vậy có điều gì hấp dẫn ở khu phố đi bộ hồ Ngọc Khánh sắp khai trương?

Mùa đông năm nay ở miền Bắc được dự báo sẽ rét hơn, và điều này đã bắt đầu thể hiện từ những ngày đầu thu.

Từ ngày 1/10, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc sẽ đồng loạt ra quân thực hiện kế hoạch tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông đối với lứa tuổi học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông; phụ huynh học sinh, người giám hộ, người giao phương tiện cho các em học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển; các chủ phương tiện và phụ huynh chở học sinh vi phạm các quy định về vận tải đường bộ, đường thuỷ nội địa, đường sắt.

Việc bỏ cọc đấu giá đất gây nhiễu loạn thị trường bất động sản, nếu chỉ công khai danh tính người bỏ cọc đấu giá liệu đã đủ sức răn đe?

Đến năm 2035, Việt Nam sẽ có tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Khi đó hành trình Hà Nội - TP. HCM sẽ chỉ mất hơn 5 tiếng. Tuyến đường sắt này có thể đóng góp 1% tăng trưởng GDP.