Thông tim can thiệp xuyên tử cung cứu sống bào thai

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) đã thực hiện can thiệp bào thai và thông tim can thiệp cho bào thai mắc tim bẩm sinh rất nặng, cứu sống bào thai bị hẹp van động mạch chủ, thiểu sản thất trái với nguy cơ tử vong rất cao. Đây cũng là ca thông tim xuyên tử cung đầu tiên được thực hiện ở Đông Nam Á, được đánh giá là bước tiến mới về kỹ thuật chuyên sâu của ngành y tế Việt Nam.

Sở Y tế TP HCM cho biết, sau 7 ngày kể từ trường hợp thông tim can thiệp bào thai đầu tiên thành công tại Việt Nam, sáng 12/1, cũng ê-kíp phẫu thuật của Bệnh viện Từ Dũ và Nhi đồng 1 cho ca thứ nhất đã tiến hành can thiệp bào thai và thông tim can thiệp cho trường hợp thứ hai.

Hình ảnh siêu âm của sản phụ sau can thiệp. Ảnh: Sở Y tế TPHCM

Cụ thể, thai phụ N.P.P.A., 27 tuổi ngụ tại Quận 3, TPHCM trong quá trình khám thai ở tuần thứ 21 phát hiện bào thai có bất thường về tim. Các bác sĩ đã chẩn đoán bào thai bị hẹp van động mạch chủ tiến triển. Thai phụ đã được tiến hành chọc ối xét nghiệm di truyền Array nhưng chưa phát hiện bất thường. Đến ngày 1/11/2023, lúc thai được 29 tuần đã được chẩn đoán diễn tiến hẹp van động mạch chủ nặng, đường kính van 2.6 mm, vận tốc máu qua van động mạch chủ 300cm/s, gây thiểu sản thất trái nặng hơn, trào ngược van 2 lá mức độ nặng. Nguy cơ tử vong rất cao ngay khi thai nhi được sinh ra.

Các chuyên gia bào thai và tim mạch trẻ em hội chẩn và nhận định đây trường hợp rất nguy hiểm, nếu không can thiệp bào thai khẩn hoặc can thiệp trễ sau 30 tuần tuổi thai để tiến hành nong van động mạch chủ thì khả năng rất cao bào thai sẽ tử vong trong bụng mẹ (tỉ lệ thai lưu > 50%) hoặc thai sẽ diễn tiến đến hội chứng thiểu sản thất trái và thành tim 1 thất (sau sinh trẻ phải phẫu thuật nhiều giai đoạn để đưa tạm về tuần hoàn 1 thất hoặc phải điều trị triệt để bằng ghép tim).

Sau hội chẩn, các chuyên gia thống nhất và chỉ định can thiệp tim mạch bào thai ở thời điểm này là phù hợp. Tuy nhiên, dự báo tư thế thai nhi sẽ không thuận lợi cho can thiệp thông tim vì có tình trạnh dư ối, thai nhi thay đổi ngôi liên tục, tư thế của bào thai thay đổi nhiều nên sẽ khó khi thực hiện thủ thuật. Ca can thiệp có rủi ro rất cao nên có thể sẽ không thành công.

Giám đốc Sở Y tế TPHCM cùng lãnh đạo Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nhi đồng 1 hội ý trước ca mổ đặc biệt. Ảnh: Sở Y tế

Lúc 9h15 ngày 12/01/2024, ê-kíp chuyên khoa  can thiệp bào thai và thông tim can thiệp trẻ em của BV Từ Dũ và BV Nhi Đồng 1 bắt đầu thực hiện thông tim can thiệp xuyên tử cung cho thai phụ. Đúng như nhận định, ca phẫu thuật gặp rất nhiều khó khăn do thai nhi đổi ngôi liên tục nên việc đưa kim luồn vào thất trái và lên van động mạch chủ khó khăn.

Để khắc phục, thai phụ đã được gây tê tủy sống sau đó siêu âm kiểm tra lại tư thế của thai. Do tư thế thai không thuận lợi, buồng thất trái nằm sấp trong tư thế thai nhi nằm sấp nên ê-kíp phẫu thuật can thiệp bào thai phải dùng các công cụ và thủ thuật để xoay trở thai nhi về vị trí thích hợp nhất đó là thai nhi nằm ngửa, buồng tim tiếp xúc trực tiếp với thành trước tử cung. Kỹ thuật này kéo dài hơn 40 phút mới đạt được kết quả như mong đợi.

Các chuyên gia đã tiến hành tiêm thuốc vào đùi thai nhi để gây mê với Fentanyl, Rocumeron và Atropin. Khi đưa được kim vào buồng thất trái, phát hiện thất trái nhỏ và dày do thiểu sản thất, nhóm chuyên gia thực hiện can thiệp của BV Từ Dũ đã mất 20 phút mới đưa được kim vào đúng vị trí. Sau đó, ê-kíp BV Nhi đồng 1 đã tiến hành nong van động mạch chủ.

Sau nong, kiểm tra dòng chảy qua van động mạch chủ lên tốt. Siêu âm kiểm tra sau thực hiện can thiệp: luồng thông PFO shunt phải – trái, vận tốc qua van động mạch chủ 180 cm/s, không ghi nhận hở chủ, nhịp tim thai 188 lần/phút, có tràn dịch màng ngoài tim nhẹ 4,5 mm.

Sản phụ tiếp tục được theo dõi tại phòng mổ 15 phút sau và tình trạng tràn dịch màng ngoài tim thai ổn định. Ca phẫu thuật kết thúc thành công lúc 11h.  Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM đã trực tiếp đến chúc mừng từng thành viên ê-kíp chuyên gia phẫu thuật của Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1.

Đến 13h chiều 12/1, ghi nhận tình trạng tràn dịch màng ngoài tim thai đã được kiểm soát tốt, nhịp tim thai bình thường, tình trạng sản phụ ổn định. Thai phụ sẽ được theo dõi thai kỳ dưới sự phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng của hai bệnh viện nhằm mục tiêu đem đến niềm hạnh phúc cho cả gia đình khi hai mẹ con chị P.A. có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông.

Hình ảnh ca đầu tiên thông tim can thiệp xuyên tử cung mẹ cứu sống thai nhi mắc bệnh tim bẩm sinh nặng. Ảnh: BV Nhi đồng 1

Tuần trước, hai bệnh viện phối hợp can thiệp ca thành công ở thai phụ 28 tuổi, mang thai 32 tuần. Đây là ca can thiệp tim thai đầu tiên Việt Nam cũng như Đông Nam Á, được đánh giá "là bước tiến mới về kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm các nước phát triển trong khu vực". Kỹ thuật này phức tạp, đòi hỏi rất lớn ở tay nghề bác sĩ, hiện chỉ vài nơi trên thế giới thực hiện được./.

 (Tổng hợp)

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong đó, chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất biện pháp quản lý.

Từ năm nay, Bộ Y tế sẽ tiến hành mua vaccine cho các đối tượng trong chương trình tiêm chủng mở rộng và phân bổ cho các tỉnh, thành phố theo nhu cầu.

Ngày 13/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã tiếp Tiến sĩ Saia Ma’u Piukala, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, trong tuần qua, TP.HCM ghi nhận 339 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (tăng 12% so với trung bình 4 tuần trước).

Việt Nam là nước ASEAN duy nhất thực hiện ghép tạng trên 1.000 ca/năm, trong đó tạng từ người hiến chết não chiếm 6%, tạng hiến từ người sống 94%.

Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ ngày 3 đến 10/5), thành phố ghi nhận 25 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 13 trường hợp so với tuần trước đó.