THPT Nguyễn Gia Thiều, ngôi trường đặc biệt với nhiều học sinh

Nằm tại quận Long Biên, Hà Nội, trường THPT Nguyễn Gia Thiều được biết tới là ngôi trường giàu truyền thống lịch sử với các thế hệ học sinh đạt được nhiều thành tích cao. Trong đó, có một người học trò đặc biệt, đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - học trò xuất sắc, niềm tự hào của ngôi trường Nguyễn Gia Thiều.

Trường THPT Nguyễn Gia Thiều được thành lập năm 1950 tại Lạc Thổ, Thuận Thành, Bắc Ninh với duy nhất một lớp cấp II. Do ở cạnh Liễu Ngạn - quê hương của danh nhân Nguyễn Gia Thiều nên trường được vinh dự mang tên ông.

Hiệu trưởng đầu tiên của trường là thầy Tạ Văn Ru. Đến năm 1951, trường chuyển về Long Biên, Hà Nội. Năm 1958, trường được nâng thành trường cấp II - III. Lúc bấy giờ, Trường Nguyễn Gia Thiều luôn đi đầu trong phong trào vừa học vừa làm, giúp các em học sinh trở thành những con người vừa có kiến thức văn hoá vừa biết lao động sản xuất.

Đến tháng 5 năm 1960, khoá lớp 10 đầu tiên của nhà trường tốt nghiệp và đạt kết quả cao. Năm 1960, nhà trường tách riêng cấp III, với tất cả 12 lớp. Cơ sở vật chất của trường Nguyễn Gia Thiều khi xưa khá thiếu thốn, mỗi khi trời mưa trường rất dễ bị ngập. Nhiều hôm mưa to, trường ngập sâu, nhà trường phải cho học sinh nghỉ học.

Quang cảnh Trường THPT Nguyễn Gia Thiều

74 năm hình thành và phát triển, trường THPT Nguyễn Gia Thiều giờ đây đã khang trang, hiện đại hơn với 3 dãy nhà 4 tầng được xây mới, các trang thiết bị dạy học, cơ sở vật chất, các phòng học chức năng của trường cũng được nâng cấp và đổi mới, phục vụ cho việc học tập của học sinh và công tác giảng dạy của các thầy cô.

Trường THPT Nguyễn Gia Thiều là ngôi trường đã đào tạo nên nhiều thế hệ học trò xuất sắc, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là ngôi trường mà Tổng Bí thư đã theo học trong suốt 6 năm, từ năm 1957 - 1963.

Trong kí ức của những người bạn học cùng lớp, Nguyễn Phú Trọng là một học sinh học giỏi, giản dị, điềm đạm, tình cảm, khiêm tốn, được nhiều bạn bè yêu mến. Sau này, dù nắm giữ nhiều cương vị quan trọng, thế nhưng mỗi khi có thời gian, người học trò Nguyễn Phú Trọng vẫn về thăm lại trường cũ, gặp lại những bạn xưa từng cùng nhau học tập dưới mái trường Nguyễn Gia Thiều.

Tổng Bí thư dự kỷ niệm 70 thành lập trường THPT Nguyễn Gia Thiều

Kể từ khi về làm việc tại trường, ông Ngô Văn Đường đã có ba lần được gặp gỡ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Lần đầu tiên là khi Tổng Bí thư về trường xưa tham dự buổi họp lớp. Ông Đường kể, khi đó ông được giao nhiệm vụ trang trí, dọn dẹp, chỉnh trang lớp học, chuẩn bị nước, trà để phục vụ cho buổi họp lớp. Khi nhận nhiệm vụ, ông không biết buổi họp lớp sẽ có sự tham gia của những ai, chỉ được thông tin đó là buổi họp lớp của niên khóa 1957 - 1963.

"Khi vào trường bác Trọng đi xe máy rất là là thân thiện. Bác có hỏi chúng tôi là “cho mình vào họp lớp”. Bác vỗ vai tôi và hỏi “cậu quê đâu?”, tôi rất vinh dự trả lời “cháu quê Đông Anh”, “thế cùng quê tôi, thế cho tôi vào họp lớp”. Nói chung bác là một người rất gần gũi." ông Đường kể.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giản dị, gần gũi trong những lần về thăm trường.

Giản dị, gần gũi cũng là những ấn tượng không thể nào quên của ông Ngô Văn Đường đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông về thăm lại trường cũ trong dịp khai giảng năm học 2014 - 2015 và Lễ Kỷ niệm 70 năm thành lập trường Nguyễn Gia Thiều năm 2020.

Dù chỉ có cơ hội được gặp gỡ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong khoảng thời gian ngắn khi ông có dịp về thăm trường, thế nhưng những hình ảnh, kỉ niệm trong những dịp gặp gỡ ấy với ông Đường sẽ mãi là những kí ức không thể nào quên.

Khi nghe tin Tổng Bí thư, một người học trò ưu tú, xuất sắc của trường Nguyễn Gia Thiều đã mãi đi xa, ông Đường không giấu được sự nghẹn ngào, xúc động.

"Tự nhiên mình hụt hẫng. Cảm xúc của người dân Việt Nam thì chắc là ai cũng thế thôi, cũng thấy là mất mát lớn. Trường Nguyễn Gia Thiều thì mất đi một học sinh ưu tú. Đến bây giờ thì tôi vẫn rất xúc động, rất là yêu thương bác. Hình ảnh của bác, tôi sẽ không bao giờ quên.", ông Đường nghẹn ngào chia sẻ.

Hơn 30 năm công tác tại trường, dù không trực tiếp tham gia vào công tác giảng dạy, thế nhưng với ông Đường, trường THPT Nguyễn Gia Thiều như một ngôi nhà thứ hai, là niềm tự hào với những thế hệ học sinh chăm ngoan, học giỏi, các thầy cô giáo giỏi chuyên môn, yêu nghề và tận tâm với học sinh.

74 năm hình thành và phát triển, trường THPT Nguyễn Gia Thiều giờ đây đã trở thành một điểm sáng của giáo dục Thủ đô. Các thế hệ giáo viên học sinh của trường Nguyễn Gia Thiều luôn tự hào về truyền thống vẻ vang của trường trong hành trình hơn 70 năm qua.

Đặc biệt, những câu chuyện về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người học trò ưu tú, xuất sắc của ngôi trường Nguyễn Gia Thiều sẽ luôn được các thế hệ giáo viên, học sinh nhà trường lưu giữ, trân trọng để truyền lửa và giáo dục tới các thế hệ học sinh mai sau.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sáng 23/12, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức lễ khai mạc cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố dành cho học sinh trung học năm học 2024 - 2025.

Hội khuyến học Hà Nội vừa tổng kết công tác khuyến học và phong trào thi đua khen thưởng năm 2024.

Tham dự kỳ thi Olympic Khoa học trẻ Quốc tế (IJSO) năm 2024, cả 6 học sinh Hà Nội đều xuất sắc đoạt huy chương.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia THPT năm học 2024-2025 được tổ chức từ ngày 24-26/12, với 6.482 thí sinh dự thi đến từ 63 tỉnh, thành và 7 trường THPT thuộc đại học.

Hiện có khoảng hơn 60 trường đại học trên cả nước đã công bố lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nhiều cuộc thi hướng tới mục tiêu khuyến khích sự sáng tạo và tư duy kinh doanh số của sinh viên, tạo cơ hội cho sinh viên thể hiện khả năng xây dựng kế hoạch và triển khai thực chiến các hoạt động kinh doanh số ngày càng được chú trọng.