Thú đọc báo sớm của người Hà Nội

Ngày nay, dù người đọc đã có nhiều sự lựa chọn hơn trong cách đọc báo, dù số lượng báo in hàng ngày giảm đi so với trước đây thì một bộ phận người Hà Nội vẫn giữ thói quen đọc báo giấy hàng ngày.

Vào thời hoàng kim của báo in, những sạp báo giấy chính là hình ảnh mang biểu tượng trong văn hóa đọc của người Hà Nội. Hình ảnh cụ già với tờ báo giấy trên tay cẩn thận đọc hết các mục hay những người đi làm tranh thủ tạt qua sạp báo để đọc lướt các tin tức nóng hổi trong ngày đã từng là nét đẹp trong sinh hoạt của người Hà Nội.

Khi nhiều người còn chìm trong giấc ngủ cũng là lúc những người làm nghề phát hành báo bắt đầu bước vào một ngày làm việc mới. Để độc giả được cầm tờ báo trên tay vào mỗi buổi sáng, hàng trăm con người đã phải tất bật phân loại, vận chuyển tại các nhà in từ tờ mờ sáng. Thời buổi chỉ quẹt ngón tay một giây là đã có thể đọc báo trên điện thoại nhưng vẫn chưa hề vắng những người lặng thầm giao báo trước bình minh.

Hình ảnh cụ già đọc báo - một nét đẹp đặc trưng của Hà Nội. (Ảnh: Baodautu)

Nhiều năm qua, dọc con phố Đinh Lễ và bên thềm Bưu điện Hà Nội đã hình thành một "chợ báo giấy" hoạt động tất bật. Đều đặn vào 4 giờ sáng hàng ngày, xe chở báo từ các nhà in sẽ dừng ở cổng Công ty phát hành báo chí Trung ương trên phố Đinh Lễ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Anh Nguyễn Việt Dũng - Công ty phát hành báo chí Trung ương chia sẻ: anh đã gắn bó với công việc phát hành được 15 năm nay. Từ đây, các đại lý chia nhau các đầu báo để người phát hành và vận chuyển đưa báo đến các quầy bán báo lẻ, các cơ quan xí nghiệp trong thành phố trước khi trời sáng.

"Nghề báo của chúng tôi đặc thù là đi làm rất sớm, hầu như là từ khoảng tầm 4h30 là chúng tôi bắt đầu vào công việc. Sau khi làm xong 6h30 báo sẽ đến tay độc giả. Cái nghề này phải đi sớm và phải làm xong sớm, cho nên thời gian làm chỉ có mấy tiếng buổi sáng thôi, nhưng phải hết sức tập trung", anh Dũng chia sẻ.

Dưới ánh đèn đường tờ mờ, đội quân phát hành với khoảng 20 người đã đứng chờ sẵn. Họ nghe tiếng là nhận ra nhau, tiếng cười nói rôm rả vang cả một góc phố. Câu chuyện giữa họ dường như chỉ xoay quanh số lượng ấn phẩm hàng ngày, tính toán thu nhập để trang trải cuộc sống. Đôi khi có cả tiếng thở dài về tình hình kinh doanh báo in ngày càng suy giảm do độc giả tìm đến báo mạng nhiều hơn.

Trời chưa sáng rõ mặt người, đội quân phát hành đã cần mẫn làm việc. (Ảnh: Sức khỏe đời sống)

Nhộn nhịp là thế nhưng khi có hiệu lệnh phát báo thì là ai cũng tập trung ngay vào việc của mình. Mỗi người chọn một góc vỉa hè riêng, lặng lẽ làm việc.

28 năm nay, ông Nguyễn Trọng Hà cần mẫn với công việc đưa báo mỗi buổi sáng. Ông Hà kể: "Ngày xưa thì mỗi lần World cup, các tin nhanh, thể thao, bóng đá báo bán rất chạy. Nhưng mà đến bây giờ thì tất cả số lượng đã sụt giảm bởi có báo điện tử".

4h30 sáng, khi đèn đường còn chưa tắt thì ngay từ đầu phố đã có thể ngửi thấy mùi đặc trưng của báo mới. Thành phố còn say ngủ, vậy mà nơi góc phố lại vô cùng rộn rã, tất bật phân loại, kiểm đếm đủ số lượng, ghi chép tỉ mỉ, làm công việc này yêu cầu phải thật nhanh nhưng vẫn phải chính xác. Những người làm việc giao báo đa số đã gắn bó hàng chục năm, mỗi người chuyên giao phụ trách một khu đến các cơ quan Nhà nước và đến các sạp báo nhỏ.

Không phải ai cũng được chứng kiến công việc mỗi sớm của những người giao báo. Nhưng với những người dân dậy sớm bộ hành, tập thể dục ven Bờ Hồ, không ai còn xa lạ gì với hình ảnh những người giao báo trên vỉa hè phố Đinh Lễ nữa. Từ góc vỉa hè trên phố, báo sẽ được tỏa đi khắp Hà Nội để đến tay người đọc trước 7 giờ.

Công việc giao báo đòi hỏi sự cần mẫn, tỉ mỉ. (Ảnh: toquoc.vn)

Thầm lặng và miệt mài, ông Trần Văn Khánh gắn bó với công việc từ những ngày mà chiếc xe máy của ông chất đầy báo, đến giờ đây ông chỉ còn lại một nhà đặt báo: "Có những thời điểm phải dậy đi từ 3 giờ sáng để gom báo về cho đủ. Đi lúc mưa gió, rồi bão vẫn phải đi, ngập lụt cũng phải đi. Mỗi thời có một cái khó. Khó bây giờ là không có tiền, còn khó ngày xưa là nhiều việc".

Mấy năm trở lại đây, báo giấy còn một lượng nhỏ độc giả nên công việc và thu nhập giảm sút mạnh. Chị Ngọc Hoa nhà ở phố Hoa Lư cho hay, chị mới nhập cuộc với công việc này do mẹ chị ốm không thể tiếp tục được nữa. Dù chị mới vào nghề nhưng đôi bàn tay chị thoăn thoắt phân loại, lồng trang quảng cáo vào trang nội dung rất nhuần nhuyễn. Sạp báo chị đưa có số lượng khách mua khá ổn định nhưng nhiều hôm mưa to gió lớn, báo lấy về nhiều, không bán được, lỗ vốn. Có hôm mưa rào ập đến nhanh quá, chị chưa kịp dọn hàng, cả chồng báo đã ướt mèm…

Vất vả, nắng mưa dãi dầu là thế, nhưng thu nhập mỗi tháng của chị cũng chỉ được vài ba triệu. Chị Hoa tâm sự thêm: "Thế hệ chúng tôi cầm tờ báo trong tay, lật qua lật lại, cẩn thận vuốt ve và đọc ngấu nghiến từng trang. Thế hệ trẻ ngày nay dường như thoải mái hơn với những cú nhấp chuột, cái vê tay trên máy tính hay điện thoại, thế là tin tức khắp nơi đều biết được…".

Giao nhận, phân loại vận chuyển báo nhìn tưởng dễ nhưng thực ra công việc đòi hỏi người làm phải thật sự chuyên tâm và tập trung để tránh nhầm lẫn. Sau khi sắp xong các tờ báo, mọi người ghi chép cẩn thận lại để nắm được khối lượng đầu báo đã chia. Công việc phải thức dậy sớm nhưng trung bình mỗi tháng, thu nhập của họ chỉ từ 2-4 triệu đồng. Những người đã về hưu tham gia công việc này có chung nhận định, thu nhập không cao nhưng họ làm vì ở đây được gặp gỡ và giao lưu với mọi người.

Đi dọc các con phố, những sạp báo giấy ven đường ngày một hiếm thấy. Trong dòng chảy hối hả ngược xuôi của phố phường, một sạp báo giấy khiêm tốn nằm ở góc phố nào đó luôn là điểm dừng chân quen thuộc của nhiều người, đặc biệt với những người làm công việc giao báo…

Những sạp báo giấy ngày một thưa dần. (Ảnh: Báo Lao động)

Từ Trung tâm phát hành báo, các đầu báo sẽ được người phát hành mang đi khắp phố phường Hà Nội để trước 7 giờ sáng, những bạn đọc báo in truyền thống vẫn có các trang báo còn thơm mùi giấy, chậm rãi đọc tin tức như một cách để chào ngày mới và lưu giữ nét văn hóa đọc xưa cũ vẫn đang tồn tại song hành trong cuộc sống hiện đại của người Hà Nội.

Công việc của những người giao báo ít dần bởi đã có nhiều cách hơn để công chúng tiếp cận thông tin. Đọc báo giấy mỗi sáng vốn từng là một nét đẹp trong đời sống của người dân Thủ đô, nhưng giờ đây nó chỉ còn là thói quen của những người già thế hệ trước.

Ngày nay, báo giấy không còn là sự lựa chọn hàng đầu của lượng lớn độc giả, nhưng không ai có thể phủ nhận sức sống riêng biệt của chúng. Đâu đó vẫn còn hình ảnh những tờ báo giấy gắn liền với đời sống thường nhật của người dân Thủ đô. Lựa chọn báo giấy vì lưu giữ được lâu, vì tin tưởng và hơn cả, đó là cái thú vị mong chờ mỗi sáng của nhiều người. Ngay trên vỉa hè, bên cốc trà đá hay nhâm nhi tách cà phê, họ vừa cập nhật tin tức trên các đầu báo, vừa tận hưởng một không khí rất Hà Nội cho riêng mình.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Làng bánh dày Quán Gánh, thuộc thôn Thượng Đình, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, có khoảng 50 hộ theo nghề làm bánh dày truyền thống.

Hà Nội đang vào thu, tiết trời đẹp nhất năm. Tại các tuyến phố Phan Đình Phùng, Thụy Khuê, Yên Phụ xuất hiện nhiều xe chở hoa xếp hàng dài bên lề đường, thu hút sự chú ý của giới trẻ.

Dù các cơ sở sản xuất, các xưởng làm nghề truyền thống đã dần chuyển ra khỏi nội đô, nhưng trong những con phố cổ ở Hà Nội vẫn có nhiều nhà giữ lại nghề truyền thống, trong đó có nghề làm hương.

Đường Thanh Niên luôn là một trong những địa điểm hấp dẫn du khách mỗi khi đến thăm Hà Nội. Khi chiều tà, con đường thơ mộng đến khó tả.

Phở là món ăn đặc trưng nổi tiếng trong ẩm thực của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Những năm qua ở Hà Nội xuất hiện một biến tấu của phở, đó là phở cuốn. Món ăn này hấp dẫn thực khách bởi mang hương vị vừa lạ, vừa quen.

Đầu tháng 9, Hà Nội chịu sự tàn phá nặng nề của bão số 3 khiến nhiều khu vực bị ngập nặng, hàng vạn cây xanh bị bung rễ, bật gốc, gãy cành. Thế nhưng giờ đây, hệ thống cây xanh của thành phố đang dần được hồi sinh, những chồi non bắt đầu vươn lên giữa nắng vàng.