Thừa nhận hiếm hoi của ông Zelensky

Trả lời phỏng vấn vào cuối tuần qua Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, ông đang tìm cách chấm dứt sớm cuộc chiến với Nga, đồng thời nói thêm rằng nếu tư cách thành viên NATO của Ukraine được xác nhận, Ukraine sẽ có thể lấy lại các vùng đất bị chiếm đóng thông qua các biện pháp ngoại giao.

Điều này đánh dấu một sự thay đổi so với quan điểm trước đây của Tổng thống Ukraine, trong đó ông nói rằng việc kết thúc chiến tranh phụ thuộc vào việc Nga trả lại lãnh thổ Ukraine mà Nga đang kiểm soát. Vậy tại sao ông Zelensky lại thay đổi lập trường? Bước tiếp theo sẽ như thế nào?

Ông Zelensky nghĩ gì về việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine?

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Stuart Ramsey,  phóng viên chính của Sky News hôm 29/11, ông Zelensky nói rằng nếu NATO đưa ra những đảm bảo an ninh cho Ukraine thì “giai đoạn nóng” của cuộc chiến có thể kết thúc.

Ông cho biết vấn đề trả lại những vùng đất mà Nga hiện đang kiểm soát có thể được giải quyết sau thông qua đàm phán ngoại giao. Trong cuộc phỏng vấn do Thông tấn xã Kyodo của Nhật Bản đăng tải hôm thứ Hai, nhà lãnh đạo Ukraine đã nhắc lại quan điểm này.

Tổng thống Ukraine Zelensky phát biểu ngày mùng 1 tháng 12 năm 2024; Nguồn: Reuters

Ông nói với Sky News: “Nếu chúng ta muốn ngăn chặn sức nóng của cuộc chiến này, chúng ta cần đưa các vùng lãnh thổ Ukraine mà chúng ta kiểm soát dưới sự bảo trợ của NATO”.

Ông nói: “Chúng ta cần phải hành động nhanh chóng. Sau đó, về vấn đề lãnh thổ bị chiếm đóng của Ukraine, chúng ta có thể lấy lại chúng thông qua các biện pháp ngoại giao”.

Ông nói với Sky News rằng lệnh ngừng bắn sẽ cần có sự đảm bảo rằng Nga sẽ không quay lại. Kể từ năm 2014, Nga đã giành quyền kiểm soát khoảng 20% ​​diện tích Ukraine, trong đó bao gồm bán đảo Crimea, được Nga sáp nhập vào năm 2014.

Kể từ khi ông Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt chống lại Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Nga đã kiểm soát hầu hết các khu vực Donetsk, Kherson, Luhansk và Zaporizhia và tuyên bố sáp nhập các khu vực này vào tháng 9 năm 2022.

Lập trường của ông Zelensky về việc chấm dứt chiến tranh có thay đổi không?

Câu trả lời có lẽ là có, cuộc phỏng vấn gần đây của ông Zelensky đánh dấu lần đầu tiên ông đưa ra kế hoạch chấm dứt chiến tranh mà không liên quan đến việc Nga phải trả lại lãnh thổ cho Ukraine như một điều kiện.

Trước đó, ông Zelensky coi việc đòi lại lãnh thổ là điều kiện tiên quyết để đạt được thỏa thuận hòa bình.

Tại sao ông Zelensky thay đổi kế hoạch của mình?

Tổng thống Zelensky đã đưa ra lời thừa nhận hiếm hoi với Kyodo News rằng quân đội Ukraine sẽ rất khó để giành lại các vùng đất bằng biện pháp quân sự.

Ông nói: “Quân đội của chúng tôi thiếu sức mạnh để làm điều đó. Đó là sự thật”.

Nhận xét của ông cũng được đưa ra ngay sau khi ứng cử viên Đảng Cộng hòa Mỹ Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ vào tháng trước. Việc ông Trump đắc cử đánh dấu sự thay đổi trong lập trường của Mỹ về Ukraine.

Dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện tại, Mỹ là nhà tài trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington đã cung cấp hỗ trợ quân sự trị giá 64 tỷ USD cho Ukraine kể từ tháng 2 năm 2022.

Mỹ đã cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí có độ chính xác cao như tên lửa ATACMS, nhưng cho đến gần đây mới cho phép Ukraine sử dụng những vũ khí này để tấn công các mục tiêu ở Nga.

Quân đội Ukraine sử dụng máy bay không người lái để làm chậm bước tiến của quân đội Nga

Trong khi kế hoạch hòa bình của tổng thống đắc cử Donald Trump dành cho Ukraine vẫn chưa rõ ràng, ở Kiev có những lo ngại rằng ông sẽ cắt viện trợ - hoặc thậm chí dừng hoàn toàn. Các nhà phân tích cho rằng nếu không có sự trợ giúp của Mỹ, quân đội Ukraine sẽ không thể đối phó với cuộc chiến đang gia tăng nhanh chóng. Ngoài việc tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào nhau, lực lượng Nga đã chiếm giữ một số ngôi làng ở miền đông Ukraine và đang nỗ lực chiếm giữ khu công nghiệp Donbass. Ngoài ra, Mỹ và Hàn Quốc cho rằng quân đội Nga được quân đội Triều Tiên hỗ trợ tham gia tiền tuyến của cuộc chiến.

Ông Zelensky muốn gì?

Ông Zelensky nói với các phóng viên của Sky News rằng ông hy vọng được hợp tác và liên lạc trực tiếp với ôngTrump, đồng thời gọi cuộc gặp của họ vào tháng 9 năm nay là “ấm áp, tốt đẹp và mang tính xây dựng”.

Ông Zelensky gặp ông Trump trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 9/2024; Nguồn: Los Angeles Time

Vấn đề mấu chốt đối với Ukraine là bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải đảm bảo an ninh cho vùng lãnh thổ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Kiev.

Dư luận ở Ukraine cũng đang thay đổi. Ngày càng có nhiều người Ukraine mong muốn cuộc chiến nhanh chóng kết thúc hơn là một chiến thắng hoàn toàn.

Theo một cuộc thăm dò dư luận của Gallup công bố ngày 19/11, 52% người dân Ukraine muốn xung đột kết thúc "càng sớm càng tốt" ngay cả khi phải nhượng bộ lãnh thổ. Chỉ 38% người được hỏi muốn Ukraine "chiến đấu đến khi chiến thắng", giảm mạnh so với con số 73% vào năm 2022.

Nỗ lực xin gia nhập NATO của Ukraine tiến triển thế nào?

Trong những tháng gần đây, Ukraine ngày càng mong muốn gia nhập NATO. Tham gia liên minh quân sự là một phần quan trọng trong “kế hoạch hòa bình” của Tổng thống Zelensky.

Tại cuộc họp của NATO ở Brussels vào chủ nhật tuần trước, Tổng thống Zelensky đã kêu gọi chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Mỹ Biden thuyết phục các đồng minh NATO mời Ukraine gia nhập liên minh. Các thành viên NATO đã đảm bảo với Ukraine rằng nước này đang trên con đường gia nhập liên minh "không thể đảo ngược".

Tuy nhiên, các đồng minh NATO tỏ ra hoài nghi về khả năng kết nạp Ukraine vào liên minh trong khi nước này đang có chiến tranh với Nga. Lý do là vì việc Ukraine trở thành thành viên của NATO đồng nghĩa với việc toàn bộ liên minh sẽ có xung đột với Nga. Phó Tổng thống đắc cử  Mỹ JD Vance đã nêu ra một số chi tiết về kế hoạch tiềm năng của ông Trump nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine trong cuộc trả lời phỏng vấn hồi tháng 9. Ông Vance cho biết kế hoạch này liên quan đến việc Nga nhận được "đảm bảo tình trạng trung lập từ Ukraine", tức là Kiev không gia nhập NATO.

Đặc phái viên mới được ông Trump đề cử về xung đột Nga - Ukraine, ông Keith Kellogg, đã nhận định vào tháng 4 rằng các nhà lãnh đạo NATO nên hoãn tư cách thành viên của Ukraine để thuyết phục ông Putin tham gia các cuộc đàm phán hòa bình.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ngày 7/1, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã có bài phát biểu và họp báo tại câu lạc bộ MaraLago, bang Floria, chỉ 1 ngày sau khi Quốc hội Mỹ xác nhận chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, trong đó đưa ra những đánh giá liên quan tình hình chiến sự tại Ukraine.

Hơn 400 người bị mắc kẹt đã được giải cứu trong vụ trận động đất lớn xảy ra sáng 7/1 tại khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc, cuộc tìm kiếm những người sống sót hiến vẫn tiếp tục được đẩy mạnh.

Một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc được cho là đã phát triển chiếc đồng hồ nguyên tử có thể mang theo chính xác nhất từ trước đến nay. Thiết kế nhỏ gọn và chắc chắn, chiếc đồng hồ mới này có thể dễ dàng vận chuyển đến các vùng chiến sự, trở thành công cụ vô giá trong việc phối hợp chiến lược.

Không phải ngẫu nhiên Ukraine bất ngờ lại tiến hành chiến dịch tấn công ở vùng lãnh thổ Kursk của Nga đúng vào ngày cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump được Quốc hội Mỹ chính thức xác nhận thắng cử, hoàn tất thủ tục pháp lý cần thiết cuối cùng trước khi ông Trump chính thức nhậm chức vào trưa ngày 20/1 tới.

LongeviQuest, một tổ chức chuyên theo dõi những người sống thọ trên toàn cầu, đã công nhận nữ tu người Brazil Inah Canabarro Lucas, 116 tuổi, là người sống thọ nhất thế giới còn sống.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 7/1, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho biết ông không cân nhắc sử dụng sức mạnh quân sự mà là kinh tế để đưa Canada trở thành một phần của Mỹ.