Thúc đẩy phát triển du lịch và bảo tồn văn hóa truyền thống
Gần đây nhất, sự kiện "Đêm Trúc Bạch" được quận Ba Đình phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tổ chức đã khẳng định vị thế của Ba Đình là điểm đến hấp dẫn, gắn liền với những giá trị truyền thống và sắc màu văn hóa Hà Nội.
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản
Với sự kết hợp giữa vị trí trung tâm chính trị của Thủ đô và kho tàng di sản văn hóa phong phú, quận Ba Đình đang từng bước xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù. Trong năm 2024, quận Ba Đình đã ký kết chương trình hợp tác với Tổng Công ty Du lịch Hà Nội, nhằm triển khai các chương trình phát triển du lịch gắn liền với các giá trị văn hóa truyền thống, theo tinh thần “Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù quận Ba Đình đến năm 2023 và tầm nhìn đến năm 2040”. Những sản phẩm du lịch mới, độc đáo, phù hợp với nhu cầu của du khách, đồng thời bảo đảm tính bền vững và bảo tồn các giá trị văn hóa của khu vực đang được xây dựng và đẩy mạnh quảng bá trên địa bàn quận, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Sự kiện "Đêm Trúc Bạch" - được tổ chức trong dịp cuối năm 2024 là một trong những hoạt động nổi bật nhằm thực hiện đề án này.
"Đêm Trúc Bạch" và tầm quan trọng của du lịch văn hóa
Một trong những sự kiện xúc tiến và quảng bá du lịch nổi bật của năm 2024 mà quận Ba Đình phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tổ chức là "Đêm Trúc Bạch". Diễn ra tại khu vực Đảo Ngọc - Ngũ Xã, ba ngày của chương trình "Đêm Trúc Bạch" đã mang đến cho du khách những trải nghiệm sống động.
Từ những toa tàu điện mang chủ đề "Phở - Bún - Sợi", "Lúa - Thóc - Gạo", đến các show diễn thực cảnh về hương cốm, vị phở, phản ánh đậm nét đời sống văn hóa và ẩm thực Thủ đô. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, "Đêm Trúc Bạch" đã chạm được vào xúc cảm của du khách về một tinh thần hoài cổ, một nỗi nhớ Hà Nội của những năm tháng xa xưa.
Toa tàu “Bếp - Chạn - Mâm” tái hiện không gian gia đình ấm cúng qua những dụng cụ quen thuộc trong bếp núc của người Hà Nội. Những chiếc chạn đựng bát đũa bằng gỗ, những chiếc mâm đồng, mâm gỗ được chạm khắc tinh xảo, tất cả đều gợi nhớ đến những bữa cơm đầm ấm sum vầy. Những lọ đựng mỡ, bình đựng gia vị, tái hiện lại không gian bếp cổ xưa, nơi mỗi vật dụng không chỉ là công cụ mà còn là một phần của ký ức, của đời sống gia đình, của một thời gian khó nhưng ấm áp tình người.
Ông Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch - Ba Đình chia sẻ: Thông qua những toa tàu điện cổ, mỗi toa tàu mang một câu chuyện riêng về ẩm thực và văn hóa, cùng với các gian hàng trải nghiệm truyền thống, sẽ tạo ra một hành trình khám phá độc đáo. Sự độc đáo đó không chỉ là không gian ấn tượng, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và ẩm thực, mà còn gợi nhớ về những ký ức xưa cũ của Hà Nội.
Và Trúc Bạch, nơi có làng nghề đúc đồng Ngũ Xã, có con phố đi bộ đã trở thành điểm hẹn yêu thích của du khách đến với Thủ đô, đang kỳ vọng sự kiện này góp phần làm phong phú thêm trải nghiệm cho du khách khi đến với địa bàn ven hai hồ nổi tiếng của Hà Nội - Hồ Trúc Bạch và hồ Tây, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của du lịch văn hóa tại các khu vực di sản. Các show trải nghiệm như "Hương cốm", "Vị phở" trong "Đêm Trúc Bạch" cũng mang đến những trải nghiệm về âm thanh, mùi hương và cảm xúc trong các món ăn truyền thống của đất Hà Thành.
Chị Nguyễn Lan Hương, một người dân sống lâu năm tại khu vực Trúc Bạch, chia sẻ: “Việc tái hiện không gian Hà Nội xưa qua các hoạt động văn hóa, từ những toa tàu điện mang chủ đề ẩm thực truyền thống đến các gian hàng trang trí tem phiếu bao cấp, khiến tôi cảm thấy rất gần gũi và ấm áp. Đây không chỉ là cơ hội để tôi khám phá những ký ức xưa, mà còn là dịp để quảng bá vẻ đẹp văn hóa Trúc Bạch đến với du khách và những người trẻ tuổi”.
Với tinh thần đó, "Đêm Trúc Bạch" đã đem lại không khí tươi mới, kết nối người dân và du khách, kết nối giữa quá khứ và hiện tại, kết nối giữa các thế hệ người Hà Nội hôm qua và hôm nay.
Định hướng phát triển du lịch trong tương lai
Quận Ba Đình xác định mục tiêu phát triển du lịch bền vững là một trong những trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2025 - 2030, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa gắn liền với di tích lịch sử, các làng nghề truyền thống, và các hoạt động nghệ thuật dân gian.
Hạ tầng du lịch cũng được Ba Đình chú trọng triển khai, cải thiện các tuyến đường giao thông, phát triển các dịch vụ hỗ trợ du khách. Các sự kiện văn hóa như "Đêm Trúc Bạch" sẽ tiếp tục là những điểm nhấn quan trọng, không chỉ giúp quảng bá hình ảnh của du lịch Ba Đình mà còn nâng cao giá trị di sản văn hóa Hà Nội trong mắt bạn bè quốc tế, khẳng định vai trò là một trong những điểm đến độc đáo và nổi bật của Thủ đô, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam.
Sáng nay, 5/1, Hiệp hội UNESCO Thành phố Hà Nội đã ra mắt thêm một thành viên mới là Câu lạc bộ UNESCO Di sản văn hoá và áo dài lụa Việt.
Theo thông tin từ Sở Du lịch Đà Nẵng, Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng (DIFF) 2025 sẽ diễn ra từ ngày 31/5 đến 12/7 với chủ đề 'Đà Nẵng - Kỷ nguyên mới'.
Với kinh nghiệm gần 30 năm trong nghề, những chiếc áo dài của nhà thiết kế Hoàng Ly đều có những nét riêng biệt không thể lẫn với bất cứ thương hiệu nào. Hoàng Ly đón chào năm mới 2025 với bộ sưu tập áo dài đặc biệt mang tên "Ánh sáng vũ trụ" - một sự kết hợp độc đáo giữa truyền thống và hiện đại, giữa thời trang và vũ trụ.
“Quà tặng của nhân gian” là sự kiện văn hoá nổi bật của Hà Nội để đón chào năm mới 2025. Tại chương trình, giữa không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi được định hướng trở thành không gian sáng tạo của Thủ đô, người dân và du khách lần đầu tiên được gặp gỡ, giao lưu với các nghệ nhân đến từ khắp mọi miền đất nước. Sự kiện không chỉ khẳng định Hà Nội là nơi kết nối di sản văn hóa truyền thống và nghệ thuật đương đại mà còn góp phần gìn giữ, phát huy, tôn vinh những giá trị đặc sắc của các làng nghề nổi tiếng của Việt Nam.
Mô hình “Di tích lịch sử, văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn” là một trong những điểm sáng trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng của Hà Nội, qua đó định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách ứng xử chuẩn mực cho tất cả mọi người khi tham gia các hoạt động du lịch tại các di tích. Việc hình thành nét văn hóa ứng xử văn minh này không chỉ thể hiện sự trân trọng với di sản mà còn góp phần làm giàu thêm bản sắc, giúp các di tích của Hà Nội trở thành những điểm đến an toàn, hấp dẫn.
Với mục tiêu xây dựng Hà Nội thành Thủ đô của tri thức, Thủ đô của văn hóa đọc, nhiều hoạt động hướng đến thế hệ trẻ với hình thức sinh động đang được các cơ quan, ban, ngành và nhà trường cùng chung tay để văn hóa đọc được lan tỏa rộng rãi.
0