Thuốc lá điện tử, cấm khi chưa muộn
Thuốc lá điện tử - cần là có
Dễ dàng mua được thuốc lá điện tử chỉ với một cú click chuột, nên bất cứ ai, dù là đang độ tuổi đến trường hay thanh niên, đều có thể mua được.
Lướt các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, đặc biệt là facebook, vào các hội nhóm mua bán thuốc lá điện tử, người mua có nhiều lựa chọn từ giá rẻ đến siêu giảm giá, kèm nhiều lời mời chào hấp dẫn. Thậm chí, thuốc lá điện tử đã thiên biến vạn hóa, núp bóng đồ chơi, thực phẩm, hấp dẫn học sinh và đánh lừa cả phụ huynh. Hình thức bắt mắt, ngộ nghĩnh, hương thơm hoa quả..., có sản phẩm bề ngoài không khác gì đồ chơi xếp hình trẻ em.
Trong vai một học sinh muốn mua thuốc lá điện tử, phóng viên Đài Hà Nội gọi ngẫu nhiên một trang bán hàng online và đã nhanh chóng nhận được tư vấn các mặt hàng trong tầm giá dưới 500.000 đồng.
Khi mua hàng online, người mua chọn sản phẩm và để lại họ tên, số điện thoại và địa chỉ, sản phẩm sẽ được giao tận nơi mà không cần bất cứ một chứng minh nào về lứa tuổi. Kênh quảng cáo thuốc lá điện tử nhiều nhất là mạng xã hội. Tỷ lệ thanh thiếu niên Việt Nam sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng tới hơn 70 lần chỉ trong 5 năm - con số được đưa ra trong báo cáo hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá giai đoạn 2013 - 2023.
Hậu quả khi sử dụng thuốc lá điện tử
Thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Những sản phẩm này đang được giới trẻ sử dụng như một trào lưu thời thượng bởi các hương liệu thơm và mẫu mã bắt mắt. Tuy nhiên, đằng sau sự hấp dẫn ấy là những tác hại khôn lường khiến không ít bạn trẻ phải nhập viện, thậm chí là suýt mất mạng sau khi sử dụng.
Thường xuyên sử dụng thuốc lá điện tử, em Lê Thị H. học sinh lớp 12 (quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng) xuất hiện biểu hiện tê chân, tay yếu, do vậy đã được nhập viện và điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Qua chụp cắt lớp vi tính não, kết quả cho thấy bệnh nhân có ảnh hưởng mất cảm giác, loạn thần, ảo giác. Sau một tuần điều trị, sức khỏe của bệnh nhân vẫn chưa bình phục hoàn toàn.
Thời gian qua, nhiều loại dung dịch trong thuốc lá điện tử gây ngộ độc cho thanh thiếu niên đã được gửi đến Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an, để giám định. Hầu hết các mẫu dung dịch được xét nghiệm đều có chứa cần sa tổng hợp.
Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, đã tiếp nhận hơn 200 trường hợp ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử, trong đó có nhiều bệnh nhân bị ngộ độc rất nặng, có tổn thương đa cơ quan (tim, não, hôn mê…), nếu không được cấp cứu kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao.
Hút thuốc lá điện tử ảnh hướng rất lớn tới sức khỏe tâm thần. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần quan tâm, chia sẻ với con về thuốc lá điện tử và những nguy hiểm đối với sức khỏe mà chúng gây ra. Nếu con trẻ đã nghiện nicotine/thuốc lá điện tử, các gia đình hãy đưa con đến gặp bác sĩ và chuyên gia về sức khỏe tâm thần để được giúp đỡ; luôn sát cánh cùng con và đồng hành trong quá trình trị liệu để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Cấm thuốc lá điện tử khi chưa muộn
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc lá điện tử có thể đưa vào cơ thể khoảng 20.000 loại hương liệu, trong đó có nhiều loại chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại với sức khỏe.
Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo các quốc gia tốt nhất là cấm lưu hành thuốc lá điện tử, thuốc lá kiểu mới. Hiện nay, gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Còn tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, sau nhiều năm phòng chống tác hại thuốc lá, tỉ lệ người hút thuốc lá ở Việt Nam có giảm từ trên 53% nam giới trưởng thành xuống còn trên 45%, ở nữ giới giảm từ 2% xuống còn 1,1%. Tuy nhiên, đáng lo ngại là tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử lại tăng, đặc biệt trong giới trẻ, ở nhóm học sinh sinh viên, thanh niên.
Số liệu thống kê của Bộ Y tế cho thấy Việt Nam có 13 triệu người hút thuốc lá, khoảng 20 triệu người nữa bị ảnh hưởng bởi khói thuốc, hay còn gọi là hút thuốc lá thụ động. Mỗi năm, cả nước có ít nhất là 40 nghìn người tử vong vì các bệnh liên quan thuốc lá, trong đó đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân chính.
Do vậy, trước mắt, Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai. Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tác hại thuốc lá để bổ sung quy định này vào Luật để bảo đảm tính thống nhất, ổn định trong triển khai thực hiện.
Thạc sĩ Đinh Thị Thu Thuỷ, Phó vụ trưởng Vụ pháp chế - Bộ Y tế, cho biết tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng ở Việt Nam đang gia tăng rất nhanh: năm 2015, tỉ người trưởng thành sử dụng thuốc lá điện tử chỉ là 0,2%, nhưng đến năm 2020 đã tăng lên 3,6% (tăng gấp 18 lần); đối với đối tượng thanh thiếu niên từ 13 - 17 tuổi, tỉ lệ này đã tăng từ 3,6 lên 8,1%; đối với đối tượng từ 13 - 15 tuổi, tỉ lệ này đã tăng từ 3,5% (năm 2022) lên 8% (năm 2023).
Thuốc lá thông thường mỗi năm đã gây tử vong cho khoảng 40.000 người tại Việt Nam. Tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn nhiều hơn gấp nhiều lần. Hiện thuốc lá điện tử có 60 loại hóa chất dung dịch, hơn 20.000 các loại hương liệu; mỗi năm, có thêm khoảng 242 loại hương liệu được chế biến mới. Một số hương liệu đã được đánh giá là cực độc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người sử dụng. Bởi vậy, nếu không kịp thời có những biện pháp ngăn chặn, cấm sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử thì tương lai sẽ tạo ra một thế hệ trẻ nghiện nicotine và ảnh hưởng rất nghiêm trọng đối với sức khỏe của người dân Việt Nam, ảnh hưởng đến kinh tế, môi trường và xã hội.
Các nước ngăn chặn thuốc lá điện tử
Hiện nay đã có khoảng 40 quốc gia trên thế giới cấm thuốc lá điện tử. Trong khu vực Đông Nam Á, đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử, là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei và Campuchia. Trước khi có lệnh cấm, các nước đều đã có những nghiên cứu, tham vấn kỹ càng về hậu quả mà thuốc lá điện tử gây ra cho người dùng.
Thái Lan đã cấm nhập khẩu, xuất khẩu, bán, sở hữu và sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử. Quy định này đã được áp dụng từ tháng 11/2014. Bất cứ ai vi phạm quy định này sẽ bị tịch thu sản phẩm, bị phạt tiền, thậm chí có thể phải ngồi tù đến 10 năm. Hiện có hơn 10 quốc gia cấm bán thuốc lá nung nóng trong đó có Brazil, Triều Tiên, Ethiopia, Ấn Độ, Na Uy, Singapore.
Nhiều nước đang phát triển hiện nay coi việc sử dụng thuốc lá điện tử là một “bệnh dịch” mới và đang dành nguồn tài chính đáng kể để giải quyết vấn đề này.
Australia chi gần 82 triệu AUD nhằm giảm số người trẻ tuổi sử dụng thuốc lá điện tử. Bắt đầu từ đầu năm nay, nước này cấm cấm nhập khẩu các thuốc lá điện tử không nằm trong danh sách do bác sỹ kê đơn. Vào năm tới, Australia sẽ bổ sung thêm nhiều tiêu chuẩn đối với các loại thuốc lá điện tử trị liệu như hạn chế mùi vị, giảm nồng độ nicotine và phải đóng gói bao bì như một sản phẩm dược phẩm. Đây là bước đầu tiên trong chiến dịch trấn áp nhằm hạn chế sự phổ biến ngày càng tăng của thuốc lá điện tử trong giới trẻ nước này. Mặc dù là quốc gia có tỷ lệ hút thuốc thấp nhất trong các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, một nhóm gồm hầu hết các quốc gia giàu có, nhưng thuốc lá điện tử ở Australia đang phát triển nhanh chóng, đặc biệt là trong giới trẻ.
Số liệu thống kê của quý I/2023 cho thấy, tại Australia, khoảng 14% trẻ em từ 4 đến17 tuổi và 20% người từ 18 đến 24 tuổi có sử dụng thuốc lá điện tử; tỷ lệ những người đã sử dụng thuốc lá điện tử chuyển sang sử dụng thuốc lá đã tăng gấp 3 lần so với những người không sử dụng thuốc lá điện tử.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các chính phủ cần có “các biện pháp khẩn cấp” để kiểm soát thuốc lá điện tử như tăng thuế, cấm sử dụng ở nơi công cộng, cấm tất cả các chất tạo hương vị và áp dụng các biện pháp kiểm soát thuốc lá đối với thuốc lá điện tử. Theo các nghiên cứu thì không có đủ bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử có thể giúp người nghiện thuốc lá từ bỏ thuốc lá. Chúng có hại cho sức khỏe và có khả năng gây nghiện cao, đặc biệt là đối với trẻ em và thanh thiếu niên.
Hôm nay 21/12, tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Thủ đô Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Hội Nghệ sĩ trẻ Việt Nam tổ chức Lễ mít tinh "Tiếp cận y tế toàn diện - Vì một Việt Nam khỏe mạnh", với sự tham gia của hơn 3.000 thanh niên và người dân Thủ đô.
Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ 3 ở phụ nữ từ 15-44 tuổi. Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị “Nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến chuyên ngành Sản - phụ khoa Hà Nội lần thứ 12 năm 2024” do Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tổ chức sáng 20/12.
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận vừa thông tin về tiến độ của 2 bệnh viện "nghìn tỷ" là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (Hà Nam).
Bốn nạn nhân nặng trong vụ phóng hoả vừa xảy ra ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, được điều trị chuyên sâu tại Bệnh viện Bạch Mai, sức khoẻ đang tiến triển tốt.
Bệnh viện đa khoa Thanh Trì và Bệnh viện Thanh Nhàn vừa ký kết hợp tác toàn diện trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân.
Hôm qua (19/12), Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiếp tục khai trương thêm một bệnh viện đa khoa hiện đại điều trị hiếm muộn tại Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh.
0