Thương nhớ tháng tư Hà Nội
Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê bình yên, nên vùng đất kinh kỳ - kẻ chợ vốn hào hoa choáng ngợp trong thi ca với tôi vừa quen vừa lạ. Chẳng thể ngờ có một ngày tôi lại nhớ thương Hà Nội đến nôn nao khi xách vali một mình sang đất khách. Bao nhiêu năm rời xa Hà Nội là bấy nhiêu năm tôi khắc khoải ngày về. Tôi mong trở về gặp lại Hà Nội vào một ngày tháng tư ngọt nắng.
Tháng tư của tôi bắt đầu từ một ngày nắng trải vàng trên khắp phố phường Hà Nội. Ngày ấy, tôi tới trường với chiếc guitar trên vai như thường lệ. Qua quán cà phê cuối sân trường, trái tim tôi bỗng chậm lại một nhịp khi bắt gặp dáng hình người con trai ấy. Anh đang ngồi đó trò chuyện cùng một người bạn bên ly cà phê chầm chậm từng giọt rơi. Tôi thoáng nghe tiếng anh nho nhỏ, trầm ấm. Khi tôi bước qua, bất chợt anh ngước nhìn lên. Giây phút ánh mắt tôi chạm vào ánh mắt anh, tôi biết tôi đã để lạc trái tim mình từ đó.
Tháng tư trong tôi từ giây phút ấy bỗng như có vô vàn chồi non cựa mình thức giấc. Tôi nghe trong tim mình có tiếng hát lao xao của lá, những dịu dàng của gió, những ấm áp của nắng và những mềm mại của mây. Hà Nội trong tôi bỗng trở nên tràn đầy sức sống, những thanh âm của tình yêu ngập tràn tâm hồn một cô gái đương tuổi xuân thì. Từ sau giây phút định mệnh nơi quán cà phê cuối sân trường, tôi có anh bên mình. Anh cùng tôi đi qua tháng tư, cùng tôi lang thang trên những con phố thân quen của Hà Nội vào những chiều nhạt nắng. Tôi nắm chặt tay anh mà thấy lòng quá đỗi bình yên.
Chúng tôi đi cùng nhau từ xuân qua hạ. Mỗi lần kèm guitar cho tôi, anh đều cười bất lực và bảo tôi thật khác lạ, toàn đàn không giống ai. Tôi có anh từ khoảnh khắc giao mùa ngắn ngủi, khi Hà Nội bắt đầu khoác lên mình tấm áo choàng rực sắc vàng đỏ, khi màu trắng của hoa loa kèn ngập tràn những con phố tôi qua. Ký ức của tôi còn mãi khoảnh khắc đó như một cô dâu 19 tuổi, tôi ôm bó loa kèn anh tặng cười rạng rỡ trong nắng trưa.
Thế nhưng tháng tư mong manh, loa kèn mong manh, cũng vào một ngày tháng tư mối tình của tôi đã bay theo mây trời. Tôi đứng giữa sân trường tưởng như trong tim mình có hàng ngàn chiếc lá vàng chanh đang ào ạt đổ xuống, quay cuồng trong gió như một trời chong chóng bay. Anh bảo anh phải đi. Tôi cứ tưởng đó chỉ là một lời nói dối của tháng tư. Nhưng không, anh cứ thế mà xa tôi mãi. Sau này, tôi vẫn giữ thói quen quay lại trường, ngồi vào chiếc ghế ngày đầu tiên anh đã ngồi, đếm từng giọt cà phê rơi, nghe trong tim mình rưng rưng những kỷ niệm của tháng tư năm ấy.
Tôi gửi lại Hà Nội mối tình đầu của mình như thế. Để những tháng ngày sau này, tim tôi vẫn dâng lên một nỗi niềm xúc cảm khi bất chợt nhìn thấy ở đâu đó hàng sấu già đổ lá. Hoặc khi vô tình nghe thấy một bản nhạc Trịnh vang lên nơi quán nhỏ trong một chiều hoàng hôn, tôi lại nhớ tiếng dương cầm của anh nơi góc sân trường nhuộm tím bằng lăng ngày ấy, nhớ bản nhạc “Hoa vàng mấy độ” mà anh đàn cho tôi. Chiếc vòng tay anh tặng tôi ngày ấy vẫn bên tôi mỗi ngày, như một lời chúc bình an cuối cùng mà anh dành cho tôi.
Chia tay tình đầu, tôi sà vào lòng mẹ khóc nức nở. Mẹ không nói gì chỉ ôm tôi vào lòng, vỗ về tôi như ngày còn bé. Tháng tư năm ấy, mẹ nấu cho tôi rất nhiều món ngon mà tôi thích. Mẹ bảo tình yêu không mất đi đâu cả, nó vẫn ở trong tim mình. Những khoảnh khắc tốt đẹp dù không trọn vẹn, vẫn mãi đáng nhớ đáng trân trọng. Chỉ cần giữ cho trái tim mình những nhịp đập mạnh mẽ, tình yêu sẽ quay về.
Tháng tư năm ấy, lần đầu tiên mẹ mua về một bình hoa và một chiếc bánh kem cùng tôi tổ chức sinh nhật sớm. Lúc ấy, tôi mới chợt nhớ ra mẹ cũng sinh nhật vào tháng tư. Cả đời mẹ chắt chiu, chưa bao giờ mua gì cho riêng mình. Dù yêu hoa nhưng chưa bao giờ mẹ dám mua vì sợ mới ngắm được mấy ngày đã phải bỏ đi lãng phí. Mỗi lần sinh nhật, mẹ đều bảo tôi đừng mua bánh kem, vì mẹ không thích ăn bánh kem, mua về rất phí. Để dành tiền mà đóng học. Những lần về thăm nhà, mẹ đều không cho tôi làm gì, tự tay mẹ nấu mấy món ngon cả nhà cùng ăn. Lần này muốn cho tôi vơi nỗi buồn, mẹ đã thay đổi cả thói quen cũ. Còn tôi đã bao lần quên sinh nhật mẹ. Đi học xa nhà nơi phố thị ồn ào, tôi cũng chỉ gửi được về cho mẹ những dòng tin viết vội “Chúc mừng sinh nhật mẹ của con”. Tôi nhận ra thời gian qua, mình đã vô tâm biết bao. Tôi mải đi tìm hạnh phúc ở nơi xa, mà khi trong lòng đớn đau lại chỉ biết tìm về với mẹ.
Tôi rời Hà Nội trong một ngày tháng tư rực nắng. Cảm giác phải xa nơi cất giấu những kỷ niệm đẹp nhất của tuổi thanh xuân, tôi bỗng thấy nhớ Hà Nội da diết như nhớ về mối tình đầu của mình. Tôi gói Hà Nội cùng tình yêu đẹp nhất, thanh khiết nhất vào tim và đi về phía mặt trời, nơi có một người khác đang chờ tôi. Dù có thể người ấy không biết dương cầm, cũng không thể dạy tôi những bản guitar. Nhưng lại là người sẵn sàng cùng tôi đi qua những ngọt bùi cay đắng của cuộc đời, dù thế nào cũng không buông tay.
Tôi mang Hà Nội vào trong nỗi nhớ đi cùng tôi tới chân trời góc bể. Để thương Hà Nội mùa gió bấc tràn về, thương Hà Nội mùa mưa nồm ẩm ướt, thương Hà Nội mùa hạ nóng rực lửa. Thương Hà Nội vì bao lần lỡ hẹn với tháng tư. Không biết ở nơi xa nghìn trùng ấy, anh có thương nhớ Hà Nội như tôi không?
Đan Ngọc
Theo dòng hồi ức về một thời xưa cũ, tìm về vùng ánh sáng của những chiếc đèn dầu một thuở đã gắn liền cùng nếp sống sinh hoạt và văn hóa của bà con. Điện xưa rất yếu, ban ngày gần như không có điện, ngoài đường rất tối, không sáng như ngày nay, trong nhà lúc nào cũng phải có chiếc đèn dầu.
Với khán giả của Hà Nội thập niên 90 của thế kỷ trước và đầu những năm 2000, Tuyết Nhung là cái tên không hề xa lạ. Trong ký ức của nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung đồng thời là một chuyên gia trong lĩnh vực ẩm thực, căn bếp của gia đình khi bà con nhỏ ngoài một bóng đèn dây tóc leo lét chỉ đủ soi sáng để gia đình dọn mâm bát, còn lại không có bất cứ đồ dùng nào chạy bằng điện.
Nếu bạn đã thấy hơi lạnh tràn về trên phố mỗi sớm mai, đã thấy cuốn lịch trên tường mỏng dần đi theo ngày tháng... thì cho dù có bận rộn để hoàn thành kế hoạch của năm, cho dù có đang mải miết chinh chiến vì áo vì cơm, cũng có đôi lần lòng chùng xuống. Vì ngoài kia, tháng 12 đã về, đã lấp ló đâu đó, trên vệt nắng vàng nhạt đầu ngày, trong cơn gió se se mỗi sáng, trong những đêm lành lạnh một mình.
Đầu đông, những cây phượng bắt đầu trút lá. Trên vòm cây lá vẫn xanh đó mà dưới gốc cây xác lá đã trải vàng một đoạn đường. Một cơn gió nhẹ lay. Lòng người cũng say say với những chiếc lá phượng bay bay trong gió, vương vào mái tóc, vương trên vai áo. Vậy là cũng sắp hết một năm!
Chớm đông, ấy là khi những ngày cuối cùng của tháng 10 dần đi qua và tháng 11 bắt đầu kéo về. Ta chẳng còn mấy khi có dịp được ngắm bầu trời trong vắt với ánh nắng vàng ruộm trải dài mênh mang mỗi buổi chiều tà mà thay vào đó là một màu trời xám xịt với những cơn mưa phùn lê thê ướt rượt.
Thời bao cấp đi đã qua hơn 40 năm nhưng với nhiều người, những hình ảnh về dòng người chen chúc xếp hàng chờ mua thực phẩm với tờ tem phiếu trên tay thật khó quên. Trong những năm tháng ấy, cơm độn - một món ăn giản dị nhưng chứa đựng biết bao cảm xúc và kỷ niệm của người Hà Nội xưa - luôn khiến ta bồi hồi nhớ về những năm tháng khó khăn nhưng cũng đầy tình thương yêu.
0