Thương tiếng leng keng của kem que đổi dép

Trời dần chuyển sang cái oi bức của cuối xuân đầu hè. Tôi ngó ra ngõ thấy nắng đậu lưng chừng bên tường ướp vàng vài ba ô gạch, chợt nhớ tới tuổi thơ dữ dội của những ngày xưa lúc còn thơ ấu - cái thời mà cây kem vẫn được định giá bằng những đôi dép đứt.

Anh trai bảo, mùa này mà vừa hái xoài chua nhà bà hàng xóm vừa cắn ngập que kem trong cái tê răng nhíu mắt thì vui biết mấy. Tôi nhìn sang, thấy nắng đang lén đậu lên mái đầu sớm lốm đốm muối tiêu vì vất vả của anh, chợt nhớ tới tuổi thơ dữ dội của những ngày xưa lúc cả hai còn thơ ấu - cái thời mà cây kem vẫn được định giá bằng những đôi dép đứt.

Ảnh minh họa: vanhoavaphattrien

Ngày ấy vui lắm, những niềm vui giản đơn của đứa trẻ nông thôn chỉ cần vài ba thứ quà ăn vặt là đủ sung sướng cả buổi. Tôi nhớ mình hay chạy chân trần theo anh trai, nhướn dáng người thấp bé để cố với tới cái thùng kem sau xe đạp chú Sáu. Khi lũ bạn tản ra mỗi đứa cầm một que hít hà, tôi bất giác nhìn xuống đất, cọ hai chân không dép ngoạc miệng khóc òa. Anh trai vốn không tính mua, thấy vậy lúng túng tháo một chiếc dép đang mang, đổi cho tôi được nửa cây kem sứt sẹo. Nước mắt tôi quyện cùng chút kem mát lạnh tan chảy dưới nắng, nom lem nhem như một chú mèo lười. Anh thấy vậy cũng bật cười nhưng về đến nhà liền phải khóc. Ba đánh anh mấy roi vì tội làm rơi mất dép.

Nhà thiếu ăn lại đông nhân khẩu nên hai anh em đang tuổi lớn luôn thường trực cái đói. Những cây kem được đổi bằng những chiếc dép nhựa lúc đó trở thành thức quà, mang chút đường vỗ về dạ dày trống hoác của chúng tôi. Thần kì đến nỗi khi giờ này nghĩ lại vẫn như còn thấy dư vị ngọt ngào thấm đẫm môi lưỡi. Tuổi thơ của tôi cũng vì vậy mà luôn háo hức tiếng leng keng từ thùng kem của chú Sáu. Tiếng rao dạo vang trong gió luồn qua tán cây bàng trước làng, kéo chân tôi chạy theo như một thói quen vô thức. Buồn cười là dù có dép để đổi hay không thì tôi cũng muốn xúm xít lại quanh thùng kem lành lạnh như thể chỉ cần đứng gần nó một chút, hít nhiều hơi từ đó một chút thì sẽ giảm bớt cái sự thèm thuồng. Chú Sáu lắm lúc mủi lòng liền cho hai anh em một que kem còn dư cuối buổi bán. Có lẽ ánh mắt của chúng tôi khi đó đã làm chú Sáu động lòng.

Ảnh minh họa: Khánh Minh/ Danviet

Trong góc bếp nhà tôi có một ngách nhỏ. Đó là “căn cứ” bí mật của hai anh em. Chúng tôi giấu những đôi dép đứt lượm được ngoài bãi rác, chờ gom đủ số lượng sẽ đem đi đổi kem. Còn nhớ có năm tầm 27 tết, mẹ dọn dẹp nhà cửa lôi được đống dép cũ bị chuột chui vào làm ổ ra, tức quá quất cho chúng tôi mấy roi. Hai anh em sau đó bị phạt khoanh tay đứng úp mặt vào xó một buổi.

Anh lớn dần rồi đi học xa. Có năm tết không về nhà vì phải ở lại phụ quán nước trên thành phố. Tôi ngồi trước hiên ngóng nhìn ra đầu ngõ buồn rười rượi vì chẳng thấy bóng anh. Xe đạp của chú Sáu vẫn leng keng, nhưng tôi chẳng muốn chạy theo nữa. Góc nhà sạch sẽ hơn, chỉ dư lại hai đôi dép cũ tôi để dành chờ anh về cùng đi đổi kem như dạo trước. Thế nhưng tới khi tiếng leng keng đã vẳng xa, cửa nhà lại chẳng bật ra với câu nói “anh đã về” như mong ước. Lúc ấy, nước mắt chợt trào khỏi mi. Có lẽ, nước mắt đã trở thành thứ ngôn ngữ thay thế khi mọi câu nói trở nên khó diễn đạt nổi bằng lời.

Ảnh minh họa: pngtree

Năm tôi vừa tốt nghiệp thì ba mất. Tết đó nhà vắng hoe. Anh trai xoa đầu tôi, lén dúi vào tay tôi que kem ướp lạnh. Tôi không còn thèm đường cũng không đói, nhưng vẫn chậm rãi ăn. Nước mắt lại quyện cùng chút kem chảy ra pha mặt tôi thành bảng màu loang lổ. Anh lại bật cười như lúc nhỏ, nhưng trong mắt thì đỏ hoe ươn ướt. Lần này sẽ chẳng phải khóc vì bị đánh đòn nữa. Nhưng sao mà tim chúng tôi lại nhói đau.

Nhiều năm trôi qua, mẹ già đi như vốn dĩ phải thế. Đôi chân mẹ bị tê cứng không còn đi lại được. Góc bếp chiều 27 tết chẳng còn tinh tươm như ngày xưa. Đêm 29 Tết, anh em tôi về nhà đốt cho ba cây nhang, lụi cụi dọn mớ mạng nhện trong góc, chợt rưng rưng mắt khi thấy lại hai đôi dép ngày nào.

Nguyễn Trúc

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Thành phố thức giấc bởi những âm thanh quen thuộc mỗi ngày. Sự vận động của các con phố, từng ngôi nhà tạo nên nét riêng cho khu phố cổ Hà Nội.

Chuyện ở làng quê có nhiều cái lạ với một nhà văn già sống ở thành phố. Nhiều phong tục, tập quán được gìn giữ hàng bao đời nay, mà các nhà văn hóa thường gọi là bản sắc dân tộc. Nó đáng quý và gắn bó đời sống cộng đồng thành một khối gọi là làng. Các cụ xưa thường nói còn làng là còn nước phải không?

Trong mắt những người yêu Hà Nội, thì Hà Nội không phải chỉ có 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, mà Hà Nội còn có những mùa hoa, mùa nắng, mùa mưa...và mùa lá rụng rất đẹp, lãng mạn, đầy quyến rũ.

Giật mình tỉnh giấc giữa canh khuya, có tiếng con chim cuốc văng vẳng dội vào không gian vắng lặng, lọt qua thính giác xâm chiếm tâm hồn tôi. Thanh âm da diết ấy khuấy động khiến trong tôi khắc khoải bao nỗi niềm mà không sao nối tiếp giấc mơ còn dang dở.

Vậy là tháng tư đã về. Vào một ngày tháng tư năm đó có một cô gái đến Hà Nội, và cô xa Hà Nội cũng vào một ngày tháng tư. Người xa khuất, tháng năm như nước chảy qua cầu, chỉ còn ký ức là ở lại. Hà Nội và tháng tư không biết tự bao giờ đã để lại trong trái tim cô một nỗi nhớ sâu đậm khó phai.

Có một người con gái miền Nam biết tới món bánh giò của Hà Nội qua lời kể của ba. Cái dẻo bùi của bột gạo, cái beo béo đặc trưng của bánh giò, chỉ đơn giản vậy nhưng lại khiến người ta nhớ mãi. Và giờ cô ấy đã hiểu sao ngày xưa ba mình lại ưa món bánh giò đến vậy.