Tiếng chim thao thiết gọi mùa

Những bông đót khắp triền đồi từ xanh non đã chuyển sang màu nâu thẫm. Nắng ùa về sắc vàng thơm nồng hương cỏ lúa. Mùa xuân đương độ chín sau những náo nức hội làng. Đó cũng là mùa đồng quê được ướp thêm một dạng âm thanh làm đầy cảm xúc. Tiếng chim 'bắt cô trói cột'.

Chiều nay, Hường mời bạn nghe những dòng tự sự của Diệu Hiền.

“Bắt cô trói cột... Bắt cô trói cột” ngân vang lên suốt ngày suốt đêm không hề ngưng nghỉ. Tôi chưa từng thấy rõ hình dáng loài chim này ngoài đời bao giờ. Tôi cũng không biết tuổi thọ của chim “bắt cô” kéo dài bao nhiêu năm tháng. Tôi chỉ biết đã nghe tiếng chim này từ thời thơ ấu chăn bò, mót lúa đến bây giờ đã ngót nửa thế kỷ. Mỗi độ tháng Tư, khi cánh đồng làng lúa xanh trĩu dần qua màu vàng óng, tiếng chim khắc khoải quay về. Nghe tiếng chim vang vang đều đều “bắt cô trói cột” mà thương lạ. Người quê tôi kể nhiều sự tích về loài chim này. Nhưng dù là gì thì loài chim này vẫn là điều bí ẩn khó nắm bắt. Hình như đó là sự huyền diệu của tự nhiên muôn vật chợt đến chợt đi. Đến là kêu vang vọng đất trời. Đi là đi bặt tăm không dấu hiệu gì báo trước. Đến mùa năm sau lại trở về. Cũng vì thế mà tôi gọi “bắt cô trói cột” là chim báo mùa.

Loài Chim bắt cô trói cột. Ảnh: thienduongcacanh

“Bắt cô trói cột” có lẽ là loài chim di cư và đều đặn trở về với làng quê khi vụ chiêm vào mùa gặt. Thường cứ hoa gạo tàn là tiếng chim khắc khoải vang lên từ sáng đến tối, từ tối đến sáng. Tiếng chim rơi huyền diệu, tan loang rồi trỗi lên trong tịch lặng của đêm. Tôi nghe tiếng chim vang từ xa đến gần rồi lại xa. Hình như chim vừa bay vừa hót. Mà tiếng hót giữa mùa vui sao vẫn gợi điều gì thê thiết, xa xăm. Tiếng chim làm đầy ắp âm thanh làng quê vào mùa lúa chín.

Tiếng chim thường gợi cho tôi nhớ về ban mai tinh khiết, gợi cảm xúc ríu rít vui tươi như  sẻ nâu, chào mào, chim sâu, gõ kiến..... Mỗi loài chim góp cho bản hợp xướng cuộc đời một giai điệu, tiết tấu khác nhau, vui buồn có, rộn ràng, da diết cũng nhiều. Ba tôi gọi “bắt cô trói cột” là tiếng chim gác núi lời ca mỗi chiều. Tôi nghĩ đó là giai điệu thao thiết của ngày mùa nơi xóm nhỏ.

Chim bắt cô trói cột thường sống trong rừng, ở độ cao trên 3.600m. Ảnh: blogspot

Ai đó gọi bình yên là chiếc áo với nhiều họa tiết khác nhau, lúc sặc sỡ lúc trầm ngâm. Tiếng chim “bắt cô trói cột” đều đều vang vang nơi làng quê là “họa tiết trầm ngâm” góp thêm vẻ đẹp sâu lắng trên nền chiếc áo đa sắc của miền trung du vào mùa gặt.

Nhưng giờ đây, nhiều loại chim dường như đã không còn thấy nữa, như dồng dộc với chiếc tổ độc đáo treo khắp ngọn tre ngọn dừa; như chim cuốc với tiếng “khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ” trong thơ Nguyễn Khuyến chiều chiều vang vọng bờ tre góc phố… Tôi tự hỏi, một ngày nào đó liệu tiếng chim gọi mùa có còn vang lên mỗi mùa gặt hay lại chỉ còn trong ký ức của tôi?

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Con đường ngày xưa chúng tôi đi học, lòng đường bé tin hin bằng hai gang bàn tay người lớn, thêm sỏi đá mấp mô ngáng bánh xe đạp không thương tiếc. Bữa nào vừa nhấn bàn đạp mải miết, vừa ngúc ngoắc đầu nói chuyện là gặp hòn đá xóc nảy người, chiếc cặp nhẹ tênh có khi giật mình rơi khỏi giỏ xe cà tàng. Con đường “huyền thoại” ấy chưa đi vào thơ ca nhạc họa của văn nghệ sĩ bao giờ nhưng nó đi vào ký ức tuổi thơ của chúng tôi cho tới tận hôm nay.

Sự hiện hữu của thời gian trở nên rõ rệt là khi trên khuôn mặt xuất hiện thêm những nếp gấp, một vài vết tàn nhang cùng màu tóc dần ngả bạc. Thời gian vô tình khiến những hoạt động mà mình vốn yêu thích bỗng trở nên khó thực hiện, mặc dù lòng nhiệt huyết vẫn còn nhưng tuổi tác và khuôn mặt đã không còn phù hợp nữa rồi.

Phố bắt đầu ngày mới bằng những sắc hoa thuỳ mị trong chợ hoa Quảng Bá. Đường Âu Cơ tươi xinh màu sắc trong tia nắng dịu nhẹ chưa vương mùi bụi khói. Tâm thức anh chợt lạc về câu chuyện em nói với anh ngày xưa khi anh cùng em ngang qua đoạn đường này.

Thấm thoắt, ngoại tôi đã về miền mây trắng đoàn tụ với ông bà tổ tiên được mười sáu năm rồi. Từ ngày ngoại mất, số lần tôi theo mẹ về quê chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mỗi năm tới ngày giỗ ngoại, tuy không nói ra nhưng tôi cảm nhận được nỗi buồn nghẹn lại trong lồng ngực mẹ nếu năm đó mẹ không thể sắp xếp về quê thắp cho ngoại nén hương.

Thuở bé, mỗi lần được nằm gối đầu lên đùi mẹ, lắng tai nghe những giai điệu trong trẻo mà sâu lắng từ những câu hát ầu ơ quen thuộc, lòng tôi mỗi lúc ấy đều cảm thấy dễ chịu và ấm áp lạ thường. Sau này, khi năm tháng trôi đi, bôn ba trên khắp các nẻo đường xuôi ngược, hễ vô tình được nghe thấy thứ âm thanh giản dị và thân thương ấy, thì những ký ức tuổi thơ trong tôi lại nối tiếp theo tiếng hát tìm về.

Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng. Trên những mảnh đất bom đạn ngày xưa, cỏ đã tô xanh màu máu đỏ. Màu xanh của hòa bình. Cỏ đã đắp da thịt lên vết thương chiến tranh, cỏ đã sống xanh hộ phần người. Nếu có một lần đến thăm nơi đó, xin đừng giẫm chân lên cỏ bởi mỗi một ngọn cỏ là một mặt trời, dưới mỗi ngọn cỏ là một trái tim đỏ thắm.