Tín hiệu tích cực về văn hóa đọc của người Hà Nội | Hà Nội tin mỗi chiều

Những tín hiệu tích cực về văn hóa đọc của người Hà Nội; Hà Nội kiểm tra đột xuất lĩnh vực an toàn thực phẩm; Mưa đá, giông sét xảy ra ở nhiều quận huyện tại Hà Nội... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Tín hiệu tích cực về văn hóa đọc của người Hà Nội 

Hôm nay (21/4) là ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam. Theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính mức bình quân Việt Nam đã đạt 6 cuốn sách/người/năm. Tuy con số này còn thấp so với khu vực và thế giới nhưng là bước tiến đáng kể so với vài năm trước. Văn hóa đọc đang dần có những tín hiệu tích cực, đáng mừng.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba mang bốn thông điệp rất thiết thực, hướng đến giá trị cốt lõi của văn hóa đọc: sách hay cần bạn đọc; sách quý tặng bạn; tặng sách hay - mua sách thật; Sách hay: mắt đọc - tai nghe. Sự khởi sắc rõ rệt thể hiện ở Ngày Sách và Văn hóa đọc năm nay đã được sự hưởng ứng từ giới xuất bản, phát hành, các địa phương và bạn đọc với nhiều hoạt động mang tinh thần mới như lời Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, người dân ở đâu văn hóa đọc phát triển đến đó, bạn đọc ở đâu sách phải đến đó.

Mỗi năm, ngành xuất bản tiêu thụ 500-600 triệu bản sách các hình thức, đứng trong top đầu khu vực Đông Nam Á. Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám với công nghệ trình diễn 3D mapping về lịch sử, sách và văn hóa đọc ấn tượng. Những ngày qua diễn ra nhiều hoạt động tôn vinh sách và cổ vũ phát triển văn hóa đọc ở các địa phương.

Ảnh minh họa

Những năm gần đây, văn hóa đọc Thủ đô đã có bước phát triển rõ rệt, chuyển biến thực chất. Để phát triển phong trào đọc sách, tháng 7/2023 thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết về việc miễn phí sử dụng dịch vụ thư viện công cộng trên địa bàn thành phố. Quyết định này đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân, bạn đọc Thủ đô, đồng thời khuyến khích độc giả yêu thích đọc sách giấy đến với thư viện nhiều hơn. Hà Nội có các thư viện đầu ngành như: Thư viện Khoa học Kỹ thuật Trung ương, Thư viện Trung ương quân đội, Thư viện Y học trung ương… Bên cạnh đó, Hà Nội còn có hơn 60 thư viện trường đại học, cao đẳng, gần 1.500 thư viện trường học từ tiểu học đến trung học cơ sở và khoảng gần 100 thư viện thuộc viện nghiên cứu, thư viện Bộ ngành… Với mạng lưới thư viện dầy đặc như vậy người dân Thủ đô có điều kiện thuận lợi để thỏa mãn nhu cầu đọc của mình.

“Trẻ em có thể tạo ra điều kỳ diệu khi chúng đọc sách” - đó là kim chỉ nam để một thư viện cộng đồng ở xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội hoạt động suốt 10 năm qua. Thư viện được lập nên bởi nhóm các bạn trẻ luôn hướng về quê hương mà tiên phong là anh Phùng Bá Hưng. Hiện tại, anh Hưng đang du học ngành thư viện ở Mỹ nên công việc được giao cho các cộng sự và tình nguyện viên ở Việt Nam duy trì. 10 năm phục vụ, quy mô nhân sự lên đến 100 người; tổ chức hơn 200 sự kiện; phát hành 3.500 thẻ bạn đọc; có 9.000 lượt mượn sách/năm; sở hữu hơn 10.000 tài liệu... Bên cạnh việc duy trì hoạt động thư viện, các bạn trẻ thường truyền lửa cho nhau thông qua các chương trình dã ngoại, hoạt động nhóm, trau dồi kỹ năng sống, các lớp tin học văn phòng… Đến nay, thư viện Dương Liễu đã trở thành điểm hẹn quen thuộc của người dân, từ trẻ nhỏ đến người lớn tuổi trên địa bàn huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Bên cạnh đó, xu thế thay đổi của văn hóa đọc trong bối cảnh chuyển đổi số là tất yếu. Việc chuyển từ đọc sách in sang đọc online cũng đang dần trở thành xu thế phổ biến với giới trẻ. Hiện nay số nhà xuất bản đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử cũng ngày càng nhiều. Từ sách chỉ có chữ chuyển sang sách nói, giờ đây sách điện tử đã bước sang thế hệ thứ 3, đó là kết hợp cả chữ, âm thanh và hình ảnh minh họa. Trình độ làm sách điện tử ở Việt Nam hiện nay được đánh giá là không quá thua kém thế giới. Công nghệ trí tuệ nhân tạo AI tham gia sâu vào các công đoạn, từ thiết kế bìa, chuyển định dạng ngôn ngữ cho đến giọng đọc.

Dù xã hội có hiện đại đến đâu, dù các phương tiện nghe nhìn có phát triển đến đâu thì đối với những người ham đọc, ham học vẫn có những phương pháp, cách thức để thu nhận kiến thức của mình dưới nhiều hình thức. Điều quan trọng nhất, dù đọc sách theo cách thức nào cũng là tình yêu với tri thức, với những giá trị sống cao đẹp sẽ được nhân lên qua từng trang sách.

Hà Nội kiểm tra đột xuất an toàn thực phẩm

An toàn thực phẩm luôn là vấn đề rất “nóng” và phức tạp. Thêm vào đó, thủ đoạn của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị chức năng có liên quan nhằm ngăn ngừa, xử lý.

Đề cập công tác thanh kiểm tra trong Tháng hành động an toàn thực phẩm đạt hiệu quả cao, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà yêu cầu các đơn vị, địa phương phải bảo đảm thực chất, kiểm tra đột xuất và tuyệt đối nghiêm cấm kiểm tra báo trước. Đặc biệt, công tác kiểm tra tập trung vào các địa bàn, cơ sở dễ phát sinh sai phạm. Việc cấm tuyệt đối việc báo trước kế hoạch kiểm tra an toàn thực phẩm có ý nghĩa quan trọng để đánh giá một cách thực chất các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống.

Trong “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2024, UBND TP. Hà Nội đã thành lập bốn Đoàn liên ngành công tác kiểm tra về an toàn thực phẩm. Theo kế hoạch, việc kiểm tra công tác an toàn thực phẩm được tiến hành từ ngày 15/4 -  15/5/2024.

Kiểm tra khu chế biến, sản xuất đậu phụ của Công ty CP Tập đoàn Phú Thái. Ảnh: Anninhthudo

Vào ngày 19/4, đoàn kiểm tra liên ngành số 1 đã tiến hành kiểm tra Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thái ở cụm công nghiệp Yên Nghĩa, quận Hà Đông. Đoàn đánh giá, cơ sở vật chất khu sản xuất rộng rãi nhưng lộn xộn và đã xuống cấp, nền nhà bong tróc… Đặc biệt, hệ thống cống hở từ khu sản xuất đến kho chứa hàng, tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Thêm vào đó, nhà xưởng của khu vực sản xuất không bảo đảm khép kín theo quy trình một chiều, phát hiện nhiều phân côn trùng. Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đề nghị, cơ sở báo cáo bằng hình ảnh và gửi về Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm của quận để tiến hành hậu kiểm. Nếu không khắc phục những tồn tại này, cơ sở sẽ bị yêu cầu dừng sản xuất hoặc dừng một phần sản xuất.

Ngộ độc, ngộ độc cấp tính tập thể đang là vấn đề nóng, được dư luận quan tâm.Công tác kiểm tra phải thực chất, triệt để; việc kiểm tra báo trước sẽ không hiệu quả, thậm chí còn gây tác dụng ngược.

Mưa đá, giông sét xảy ra ở nhiều quận, huyện tại Hà Nội

Vào khoảng 21h tối ngày 20/4, Hà Nội có một trận mưa giông kèm sấm sét và gió mạnh. Trận mưa đá, giông lốc đã làm hơn 70 cây xanh bị bật gốc. Nhiều xe máy, ô tô đỗ ở vỉa hè, lòng đường bị hư hại do cây xanh ngã đè.

Ngay trong tối qua, các lực lượng của điện lực TP Hà Nội đã sớm khắc phục sự cố và có điện trở lại. Còn lực lượng của công ty cây xanh đã dọn dẹp cây bị gãy đổ để ổn định giao thông. Các công nhân thoát nước kịp thời ứng trực mở ga, tua rác, vận hành trạm bơm và báo cáo không xảy ra ngập úng.

Cây và cột đèn đổ lên nhiều xe máy tại Big C Hà Đông.

Cơn mưa giông đầu mùa xuất hiện dồn dập chỉ trong khoảng một tiếng với lượng mưa khá lớn. Các quận Hoàng Mai, Hà Đông, Hoàn Kiếm là những nơi có lượng mưa lớn nhất, từ 48 - 76 mm. Trong cơn giông có gió giật mạnh cấp 5 - 6. Không chỉ khiến cây cối, cột điện trên nhiều tuyến đường đổ ngã, nhiều tấm tôn lớn cũng bay xuống đường nhưng rất may không rơi trúng người. Tại Chương Mỹ, Ứng Hòa, Đông Anh, Mỹ Đức, Quốc Oai còn ghi nhận có mưa đá. Trên mạng xã hội, người dân tại các địa phương đăng tải hạt mưa đá với đường kính từ đầu đũa, đến 1-2 cm. Chính quyền địa phương vẫn đang đánh giá tình hình, thống kê thiệt hại.

Không chỉ ở Hà Nội, trong thời gian gần đây, thời tiết chuyển mùa gây ra hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan, gây thiệt hại về người và tài sản, tác động tiêu cực đến tâm lý xã hội.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho hay, chiều tối và đêm nay 21/4, miền Bắc tiếp tục mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 20-40 mm, có nơi trên 70 mm. Các chuyên gia cũng nhận định, tháng 4-5 là thời gian giao mùa ở các tỉnh miền Bắc. Sự cạnh tranh giữa các khối khí nóng lạnh thường gây ra các đợt mưa dông dữ dội, kèm theo nguy cơ lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh. Do đó, người dân cần thường trực tâm thế đề phòng và cảnh giác trước những diễn biến khó lường của thời tiết./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 70 cây cầu vượt bộ hành. Số vốn đầu tư để xây dựng một cầu vượt đường bộ là 3 đến 5 tỷ, thậm chí 10 tỷ. Tuy nhiên, nhiều người dân lại không sử dụng cầu bộ hành, mà băng ngang trực tiếp dưới lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Lý do là bởi các cây cầu này đã trở thành những điểm tụ tập vui chơi, ăn nhậu và xả rác.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành công văn về việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn thành phố.

Ghé vào nhà sách thân thuộc, tôi bắt gặp từng tốp học sinh tiểu học đang viết nắn nót những dòng chữ đầy yêu thương tới thầy cô giáo của mình. Tấm thiệp nhỏ xinh, dòng chữ ngay ngắn và cả nụ cười của các em giòn râm ran một góc nhỏ. Vậy là một mùa hiến chương nhà giáo nữa lại về.

Tối 17/11, ở chùa Bái Đính, một chương trình đặc biệt - Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông với thông điệp "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” một lần nữa khiến hàng ngàn khán giả cả nước rơi nước mắt.

Sẽ có gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành giai đoạn 2024 - 2025. Thông tin này được Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra trong phần tham luận tại Diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển” do Đài Hà Nội tổ chức ngày 16/11.

Với những người trẻ, các hoạt động sôi nổi ở phố đi bộ Hồ Gươm có lẽ là điểm đến không thể thiếu mỗi dịp cuối tuần. Những hoạt động tại phố đi bộ còn có cả các buổi phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội với ekip khá chuyên nghiệp. Thế nhưng, ngay dưới bộ dụng cụ hành nghề của những ekip này đều gắn logo quảng cáo trá hình cho trang web cờ bạc như OK VIP.