Tình bạn thời niên thiếu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sinh ra và lớn lên ở một làng quê, với những buổi trưa hè bơi sông vớt củi, những buổi tối bên ánh đèn dầu, ông và nhóm bạn cùng trang lứa đã tạo nên những kỷ niệm đáng nhớ.

Những năm tháng cắp sách đến trường, cậu bé Nguyễn Phú Trọng luôn là tấm gương sáng trong học tập. Cậu học giỏi, hòa đồng và nhiệt tình giúp đỡ bạn bè. Trong những buổi học nhóm dưới tán bàng xanh mát, cậu cùng bạn bè đã trải qua biết bao kỷ niệm của tuổi học trò.

Trong ký ức của ông Vương Khắc Côn, ở làng Lại Đà, xã Đông Hội, Đông Anh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kém các bạn trong nhóm vài tuổi, nhưng lại học giỏi nhất, đi thi lúc nào điểm cũng cao nhất.

Cuộc sống ngày ấy rất thiếu thốn, bữa cơm chỉ có rau muống luộc chấm tương. Mà gạo, tương là những thứ mang đi từ nhà. Mỗi khi đi học về, các cô cậu học trò lại phân công nhau người đi chợ mua rau, người ở nhà vo gạo thổi cơm.

Bức ảnh kỷ niệm của ông Côn với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thời đó nghèo, món ăn yêu thích nhất của nhóm bạn là cà chua bi. Đơn giản là bởi món này có thể ăn sống và được vặt sau mỗi lần bơi sông vớt củi. Cơm trộn sắn khoai, chăn trâu nhổ mạ, nhưng tất cả đều động viên nhau phải học, không được nhụt chí vì đất nước còn nghèo.

"Bọn tôi đi học từ đây sang Nguyễn Gia Thiều xa 7,8 cây số. Anh em có cái gì thì cũng chia sẻ, có củ khoai chia đôi. Thực ra là toàn đi chân đất với nhau. Ngày xưa thì có hay có cái kẹo vừng thỉnh thoảng cứ cho nhau. Nhà tôi làm kẹo, nhà tôi gói cho cả anh Trọng, cho cả mấy ông, cứ gói vào trong cái giấy đem đi, có đói cho mỗi anh một cái", ông Côn kể.

Là người bạn học cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ cấp 1, cấp 2 đến cấp 3, ông Ngô Bá Dục, sinh sống tại thôn Lại Đà, vẫn nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong tâm trí ông là người rất thông minh, cẩn thận, học rất giỏi môn Văn, có nét chữ đẹp. Còn ông Dục lại thiên về các môn tự nhiên như Lý, Hóa.

Lớn lên cùng nhau, học cùng những năm tháng cấp 3 ở trường Nguyễn Gia Thiều, lại hợp tính cách nên ông Dục, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và một người bạn nữa đã thuê trọ trong nhà dân bên kia sông Hồng để thuận tiện cho việc học tập.

"Cái thân thiết của chúng tôi là anh em cùng trọ, học với nhau những năm cấp hai và cả những năm cấp ba. Hồi đó nghèo lắm, ăn cơm rau là chính, tối ngủ thì chung màn, chung chăn chứ không được đầy đủ đâu. Trong số anh em tôi đi học thì chú ấy là ít tuổi nhất, bé nhất, chăm chỉ làm việc, cần cù làm việc", ông Dục bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm xưa.

Ông Ngô Bá Dục ngồi xem lại những bức ảnh kỷ niệm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Đình Hiếu

Ông Dục nhớ thời điểm đó nghèo khó, mỗi tháng gia đình chỉ cho 15kg gạo, còn tiền tiêu thì phải tự lo liệu. Nhớ nhất là những hôm cùng bơi ra bãi sông Hồng, vớt củi rều về phơi khô lên rồi đun nấu.

Có những hôm học buổi chiều xong, nhóm bạn lại vào Khu công nghiệp Đức Giang (quận Long Biên ngày nay) để dạy bổ túc cho công nhân, kiếm tiền mua sách vở học tập. Ngày nghỉ hè cũng không về nhà mà thường ở lại, vào công trường xin làm công nhân, kiếm tiền chuẩn bị cho năm học mới.

Nhắc về những kỷ niệm, ông Ngô Bá Dục không giấu nổi niềm thương nhớ: "Năm 1969 tôi tổ chức lễ thành hôn, từ Vinh về thì cấp tập, nhanh chóng cưới vợ xong rồi lại đi. Thế nhưng mà ở đây chú lần mò kiếm được cho tôi một bánh pháo và duy nhất cái năm đó là chỉ có đám cưới của tôi là có pháo. Năm 2000, bà mẹ tôi mất, chập tối chú về viếng, chú đến đây khiến cho mọi người ngạc nhiên, rất đơn giản như mọi người thôi".

Ông Dục lưu giữ tấm hình chụp chung với Tổng Bí thư trong một lần họp lớp.

Trong ký ức của bà Ngô Thanh Sử, người dân Lại Đà, Tổng Bí thư có vóc dáng nhỏ nhắn, hiền lành, lúc nào cũng tươi cười rạng rỡ nhưng lại ít nói. Bà là em út của nhóm, nên ông luôn hỏi han xem bà đã hiểu bài chưa, bài toán đã giải ra đáp án chưa.

"Anh nhiều khi cứ hỏi tôi thế mày học như thế nào, thì tôi cũng nói ra như thế, anh lại phải hướng dẫn thế này, thế này, phải như thế này. Khi mà lớn rồi, anh đi làm rồi thì thường thường là hai anh em về hay gặp nhau ở bến đò, có khi đi cùng đò thì anh lại hay hỏi thăm tình hình", bà Sử chia sẻ.

Thời gian trôi qua, dù cương vị khác nhau, dù không nhiều thời gian gặp gỡ, hàn huyên chuyện cũ nhưng trong lòng những người bạn đồng môn vẫn là biết bao tình cảm.

“Giờ anh giữ trách nhiệm cao

Nhớ hồi hai đứa ngày nào học sinh

Anh thì ít nói hiền lành

Còn tôi sắp sói rành tranh hơn nhiều

Chúng ta cùng cảnh nhà nghèo

Cùng nhau học Nguyễn Gia Thiều Gia Lâm

Sống thời bao cấp khó khăn

Cháo cơm trộn củ áo quần vải nâu. 

Còn anh tài đức vẹn toàn 

Bao năm rèn luyện ngày càng lên cao

Họ hàng làng xóm tự hào

Dân yêu Đảng trọng tin vào nơi anh

Với lòng nhất trí trung thành

Mở ra một cuộc đấu tranh tuyệt vời

Đấu tranh động đến nhiều người 

Diệt trừ tham nhũng cho đời sạch trong

Biết rằng gian khó vô cùng

Nhân dân tin tưởng thành công có ngày”

13h 38 phút ngày 19/7/2024, một trái tim lớn đã ngừng đập. Kỷ niệm còn lại là những tấm hình đen trắng một thuở thiếu thời cùng nhau cắp sách tới trường, thời thanh niên nhiệt huyết và sôi nổi. Những ký ức chỉ mới như ngày hôm qua trong tâm trí những người bạn thời niên thiếu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Niềm đam mê với các ý tưởng sáng tạo là nguồn cảm hứng để chị Minh Phương cho ra đời các sản phẩm túi xách độc đáo, thân thiện với môi trường, tôn vinh nghề thủ công của Hà Nội mang thương hiệu riêng của mình.

Nghệ nhân Đào Anh Tuấn kế thừa tài năng của cha mình, nghệ nhân ưu tú Đào Văn Soạn, người làm đàn nổi tiếng ở làng nghề làm nhạc cụ dân tộc truyền thống Đào Xá.

Theo đuổi kỹ thuật đắp vẽ thủ công, sử dụng các nguyên vật liệu truyền thống để khảm phù điêu trên các công trình tâm linh, nghệ nhân Nguyễn Đức Thủy đã có hơn 30 năm gìn giữ nghề “nề ngõa” - một nghề truyền thống với cái tên có lẽ không mấy người từng nghe.

Trong cuộc sống bận rộn và hối hả của Hà Nội, tôi thường có thói quen tìm đến những ngôi chùa, ngôi đình cổ, nơi thời gian dường như ngưng đọng lại. Trong hành trình tìm kiếm, tôi đã gặp gỡ và trò chuyện với nghệ nhân Nguyễn Đức Thủy (xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, Hà Nội).

Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến, không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế của cả nước mà còn là biểu tượng của sự thanh lịch và văn minh. Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh không chỉ là mục tiêu của thành phố mà còn là nhiệm vụ của mỗi người dân.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ đã kế thừa những kỹ thuật đan tre của gia đình và đưa những chiếc lồng tre làng Vác đi đến nhiều nơi trên thế giới.