Tinh hoa nghề đúc đồng Ngũ Xã
Làng nghề đúc đồng Ngũ Xã nằm ở phía tây thành Thăng Long, nay thuộc quận Ba Đình, Hà Nội. Nghề đúc đồng là một trong bốn nghề quan trọng, nổi tiếng trong đời sống của người dân ở mảnh đất kinh kỳ xưa, được thể hiện rõ nét qua câu "Dệt Yên Thái - Gốm Bát Tràng - Vàng Định Công - Đồng Ngũ Xã".
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nghề truyền thống đúc đồng tại làng nghề Ngũ Xã, ngay từ khi còn nhỏ, nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng đã được cha là cụ Nguyễn Văn Tiếp dìu dắt, chỉ dạy về nghề đúc đồng.
Những năm 1600, triều đình nhà Lê mời 5 thợ đúc có tay nghề cao tại năm xã, huyện về Kinh thành Thăng Long đúc tiền cho triều đình. Nhà vua chiếu chỉ cho các cụ lập nghiệp tại vùng đất bên bờ hồ Trúc Bạch. Sau này, để ghi nhớ về làng quê gốc của mình, người dân đã lấy tên làng là Ngũ Xã, hay Ngũ Xã Tràng. Dân làng Ngũ Xã nhớ ơn người khai sáng ra nghề đúc đồng, nên đã suy tôn Thiền sư Minh Không - ông tổ nghề đúc đồng là thần hoàng làng Ngũ Xã, đúc tượng và xây đình để thờ phụng Ngài.
Thời ấy, làng Ngũ Xã chuyên đúc tiền và đồ thờ cho triều đình. Theo thời gian, nghề đúc ngày càng phát triển với các đồ đúc được dùng phục vụ đời sống hằng ngày như mâm, nồi, chậu đồn hay một số đồ thờ cúng như tượng Phật, bát hương, đỉnh, đèn nến, lọ hoa, bộ tam sự, ngũ sự bằng đồng… Nhờ vậy, truyền thống đúc đồng Ngũ Xã đã vang danh khắp mọi miền đất nước.
Làng Ngũ Xã nổi tiếng nhờ kỹ thuật đúc tượng đồng, trống đồng, đồ thờ bằng đồng, chuông đồng, tranh đồng vô cùng tinh xảo. Nhiều tác phẩm đã được coi là kiệt tác của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam, tiêu biểu như tượng đồng đen Trấn Vũ, còn gọi là tượng Huyền Thiên Trấn Vũ, đặt tại đền Quán Thánh và pho tượng Phật Di Đà nặng 14 tấn được đặt tại chùa Ngũ Xã ngay trên đất làng.
Hơn 30 năm làm nghề đúc đồng, đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng đã làm ra rất nhiều tác phẩm đúc đồng nghệ thuật, tinh xảo. Vì vậy, các công đoạn làm nên một sản phẩm đúc đồng luôn được người nghệ nhân này ghi nhớ đến từng chi tiết.
Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng, để làm nên một tác phẩm đúc đồng đẹp, tinh xảo, người nghệ nhân phải chú trọng vào tất cả các công đoạn, đồng thời phải đặt trọn tâm huyết của mình vào trong mỗi tác phẩm. Vì vậy, để thành thạo nghề đúc đồng, người thợ cũng phải mất rất nhiều thời gian từ 5-10 năm, thậm chí là 20 năm. Ông luôn khắc ghi lời chỉ bảo của bố để có động lực kiên trì theo đuổi, gìn giữ và phát triển nghề đến hôm nay.
"Nghề đúc đồng này thì khâu nào cũng khó. Cho nên là mình phải học cái đó rất kiên trì. Chứ mà dễ ai cũng làm được thì làm sao gọi là mỹ thuật được." ông Ứng chia sẻ.
Các sản phẩm đúc đồng của làng Ngũ Xã nổi tiếng với những bức tượng Phật bằng đồng, tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, tượng chân dung những anh hùng dân tộc Việt Nam hay các sản phẩm đồ thờ cúng.
Trải qua thời gian cùng sự phát triển của các công cụ lao động, các dụng cụ phục vụ cho công việc đúc đồng hiện nay đã có những sự cải tiến hơn trước, giúp những người thợ đúc đồng có thể hoàn thiện tác phẩm trong thời gian ngắn hơn. Không chỉ vậy, nhu cầu sử dụng đồ đúc đồng hiện nay cũng đã có những sự thay đổi và phát triển so với thời xưa. Nhiều người thợ trẻ cũng đã có sự say mê, quyết tâm học nghề để giữ gìn nghề đúc đồng Ngũ Xã.
Đối với người thợ đồng, để cho ra các sản phẩm hoàn mỹ tinh xảo là cả một nghệ thuật được chắt lọc từ nhiều kiến thức khác nhau từ văn hóa, tôn giáo, hội họa, kỹ thuật… và hơn hết là cái tâm của người làm nghề.
Ông Nguyễn Văn Ứng chia sẻ: "Mỗi một nghề truyền thống của Thủ đô đều là niềm tự hào của làng nghề, của ông, tổ nghề. Nếu các cụ mình còn sống thì cũng rất mừng vì con cháu sẽ giữ được nghề. Mình cũng là hậu duệ các cụ, mình giữ được nghề thế này cũng là tự hào, là cũng vui."
Tượng đồng Ngũ Xã được tạo nên từ sự kế thừa tinh hoa nghệ thuật cùng những kinh nghiệm đúc kết từ cha ông ta hàng trăm năm qua. Đối với những người thợ đúc đồng Ngũ Xã, niềm tự hào và tình yêu nghề là động lực để những người nghệ nhân tiếp tục gìn giữ và phát triển nghề luôn sống mãi.
Với bề dày lịch sử hơn 400 năm, nghề đúc đồng Ngũ Xã không chỉ là niềm tự hào của Thủ đô mà còn góp phần làm phong phú thêm vẻ đẹp giá trị văn hóa truyền thống của người Việt.
Với múa rối nước, người nghệ sĩ phải hoạt động nghệ thuật trong môi trường đặc biệt, có yêu cầu khắt khe hơn so với những hình thức biểu diễn nghệ thuật khác. Để theo đuổi được bộ môn nghệ thuật này, NSƯT Bạch Quốc Khanh - Nhà hát Múa rối nước Thăng Long, không chỉ có hành trình dài học hỏi, trau dồi kiến thức mà còn là cả sự khổ luyện, cùng một tình yêu cháy bỏng với văn hóa truyền thống.
Xuất phát từ tình yêu với những họa tiết cổ truyền và ký ức về những chiếc áo bông thời thơ ấu, nhà thiết kế Trịnh Bích Thuỷ đã đem câu chuyện của mình vào các thiết kế áo bông mang âm hưởng đương đại.
Sáng 11/12, Sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức buổi tọa đàm “Triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và xây dựng tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Sinh ra và lớn lên ở làng rối nước truyền thống hơn 300 năm - làng Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, đắm chìm trong không gian nghệ thuật này khiến nghệ nhân Nguyễn Văn Phi có duyên với những con rối. Hiện ông là người chế tác rối nước thủ công duy nhất của phường múa rối nước này.
Gìn giữ các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, dân ca kịch... trong đời sống đương đại là trăn trở chung của những người làm nghề. Đáng mừng là giờ đây, các loại hình nghệ thuật truyền thống đã có lớp nghệ sĩ mới tài năng, kiên định với sứ mệnh gìn giữ tinh hoa dân tộc, trong đó có NSƯT Lộc Huyền, Trưởng đoàn nghệ thuật thể nghiệm - Nhà hát Tuồng Việt Nam.
Là một trong những nhà thiết kế theo đuổi con đường nhung, lụa thêu tay, nhà thiết kế Nguyễn Thơ Thơ đã dành nhiều tâm huyết để đưa chất liệu nhung, lụa Việt Nam lên một nấc thang mới. Hành trình ghi dấu phong cách riêng của mình trong làng thời trang Việt của cô gái trẻ là cả một sự nỗ lực để hồi sinh, đưa những sản phẩm nhung lụa thêu tay truyền thống đến gần với đời sống đương đại.
0