Tình trạng mua thuốc không kê đơn vẫn diễn ra phổ biến

Không cần đơn thuốc, người bệnh vẫn có thể dễ dàng mua các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm, thậm chí biệt dược. Điều này không chỉ gây hại cho cá nhân người bệnh mà còn làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh.

Trong vai người bệnh cần mua thuốc trị bệnh, phóng viên Đài Hà Nội đã đến một số cửa hàng thuốc tân dược và được người bán tư vấn nhiệt tình dù không có đơn thuốc.

Sau khi đưa ra yêu cầu cần mua thuốc chữa zona thần kinh, phóng viên được người bán tư vấn mua một loại thuốc bôi kèm lời khuyên ăn kiêng một số món. Phóng viên tiếp tục đưa ra yêu cầu cần mua thuốc chữa ho có đờm cho con gái 6 tuổi và lại được người bán kê cho một số loại thuốc, trong đó có cả thuốc kháng viêm, kháng sinh, với liều dùng trong 3 ngày.

thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc bôi hay thuốc uống, phóng viên (trong vai người bệnh) đều có thể dễ dàng mua được mà không cần có đơn thuốc của bác sĩ.

Theo quan sát của phóng viên ở khu vực bán thuốc khoảng 30 phút, khá nhiều người mua thuốc rất dễ dàng mà không cần đơn thuốc của bác sĩ. Người mua mô tả về tình trạng bệnh, người bán tư vấn và bán thuốc.

Kháng thuốc - hiểm họa đe dọa sức khỏe, tính mạng

Theo Bộ Y tế, từ năm 2009 đến nay, số lượng thuốc kháng sinh  bán ra cộng đồng đã tăng gấp hai lần. Có tới 88% thuốc kháng sinh được bán tại các thành phố mà không cần kê đơn; ở nông thôn, tỷ lệ này lên đến 91%.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trên thế giới. Trong khi nhiều quốc gia phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn hiệu quả thì Việt Nam đã phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4.

Theo các bác sĩ, tình trạng bệnh nhân kháng thuốc hiện đang tăng cao một cách đáng báo động theo từng năm.

Tại Bệnh viện Bạch Mai - bệnh viện hạng đặc biệt lớn nhất miền Bắc, bệnh nhân kháng thuốc đang được điều trị tại viện đã tăng cao một cách đáng báo động theo từng năm. Nếu như trước đây, tỷ lệ bệnh nhân kháng kháng sinh từ tuyến dưới chuyển lên chỉ vài ca, thì đến nay, nhiều ca khi chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện Bạch Mai đã phát hiện vi khuẩn kháng thuốc. Nhiều bệnh nhân vào viện vì một bệnh khác nhưng nhiễm trùng tăng nhanh, gặp vi trùng kháng kháng sinh khiến bệnh nhân nguy kịch và tử vong do nhiễm trùng, chứ không phải do bệnh lý lúc bệnh nhân nhập viện.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Ngô Gia Khánh, Trưởng khoa Phẫu thuật Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Bạch Mai, đây chính là mối lo lớn đối với các bác sĩ phẫu thuật.

"Gần đây có trường hợp bệnh nhân bị nhiễm trùng vết mổ ở vùng đùi trên nền nhiều bệnh. Bệnh nhân bị kháng kháng sinh. Khi đến Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi phải thay đổi nhiều phác đồ kháng sinh, chăm sóc vết mổ tại chỗ. Bệnh nhân phải nằm viện kéo dài hơn 1 tháng.

Ngoài việc gia tăng chi phí, bệnh nhân sẽ phải quay lại sử dụng các loại kháng sinh có thể từ lâu đã không dùng do có các tác dụng phụ. Điều này sẽ làm cơ thể bệnh nhân kém thích nghi, gây độc cho gan, thận và ảnh hưởng đến tình trạng toàn thân của bệnh nhân", bác sĩ Ngô Gia Khánh cho hay.

Tiến sĩ, Bác sĩ Ngô Gia Khánh, Trưởng khoa Phẫu thuật Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Bạch Mai đang phẫu thuật cho bệnh nhân.

Theo một kết quả nghiên cứu, lứa tuổi 30-40, tỷ lệ tai biến do thuốc cao gấp đôi ở những người già. Với người già, một số chức năng của người cao tuổi đã suy giảm đáng kể, do vậy dễ dẫn đến hiện tượng chậm đáp ứng rồi lại đáp ứng quá mạnh.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, nhấn mạnh, rất nhiều bệnh nhân cao tuổi khi nhập viện đều từng mua thuốc điều trị không có đơn của bác sĩ, hoặc không sử dụng kháng sinh theo đúng liều lượng quy định.

"Hiện tại có tình trạng phổ biến đối với người dân nói chung và người cao tuổi nói riêng, đó là ngại đi khám bệnh. Khi gặp tình trạng viêm nhiễm họ sẽ tự ra ngoài hiệu thuốc kể bệnh và mua thuốc. Điều này rất có hại với người cao tuổi khi không được cá thể hóa điều trị.

Chúng tôi đã gặp trường hợp bệnh nhân có nhiễm khuẩn tiết niệu, ngại đi khám, tự ý mua thuốc. Khi vào viện, chúng tôi cấy khuẩn lên thì bệnh nhân trong tình trạng rất nặng và bị kháng với hầu hết các kháng sinh thông thường. Lúc này bệnh nhân phải dùng kháng sinh đặc hiệu khiến chi phí và sức khỏe đều bị tổn hại", bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Đặng Khiêm cho biết.

Bác sĩ CK2 Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa cấp cứu - Bệnh viện Hữu nghị

Theo các chuyên gia, người bệnh không có đơn thuốc sẽ không có căn cứ uống đúng liều lượng thuốc, thời gian, những điều chống chỉ định với thuốc, từ đó, dễ gặp rủi ro do phản ứng phụ từ thuốc gây ra. Đó là chưa kể đến việc uống thuốc kéo dài không đúng bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tốn kém về kinh tế và gây tình trạng kháng kháng sinh.

Thuốc được quy định là loại hàng hóa đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, do đó, không phải ai và qua hình thức nào cũng có thể bán thuốc. Đã đến lúc cần có các giải pháp để tăng cường quản lý loại hàng hóa đặc biệt này một cách hiệu quả để bảo vệ sức khỏe người dân.

Việc kiểm tra giám sát cơ sở y tế tư nhân còn lỏng lẻo

Để quản lý chặt chẽ hơn nữa việc hành nghề y, dược tư nhân tại Hà Nội, Đoàn Giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội đã tiến hành giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý hành nghề y, dược tư nhân trên một số quận, huyện.

Là địa bàn rộng, dân số đông, quận Hoàng Mai là nơi tập trung đông các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân. Chính quyền quận Hoàng Mai thừa nhận vẫn còn nhiều vi phạm tại hệ thống hành nghề y tư nhân, tình trạng bán thuốc không theo đơn, không niêm yết giá thuốc vẫn diễn ra phổ biến.

Ông Võ Xuân Trọng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, cho rằng nguyên nhân là do thiếu nhân lực, hiện phòng Y tế chỉ có 3 cán bộ, nhân viên biên chế và 2 cán bộ hợp đồng gồm 1 bác sĩ, 1 dược sĩ. Việc thực hiện kiểm tra hiện nay theo kế hoạch là chủ yếu, thỉnh thoảng có đột xuất một số vụ khi báo chí thông tin chứ chưa thực hiện thường xuyên.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho rằng giải thích của lãnh đạo quận Hoàng Mai chưa thực sự thuyết phục,  vấn đề này còn tồn tại có nguyên nhân do công tác quản lý lỏng lẻo, công tác hậu kiểm chưa đủ mạnh, chưa có biện pháp đủ sức răn đe với các cơ sở vi phạm.

"Tôi thấy là chúng ta chưa quyết liệt và chưa đủ mạnh nên sau kiểm tra, giám sát một thời gian lại như cũ. Cứ xử lý vi phạm hành chính xong, sau đợt kiểm tra lại tiếp tục diễn biến. Tôi cho rằng chúng ta phải nhìn nhận lại để đánh giá chứ không thể đổ lỗi cho việc người dân ý thức kém hay nhà thuốc bán", Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà yêu cầu.

Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội cho rằng giải pháp để hạn chế tình trạng vi phạm của các cơ sở y dược tư nhân là cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; thực hiện nghiêm túc công tác hậu kiểm sau cấp phép; kiên quyết xử lý nghiêm cơ sở hành nghề vi phạm quy định pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, cần tích cực tuyên truyền các quy định của pháp luật về hành nghề y, dược tư nhân nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người hành nghề và nhận thức của cộng đồng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Chiều 21/11, Quốc hội đã thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Dược, trong đó nghiêm cấm hành vi bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử với thuốc kê đơn.

Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) vừa tiếp nhận 7 nạn nhân bị ngộ độc thực phẩm do ăn thịt của chó bị bệnh.

Sở Y tế Hà Nội và Cơ quan Quản lý các bệnh viện công Paris đã ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2024 - 2029.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam đang tiếp tục đối mặt với tình trạng kháng thuốc gia tăng - mối đe dọa sức khỏe và sự phát triển toàn cầu. Việc phòng chống kháng thuốc đòi hỏi sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội.

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 37 quy định nguyên tắc xây dựng, cập nhật danh mục thuốc, các tiêu chí xem xét thuốc đưa vào danh mục, xem xét thuốc cần quy định tỉ lệ, điều kiện thanh toán BHYT, xem xét đưa thuốc ra khỏi danh mục; bỏ quy định phân chia danh mục thuốc theo hạng bệnh viện.

Sở Y tế Hà Nội vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe giữa ngành Y tế Hà Nội và Hiệp hội các Công ty Điều phối Y tế Quốc tế Nhật Bản (JIMCA) giai đoạn 2024 - 2029.