Tình trạng thiếu điện có lặp lại trong mùa nắng nóng? | Hà Nội tin mỗi chiều

Bộ Công Thương đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để không lặp lại tình trạng thiếu điện mùa nắng nóng; Lần đầu tiên Việt Nam chính thức bán được hơn 10 triệu tín chỉ carbon rừng và thu về 51,5 triệu USD, tương đương khoảng 1.200 tỷ đồng; Hơn 1.600 trường hợp học sinh tại Hà Nội vi phạm luật giao thông chỉ trong ba tháng đầu năm 2024… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Không lặp lại tình trạng thiếu điện mùa nắng nóng 

Từ 1/4, Hà Nội bắt đầu bước vào đợt nắng nóng đầu tiên trong năm 2024. Còn chưa quên, mùa nắng nóng năm 2023, nhiều địa phương trong đó có Hà Nội đã phải thực hiện cắt điện luân phiên, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Mùa nắng nóng năm nay, liệu tình trạng này có còn xảy ra?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, Bộ Công Thương đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để không lặp lại tình trạng thiếu điện như năm ngoái. Không chỉ trong năm 2024 mà sẽ phấn đấu bảo đảm cung ứng điện cho các năm tiếp theo. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để khắc phục tình trạng này. Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương trực tiếp giám sát, tham gia vào việc điều hành cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Nhân viên EVN Hà Nội kiểm tra vận hành thiết bị nhằm bảo đảm cấp điện an toàn, liên tục trong mọi tình huống. Ảnh: Hanoimoi

Về các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong năm 2024, kể cả trong bối cảnh mùa khô, lãnh đạo Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị tập trung nguồn lực phấn đấu hoàn thành các công trình nguồn điện và lưới điện để giải tỏa nguồn điện cũng như tăng cường khả năng truyền tải, đặc biệt là công trình đường dây 500kV mạch 3. Đồng thời, bảo đảm cung cấp đủ và liên tục nhiên liệu cho phát điện, đặc biệt là nhiên liệu than và khí.

Dù ngành điện đã và đang đưa ra nhiều giải pháp, tuy nhiên theo dự báo năm nay nắng nóng gay gắt có thể kéo dài, nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tăng cao đột biến. Để nguồn điện ổn định, cung ứng điện liên tục vai trò của người sử dụng điện rất quan trọng. Đó là sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết và hạn chế sử dụng các thiết bị có công suất lớn vào khung giờ cao điểm của hệ thống điện.

Lần đầu tiên Việt Nam bán thành công tín chỉ carbon rừng với trị giá 51,5 triệu USD

Việt Nam là nước đầu tiên ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán từ Quỹ Đối tác carbon Lâm nghiệp của Ngân hàng thế giới, căn cứ vào kết quả giảm phát thải với số tiền hơn 1.200 tỷ đồng.

Đến nay, Việt Nam đã nhận được toàn bộ hơn 1.200 tỷ đồng từ Ngân hàng Thế giới theo thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018 - 2024. Đây là khoản tài chính quan trọng hỗ trợ những người tham gia bảo vệ rừng tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. Theo quy định, Quỹ bảo vệ rừng trung ương đã giải ngân số tiền giai đoạn một cho các địa phương và đang thực hiện hỗ trợ chi trả cho các chủ rừng. Đây là tiền đề để Việt Nam triển khai thị trường tín chỉ carbon trong thời gian tới.

Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên và Thừa Thiên Huế là 6 tỉnh nằm trong thỏa thuận thực hiện giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam sẽ chuyển giao hơn 10 triệu tấn carbon cho quỹ đối tác carbon trong lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới. Lượng khí phát thải sẽ được tính, dựa vào nỗ lực giảm mất dần hoặc suy thoái rừng phụ thuộc vào chất lượng rừng được đo đạc, tính toán trên 3,1 triệu héc ta rừng tại 6 tỉnh.

Ảnh minh họa

Hiện nay, số tiền nhận được từ đợt một đã được phân bổ cho 6 tỉnh tham gia thỏa thuận với cách tính 96,5% về quỹ bảo vệ và phát triển rừng các tỉnh. Trong đó 90% sẽ được chia cho các chủ rừng và cộng đồng các địa phương tham gia bảo vệ rừng. Theo thỏa thuận giữa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới, Việt Nam chỉ chuyển giao cho Ngân hàng Thế giới hơn 10 triệu tấn carbon. Trong khi đó, tổng lượng giảm phát thải đo đếm được đạt 16,2 triệu tấn. Như vậy, Việt Nam vẫn còn dư 5,9 triệu tấn carbon, điều này chứng tỏ rừng đang có xu hướng được bảo vệ tốt.

Từ việc chuyển nhượng cho Ngân hàng Thế giới  hơn 10 triệu tấn CO2, ngoài việc tạo uy tín cho thực hiện thị trường carbon, thu được hơn 1.200 tỷ đồng đã giúp Việt Nam xây dựng được hệ thống theo dõi cũng như có các số liệu cơ sở ban đầu để thực hiện đúng và đủ lượng hấp thụ CO2, qua đó sẽ tăng lên đáng kể lượng tín chỉ carbon rừng. Đồng thời, góp phần thực hiện cam kết của Quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính để đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 (COP21).

Việt Nam là một trong những quốc gia giàu tiềm năng về rừng với hơn 14,7 triệu ha, với tỷ lệ che phủ 42%. Việc chuyển nhượng tín chỉ carbon của Việt Nam cũng được Ngân hàng Thế giới đánh giá rất cao. Đến năm 2028, Chính phủ sẽ hoàn thiện cơ chế sàn tín chỉ carbon quốc gia. Sau khi hình thành, đơn giá tín chỉ carbon rừng sẽ được điều tiết theo thị trường chắc chắn sẽ cao hơn so với giá 5 USD/tấn CO2 như hiện nay.

Với người dân, khi càng có nhiều diện tích rừng được quản lý, bảo vệ và phủ xanh thì càng có nhiều tín chỉ carbon được quy đổi. Và đây sẽ trở thành khoản thu nhập thiết thực, là nguồn lợi bền vững cho chính người dân.

Hơn 1.600 học sinh vi phạm giao thông trong ba tháng

Chỉ trong ba tháng đầu năm nay, tại Hà Nội có hơn 1.600 trường hợp học sinh vi phạm luật giao thông. Đó là các vi phạm điều khiển xe máy điện khi chưa đủ tuổi; không đội mũ bảo hiểm; chở quá số người quy định; tụ tập ngay trước cổng trường, gây cản trở giao thông.

Tình trạng học sinh chưa đủ tuổi, chưa đủ năng lực nhận thức, hành vi tham gia giao thông bằng xe máy điện tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Với vận tốc tối đa của xe máy điện có thể lên tới trên 50km/h, tốc độ di chuyển của loại phương tiện này không kém gì xe máy dành cho người trưởng thành. Theo Phòng Cảnh sát giao thông (Công an Hà Nội), trong quá trình xử lý vi phạm, lực lượng chức năng gặp một số khó khăn khi có những học sinh vi phạm liều lĩnh bỏ chạy. Hành vi này của các em rất dễ gây ra tai nạn giao thông và gây nguy hiểm cho những người khác. Thực tế đã có không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra mà đối tượng gây tai nạn là chính các em học sinh. Đã có những câu chuyện đau lòng, cái giá phải trả quá đắt từ việc học sinh điều khiển phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi.

Hơn 1.600 học sinh Hà Nội vi phạm giao thông trong ba tháng đầu năm 2024.

Theo chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo, hành vi vi phạm của các em có một phần trách nhiệm của gia đình. Việc giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện tham gia giao thông là một tội danh được quy định trong Luật Hình sự, hành vi này bị xem xét ngay cả khi là bố mẹ giao xe cho con cái.

Lực lượng cảnh sát giao thông, Công an Thành phố Hà Nội đã nhiều lần tập trung xử lý vi phạm điều khiển xe không đúng độ tuổi quy định ở các em học sinh, với mong muốn tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của nhóm đối tượng mới lớn đang thích thể hiện này. Không chỉ các em học sinh, nhiều bậc phụ huynh đưa đón, giao xe cho con vi phạm Luật Giao thông đường bộ đều bị lực lượng chức năng xử lý nghiêm./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 70 cây cầu vượt bộ hành. Số vốn đầu tư để xây dựng một cầu vượt đường bộ là 3 đến 5 tỷ, thậm chí 10 tỷ. Tuy nhiên, nhiều người dân lại không sử dụng cầu bộ hành, mà băng ngang trực tiếp dưới lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Lý do là bởi các cây cầu này đã trở thành những điểm tụ tập vui chơi, ăn nhậu và xả rác.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành công văn về việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn thành phố.

Ghé vào nhà sách thân thuộc, tôi bắt gặp từng tốp học sinh tiểu học đang viết nắn nót những dòng chữ đầy yêu thương tới thầy cô giáo của mình. Tấm thiệp nhỏ xinh, dòng chữ ngay ngắn và cả nụ cười của các em giòn râm ran một góc nhỏ. Vậy là một mùa hiến chương nhà giáo nữa lại về.

Tối 17/11, ở chùa Bái Đính, một chương trình đặc biệt - Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông với thông điệp "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” một lần nữa khiến hàng ngàn khán giả cả nước rơi nước mắt.

Sẽ có gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành giai đoạn 2024 - 2025. Thông tin này được Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra trong phần tham luận tại Diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển” do Đài Hà Nội tổ chức ngày 16/11.

Với những người trẻ, các hoạt động sôi nổi ở phố đi bộ Hồ Gươm có lẽ là điểm đến không thể thiếu mỗi dịp cuối tuần. Những hoạt động tại phố đi bộ còn có cả các buổi phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội với ekip khá chuyên nghiệp. Thế nhưng, ngay dưới bộ dụng cụ hành nghề của những ekip này đều gắn logo quảng cáo trá hình cho trang web cờ bạc như OK VIP.