Tình yêu với 'Hà Nội của chúng ta'

Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung bắt đầu sự nghiệp tại Đài Hà Nội vào năm 1982, đã góp phần tạo nên chương trình “Hà Nội của chúng ta” - một chương trình chuyên biệt về văn hóa Hà Nội, trở thành “đặc sản” tinh thần của khán giả Thủ đô, mang thương hiệu của Đài Hà Nội.

Ngày đó rất nghèo, chúng tôi đi làm với tình yêu Hà Nội dâng trào, thấm đẫm. Tôi còn nhớ vào một chiều hè nắng cháy, anh Khiếu Quang Bảo và anh Hoàng Mạnh Cường chèo thuyền quay phim trên hồ Tây. Mỗi người đầu đội một chiếc lá sen héo rũ, gương mặt sạm đen mà nụ cười vẫn sáng lóa. Cảm xúc ngày đó thơ thới lắm, vì mình còn trẻ, yêu nghề, hy sinh bằng mọi giá.

Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung, nguyên Trưởng ban Biên tập Văn hóa - Xã hội

Phóng viên: Sự nghiệp báo chí của bà gắn với một loạt chương trình về Hà Nội, về vẻ đẹp con người Hà Nội. Trong đó “Hà Nội của chúng ta” trong một thời gian dài được coi là “đặc sản” tinh thần của khán giả Thủ đô, mang thương hiệu của Đài Hà Nội. Nhà báo có thể chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của chương trình này?

Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung: Tôi vào Đài Hà Nội năm 1982 khá thuận lợi với tấm bằng tốt nghiệp thủ khoa, Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Thời điểm đó, Đài Hà Nội mới mở chương trình truyền hình Hà Nội với thời lượng 30 phút mỗi tối thứ Ba hàng tuần, phát trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam. Năm 1984, nhà báo Nguyễn Văn Hòe lúc bấy giờ là Giám đốc Đài đặt ra yêu cầu phải có một chương trình chuyên biệt về văn hóa Hà Nội. Tôi cùng các phóng viên Khiếu Quang Bảo, Lê Lực, Lê Định, Hoàng Mạnh Cường cùng nhau thực hiện những phóng sự về danh lam, di tích, làng nghề phố nghề, danh nhân, nghệ nhân Hà Nội.

Năm 1986, chương trình được lấy tên “Hà Nội của chúng ta”. Giám đốc Đài đã giao cho tôi làm chủ nhiệm chương trình, phát sóng đều đặn sáng Chủ nhật hàng tuần. Thời điểm đó, thời lượng phát sóng của các đài truyền hình còn hạn chế. Đài Hà Nội là đài đi đầu khi xây dựng chương trình phát sóng vào sáng Chủ nhật. Tôi đã gắn bó với chương trình từ ấy cho đến tận khi nghỉ hưu, mặc dù từ năm 1992, tôi phải đảm đương song song chương trình Địa chỉ từ thiện.

Phóng viên: Thời điểm ban đầu sản xuất chương trình, hẳn là có rất nhiều khó khăn và có những kỷ niệm đáng nhớ?

Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung: Bây giờ ký ức đã xa mờ, nhưng tôi vẫn nhớ thời điểm đó tôi yêu Hà Nội lắm, yêu nghề lắm. Ngày ấy chương trình còn rất mộc mạc, máy móc cơ sở vật chất cũng còn rất đơn sơ. Chúng tôi quay phim nhựa 16 ly, khi đợi in tráng trên Đài truyền hình Việt Nam rất hồi hộp, vì chất lượng phim do Đức viện trợ để lâu đã rất xuống cấp. Mong manh lắm, có mẻ được có mẻ không. Hồi ấy dựng phim là cắt từng đoạn phim nhựa xong rồi dán nối lại với nhau bằng aceton. Khán giả truyền hình thời điểm đó thỉnh thoảng thấy chương trình đang phát sóng tự dưng màn hình đen xì, xong thấy giơ một cái bảng ghi là “Đứt phim” là vì thế đấy (cười). Đài Hà Nội dựng phim nhờ bên Đài Truyền hình Việt Nam, mỗi lần dựng chương trình là chúng tôi sang đó đó nhờ các chị kỹ thuật dựng phim cắt dán. Có lúc kỹ thuật viên đã bỏ đoạn phim đi rồi, mình lại lén nhặt lại, vì tiếc hình quay, tiếc công sức anh em đi làm vất vả quá.

Nhà báo Vũ Tuyết Nhung cùng ê-kíp sản xuất chương trình "Hà Nội chúng ta".

Phóng viên: Tình yêu Hà Nội được thể hiện như thế nào qua những chương trình của Truyền hình Hà Nội, thưa nhà báo Tuyết Nhung?

Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung: Tôi nhớ vào khoảng năm 1990, Đài Hà Nội trang bị hai bộ máy mới để dựng phim. Các kỹ thuật viên Thanh Hương, Thu Hương, Minh Phương… tham gia vào dựng chương trình "Hà Nội của chúng ta". Năm 1992, tôi thực hiện phim chân dung một nhà hoạt động xã hội cưu mang trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Tôi nhớ tên phim là: “Trên đường em tới trường”. Quay phim Hoàng Luận đã say sưa bấm máy tạo nên những khuôn hình ấn tượng, thật giàu cảm xúc. Khi chúng tôi làm hậu kỳ cho tác phẩm, gần chục đồng nghiệp trong Đài đứng vòng quanh tôi và kỹ thuật viên Thanh Hương để theo dõi từng hình ảnh, âm thanh được ráp nối với nhau. Làm sao có thể quên được cái thời khắc bay bổng kỳ lạ ấy.

Năm 1995, Đài nhập hệ thống máy quay betacam. Hồi đó giám đốc Nguyễn Văn Hải là người có tầm nhìn rất xa khi chuyển sang trang bị hệ máy quay mới này, cũng có thể nói là nhanh nhạy nhất trong số các Đài Phát thanh - Truyền hình cả nước. Máy betacam cho hình ảnh rất đẹp so với các hệ máy thời bấy giờ như VHS, Umatic. Bởi thế tôi hào hứng đi quay ngày quay đêm. Đề tài nối tiếp miên man. Mong muốn lớn nhất là giữ lại cho Hà Nội những tư liệu quý giá. Như là những ruộng rau thơm Láng cuối cùng bên con đường Láng, như là hình ảnh những phiên chợ hồng xiêm Xuân Đỉnh ban mai sớm muộn sẽ chẳng còn…Và chính bởi yêu nghề, yêu Đài, yêu Hà Nội, mà tôi may mắn có được rất nhiều dấu ấn và kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời và sự nghiệp.

Dù tạt ngang từ nghề dạy học sang nghề làm báo, nhưng nghề báo đã cho tôi rất nhiều vinh quang. Nhiều tác phẩm được giải cao liên hoan truyền hình toàn quốc như “Nghi Tàm - Làng cảnh bên hồ”, “Nỗi nhớ mùa mưa Ngâu”, “Trần Quốc Vượng trong ký ức chưa xa”, “Thưởng mai”, “Bảo tồn những giống địa lan quý Hà Nội”, “Kỹ thuật trồng hoa trà”…

Nghĩ lại những người bạn đồng nghiệp đã cùng chung sức với mình để làm nên những tác phẩm “Hà Nội của chúng ta” đầu tiên, tôi thấy thật lưu luyến. Tôi đã có những cộng sự thân tín và những người dẫn chương trình thương hiệu một thời: Chí Trung, Hà Thành Thanh Vân, Thanh Thảo, Minh Trang, Bích Hường...; các biên tập viên Ánh Mai, Như Hoa và các quay phim Đức Quang, Nguyễn Lâm, Hoàng Luận, Hoàng Phương, Nguyễn Cường, Trung Hưng, Trọng Văn, Hồng Long, Quý Dương, Tuấn Anh…; những kỹ thuật viên dựng phim Thanh Hương, Minh Phương, Bích Nguyệt và rất nhiều cộng sự tâm huyết khác ở trong và ngoài Đài Hà Nội.

Phóng viên: Chương trình “Hà Nội của chúng ta” dường như vượt ra ngoài khuôn khổ của một chương trình truyền hình, giúp tìm lại, lưu giữ những nét đẹp Hà Nội đã có phần mai một?

Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung: Năm 2007, Đài truyền hình Việt Nam lấy toàn bộ chương trình “Hà Nội của chúng ta” để phát sóng trên VTV4. Như vậy, chương trình không chỉ phục vụ khán giả Thủ đô, khán giả cả nước, mà còn được đưa ra quốc tế phục vụ đồng bào Việt Nam sinh sống xa Tổ quốc. Hình ảnh những đường phố thân quen, những cảnh sắc Hà Nội lúc giao mùa, những món ăn gợi nhớ đã khiến nhiều khán giả xao xuyến, rung động và mong muốn được trở về Hà Nội, cống hiến cho Hà Nội, mảnh đất thiêng ngàn năm văn hiến.

Và từ việc tìm tòi để thực hiện chương trình về những nét tinh hoa tài khéo của nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ của Hà Nội, mà nhiều nét đẹp của Hà Nội xưa cũ đã được biết đến, được quan tâm và khôi phục. Tôi vẫn nhớ những tác phẩm về thú chơi hoa thủy tiên, thú chơi chim yến, phong lan mùa thu, gia tộc phở Cồ ở Hà Nội…được khán giả đón nhận cũng như đoạt nhiều giải qua các cuộc thi báo chí truyền hình trong nước và quốc tế. Đặc biệt, phim khoa giáo nhan đề: “Kỹ nghệ khảm đồng tam khí” với đề tài khôi phục nghề truyền thống quý báu của dân tộc sau một thời gian dài bị mai một cũng là một dấu ấn đáng nhớ trong quá trình làm báo của tôi. Phim đoạt giải Vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2004.

Tôi rất cảm ơn các vị lãnh đạo của Đài qua 30 năm luôn tạo điều kiện để tôi được tự do sáng tạo và cũng tạo điều kiện để chương trình được đổi mới cấu trúc, cách thức thể hiện tùy theo từng thời kỳ và bắt kịp thị hiếu của khán giả. Và những bài viết phát thanh, những lời bình phim thuở ấy đã được tôi gom góp, sửa sang in thành hai bộ sách về đề tài văn hóa Hà Nội cũng có chút tiếng vang trên văn đàn là “Hà Thành hương xưa vị cũ” và “Hà Nội mến thương”.

Chương trình cũng quy tụ rất nhiều trí thức Hà Nội, những người yêu Hà Nội như Nhà giáo ưu tú, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc là cố vấn cho chương trình rất nhiều năm, nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân, nhà văn Băng Sơn, nhà văn Nguyễn Hà, nhà báo Nguyễn Thị Tịnh, nhà sử học Lê Văn Lan, các nghệ nhân Hà Nội….

Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung giao lưu trong một chương trình truyền hình về chủ đề Hà Nội.
Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung trong một chương trình về ẩm thực Hà Nội.

Phóng viên: Cho đến thời điểm hiện tại, bà vẫn luôn theo dõi các chương trình của Đài, cũng như dõi theo sự phát triển của Đài?

Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung: Trong mấy năm gần đây, Đài có chuyển biến rất lớn về nội dung và hình thức thể hiện. Được như vậy tôi nghĩ là nhờ lãnh đạo nhiệt huyết có nhiều đổi mới, cũng như sự nỗ lực hết mình của từng cá nhân cán bộ, nhân viên của Đài. Tôi nghỉ hưu đã nhiều năm, nhưng ở nhà tôi luôn có một chiếc tivi bật cố định kênh sóng của Đài Hà Nội. Tôi nhận thấy các bản tin đã có sự mới mẻ, sôi động, hiện đại. Số hóa cũng đã kéo Đài gần gũi và thu hút với khán giả hơn.

Hà Nội đang có những điều rất mới, đan xen hòa quyện với những giá trị cũ. Và các chương trình của Đài đang song hành với hơi thở của Hà Nội. Tôi có thể tìm thấy một chút dáng dấp “Hà Nội của chúng ta” và “Hà Nội ngàn năm văn hiến” trong các chương trình đổi mới của Đài như “Nhịp sống Hà Nội”, “Người Hà Nội”, “Nghệ nhân Hà Nội”.

Từ những điểm khởi sắc ấy, tôi rất kỳ vọng vào thế hệ trẻ của Đài sẽ đưa Đài Hà Nội phát triển mạnh mẽ, sáng danh trở lại như thời kỳ hoàng kim thuở ban đầu, song với những vẻ đẹp mới, khí sắc mới, thần thái mới rạng ngời muôn phần hơn thế.

Hồng Hạnh thực hiện

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hồ Gươm vào cuối thu mang một vẻ đẹp dịu dàng và lãng mạn, tiết trời se lạnh, làn gió nhẹ thoảng qua mặt hồ phẳng lặng, lác đác những chiếc lá vàng rơi.

Chụp ảnh đường phố Hà Nội là cách để những người vừa có đam mê với nghệ thuật nhiếp ảnh, vừa có tình cảm với mảnh đất Thủ đô ghi lại những khoảng khắc đời thường nhất của cuộc sống hàng ngày.

Cùng với áo dài và nón lá, guốc mộc từ thời xa xưa đã tạo nên một vẻ đẹp rất Việt. Theo thời gian, guốc mốc dần bị lãng quên. Thế nhưng nhà thiết kế Hoàng Huệ đã đưa guốc mộc từ ký ức trở về cuộc sống ngày nay, với những họa tiết hiện đại, có tính ứng dụng cao.

Không cần phải đợi đến Tết, món bánh chưng rán mâm mang hương vị tuổi thơ của nhiều người giờ đây có thể được thưởng thức mọi lúc, nhưng ngon nhất là trong thời tiết se lạnh của Hà Nội dịp này.

Khác biệt với những môn thể thao phải vận động mạnh, yoga nhìn nhẹ nhàng nhưng lại giúp cho người tập rèn luyện cả về "tâm-thân-trí". Điều này cũng đòi hỏi những huấn luyện viên yoga phải có kinh nghiệm nhất định.

Bãi sông Hồng dưới chân cầu Long Biên gần đây đã đổi thay. Rác thải ô nhiễm tồn đọng lâu ngày được thu dọn để cải tạo, trở thành điểm đến hấp dẫn của người dân và du khách.