Toàn cảnh sự sụp đổ của chính quyền Al-Assad ở Syria

Trong vòng chưa đầy hai tuần sau khi lực lượng đối lập mở lại các cuộc tấn công quy mô lớn, chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã sụp đổ chóng vánh.

Chính quyền al-Assad đã sụp đổ ra sao?

Ngày 9/12 đánh dấu một giai đoạn mới với người Syria sau khi lực lượng đối lập chiếm Thủ đô Damascus và Tổng thống Bashar al-Assad rời khỏi Damascus, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 13 năm và hơn 50 năm cầm quyền của gia tộc Assad.

Sự sụp đổ đáng kinh ngạc của hơn 53 năm cầm quyền của gia tộc al-Assad được mô tả là một khoảnh khắc lịch sử. Chỉ một tuần trước, chế độ này vẫn duy trì quyền kiểm soát đối với phần lớn diện tích của đất nước. Vậy làm sao mọi chuyện lại tan vỡ nhanh đến vậy? Bắt đầu từ khi nào?

Vào ngày 27 tháng 11, một liên minh các chiến binh đối lập đã phát động một cuộc tấn công lớn chống lại các lực lượng ủng hộ chính phủ. Cuộc tấn công đầu tiên diễn ra ở tiền tuyến giữa Idlib do phe đối lập kiểm soát và tỉnh Aleppo lân cận. Ba ngày sau, các chiến binh đối lập đã chiếm được thành phố lớn thứ hai của Syria, Aleppo.

Các lực lượng chống chính phủ Syria ở Aleppo ngày 1/12. Ảnh: AFP.

Được gọi là “Chiến dịch Răn đe xâm lược”, cuộc tấn công lật đổ chính phủ có sự tham gia của nhiều nhóm đối lập có vũ trang ở Syria, do tổ chức vũ trang Hayat Tahrir al-Sham (HTS) lãnh đạo và được các phe phái đồng minh do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn hỗ trợ. Trong đó, HTS do ông Abu Mohammed al-Julani là người đứng đầu, là lực lượng đối lập lớn nhất và có tổ chức nhất, đã kiểm soát tỉnh Idlib trong nhiều năm trước cuộc tấn công này.

Các nhóm khác tham gia bao gồm Mặt trận Quốc gia Giải phóng, Ahrar al-Sham, Jaish al-Izza, Phong trào Nour al-Din al-Zenki, cũng như các phe phái được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Vì sao chính quyền Tổng thống al-Assad sụp đổ nhanh như vậy?

Syria đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, được cho là phần lớn dựa vào hoạt động buôn bán trái phép chất gây nghiện Captagon.

Cựu Tổng thống Al-Assad trở nên cực kỳ mất lòng dân khi người dân chật vật kiếm sống qua ngày, phần lớn binh lính không muốn chiến đấu vì ông. Theo báo cáo, binh lính và cảnh sát đã bỏ vị trí, giao nộp vũ khí và chạy trốn trước khi phe đối lập tiến công. Về mặt quân sự, chế độ của ông al-Assad cũng yếu trong nhiều năm, dựa vào sự hỗ trợ quân sự của Nga và Iran để chống đỡ.

Thủ lĩnh HTS Abu Mohammad al-Julani. Ảnh: AFP.

Các nhà phân tích cho rằng, chính quyền Tổng thống al-Assad và quân đội Syria đang phải phụ thuộc sự hỗ trợ của Nga và Iran. Tuy nhiên, cả Nga và Iran hiện giờ đều đang đối mặt với các vấn đề khác, trong đó với Moscow là chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, còn với Tehran là cuộc xung đột giữa các đồng minh Hezbollah, Hamas với Israel.

Cựu Tổng thống al-Assad ở đâu?

Tối 8/12 (theo giờ Moscow), hãng tin TASS dẫn nguồn tin từ Điện Kremlin cho biết, ông Bashar al-Assad, Tổng thống Syria được Bộ Ngoại giao Nga xác nhận đã từ chức trước đó, đang ở Moscow và được cấp tị nạn ở Nga. Nguồn tin này khẳng định, ông Assad cùng các thành viên gia đình đã đến Moscow, trên cơ sở lý do mang tính nhân đạo, đã được cấp tị nạn.

Thủ tướng Syria Mohammad Ghazi al-Jalali vẫn ở lại trong nước, tuyên bố rằng ông sẵn sàng hợp tác với bất kỳ nhà lãnh đạo nào ủng hộ người dân và kêu gọi bảo tồn các thể chế Nhà nước “dành cho tất cả mọi người”.

Tổng thống Putin (bên phải) và cựu Tổng thống Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh: TASS.

Reuters đưa tin, ngày 9/12, thủ lĩnh lực lượng nổi dậy Hayat Tahrir al-Sham (HTS) Abu Mohammad al-Jolani đã gặp gỡ Thủ tướng Syria Mohammed al-Jalali để thảo luận việc chuyển giao quyền lực. "Chúng tôi sẵn sàng nhượng lại quyền lực của mình ngay khi được yêu cầu. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi hiện nay là đảm bảo đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người dân Syria", ông Jalali nói với kênh truyền hình Al Arabiya. Trước đó, ông Jalani cũng tuyên bố hợp tác với phe đối lập và cam kết một quá trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ, có hệ thống.

Ngày 10/12, Thủ tướng Syria Mohammed al-Jalali đã đồng ý chuyển giao quyền lực cho lực lượng đối lập “Chính phủ cứu nguy”. Lực lượng đối lập đã chỉ định ông Mohammed Al-Bashir – người đứng đầu “Chính phủ cứu nguy” thành lập chính phủ mới của Syria để quản lý giai đoạn chuyển tiếp tại quốc gia này.

Kỷ nguyên mới ở Syria

Tổng thống lâu năm của Syria, Bashar Assad, đã buộc phải rời khỏi đất nước, đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên không chỉ định hình nên số phận của đất nước Syria mà còn định hình nên bối cảnh địa chính trị rộng lớn hơn của Trung Đông. Sự kiện này mang tính biểu tượng không chỉ đối với người dân Syria mà còn đối với toàn bộ khu vực và cộng đồng quốc tế nói chung, vì nó mở ra một chương mới trong lịch sử của một quốc gia có nền văn hóa vô cùng phong phú và lâu đời.

Syria, vùng đất của các nền văn minh cổ đại, đã phải đối mặt với những thách thức to lớn trong thập kỷ qua: chiến tranh, sự tàn phá, hàng triệu người phải di dời, bất ổn kinh tế và sự xâm nhập của các nhóm khủng bố. Đất nước này đã trở thành chiến trường cho nhiều cường quốc toàn cầu và khu vực. Việc ông Assad từ chức có thể là một thời điểm then chốt, có khả năng cho phép Syria thoát khỏi vòng xoáy xung đột và bắt đầu hành trình hướng tới một tương lai mới.

Syria đối mặt cả cơ hội và rủi ro sau khi chính quyền Assad sụp đổ. Ảnh: AFP.

Sự kiện này chắc chắn sẽ được diễn giải theo nhiều cách khác nhau – đối với một số người, nó có thể tượng trưng cho sự cải cách và hòa giải được mong đợi từ lâu, trong khi đối với những người khác, nó có thể báo hiệu những bất ổn mới. Cuối cùng, kết quả sẽ phụ thuộc vào việc người dân và các chính trị gia Syria có tận dụng cơ hội lịch sử này hay không. Trong mọi trường hợp, các cuộc đàm phán, cải cách và tìm kiếm một mô hình quản trị mới để thống nhất xã hội đều nằm ở phía trước.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn: Lịch sử phong phú của Syria không thể bị lãng quên. Những chuyển đổi đang diễn ra trước mắt chúng ta có thể báo hiệu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới, nơi Syria tìm thấy sự ổn định và thịnh vượng, rút ra những bài học từ quá khứ nhưng vẫn được thúc đẩy bởi hy vọng cho tương lai.

Thay đổi căn bản cán cân quyền lực

Việc ông Assad từ chức đã thay đổi cơ bản cán cân quyền lực. Thứ nhất, các đảng phái chính trị mới ở Syria có khả năng sẽ xa lánh Iran để cải thiện quan hệ với phương Tây, các quốc gia Ả Rập khác và Thổ Nhĩ Kỳ. Thứ hai, sự ra đi của ông Assad làm suy yếu hình ảnh của Iran như một người bảo đảm sự ổn định cho các đồng minh của mình. Ngoài ra, sự suy yếu ảnh hưởng của Iran ở Syria làm phức tạp thêm vị thế của nước này trong toàn bộ khu vực. Hezbollah, vốn phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của Syria, giờ đây trở nên dễ bị tổn thương hơn nhiều. Và, vì tin tưởng rằng Tehran không còn kiểm soát đáng kể khu vực này nữa, Israel có thể gia tăng áp lực lên cơ sở hạ tầng của Iran ở Syria.

Đối với Iran, việc mất đi một đồng minh kiên định như Syria là một thất bại chiến lược làm suy yếu vị thế của nước này trong khu vực và có thể dẫn đến mối quan hệ căng thẳng với các nước láng giềng ngày càng coi Iran là nguồn gây bất ổn thay vì là một lực lượng thống nhất.

Bình minh của một kỷ nguyên mới ở Syria chắc chắn sẽ tác động đến địa chính trị Trung Đông nói chung, bao gồm cả chính sách đối ngoại của Iran. Với mối quan hệ lịch sử, tôn giáo và văn hóa sâu sắc với Syria, Tehran cần phải hiệu chỉnh lại chiến lược của mình để phù hợp với thực tế đang thay đổi. Khoảnh khắc này đánh dấu sự khởi đầu của một chương mới trong lịch sử chính sách đối ngoại lâu đời của Iran, vốn luôn gắn chặt với các sự kiện khu vực. Sau khi đóng vai trò nổi bật trong cuộc xung đột Syria, Iran hiện thấy mình đang ở ngã ba đường: hoặc phải xem xét lại ảnh hưởng của mình ở Syria hoặc có nguy cơ mất đi đồng minh chiến lược này.

Tuy nhiên, Iran có kế hoạch tận dụng các mối quan hệ kinh tế, văn hóa và tôn giáo của mình để củng cố chỗ đứng của mình tại Syria. Tehran có thể đưa ra các hình thức hợp tác mới tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng và tái thiết sau xung đột để duy trì ảnh hưởng của mình. Tuy nhiên, các chuyên gia Iran tin rằng giới lãnh đạo mới của Syria sẽ thận trọng trong việc hợp tác với Iran và sẽ hướng tới mục tiêu tránh phụ thuộc vào bất kỳ thế lực nào.

Phiến quân ăn mừng trước sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Syria Bashar Al-Assad.

Tương lai của quan hệ Iran - Syria trong tình hình mới vẫn còn chưa chắc chắn. Tehran sẽ cần phải thích nghi với động lực địa chính trị đang thay đổi và tìm cách duy trì ảnh hưởng của mình, đặc biệt là khi các phương tiện đòn bẩy truyền thống có thể tỏ ra không đủ.

Tình hình ở Syria là bước ngoặt đối với quốc gia này, và nó buộc Iran phải đánh giá lại các cách tiếp cận truyền thống của mình đối với chính sách đối ngoại. Trước hết, Tehran phải tìm hiểu các công cụ và phương tiện mới để gây ảnh hưởng, bao gồm quan hệ đối tác kinh tế, ngoại giao văn hóa và hỗ trợ tái thiết quốc gia bị chiến tranh tàn phá này. Ngoài ra, Iran có thể tìm cách tăng cường quan hệ với các đồng minh khu vực khác để bù đắp những tổn thất tiềm tàng. Điều này sẽ đòi hỏi sự linh hoạt và sẵn sàng thỏa hiệp.

Mặt khác, kỷ nguyên mới này cũng mở ra nhiều cơ hội cho Iran. Sự thay đổi quyền lực ở Syria có thể mang đến cơ hội thiết lập các mối quan hệ cân bằng hơn, không chỉ dựa trên hợp tác quân sự mà còn dựa trên các dự án kinh tế cùng có lợi. Một cách tiếp cận như vậy có thể củng cố hình ảnh của Iran như một quốc gia cam kết duy trì sự ổn định trong khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng từ phương Tây và các quốc gia Ả Rập.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Các đơn vị thuộc Nhóm tác chiến phía Bắc của Nga tiếp tục cuộc tấn công, kiểm soát các khu định cư Daryino và Plyokhovo ở Khu vực Kursk, Bộ Quốc phòng Nga đưa tin. Lực lượng vũ trang Ukraine đã mất hơn 200 quân ở khu vực Kursk trong ngày qua.

Giới chức Sudan cho biết đã có ít nhất 176 người thiệt mạng trong 2 ngày giao tranh giữa quân đội Sudan và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự trên khắp lãnh thổ nước này.

Các quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ với NBC News rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc xóa tên tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS) khỏi danh sách các tổ chức khủng bố.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk vừa nêu nhận định về thời điểm các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine có thể diễn ra, khi Warsaw chuẩn bị đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên EU vào tháng 1/2025.

Bất ổn chính trị ở Hàn Quốc ngày càng sâu sắc. Người dân Hàn Quốc tự hỏi ai sẽ là người điều hành chính phủ và cả quân đội vào thời điểm Hàn Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức về chính sách đối ngoại. Những thách thức đó bao gồm căng thẳng ngày càng tăng với Triều Tiên và hoạt động ngoại giao tế nhị cần thiết với đồng minh Mỹ khi lễ nhậm chức của ông Donald Trump đang đến gần.

Cơ quan quản lý cải tạo Hàn Quốc cho biết cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong Hyun đã cố gắng tự tử tại cơ sở giam giữ ở phía đông Seoul nhưng bất thành.