Tôi nghe lời yêu thương chàng Chế Mân với công chúa Huyền Trân

Bồng bềnh trăng. Bồng bềnh gió. Bồng bềnh mây. Tôi men theo trăng. Men theo gió. Men theo mây. Men theo tháp cổ về với một vùng ký ức xa xôi. Chiều nay, mời bạn cùng Hường và Chu Minh về thăm Tháp Đôi của Quy Nhơn- Bình Định và hồi tưởng một thời vương quốc Champa.

Đêm vời vợi trăng. Trăng lóng lánh dát vàng lên phố. Phố bồi hồi cởi bỏ tấm áo choàng đen huyền bí để lộ ra nét vàng son một thuở. Tháp cổ rêu phong cũng bừng thức giấc hớp lấy ánh trăng. Trăng tan vào không gian. Tan vào từng mảng ký ức tưởng đã ngủ vùi trong quên lãng. Tháp Đôi bừng sáng. Tháp Đôi lưu giữ ký ức một thời. Một vùng văn hóa Champa.

Nếu bạn đến Quy Nhơn mà chưa ghé thăm Tháp Đôi thì cũng như chưa từng đến Quy Nhơn. Có người đã nói rằng : “gương mặt của Quy Nhơn là biển, cốt cách của Quy Nhơn là võ cổ truyền, tâm hồn của Quy Nhơn là đồi thi nhân nơi thi sĩ Hàn Mặc Tử yên nghỉ và lịch sử Quy Nhơn chính là di tích Tháp Đôi".

Tháp Đôi là một trong những quần thể tháp đẹp nhất của hệ thống tháp Chăm nằm rải rác khắp vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

Tháp Đôi hay còn gọi là Tháp Hưng Thạnh, trong tiếng J’rai gọi là SRI BANOI – là một trong tám cụm tháp Chăm còn lại trên đất Bình Định, một di tích kiến trúc văn hóa Chăm mang màu sắc tôn giáo đặc sắc.

Tôi, một người sống ở đất Quy Nhơn cũng đã đủ lâu để đi khắp phố phường, đêm đi qua Tháp Đôi không thể không ngoái đầu nhìn vào. Nói thật là tôi chưa một lần đến đứng dưới chân Tháp, chưa một lần dám sờ tay lên những viên gạch đã nhuộm đủ nắng gió thời gian. Tôi sợ mình sẽ lỡ tay chạm vào sự huyền bí thiêng liêng của một vùng văn hóa đã chìm vào trầm luân của lịch sử. Tôi sợ đánh thức vị vua hào hoa Chế Mân, vị vua xứ Chiêm Thành đã nguyện dâng trọn vẹn tình yêu của mình cho nàng công chúa Đại Việt Huyền Trân.

Tôi đêm nay lang thang bên tháp cổ. Sự huyền bí cuốn hút tôi. Tôi lắng nghe trong thanh âm của đêm, của trăng và gió nhịp chảy của thời gian. Có điều gì như thổn thức. Tôi muốn chìm vào ký ức. Tôi muốn cùng những cô gái Chăm múa điệu múa thần tiên. Tôi muốn lắng nghe lời thủ thỉ yêu thương của chàng Chế Mân với công chúa Huyền Trân mấy trăm năm trước.

Huyền Trân công chúa (Công chúa Đại Việt). Ảnh: Internet.

Bạn lặng im bên tôi, trao cho tôi dũng khí để chạm vào từng viên gạch. Cẩn trọng, nhẹ nhàng và tôn kính khi chạm vào miền ký ức huyền bí linh thiêng. Tôi cảm nhận từng viên gạch như đang ấm dần lên, hay vì sự bồi hồi trong tim khiến tôi bối rối. Một sự kỳ bí không dễ gì lý giải hay do tôi cảm thấy vậy ? Bạn hãy một lần ghé thăm Tháp Đôi, biết đâu bạn cũng sẽ có cảm nhận giống như tôi.

Tháp Đôi nằm cạnh Cầu Đôi như một sự sắp đặt của lịch sử và bàn tay con người, để rồi hình tượng Tháp Đôi - Cầu Đôi đi vào nhiều tác phẩm thơ văn, ca dao trữ tình của người Quy Nhơn:

"Cầu Đôi liền với Tháp Đôi

Quanh năm quấn quýt như tôi với nàng"

Mỗi khi đi cùng tôi qua Tháp Đôi bạn thường đọc to hai câu ca dao ấy và nhìn tôi ý nhị. Tôi vờ như vô tình không nhận ra điều ánh mắt bạn muốn nói. Xin hãy giữ lại trong nhau những gì trong sáng nhất.

Tháp Đôi đứng đó như một chứng nhân của lịch sử với bao biến thiên thăng trầm. Nền văn hóa Champa rực rỡ một thời nay đã hòa chung trong dòng chảy văn hóa dân tộc nhưng vẫn lung linh một nét độc đáo riêng của vương quốc Chiêm Thành ngàn xưa.

Cụm Tháp Đôi là một công trình kiến trúc độc đáo, dấu tích văn hóa Chăm còn lại khá nguyên vẹn trên đất Quy Nhơn ngày nay. Ảnh: Dũng Nhân

Tháp Đôi thực sự là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo mang vẻ đẹp tinh tế.  Đến Tháp Đôi, bạn sẽ được chìm đắm trong thế giới kỳ bí để hồi tưởng lại một thời văn minh Champa. Ta tìm về quá khứ để quý hơn hiện tại.

Trăng soi tháp cổ. Tháp cổ lóng lánh sắc vàng. Tôi chìm trong trăng. Trăng soi tháp cổ hay đang soi chiếu vào tâm hồn ta những giá trị văn hóa trường tồn. Đánh thức trong ta tình yêu và trách nhiệm trước những giá trị linh thiêng của một miền văn hóa./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Có một ngày, ta trở về thăm chốn cũ, lặng yên bên thềm giếng xưa, chiếc giếng khơi vẫn một mình đứng đó, cất giữ giùm ta bao kỷ niệm, bao ký ức thân thương, đợi ta trở về.

Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc lên rừng hái rau. Có một người con luôn nhớ mẹ hay nói câu đó trước khi bắt đầu kể chuyện của bố và mẹ. Không hiểu sao mỗi lần mẹ kể là mỗi lần mưa dầm, cũng có thể mẹ chọn ngày mưa dầm để kể, cho nó hợp với câu chuyện, kiểu vậy.

Khi mọi loài hoa khác đã héo tàn hoặc thu mình cho qua mùa giá rét thì hoa dã quỳ lại bừng nở vàng tươi giữa cao nguyên mang đến cảm giác quyến rũ đến lạ thường.

Có muôn ngàn cách để kể về ba. Là chiếc lưng biến hóa thần kỳ thành ngựa cho con cưỡi nhong nhong. Là anh hùng dũng cảm giải cứu khi con mắc kẹt. Là siêu nhân giúp con hướng đến những việc làm tử tế. Nhưng với một người con, trên hết, ba là ánh nắng ấm áp chở che suốt cuộc đời này.

Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....

Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?