Tôi tự hào lấy chồng người gốc Hà Nội
Sau đây là những dòng cảm xúc của Ngọc Thanh - một cô gái miền Nam lấy chồng người Hà Nội.
Tôi là người miền Nam. Đến khi lấy chồng là người gốc Hà Nội. Những ngày đầu về làm dâu, tôi mới cảm nhận được nếp sinh hoạt khác biệt giữa hai miền. Đầu tiên là cách mời trước bữa ăn. Ở nhà tôi, trước khi ăn mời ông bà ba mẹ, đông đủ rồi thì ăn. Nhà chồng lại khác, lên mâm cơm, người nhỏ mời từng người lớn, xong hết mới bắt đầu ăn. Dù các thành viên đã dùng bữa, mình ăn sau vẫn mời. Câu mời phải có đầu có đuôi “con mời bố xơi cơm”, chứ không phải “ba ơi, vô ăn cơm” như ở nhà. Khi ăn nhẹ nhàng từ tốn, tránh gây ra tiếng động, có chuyện gì cũng đợi ăn xong mới nói. Sau bữa cơm, mọi người ngồi lại, uống nước, ăn bánh, thong thả chuyện trò. Bữa ăn đôi khi kéo dài hai ba tiếng.
Mọi người nói chuyện với nhau lễ phép, một tiếng thưa hai tiếng gửi. Đợi người khác nói xong mới đến lượt mình. Lúc nói chậm rãi, không hấp tấp vội vàng. Bố chồng tôi khi kể chuyện luôn mở đầu “chuyện là vầy”, “như thế này nhé”. Đã ngoài tám mươi, nhưng nói chuyện với người ngoài, người nhỏ tuổi hơn ông vẫn “vâng ạ”. Ông bảo người Hà Nội xưa nay vẫn thế. Bố dạy con cháu trong nhà cư xử lịch thiệp trong từng cử chỉ, hành động nhỏ, cẩn trọng lời ăn tiếng nói, không tranh cãi, không hơn thua. Bố nhắc mọi người từ tốn, chậm rãi trong giao tiếp, trong hành xử cũng như quyết định. Ảnh hưởng phong cách của bố, tôi dần khắc phục được cái tính nhanh nhảu đoảng của mình.
Mọi người thẳng thắn với nhau, không xu nịnh, không lấy lòng cũng tránh mỉa mai. Bố kể chuyện, được mời đi ăn, chủ nhà hỏi, anh thấy ngon miệng không. Nếu ngon thì bố khen ngay, không ngon bố sẽ bảo, rượu ngon, hoặc trà thơm, chứ không khen lấy lệ. Bố dạy con cháu trong nhà đi đứng khoan thai, không đi quá nhanh sẽ khổ cả đời, cũng không rề rà chậm chạp trông kém lanh lợi. Bố chọn lối sống bình dị, nhưng chỉn chu. Mọi người không lòe loẹt theo mốt, ăn mặc đúng tuổi đúng thì đơn giản mà gọn gàng, không để đầu bù tóc rối, áo quần nhăn nheo ra đường. Cánh đàn ông bước ra ngoài thì mặc áo có cổ, quần dài, trời nóng thì mặc quần ngang gối, tuyệt đối không mặc quần cộc, càng không để mình trần ra khỏi phòng.
Các bà, các bác trong gia đình đa phần đều giỏi nữ công gia chánh, đặc biệt mẹ nấu ăn rất ngon. Những dịp lễ tết hay khi đại gia đình tập trung, kẻ nấu ăn, người làm bánh, mỗi người một món đủ mâm mỹ vị. Tôi ghiền món bún thang và món phở mẹ nấu. Giờ mẹ không còn, cả nhà vẫn nhắc cái hương vị đặc biệt trong món ăn của mẹ. Những chiếc áo len, đến mùa đông được đem ra, áo này cô Hảo đan, áo kia cô Hương móc. Chồng tôi còn giữ cái áo thun trắng nay đã ố vàng, trên đó vẽ các nhân vật hoạt hình sinh động, do chính tay cô Hồng, em của bố vẽ tặng các cháu.
Bố sống kín đáo, cánh cửa nhà luôn đóng để giữ sự yên tĩnh và riêng tư trong nhà. Mẹ chồng lúc sinh thời thỉnh thoảng qua lại giao lưu với hàng xóm láng giềng, về nhà cũng kể chuyện ông A, bà B ở đầu đường cuối ngõ, nhưng luôn giữ chừng mực cho mình và cho người khác. Câu chuyện sau bữa cơm, nếu con cháu đứa nào có chiều hướng bình phẩm, khen chê, bố sẽ đằng hắng “mỗi người có cách sống riêng của họ”, mọi người lập tức chuyển sang những vấn đề vui vẻ.
Bố là người coi trọng gia đình và truyền thống. Cuộc sống hiện đại, nỗi lo cơm áo gạo tiền kéo mỗi người đi mỗi ngả. Nhưng đến ngày giỗ kỵ mọi người đều quay về, thắp nén hương cho ông bà tổ tiên, để mọi người nhớ cội rễ của mình, để anh chị em, họ hàng được gần gũi, sẻ chia. Sau nhiều năm, tôi đã quen nếp sinh hoạt trong gia đình chồng. Tôi thầm cảm ơn bố đã giữ gìn nếp sống của người Hà Nội đến tận bây giờ, để dẫu có đi xa, những tính cách tốt đẹp ấy vẫn được truyền thừa cho các thế hệ cháu con./.
Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....
Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?
Có những ánh mắt ta chẳng thể nào quên, không cần lời nói nhưng lại lưu giữ một điều gì đó sâu thẳm trong tim, tựa như một lời yêu chưa kịp nói. Cuộc đời là những chuyến đi dài, và trong những ngày cũ kỹ, có ai đó đã từng bước qua đời ta, để lại một dấu lặng mang tên ký ức.
Với những người thuộc thế hệ 7X, 8X trở về trước, hình ảnh chiếc xe đạp dường như đều gắn liền với ký ức của mỗi người. Dù thời gian trôi qua nhanh như nước chảy qua cầu, nhưng những điều thân thương nhất gắn liền với chiếc xe đạp, với tuổi trẻ và tình yêu của một thời đã qua vẫn còn mãi trong ta…
Hôm nay, Hà Nội mưa rơi. Có lẽ do ảnh hưởng của không khí lạnh nên nhiệt độ ở Thủ đô giảm sâu. Đi trên những cung đường của Hà Nội, tôi cảm nhận rõ rệt từng cơn gió lạnh ùa về. Nó khiến cho lòng người có cảm giác nao nao, nhớ về một vòng tay ấm... Vậy là, đông đã về với Hà Nội thật rồi.
Có một người theo gia đình về sống ở Hà Nội khi vừa bước vào quảng đời niên thiếu nhiều mộng mơ. Chắc cũng vì đang ở độ tuổi ngây thơ, luôn nhìn mọi thứ bằng đôi mắt sáng trong nên cảm nhận về Hà Nội thân thương trong cô đẹp và dịu dàng vô cùng. Nhiều năm xa Thủ đô, chuyển vào miền Nam sinh sống, nhưng lòng cô vẫn không thôi hoài mong nhớ về...
0