Tổng Bí thư: Không để chậm trễ tinh gọn bộ máy

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định cần quyết liệt triển khai cuộc cách mạng về xây dựng hệ thống chính trị. Đây cũng là nguyện vọng, mong muốn của cán bộ, đảng viên và nhân dân, có sự lan tỏa, đồng tình ủng hộ rất lớn trong toàn Đảng, hệ thống chính trị và xã hội.

Sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả 

Tổng Bí thư nêu rõ, cần thống nhất rất cao về nhận thức, hành động, quyết tâm chính trị trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và định hướng sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nhấn mạnh thời gian rất gấp rút, công việc phía trước còn rất nhiều việc phải làm, Tổng Bí thư cho biết yêu cầu của thực tiễn cần thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng về xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tạo ra khí thế mới, nguồn lực, động lực mới, sức mạnh nội sinh mới của Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội, nâng cao sức mạnh, sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo, cầm quyền của tổ chức Đảng, đáp ứng yêu cầu ngang tầm nhiệm vụ trong kỷ nguyên mới.

Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, tiêu biểu là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Qua thực hiện, tổ chức bộ máy các cấp đã có bước đổi mới theo hướng tinh gọn, hiệu quả, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TTXVN.

Tuy nhiên, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu quả hoạt động chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống, một số chủ trương không triển khai được hoặc triển khai hình thức, dẫn đến tính chủ động, đổi mới, sáng tạo chưa cao, năng suất, hiệu suất lao động thấp; tình trạng thờ ơ, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, tiêu cực, phiền nhiễu còn nhiều… gây lãng phí nguồn lực, cản trở, kìm hãm sự phát triển.

Các cấp uỷ, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu, đặc biệt là các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng, xác định quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, gương mẫu, chủ động quyết liệt, mạnh mẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, “Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở”. Chú ý hai điểm cốt yếu:

(1) Việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW phải được tiến hành khách quan, dân chủ, khoa học, cụ thể, sâu sắc, cầu thị; khẩn trương thực hiện nhưng phải bảo đảm thận trọng, chắc chắn, giữ vững nguyên tắc, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, kinh nghiệm các nước…làm cơ sở đề xuất các biện pháp xây dựng mô hình tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, thống nhất. Quyết tâm hoàn thành tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW và báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong quý I/2025.

(2) Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bám sát các nguyên tắc của Đảng, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ của Đảng, Hiến pháp, Pháp luật và yêu cầu thực tiễn. Quán triệt, kiên định thực hiện các nguyên tắc cốt lõi, bảo đảm vận hành thông suốt cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Tổ chức bộ máy mới hoạt động phải tốt hơn tổ chức bộ máy cũ. Trong quá trình sắp xếp phải bảo đảm vận hành thông suốt, không gián đoạn, mất thời gian chờ đợi, không bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, không ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội, đời sống của người dân. Bộ máy sau sắp xếp, tinh gọn phải được vận hành thông suốt, hiệu năng, hiệu quả, hiệu lực. Tinh gọn tổ chức bộ máy phải gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đáp ứng phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh. Có cơ chế sàng lọc đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; thu hút, sử dụng người có năng lực nổi trội. Thực hiện thật tốt công tác tư tưởng chính trị, chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi tác động, ảnh hưởng khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Tháo gỡ điểm nghẽn là "đột phá của đột phá"

Song song với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, Tổng Bí thư nêu cao vai trò quan trọng của việc hoàn thiện thể chế. Đây là “khâu đột phá của đột phá” để khơi thông nguồn lực và tạo động lực mới cho phát triển.

Tổng Bí thư yêu cầu, cần tiếp tục tạo đột phá hơn nữa về thể chế phát triển, tháo gỡ hết các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để khơi thông mọi nguồn lực và cải cách hành chính mạnh mẽ, kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển. Đổi mới thể chế phát triển không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan xây dựng pháp luật, mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và của từng cán bộ, đảng viên tham gia xây dựng, thực thi pháp luật. Phải có "liều thuốc đủ mạnh" để trị căn bệnh cán bộ làm việc hành chính, máy móc; tiêu cực, nhũng nhiễu, "hành dân", "hành doanh nghiệp", có lợi ích cá nhân thì mới làm, cố tình làm chậm công việc, xin ý kiến lòng vòng, đổ lỗi cho thể chế, đổ lỗi cho sợ trách nhiệm.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quốc hội.

Nhấn mạnh các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đã khá đầy đủ, bây giờ là lúc phải hành động, Tổng Bí thư đề nghị, trên cơ sở chủ trương, chính sách chung của Đảng, Nhà nước và sự điều tiết của Trung ương, các địa phương phải trăn trở, suy nghĩ "trên chính mảnh đất của mình", phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo để phát triển; từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải đặt ra mục tiêu phấn đấu cụ thể để đóng góp vào hoàn thành mục tiêu chung của đất nước. Hơn lúc nào hết, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần đặt lợi ích chung lên trên hết, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, đột phá, dũng cảm hy sinh để đất nước phát triển.

Ngoài nỗ lực của Đảng, Chính phủ, Nhà nước, cần sự hưởng ứng, vào cuộc của người dân. Phát triển kinh tế cần gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, đáp ứng ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tạm, nhà dột nát... thể hiện rõ bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Trước thời cơ đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, Tổng Bí thư kêu gọi các cấp ủy, tổ chức Đảng, đặc biệt là người đứng đầu, phải gương mẫu, quyết tâm cao, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung.

“Đây là thước đo bản lĩnh chính trị và trách nhiệm của chúng ta với Đảng, với nhân dân và với tương lai đất nước”, Tổng Bí thư nhấn mạnh, đồng thời tin tưởng sau hội nghị hôm nay sẽ hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng XIII, chuẩn bị tốt nhất cho Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, tạo tiền đề vững chắc, mạnh mẽ cho công cuộc đổi mới và phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Chiều 2/12, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ năm với chủ đề "Tăng trưởng kinh tế 2 con số vùng Đông Nam Bộ năm 2025: Thách thức, cơ hội và giải pháp".

Cơ quan CSĐT Công an quận Long Biên đang xác minh đơn tố giác đối với Trịnh Ngọc Sơn (SN 1986, HKTT: phường Phúc Thành, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 29/11, cán bộ Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội, phát hiện một người đàn ông cất giấu 3 mẫu vật nghi là sừng tê giác.

Khi thuốc lá điện tử bị cấm từ năm 2025 theo sự thống nhất của Quốc hội, người sản xuất, kinh doanh, sử dụng mặt hàng này có thể chịu xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Những ngày cuối năm, nhiều người dân có nhu cầu vay tiền. Lợi dụng tâm lý của khách hàng muốn vay nhanh, thủ tục thuận tiện, các đối tượng đã giả danh nhân viên ngân hàng, công ty tài chính đăng tải thông tin hỗ trợ vay tiền, giải ngân nhanh trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị hỗ trợ ngăn ngừa thông tin giả mạo về xuất khẩu lao động.