Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một cuộc đời bình dị, khiêm nhường | Hà Nội tin mỗi chiều
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sinh ra và lớn lên tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội – một làng quê thanh bình hình thành từ lâu đời với những người dân hiền hậu, hiếu học và nề nếp.
Trong câu chuyện của người Lại Đà hôm nay ngồn ngộn những ký ức về người con của làng - một vị lãnh đạo cấp cao khi trở về làng vẫn đôi dép giản dị, ngồi bậc thềm tâm sự với người thân và bà con xóm giềng; thả bộ trên con đường làng tới đình làng vào ngày hội.
Chính sự thân tình, gần gũi và giản dị ấy khiến những người dân quê hương Lại Đà cảm thấy không còn khoảng cách vời vợi giữa người dân bình thường với vị Tổng Bí thư của Đảng. Vị Tổng Bí thư như muôn người con của làng làm việc ở nơi xa trở về thăm quê.
Dù ngổn ngang việc Đảng, việc nước, khi Tết đến, Tổng Bí thư vẫn dành thời gian, viết thư tay chúc sức khỏe cô giáo dạy mình thuở thiếu thời.
Nhớ về những năm tháng sinh viên khóa 8, Khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Thiện - Tổng biên tập báo Diễn đàn văn nghệ, bạn đồng môn với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tưởng: “Không chỉ các bạn trong lớp yêu quý mà đi đến đâu anh Trọng cũng chiếm được cảm tình của mọi người vì anh ấy hiền lành, thân thiện, hòa đồng.
Tôi còn nhớ rõ, năm thứ tư đại học, chúng tôi có đợt đi thực tế để làm luận văn tốt nghiệp, tôi và anh Trọng cùng một số người được phân về đội thanh niên xung phong N57 ở Lạng Sơn. Ngoài những giờ nghiên cứu tài liệu, học tập, hàng ngày, anh Trọng đều đi làm đường, cuốc đất cùng mọi người, buổi tối còn ngồi sinh hoạt tập thể, nói chuyện rồi đàn hát rất vui nên các anh chị em thanh niên xung phong, ai cũng mến”.
Từ khi là một cán bộ bình thường đến khi đảm nhận những chức vụ lãnh đạo trọng yếu Đảng và của nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn vẹn nguyên đức tính giản dị, khiêm nhường, cần, kiệm, liêm, chính. Suốt 20 năm, từ cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn sử dụng duy nhất một chiếc xe công vụ.
Nhắc về những kỷ niệm sâu sắc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Phạm Quang Nghị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội chia sẻ: "Nếu dùng những từ ngắn gọn nhất thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo có phẩm chất hết sức tiêu biểu, mẫu mực về sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Một nhà lãnh đạo hết lòng vì sự nghiệp chung của Đảng và nhân dân. Khi là người ở cương vị lãnh đạo cao nhất, đồng chí cũng là người gương mẫu nhất về sự giản dị, từ việc ăn mặc, đi lại, sử dụng các phương tiện chung, đến sinh hoạt riêng.
Nếu chú ý chúng ta sẽ thấy từ chiếc áo sơ mi, chiếc cà vạt, chiếc kính mà Tổng Bí thư đã dùng, có lẽ hàng chục năm không thay đổi. Khi tôi còn làm việc, rất nhớ cái cặp đựng tài liệu đã theo Tổng Bí thư suốt mấy chục năm. Đó là chiếc cặp da rất bình dị, đã sờn bạc. Nếu không có sự gương mẫu, giữ gìn như vậy chắc anh đã không thể quyết liệt như anh đã làm trong cuộc đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí như vừa qua".
Nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại, nguyên Hiệu trưởng THPT Nguyễn Gia Thiều, nơi mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng học thuở thiếu thời kể: “Tập thể giáo viên học sinh trường THPT Nguyễn Gia Thiều tổ chức buổi gặp mặt các cựu học sinh từng học tại trường những năm 1960 để mừng thọ thầy giáo Nguyễn Văn Quế 75 tuổi. Sáng hôm đó, chúng tôi thực sự bất ngờ khi anh Nguyễn Phú Trọng, khi đó đã là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội lại tới trường bằng xe máy”.
Hình ảnh ấy đã để lại ấn tượng rất đẹp trong lòng mọi người. Một cán bộ cấp cao nhưng hoàn toàn không có sự quan cách. Và trên hết, đó là hình ảnh một người lãnh đạo khiêm nhường, giản dị rất gần dân.
"Chí khí anh minh đức kiệm cần
Nét mặt nhân từ vui bạn hữu
Nụ cười hiền hậu ấm người thân".
Nhiều người cũng phải bất ngờ khi thấy phòng làm việc của Tổng Bí thư thật sự đơn sơ, giản dị đến mức không thể giản dị hơn. Trên tường có treo ảnh Bác Hồ và trong phòng làm việc chỉ có sách và sách.
Từng có những năm công tác gần gũi với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Giáo sư - Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn rất ấn tượng về con người và cuộc sống đời thường của người lãnh đạo của Đảng. Bên cạnh những đức tính như giản dị, gần dân, sát dân, luôn vì lợi ích của dân và có một trái tim vô cùng nhân hậu, Tổng Bí thư là nhà lãnh đạo cực kỳ liêm khiết.
Giáo sư - Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn chia sẻ: "Gia đình đồng chí Nguyễn Phú Trọng có bốn người. Mặc dù nhiều tuổi nhưng vợ chồng đồng chí sống rất giản dị, liêm khiết, không thuê người giúp việc. Chị Mận - vợ của đồng chí - một cán bộ công an đã về hưu, rất cần mẫn, chăm chỉ việc nhà, chăm lo, sắp xếp để chồng yên tâm công tác.
Hai người con của đồng chí đã có gia đình riêng, bản thân các cháu và con dâu, con rể có chuyên môn rất giỏi, hiện làm công việc tốt ở những đơn vị bình thường. Quan điểm của đồng chí Nguyễn Phú Trọng là công việc của các con, các con phải tự lo lấy, tự chịu trách nhiệm với bản thân và tự khẳng định mình. Trong công tác công vụ, đồng chí nhận đúng mức lương mà Nhà nước chi trả, nhất quyết không nhận thêm một xu, một hào nào ngoài chế độ".
Sự giản dị của Tổng Bí thư còn được thể hiện qua những lời nói đầy cứng rắn nhưng cũng vô cùng khiêm tốn. Chúng ta có thể nhắc đến những lời phát biểu trước Quốc hội khi nhậm chức Chủ tịch nước, Tổng Bí thư đã nhắc nhớ về cảm giác khi được bầu làm Chủ tịch Quốc hội với hai câu thơ:
"Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn
Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay".
Chỉ với hai câu thơ cũng đủ cho thấy Tổng Bí thư luôn khiêm tốn dường nào. Khi tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, với sự tín nhiệm gần như tuyệt đối, Tổng Bí thư đã chia sẻ: "Bây giờ tôi không được khỏe lắm, tuổi cũng đã cao, cũng xin nghỉ rồi, thế nhưng Đại hội bầu phải làm, Đảng viên thì phải chấp hành".
Và Tổng Bí thư đã xuất sắc hoàn thành bổn phận và sứ mệnh công bộc của dân, người cộng sản trung kiên, người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà Nước.
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Người vun đắp niềm tin | Hà Nội tin mỗi chiều
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những câu nói từ tâm can
- Lãnh đạo các nước chia buồn TBT Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Kỷ niệm về Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng ở làng Lại Đà
Hơn 12.000 trang thông tin sao kê số tiền ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 (Yagi) được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai vào tối 12/9 đã tạo nên cơn bão mới trong cộng đồng mạng xã hội.
Với tinh thần lá lành đùm lá rách, cả nước đang hướng về đồng bào vùng bão lũ các tỉnh miền Bắc, sẵn sàng hỗ trợ, sẻ chia, bằng nhiều phương cách khác nhau. Ấy vậy mà, nhiều người lại đang lợi dụng sự khốn khó của người khác để có những hành vi kiếm chác, trục lợi.
Sau bão số 3, nguy cơ mất an toàn giao thông từ những cây cầu yếu, cầu cũ lại một lần nữa được đặt ra với Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước.
Lũ trên hàng loạt các con sông qua địa bàn Thủ đô Hà Nội đang lên nhanh. Lũ trên sông Hồng vượt báo động 2, đe doạ an toàn nhiều tuyến đê và tính mạng, tài sản của người dân.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc đang bị thiệt hại nặng nề. Trận bão lũ lịch sử này khiến nhiều người nghĩ đến hai trận bão, lũ lụt cũng vào năm Giáp Thìn 1904 và 1964 đã gây ra những hậu quả kinh hoàng.
Trong những thời điểm bão số 3 hoành hành, dù lo sợ trước sự tàn phá của thiên tai, thế nhưng trong khó khăn, người Việt Nam vẫn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau.
0