Tổng thống Putin, người đưa nước Nga vĩ đại trở lại
Vào ngày 16/8/1999, theo đề nghị của Tổng thống Nga Boris Yeltsin, ông Vladimir Putin được Quốc hội Nga phê chuẩn đảm nhiệm chức Thủ tướng Nga. Đấy có thể xem là một dấu mốc mang tính bước ngoặt trong lịch sử nước Nga khi một nhà lãnh đạo vĩ đại của dân tộc Nga chính thức bước lên đảm nhận sứ mệnh.
Trong suốt gần 1/4 thế kỷ lãnh đạo đất nước kể từ thời điểm đó, Vladimir Putin đã chứng minh cho người dân Nga và thế giới thấy ông là một trong những nhà lãnh đạo thành công nhất trong lịch sử nước Nga. Trên cả hai cương vị Tổng thống và Thủ tướng, ông đã có công lớn mở ra một kỷ nguyên phát triển mới ở Nga, đưa quốc gia này từ vị thế đang lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện sau khi Liên Xô tan rã, trở lại thành cường quốc hàng đầu thế giới.
Những dấu mốc lớn
Ông Vladimir Putin sinh ngày 7/10/1952 trong một gia đình lao động ở thành phố Leningrad. Theo tiểu sử chính thức, ông Putin tốt nghiệp ngành luật tại Đại học Tổng hợp Leningrad năm 1975 và gia nhập Cơ quan tình báo hàng quốc gia của Liên Xô (KGB). Sau khi rời KGB và dấn thân vào chính trường, con đường sự nghiệp của cựu trung tá Vladimir Putin mới thực sự rộng mở.
Ngày 16/8/1999: Theo đề nghị của Tổng thống Nga khi ấy là Boris Yeltsin, ông Vladimir Putin được Quốc hội Nga phê chuẩn đảm nhiệm chức Thủ tướng Nga. Chỉ 4 tháng sau, đúng đêm giao thừa năm 2000, vì sức khỏe suy yếu nghiêm trọng, ông Yeltsin đã tuyên bố từ chức, đồng thời đề xuất ông Putin làm quyền Tổng thống Nga.
Khi đó ông Putin mới 48 tuổi, trẻ hơn gần 12 tuổi so với thời điểm người tiền nhiệm Yeltsin trở thành ông chủ Điện Kremlin. Sự lựa chọn bất ngờ của ông Yeltsin đã mở đầu cho hơn 2 thập kỷ chèo lái nước Nga của ông Putin.
Vào ngày 26/3/2000: Nga tổ chức bầu cử sớm với 11 ứng cử viên tham gia và ông Putin giành chiến thắng chung cuộc với tỷ lệ 53,4% tỷ lệ ủng hộ. Với chiến thắng này, ông Putin đã trở thành Tổng thống Nga nhiệm kỳ 2000-2004.
Ngày 7/5/2000: Chính trị gia trẻ tuổi Vladimir Putin chính thức nhậm chức Tổng thống Nga nhiệm kỳ 2000-2004, đánh dấu một giai đoạn hoàn toàn mới cho nước Nga.
Nhiệm kỳ này của Tổng thống Putin đã mở ra giai đoạn tăng trưởng liên tục 8 năm cho nền kinh tế Nga. Sự tăng trưởng này là kết quả của việc giá dầu và khí đốt tăng gấp 5 lần, sự phục hồi sau thời kỳ suy thoái và khủng hoảng tài chính ở Nga cùng sự gia tăng đầu tư nước ngoài và các chính sách kinh tế, tài chính thận trọng.
Tháng 3/2004: Ông Putin được bầu làm Tổng thống trong nhiệm kỳ thứ hai. Trong nhiệm kỳ này, Tổng thống Putin tập trung giải quyết cuộc chiến ở Chechnya và kết thúc cuộc chiến này vào năm 2009. Việc khép lại chiến tranh Chechnya lần thứ hai đem lại uy tín không nhỏ cho ông Tổng thống Putin, mặc dù đôi khi vẫn có những ý kiến và tranh cãi về mức độ thành công.
Năm 2008: Do những quy định của Hiến pháp Nga, Phó Thủ tướng thứ nhất Dmitry Medvedev được bầu làm người kế nhiệm ông Putin. Cuộc chuyển giao quyền lực cũng đánh dấu việc ông Putin trở lại ghế Thủ tướng sau 8 năm, song vẫn tiếp tục duy trì ưu thế và ảnh hưởng của mình trong chính trường.
Từ ngày 8 - 12/8/2008: Nga tiến hành một cuộc chiến chớp nhoáng với Gruzia, buộc bên chủ động phát động chiến tranh là Gruzia phải nhận thất bại. Nga giành quyền kiểm soát hoàn toàn các khu vực ly khai Abkhazia và Nam Ossetia. Chỉ 2 tháng sau cuộc chiến, Thủ tướng Putin đã bắt đầu chương trình hiện đại hóa và tái cấu trúc quân đội đầy tham vọng với chi phí ước tính lên đến 700 tỉ USD.
Ngày 4/3/2012: Ông Putin đắc cử nhiệm kỳ Tổng thống mới, kéo dài 6 năm. Nhiệm kỳ thứ ba của ông chứng kiến một loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Đây cũng là năm những cuộc giao tranh giữa lực lượng Ukraine và lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine được Nga hậu thuẫn bắt đầu.
Năm 2018: Ông Putin tiếp tục đắc cử Tổng thống lần thứ tư với hơn 76% số phiếu bầu. Năm 2020, ông đã đề xuất những sửa đổi hiến pháp lớn có thể mở rộng quyền lực chính trị của mình. Tháng 2/2022, xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Xung đột đến nay vẫn chưa kết thúc và hiện chưa rõ nó sẽ kết thúc như thế nào nhưng Tổng thống Putin mới đây đã đưa ra những điều kiện rõ ràng để tiến hành hòa đàm với Ukraine.
Ngày 17/3/2024: Theo kết quả từ Ủy ban bầu cử Trung ương Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã tái đắc cử nhiệm kỳ Tổng thống Nga lần thứ 5 sau khi giành 87,3% số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử Tổng thống. Chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024 có đồng nghĩa với việc ông Putin, 71 tuổi, sẽ bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống mới kéo dài 6 năm, qua đó ông sẽ vượt qua ông Josef Stalin và trở thành nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu nhất ở Nga trong hơn 200 năm qua nếu ông hoàn thành nhiệm kỳ sắp tới.
Trong bài phát biểu mừng chiến thắng tại trụ sở chiến dịch tranh cử tại Moscow tối 17/3/2024, ông Putin nhận định nước Nga đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng ông cam kết sẽ làm hết sức để giải quyết các nhiệm vụ của đất nước và đạt mục tiêu mà tất cả mọi người ưu tiên.
Những thành tựu quan trọng
Sau gần 25 năm ông Putin lãnh đạo dưới vai trò Tổng thống hoặc Thủ tướng, nước Nga đã chứng kiến nhiều thay đổi trên các lĩnh vực, từ vị thế trên trường quốc tế đến kinh tế và đời sống người dân.
Chấn hưng nền kinh tế Nga
Về kinh tế, trước khi ông Putin nắm quyền, kinh tế Nga ghi nhận mức tăng trưởng GDP âm suốt gần thập kỷ. Chính phủ luôn trong tình trạng khủng hoảng ngân sách và chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong GDP toàn cầu.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin trong suốt gần 1/4 thế kỷ, chuyển biến rõ nhất mà bất kỳ ai cũng có thể nhận thấy là nước Nga đã trở lại vị thế của một cường quốc. Nền kinh tế từng ghi nhận tăng trưởng GDP âm trong một thời gian dài đã chứng kiến sự bứt tốc. Tỷ trọng của Nga trong kinh tế toàn cầu tăng từ 2% lên khoảng 4%. Đặc biệt, trong 10 năm kể từ 1999 đến 2008, GDP Nga tăng hơn 8 lần và GDP bình quân đầu người gấp 8,7 lần.
Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea ở Ukraine vào lãnh thổ năm 2014 và đặc biệt là sau khi tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, căng thẳng leo thang với phương Tây đã khiến Nga phải đối mặt với làn sóng trừng phạt chưa từng có. Hơn 17.500 lệnh trừng phạt bủa vây từ nhiều phía khiến đồng Ruble (Rúp) lao dốc, doanh nghiệp nước ngoài rời bỏ thị trường, nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng suy giảm.
Nhưng đến nay, hơn 2 năm sau xung đột, nền kinh tế Nga vẫn vững vàng trước những áp lực từ lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây.
Động lực cho sự phục hồi ấy là nhờ các chính sách linh hoạt, đúng đắn, kịp thời của chính phủ Nga, mà đứng đầu là Tổng thống Putin, đã giúp kinh tế Nga dần thích ứng với các lệnh trừng phạt. Phương Tây áp đặt các lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm từ Nga - nước xuất khẩu nhiên liệu và ngũ cốc hàng đầu thế giới.
Nhưng, trên thực tế, chính những lệnh cấm vận đó lại khiến chín các nước phương Tây, đặc biệt là ở châu Âu, lao đao vì khủng hoảng nhiên liệu, khủng hoảng chi phí sinh hoạt do giá lương thực, thực phẩm tăng cao.
Chúng cũng vô tình trở thành động lực thúc đẩy Nga chuyển hướng thành công thị trường xuất khẩu sang các quốc gia châu Á, châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh. Nguồn tài nguyên khổng lồ cũng đang là bệ đỡ vững chắc cho kinh tế Nga. Ưu tiên chi tiêu ngân sách của Nga cũng thay đổi, trong đó quốc phòng được chú trọng nhiều hơn các lĩnh vực khác.
Năm 2023, tăng trưởng kinh tế của Nga đạt 3,6% cao hơn mức tăng của thế giới. Nga là nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu về GDP tính theo sức mua và đứng thứ năm trên thế giới. Với những kết quả đó, Tổng thống Putin tin tưởng, Nga đang trên đà trở thành 1 trong 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tương lai gần.
Trong thông điệp liên bang đọc trước Quốc hội Nga hồi tháng 2/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: “Năm ngoái nền kinh tế Nga tăng trưởng nhanh hơn thế giới. Về lĩnh vực này, chúng tôi không chỉ vượt các quốc gia hàng đầu của Liên minh châu Âu mà còn vượt tất cả các quốc gia thuộc nhóm G7.
Ngày nay, Nga là nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu về GDP tính theo sức mua, và đứng thứ năm trên thế giới. Tốc độ và chủ yếu là chất lượng tăng trưởng cho phép chúng ta sớm tiến thêm một bước nữa và trở thành một trong bốn cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới”.
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 11/6 đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Nga lên 2,9% trong năm 2024 và 1,4% vào năm 2025. Đây là mức điều chỉnh tăng so với dự báo trước đó lần lượt là 2,2% năm 2024 và 1,1% trong 2025.
Tuy nhiên, kinh tế Nga sẽ phải đối mặt với những thách thức trong thời gian tới nếu Nga muốn vươn lên là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới. Theo Tiến sĩ Kinh tế Ykovlev Artem Alexandrovich, Giám đốc Trung tâm Chiến lược Nga ở Châu Á, những thách thức có thể nhìn thấy là sự thiếu hụt nguồn nhân lực trên thị trường lao động - một phần bắt nguồn từ lỗ hổng nhân khẩu học của những năm 1990, giá cả tăng cao và nhu cầu tăng trưởng vượt xa khả năng sản xuất.
Tất nhiên, cũng có những khó khăn không thể tránh khỏi. Chẳng hạn như thời điểm hiện tại, kinh tế Nga vẫn đang phải đối mặt với mức lạm phát cao 7% - gần gấp đôi mục tiêu 4% của Ngân hàng Trung ương Nga. Nhằm ngăn đà tăng giá đột biến, Ngân hàng Trung ương Nga đã nâng lãi suất mạnh tay lên 16% để ứng phó. Chính phủ cũng hỗ trợ đồng tiền Nga bằng cách yêu cầu các nhà xuất khẩu chuyển thu nhập từ nước ngoài sang đồng Ruble.
Cuộc sống người dân Nga thay đổi tích cực
Cuộc sống của người dân Nga chứng kiến nhiều thay đổi tích cực trong hơn hai thập kỷ qua. Số liệu từ RosStat cho thấy tính đến cuối năm 2023, khoảng 13,5 triệu người dân Nga sống dưới chuẩn nghèo, tương đương 9,3% dân số, giảm so với mức 9,8% năm 2022. Tổng thống Putin hồi tháng 2 đặt mục tiêu đưa tỷ lệ người nghèo xuống dưới 7% vào năm 2030.
Quan điểm của người dân Nga về an ninh cũng thay đổi đáng kể. Kết quả thăm dò của Gallup thực hiện lần đầu năm 2006 cho thấy chỉ 27% người dân Nga cảm thấy an toàn khi đi một mình trong đêm tại nơi họ sống, nhưng đến năm 2023, tỷ lệ này là 71%.
Anh Burnatsev, một người dân sống ở vùng Bắc Caucasus của Nga, đến giờ vẫn nhớ như in ký ức về chiến tranh, các vụ bắt giữ con tin cùng các vụ đánh bom từng xảy ra tại đây vào những năm 1991 sau khi Liên Xô sụp đổ. Anh cho biết ngày nay cuộc sống đã tốt đẹp hơn rất nhiều.
Phát biểu tại trụ sở chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 của ông Vladimir Putin ở Vladikavkaz, anh chia sẻ: “Tôi muốn gì? Đầu tiên, tôi muốn sự an toàn và triển vọng cho tương lai, cho sự phát triển và cơ hội. Những gì tôi quan sát được bây giờ - từ những gì tôi nhớ và những gì chúng tôi có bây giờ, mọi thứ đã tốt hơn rất nhiều. Hy vọng rằng cuộc sống của chúng tôi sẽ còn cải thiện hơn nữa”.
Mặc dù khẳng định trọng tâm chính trong ba năm tới sẽ là tài trợ cho quân đội để giành chiến thắng trong cuộc xung đột Ukraine nhưng chính phủ Nga không có kế hoạch từ bỏ các cam kết về chính sách xã hội. Tiền lương ở Nga tiếp tục tăng và thu nhập thực tế ước tính đã tăng 5% trong năm 2023, giữa bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp thấp lịch sử là 2,9%.
Trong Thông điệp Liên bang ngày 29/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu ra tầm nhìn cho nước Nga trong những năm tiếp theo, nhấn mạnh vào nhiệm vụ cải thiện đời sống người dân.
Ông Putin phát biểu: “Đói nghèo vẫn là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 9% dân số. Trong nhóm gia đình lớn, tỷ lệ đói nghèo còn vượt 30%. Chúng ta cần nỗ lực không ngừng để cải thiện chất lượng cuộc sống của các gia đình có con nhỏ và nâng tỷ lệ sinh”.
Ngày 7/5/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhậm chức Tổng thống lần thứ 5. Ngay trong ngày đầu của nhiệm kỳ mới, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh “Về các mục tiêu phát triển quốc gia của Liên bang Nga trong giai đoạn đến năm 2030 và triển vọng đến năm 2036”, khẳng định cam kết của ông chủ điện Kremlin trong việc hiện thực hóa các cam kết tranh cử, nhằm đưa nước Nga trở nên mạnh mẽ hơn, phát triển ổn định hơn trong giai đoạn mới.
Tổng thống Putin đặt mục tiêu đưa tỷ lệ đói nghèo tại Nga xuống dưới 7% vào năm 2030. Mức lương tối thiểu sẽ tăng từ 19.000 ruble hiện nay lên 35.000 ruble (gần 400 USD) vào năm 2030.
Ông cũng nêu ra hàng loạt sáng kiến khác giúp nâng tuổi thọ trung bình của người dân hiện khoảng 73 tuổi lên ít nhất 78 tuổi vào năm 2030, sau đó vượt mốc 80 tuổi. Cùng với đó là dự án hỗ trợ thanh niên Nga phát triển tương lai, chính sách nhân lực cho các lĩnh vực chuyên môn, giáo dục và đào tạo.
Trong bối cảnh ấy, tỉ lệ ủng hộ của công chúng Nga dành cho Tổng thống Putin luôn ở mức cao. Số phiếu bầu hơn 87% mà ông Putin nhận được trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 3 là một tỷ lệ cao kỷ lục trong lịch sử nước Nga hiện đại.
Ông Dmitri Trenin, thành viên Hội đồng chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Nga nhận định, đối với đa số người dân Nga, Tổng thống Putin là sự lựa chọn đúng đắn, người đã xuất hiện đúng thời điểm và làm đúng công việc của mình. Kết quả cuối cùng của cuộc bỏ phiếu cho thấy tổng thống đang có tỉ lệ tín nhiệm ở mức cao nhất kể từ lên nắm quyền cách đây 1/4 thế kỷ.
Kết quả cuộc khảo sát của Quỹ “Dư luận xã hội”, được tiến hành với 1.500 người Nga trưởng thành tại 53 địa phương của Nga trước đó cũng cho thấy có tới 82% số người được hỏi bày tỏ ủng hộ các hoạt động của Tổng thống Putin. 80% số người được hỏi khẳng định họ tin tưởng tuyệt đối nhà lãnh đạo của mình.
Anh Artyom Kolenov, một người Nga chia sẻ: “Chúng tôi ủng hộ Vladimir Putin. Không có người nào khác có thể lãnh đạo đất nước, bởi vì hiện tại, nhờ có ông ấy đất nước đang phát triển toàn diện”.
Điều này cho thấy người dân đánh giá cao hiệu quả lãnh đạo đất nước của ông chủ Điện Kremlin, và sau hơn 24 năm cầm quyền, Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đã trở thành biểu tượng về sự ổn định, thống nhất và vững mạnh của đất nước.
Đưa nước Nga trở lại vũ đài chính trị thế giới
Trong gần 25 năm qua, Tổng thống Putin đã đưa nước Nga trở lại được vị trí và vị thế mà Liên Xô đã từng có về kinh tế và khoa học công nghệ trên thế giới. Nhờ có nhiều chính sách kịp thời mang tầm chiến lược và đầy quyết đoán, ông đã đưa nước Nga trở lại vũ đài chính trị thế giới về quân sự và địa chiến lược toàn cầu.
Về đối ngoại, dưới thời Tổng thống Putin, Nga chủ trương phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng với tất cả các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị-xã hội, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Nga không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực chỉ do một siêu cường lãnh đạo và áp đặt các giá trị của họ cho các nước còn lại của thế giới; chủ trương xây dựng trật tự thế giới mới, trong đó tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo, đều phải được tôn trọng.
Trong thông điệp chào mừng gửi tới Diễn đàn kinh tế thường niên của Nga tại St. Petersburg mới đây, Tổng thống Nga Putin cũng nhấn mạnh nước Nga sẵn sàng đối thoại và hợp tác cùng các nước để giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, khoa học và công nghệ mà thế giới đang đối mặt, cùng xây dựng một hệ thống quan hệ quốc tế công bằng, bình đẳng, tôn trọng lợi ích chính đáng và đa dạng văn hóa của các quốc gia.
Trong hơn 2 thập kỷ qua, Nga đã không ngừng củng cố quan hệ với các nước đồng minh, đối tác. Trong báo cáo tổng kết công tác ngoại giao trong năm 2023, Bộ Ngoại giao Nga đã ghi nhận ảnh hưởng ngày càng tăng của Moscow trên thế giới, nhấn mạnh Nga đã tăng cường chất lượng các nỗ lực phát triển quan hệ với các nước láng giềng, các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Ngoài ra, Nga cũng tích cực tăng cường vai trò dẫn dắt tại các cơ chế đa phương như: Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Liên minh Kinh tế Á-Âu,...
Hướng Đông tiếp tục là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga khi Moscow coi trọng vai trò của châu Á trong việc cân bằng cán cân sức mạnh với phương Tây. Theo Khái niệm Chính sách Đối ngoại cập nhật mới nhất của Liên bang Nga, được Tổng thống Putin phê duyệt tháng 3/2023, Trung Quốc và Ấn Độ được xác định là “láng giềng lớn”, là “trung tâm quyền lực toàn cầu có chủ quyền” mà Moscow cần ưu tiên định hướng phát huy những tiềm năng của quan hệ đối tác chiến lược với hai nước này.
Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 5 chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên ngay sau khi tái đắc cử không chỉ khẳng định Moscow đặc biệt coi trọng phát triển sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, mà còn cho thấy trước những áp lực từ phương Tây, quyết tâm hướng Đông của Nga dường như ngày càng được củng cố.
Giáo sư Zhao Minghao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, đánh giá mục đích chuyến thăm của Tổng thống Nga là nhằm ổn định mối quan hệ với Trung Quốc, nhất là về thương mại và năng lượng. Bên cạnh đó, chuyến công dù này có thể coi là bước tiếp nối chính sách hướng Đông của Nga, ưu tiên thúc đẩy quan hệ với các nước đối tác truyền thống, trong đó có Trung Quốc.
Có thể thấy trong suốt gần 25 năm qua, bằng tầm nhìn của một nhà cải cách và sự quyết đoán của một nhà lãnh đạo cứng rắn, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tận dụng và phát huy nội lực, ý chí tự cường, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng và trở lại vị trí của một cường quốc trên thế giới.
Không chỉ vậy, Tổng thống Nga Putin còn trở thành nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới, như ý kiến của ông Aleksei Mukhin - Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin chính trị Nga: “Trong thời gian nắm quyền, kể cả khi giữ chức Thủ tướng, ông Vladimir Putin luôn thể hiện mình là một chính khách xuất sắc. Các đối thủ cũng phải công nhận điều đó. Ngay cả tạp chí Times của Mỹ cũng thường xuyên xếp Tổng thống Putin vào danh sách những nhà lãnh có ảnh hưởng nhất thế giới, thậm chí luôn xếp ông ở vị trí dẫn đầu”.
Bài viết: Minh Thúy
Đồ họa: Thanh Nga
Chính quyền Nhà nước Palestine đã từ chối mọi kế hoạch của Israel về việc thiết lập vùng đệm ở phía Bắc Dải Gaza để phân phối viện trợ.
Tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani, Chủ tịch Tập đoàn Adani vừa bị truy tố tại New York, Mỹ với cáo buộc âm mưu hối lộ và gian lận trị giá hàng tỷ USD. Đáng chú ý, tỷ phú Gautam Adani hiện là người giàu thứ 2 tại Ấn Độ và giàu thứ 22 tại châu Á, với tổng tài sản gần 70 tỷ USD.
Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa bế mạc tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil). Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này chính là vấn đề chống đói nghèo và bất bình đẳng.
Ngày 21/11, một nhóm vũ trang đã nã súng vào một số xe chở khách tại phía Tây Bắc Pakistan, khiến ít nhất 50 người thiệt mạng và 29 người bị thương.
Lễ hội Du lịch Quốc tế Sahara lần thứ sáu đã được tổ chức tại vùng sa mạc của Algeria, với hơn 400 đơn vị tham gia. Sự kiện kéo dài 4 ngày bao gồm nhiều hoạt động biểu diễn văn hóa dân gian và là một trong những sáng kiến nhằm quảng bá du lịch ở Algeria.
Động thái của Tòa án Hình sự quốc tế ICC khiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có nguy cơ bị giam giữ nếu ông đi đến một số quốc gia khác.
0