Trà sen - một thoáng tinh hoa Tây Hồ

Một sớm cuối tuần, sau những bộn bề công việc, còn gì tuyệt vời hơn khi được ngồi nhâm nhi một tách trà ướp sen Tây Hồ để cảm nhận hương thơm tinh khiết của hoa và dư vị ngọt dịu tan chậm trong miệng. Trà sen Tây Hồ, thức uống mang đậm nét văn hóa, tinh tế của người Hà thành, là món quà quý cho những người đi xa nhớ về miền đất kinh kỳ.

Nhắc đến trà sen Tây Hồ là nhắc đến niềm tự hào, nét đặc trưng trong văn hóa thưởng thức trà của người Hà Nội. Khi những búp sen hồng bắt đầu nở rộ cũng là lúc những người làm nghề ướp trà sen ở phường Quảng An (quận Tây Hồ, Hà Nội) bắt đầu vào mùa. Với người dân nơi đây, làm trà không hẳn vì lợi nhuận kinh tế mà họ muốn lưu giữ nghề truyền thống, một nét đẹp văn hóa tinh tế tự bao đời.

Hoa sen Hồ Tây mang hương vị đặc biệt hơn hẳn các vùng sen khác. Sen được trồng ở đây chủ yếu là loại sen Bách Diệp trăm cánh có hương thơm ngát rất phù hợp để ướp trà. Ảnh: SKĐS

Trà sen không lạ, nhưng lạ là phải đúng sen Bách Diệp (là loại sen trăm cánh) được trồng ở khu vực Hồ Tây mới có thể ướp ra thứ trà tuyệt hảo. Mỗi năm vào dịp đầu tháng 6, khi những búp sen bắt đầu nở rộ cũng là thời điểm các gia đình làm nghề ướp trà sen nơi đây tất bật vào vụ.

Từng búp sen Bách Diệp được chọn lựa cẩn thận sau đó cánh hoa, nhụy hoa và gạo sen được tách rời. Ảnh: Laodong

Những búp sen được hái vào buổi sáng sớm khi chúng mới nở hoa, mang đến hương thơm tinh khiết và ngọt ngào nhất. Sau khi được hái, những người dân nơi đây sẽ cẩn thận để chọn ra những búp sen tươi ngon nhất. Sau đó, búp sen sẽ được tẩm ướp trong trà xanh nguyên chất, giúp hòa quyện hương vị của sen và trà một cách hoàn hảo. Quá trình này không chỉ tạo ra hương vị đặc biệt mà còn giữ được màu sắc và hình dáng tự nhiên của sen.

Ông Ngô Văn Sình, người hái sen tại phường Quảng An, quận Tây Hồ cho biết bản thân ông cũng không xác định chắc chắn nghề ướp trà sen ở làng có từ bao giờ. Nhưng ông khi sinh ra và lớn lên đã gắn bó với nghề hái sen sớm và ướp trà truyền thống của gia đình. Dậy sớm hái những bông sen còn đọng sương cũng giúp tinh thần ông thư thái và thoải mái hơn rất nhiều.

Theo các nghệ nhân làm trà, việc lấy gạo sen là công đoạn khó nhất. Trong đó người làm phải nhanh tay, khéo léo để hạt gạo không nát, bay mất hương thơm. Ảnh: Laodong

Chia sẻ về bí quyết tạo nên thương hiệu trà sen Quảng An, nghệ nhân ướp trà Ngô Thị Thân ở đường Tô Ngọc Vân, phường Quảng An, quận Tây Hồ  bộc bạch, nghề ướp trà sen khô rất kì công, vất vả, không phải ai cũng làm được. Đòi hỏi người làm phải có tâm, yêu nghề chứ không thể chạy theo lợi nhuận kinh tế. Việc chọn trà để ướp cũng không kém phần quan trọng, trà được chọn là loại trà khô nhưng chưa vào hương. Trà được đem ướp với những cánh hoa sen, gạo sen. Để ướp được 1kg trà sen phải cần tới 1.500 bông hoa sen. Và để mẻ trà đượm hương sen phải đủ 21 ngày với 7 lần vào hương và 7 lần sấy và được sấy theo cách truyền thống bằng than hoa để cho ra hương thơm đặc trưng. Càng ướp nhiều lần thì hương sen càng quyện, trà càng thơm lâu

Người xưa có câu "Nhất thủy, nhị trà, tam pha, tứ ấm, ngũ quần anh" có nghĩa là uống trà cần có nước tốt, trà ngon, cách pha trà chuẩn, ấm trà và bạn trà. Theo nghệ nhân Hoàng Anh Sướng - hiên trà Trường Xuân ở quận Đống Đa, trà sen được xem như một đặc sản của đất Hà Thành, còn thưởng trà sen là một nghệ thuật. Bởi người thưởng trà phải tinh tế mới có thể cảm nhận hết nét thanh tao trong chén trà.

Từ lâu trà ướp sen Tây Hồ đã trở thành một thức quà thanh tao, đậm đà phong vị Hà Nội xưa. Ảnh: Fanpage Trà Sen Bà Dần

Không chỉ tỉ mỉ, công phu trong cách chế biến mà uống trà sen cũng rất cầu kỳ. Để pha trà sen, các cụ xưa thường dùng nước mưa hay nước sương sớm đọng trên lá sen. Ngày nay, nhiều người dùng nước máy để nơi thoáng mát chừng một ngày đêm cho nước hả hơi rồi đun nước pha trà. Nước pha trà phải hơi lăn tăn, ấm pha trà phải ấm sứ mới ngon. Trà sen ướp đúng kiểu, pha đúng cách sẽ có được vị ngọt, chát thanh dịu và hương sen đậm dần.

Với mỗi ngụm trà sen Tây Hồ, người thưởng thức không chỉ được tận hưởng hương vị tinh tế và độc đáo mà còn cảm nhận được sự kỳ diệu của văn hóa và thiên nhiên Việt Nam. Trà sen Tây Hồ không chỉ là một loại thức uống mà còn là biểu tượng của sự tinh túy và tinh tế trong văn hóa ẩm thực của dân tộc./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Mặc dù còn tồn tại những vấn đề như không gian hạn chế hay an toàn vệ sinh thực phẩm, ẩm thực đường phố vẫn giữ được sức hút mạnh mẽ, tạo nên dấu ấn độc đáo của Thủ đô.

Nếu như người Sài Gòn có thú vui bình dân là uống cafe bệt, thì người Hà Nội có trà đá vỉa hè. Không cầu kỳ trong cách pha chế, không kén chọn khách uống, trà đá vỉa hè thân thiện, bình dị mà giản đơn.

Ăn phở xào phố Hàng Buồm là cách để nhiều người tận hưởng tiết trời lạnh của Thủ đô thêm phần trọn vẹn hơn.

Tiếp nối thành công của lễ hội năm 2023, Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 diễn ra trong 3 ngày, ngày 29, 30/11 và 01/12, tại Công viên Thống Nhất, phố Trần Nhân Tông, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng.

Thời tiết se lạnh dần chuyển mùa, không có gì tuyệt vời hơn khi được dạo quanh phố cổ Hà Nội, thưởng thức ẩm thực trong các con ngõ nhỏ với những quán hàng là địa chỉ quen thuộc của người sành ăn.

Nhắc đến phố cổ Hà Nội là nhắc đến những con ngõ dài, chỉ rộng khoảng 1m, sâu hun hút. Thế nhưng, những con ngõ này lại có sức hấp dẫn “khó thể chối từ” đối với mỗi người dân Thủ đô, bởi nằm sâu trong đó đều là thiên đường ẩm thực, nơi có rất nhiều món ăn mang đậm hương vị truyền thống.