Trái đất và cuộc chiến với rác thải nhựa
Thông điệp của Ngày Trái đất 2024
Nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho thấy mỗi năm thế giới sản xuất 400 triệu tấn nhựa, ước tính khoảng 79% trong số đó thải ra bãi rác, bãi chôn lấp hoặc thải ra môi trường, 12% đốt tại các lò rác và chỉ 9% được tái chế.
Với mức tiêu thụ nhựa như hiện nay và hiện trạng quản lý rác thải nhựa không được cải thiện, đến năm 2050, trên thế giới sẽ có khoảng 12 tỷ tấn rác thải nhựa thải ra, gây ô nhiễm môi trường.
Để đạt được mức giảm 60% sản lượng nhựa vào năm 2040, Ngày Trái đất năm nay đưa ra mục tiêu là thúc đẩy nhận thức rộng rãi của cộng đồng về tác hại do nhựa gây ra đối với sức khỏe con người, động vật và đa dạng sinh học; yêu cầu tiến hành nhiều nghiên cứu hơn về ý nghĩa của lợi ích không rác thải nhựa đối với sức khỏe, bao gồm việc thông cáo tất cả thông tin liên quan đến tác động của nó tới công chúng; nhanh chóng loại bỏ dần tất cả các loại nhựa sử dụng một lần vào năm 2030 và đạt được cam kết loại bỏ dần này trong Hiệp ước Liên hợp quốc về ô nhiễm nhựa vào năm 2024; yêu cầu các chính sách chấm dứt hiểm họa của thời trang nhanh và lượng nhựa khổng lồ được sản xuất và sử dụng; đầu tư vào công nghệ và vật liệu tiên tiến để xây dựng một thế giới không nhựa.
Bà Kathleen Rogers, Chủ tịch mạng lưới Ngày Trái đất cho hay: “Chiến dịch Trái đất và nhựa là một lời kêu gọi cùng chung tay, một yêu cầu mà chúng ta phải hành động ngay bây giờ để chấm dứt hiểm họa về nhựa và bảo vệ sức khỏe của mọi sinh vật trên hành tinh của chúng ta. Môi trường chính là những gì xung quanh bạn. Sản phẩm nhựa chúng ta đang tiêu thụ - chúng đang chảy trong máu của chúng ta, bám vào các cơ quan nội tạng và mang theo các kim loại nặng gây ung thư và bệnh tật cho chúng ta. Giờ đây, sản phẩm mà một thời chúng ta coi là sản phẩm hữu ích và tuyệt vời đã biến chất, và sức khỏe của chúng ta cũng như của tất cả các sinh vật sống khác đang ngàn cân treo sợi tóc”.
Theo EARTHDAY.ORG, nhựa vượt ra ngoài vấn đề môi trường hiện nay; chúng là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe con người và đáng báo động như vấn đề biến đổi khí hậu. Khi nhựa phân hủy thành vi nhựa, chúng giải phóng các hóa chất độc hại vào nguồn thực phẩm và nước, lưu thông trong không khí chúng ta hít thở. Sản lượng nhựa trong mười năm qua cao hơn so với thế kỷ 20 và ngành công nghiệp này có kế hoạch phát triển bùng nổ trong tương lai. Hiện nay, sản lượng nhựa đã tăng lên hơn 380 triệu tấn mỗi năm.
Nhựa được sản xuất tại các cơ sở gây ô nhiễm mà hầu như nằm ở những khu dân cư nghèo nhất. Một số loại nhựa có thể gây chết người khi đốt cháy; các loại nhựa khác truyền các hóa chất gây rối loạn nội tiết tố; và tất cả các loại nhựa có thể khiến chim chết đói và làm sinh vật biển chết ngạt. Ở mọi giai đoạn trong vòng đời của nhựa, từ giếng dầu đến bãi rác của thị trấn, nhựa đều là một mối nguy hiểm.
Ông Denis Hayes, Chủ tịch danh dự của EARTHDAY.ORG.
Tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, Ngày Trái đất được coi là một trong những sự kiện cộng đồng hàng năm lớn nhất hành tinh với một loạt hoạt động và chiến dịch bảo vệ môi trường, bao gồm việc thông qua sửa đổi các bộ luật môi trường và thúc đẩy hành động trong cộng đồng. Trong Ngày Trái đất, các hoạt động bảo vệ môi trường được tăng cường ở nhiều quốc gia như tuyên truyền kêu gọi người dân chung sức bảo vệ môi trường sống, tổ chức trồng cây xanh, thu gom rác thải, bảo vệ môi trường sống xanh sạch đẹp
Hướng tới hiệp định toàn cầu về ô nhiễm nhựa
Ô nhiễm nhựa đã trở thành một trong những vấn đề môi trường rất nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, nếu không có các giải pháp ngăn chặn kịp thời sẽ để lại những hệ lụy cho nhân loại trong tương lai. Trước yêu cầu cấp bách đó, các nước trên thế giới đang tích cực đàm phán xây dựng thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa nhằm mục tiêu hướng đến chấm dứt ô nhiễm nhựa, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường khỏi những tác động bất lợi trong suốt vòng đời của nhựa; giảm sản xuất, sử dụng và thải bỏ nhựa. Vòng đàm phán thứ tư của Liên hợp quốc hướng tới hiệp ước toàn cầu đầu tiên về tình trạng ô nhiễm nhựa sẽ khai mạc vào ngày 23/4 tại thành phố Ottawa, Canada. Vòng đàm phán lần này được dự báo sẽ vô cùng căng thẳng khi mà các bên tham gia đàm phán vẫn còn nhiều bất đồng về phạm vi và quy mô của thỏa thuận.
Liên minh châu Âu và hàng chục quốc gia, bao gồm Nhật Bản, Canada và Kenya đang kêu gọi một hiệp ước toàn cầu mạnh mẽ với các điều khoản ràng buộc nhằm giảm việc sản xuất và sử dụng các polyme nhựa nguyên chất có nguồn gốc từ hóa dầu và loại bỏ hoặc hạn chế các loại nhựa có vấn đề, chẳng hạn như PVC và những loại khác có chứa thành phần độc hại. Các nhà vận động môi trường và một số chính phủ thậm chí còn nói rằng phải xóa bỏ ngành công nghiệp sản xuất nhựa.
Tuy nhiên, quan điểm này đang bị ngành công nghiệp nhựa cũng như các nhà xuất khẩu dầu và hóa dầu lớn trên thế giới, trong đó đi đầu là Saudi Arabia phản đối. Theo quan điểm của những người muốn duy trì việc sử dụng nhựa, hiệp ước về tình trạng ô nhiễm nhựa nên tập trung vào việc tái chế và tái sử dụng nhựa.
Trước thềm cuộc đàm phán, một nhóm gồm 160 công ty tài chính đã kêu gọi các chính phủ đạt được nhất trí về một hiệp ước chấm dứt ô nhiễm nhựa nhằm giúp thúc đẩy hành động của khu vực tư nhân. Để giải quyết ô nhiễm nhựa, các công ty tài chính, trong đó có nhà đầu tư lớn nhất nước Anh Legal & General Investment Management và quỹ hưu trí lớn thứ hai ở Canada cũng đã kêu gọi đưa ra một khung chính sách được xây dựng với các quy tắc mang tính ràng buộc.
Các công ty kêu gọi hiệp ước đặt ra mục tiêu cho tất cả khu vực tài chính công và tư nhân, phù hợp với mục tiêu loại bỏ ô nhiễm nhựa, tương tự như mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal. Nhóm này cũng kêu gọi các công ty đánh giá và công bố những rủi ro và cơ hội liên quan đến sản xuất nhựa; các chính phủ ban hành những chính sách và đặt ra mục tiêu rõ ràng hơn trong các lĩnh vực như tái chế rác thải và khuyến khích đầu tư tư nhân hướng tới việc chấm dứt ô nhiễm nhựa.
Dự kiến, vòng đàm phán sẽ diễn ra trong 1 tuần, đến ngày 1 tháng 5, với mục tiêu hoàn tất hiệp ước để phê chuẩn vào tháng 12 tới tại thành phố Busan của Hàn Quốc. Nếu được thông qua, đây sẽ là thỏa thuận môi trường quan trọng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau thỏa thuận Paris về khí hậu năm 2015.
Nỗ lực thu gom ngư cụ “ma” trong lòng biển
Những bằng chứng rõ nhất về ô nhiễm đại dương là vô số rác thải nhựa như ống hút, chai nhựa, bao bì nhựa... trôi dạt vào bờ. Tuy nhiên, mối đe dọa lớn nhất, một sát thủ vô hình với sinh vật biển, lại ẩn sâu dưới lòng biển: đó là những ngư cụ “ma”. Ngư cụ “ma” là những thiết bị công nghiệp đánh bắt thủy hải sản bị rơi mất hoặc bỏ lại ở biển như lưới, dây thừng, phao, mỏ neo, bẫy. Làm sạch rác thải biển đang là vấn đề được quan tâm. Bởi rác thải biển có thể ảnh hưởng đến mọi phương diện, từ môi trường đến kinh tế, từ đánh bắt, tàu thuyền đến sức khỏe và sự an toàn của con người cũng như các sinh vật biển.
Phuket, một hòn đảo nổi tiếng ở miền Nam Thái Lan, thu hút rất đông khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới. Những bãi biển đẹp và hoang sơ cùng làn nước trong xanh là điểm đến yêu thích của du khách khi đến đảo này. Tuy nhiên, bên dưới lòng đại dương ẩn chứa rất nhiều những thiết bị đánh bắt cá bị thất lạc hoặc cố tình bị vứt bỏ. Các nhóm lặn biển và các tổ chức hàng hải của Thái Lan đang nỗ lực loại bỏ các ngư cụ “ma”. Trong số đó, có nhóm do Tổ chức Công lý Môi trường (EJF), có trụ sở tại Vương quốc Anh, điều phối.
Theo Quỹ Động vật hoang dã thế giới (WWF), khoảng 1 triệu tấn ngư cụ “ma” trôi dạt vào đại dương mỗi năm. Chúng phân hủy thành các hạt vi nhựa, được các động vật biển tiêu thụ và có thể tồn tại trong hải sản mà con người ăn vào.
Các chuyên gia cho rằng việc thiếu một chiến lược phối hợp đang cản trở các giải pháp toàn diện và hiệu quả hơn để theo dõi, quản lý các thiết bị đánh cá.
Chúng tôi liên tục thu thập ngư cụ bỏ đi. Chúng tôi có một cộng đồng lặn biển lớn mạnh. Chúng tôi hợp tác với nhiều cơ quan chính phủ nhằm triển khai hoạt động dọn dẹp này. Tuy nhiên, việc thu gom diễn ra chưa thống nhất để chúng tôi có được những số liệu chính xác nhất về lượng ngư cụ bị bỏ lại trên biển.
Cô Salisa Traipipitsiriwat, Tổ chức Công lý Môi trường.
Dữ liệu do thợ lặn thu thập được sử dụng để xác định số lượng các ngư cụ ma và tác động của chúng đến môi trường. Điều này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra hành động phù hợp trong tương lai. Các tổ chức và chính phủ có thể sử dụng các dữ liệu này để làm căn cứ giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương, thông qua các chính sách, quy định và điều luật.
Tái chế quần áo cũ tại “núi rác” Atacama
Rác thải từ thời trang nhanh là một trong những nguyên nhân lớn nhất tạo ra hạt vi nhựa và gây ô nhiễm nặng nề khó có thể khắc phục cho môi trường. Sa mạc Atacama nằm ở phía Bắc Chile đang trở thành bãi rác có tốc độ mở rộng nhanh nhất thế giới, do sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp thời trang nhanh. Để hạn chế tình trạng ô nhiễm do việc chôn lấp hoặc thiêu đốt quần áo cũ tại bãi rác này gây ra, một dự án tái chế quần áo cũ đã được ra đời, với hy vọng thay đổi nhận thức của xã hội đối với tác hại của rác thải thời trang đối với môi trường.
Nhằm giải quyết núi rác quần áo tồn đọng suốt nhiều năm qua tại đây, một dự án tái chế quần áo thành túi tote đã được Tổ chức ADRA ở Santigo, Chile, triển khai, với sự tham gia của hơn 3.700 thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn
Một dự án nghệ thuật khác cũng đã được Hiệp hội Thiết kế Thời trang toàn cầu (RFD) triển khai tại sa mạc Atacama, với mục tiêu nâng cao nhận thức của xã hội về xu hướng thời trang bền vững. 11 cặp đôi nhà thiết kế và nghệ nhân địa phương tham gia dự án cùng nhau thu gom quần áo cũ để tạo ra 110 bộ trang phục có sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng.
Chile là một trong những quốc gia nhập khẩu quần áo cũ lớn nhất thế giới. Nhiều món đồ sau đó bị vứt bỏ tại sa mạc Atacama, tạo thành một "nghĩa địa" quần áo có thể được nhìn thấy từ vệ tinh của Trái đất. Dù rác thải quần áo bị vứt lộ thiên hay chôn dưới đất, chúng đều gây ô nhiễm môi trường, thải ra chất ô nhiễm vào không khí hoặc mạch nước ngầm. Cho dù làm bằng vải tổng hợp hay được xử lý bằng hóa chất, quần áo cần tới 200 năm mới có thể phân hủy sinh học và quần áo cũng độc hại không kém nhựa và lốp xe bỏ đi. Trong nhiều năm tiêu thụ quần áo của ngành thời trang nhanh, dường như không ai quan tâm tới việc họ đang góp phần thải ra một lượng lớn rác thải quần áo. Bãi rác quần áo trên sa mạc Atacama cứ thế ngày một đầy hơn.
Khi nhựa đã trở thành một trong những vật liệu phổ biến nhất thế giới nhờ tính hữu dụng cũng như chi phí sản xuất thấp, việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa đòi hỏi nỗ lực chung của cả cộng đồng, từ quyết tâm chính trị tới thay đổi nhận thức, từ cam kết tới hành động cụ thể. Bởi vậy, thông điệp của Ngày Trái Đất năm nay mang ý nghĩa to lớn hướng tới hành tinh không ô nhiễm nhựa. Nhân loại không thể chậm trễ hơn nữa nếu muốn cứu hành tinh, và quan trọng hơn, là duy trì một thế giới xanh hơn, sạch hơn cho thế hệ tương lai.
Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.
Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.
Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.
Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.
Tuần lễ cấp cao APEC 2024 quy tụ khoảng 20.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên trên khắp châu Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Với chủ đề năm APEC 2024 là “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru kỳ vọng thông qua các Hội nghị lần này thúc đẩy sự thịnh vượng lớn hơn trong khu vực.
0