Trải nghiệm ở Bhutan

Bhutan - một đất nước bình yên, xinh đẹp, nơi người dân sống biết đủ, luôn trân trọng giúp đỡ lẫn nhau và hài hòa với thiên nhiên. Một đất nước dù có chỉ số GDP không cao, nhưng chỉ số hạnh phúc của người dân nơi đây lại rất đáng để chúng ta học hỏi.

Bhutan là một quốc gia nằm trong khu vực dãy núi Hiamlaya huyền thoại, giáp với Ấn Độ, Trung Quốc. Sân bay Quốc gia của Bhutan rất nhỏ, có đường băng ngắn, nằm lọt thỏm giữa các hẻm núi cao; và, khi máy bay hạ thấp độ cao chuẩn bị hạ cánh, nhìn qua cửa sổ ta thấy cánh máy bay lướt giữa các hẻm núi như trong phim,. Đây là sân bay đặc biệt nhất mà chỉ có một số ít các phi công trên thế giới có thể được phép cất và hạ cánh; tuy nhiên, điều đặc biệt là sân bay với độ khó như vậy, nhưng chưa từng xảy ra các sự cố về tai nạn. Kiến trúc tại sân bay nhìn qua tương tự như các tu viện, đầy năng lượng an lành.

Ở đây, những con suối, dòng sông trong vắt như pha lê không một cọng rác thải. Người dân sống quanh những con suối nhưng tuyệt đối không ra các dòng suối sinh hoạt, tắm giặt hay thải nước bẩn ra sông suối; còn, các dòng nước được tịnh hóa sạch sẽ trong lành hòa cùng thiên nhiên ngút ngàn những rừng cây, hoa cỏ và muông thú. Các ngôi nhà tại Bhutan cũng rất đặc biệt, dù thu nhập của người dân rất hạn chế nhưng tất cả các ngôi nhà đều sạch đẹp khang trang và ấm áp cùng với nhiều hoa văn, họa tiết sặc sỡ và công phu.

Ngôi chùa trên núi nổi tiếng ở Bhutan

Đây là một trong số ít quốc gia vẫn còn Vua, nhưng là chế độ quân chủ lập hiến, vẫn có Quốc hội và bộ máy chính phủ. Người dân hết sức yêu mến và ngưỡng mộ Vua cùng Hoàng hậu bởi tài sắc và đức độ của họ. Vua và các quan chức chính phủ cũng sống hết sức giản dị, hòa mình vào thiên nhiên và chăm lo phục vụ nhân dân. Thủ tướng đương nhiệm thì dành tất cả ngày nghỉ của mình để phẫu thuật miễn phí cho người dân tại Bệnh viện, trong khi Thủ tướng nhiệm kỳ trước đó thì thường dành những ngày nghỉ để đi thu gom rác thải, bảo vệ môi trường cùng với người dân.

Bhutan là quốc gia nhỏ, tổng thu nhập GDP không cao, tuy nhiên người dân được chăm lo rất tốt về giáo dục và y tế. Giáo dục và y tế được miễn phí cho mọi người dân, không những vậy trẻ em tới trường còn được tặng sách vở. Chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, do vậy đa phần người dân Bhutan sử dụng tiếng Anh rất tốt. Một phần tiền thu được từ du lịch sẽ được chi cho giáo dục và y tế. Dân số của Bhutan khoảng 750 nghìn người và chủ yếu theo đạo Phật. Đây cũng là một trong số ít các quốc gia chưa từng bị xâm lăng hay cai trị và nền văn hóa vẫn giữ được trọn vẹn, ít bị ảnh hưởng từ bên ngoài.

Nếp sống và sinh hoạt của con người nơi đây nhẹ nhàng, đơn giản mà đầy minh triết, mọi người không cầu kỳ về chuyện ăn mặc, hầu như ai cũng mặc giống nhau, không phân biệt giàu nghèo. Bộ trang phục truyền thống, được coi là Quốc phục, đó là bộ Gho (dành cho nam giới) và bộ Kira (dành cho nữ giới). Từ nhà Vua, chính khách tới người dân lao động hay học sinh đều diện bộ trang phục truyền thống này hàng ngày, mọi lúc mọi nơi. Họ không quan tâm tới đồ hiệu xa xỉ hay các trang phục thời trang nào khác. Bộ trang phục từ cổ xưa nhưng thiết kế thông minh, có thể dễ dàng thích ứng dù trời lạnh hay trời nóng.

Người dân Bhutan ăn uống không cầu kỳ, ở đây không sát sinh nên chủ yếu là ăn chay (thịt được nhập khẩu từ Ấn Độ với số lượng rất ít), không có những hàng quán nhậu nhẹt khắp nơi như ở một số quốc gia khác. Ngay cả ở những nhà hàng, khách sạn sang trọng nhất phục vụ khách du lịch thì đều ăn theo kiểu Buffet, với mấy món rau chính, trái cây và có thể thêm một món thịt chế biến đơn giản. Mọi người ăn như nhau không dùng menu, không có gọi món để phục vụ riêng. Việc ăn uống đơn giản nhưng các bàn ăn luôn sạch sẽ, gọn gàng toát lên sự sang trọng, quý phái và tinh tế. Việc ăn, mặc và ở của người dân nơi đây nhẹ nhàng đơn giản mà lịch thiệp, khoa học. Thuần tịnh và hòa nhập cùng thiên nhiên. Người dân luôn cảm thấy hạnh phúc vì họ biết đủ và trân trọng, giúp đỡ lẫn nhau.

Với diện tích rừng bao phủ lên tới hơn 70%, đây là quốc gia duy nhất trên thế giới có chỉ số khí thải carbon âm. Quốc gia này cũng cấm sản xuất và nhập khẩu thuốc lá, để bảo vệ môi trường, chính phủ cho người dân sử dụng túi vải thay cho túi lilong. Để tới thăm quốc gia an bình và hạnh phúc này, du khách không được phép đi tự do mà phải thông qua những công ty lữ hành đã được cấp phép. Hạn chế du khách để giảm bớt gánh nặng cho thiên nhiên môi trường, chính phủ Bhutan quy định phí visa mỗi ngày rất cao, tùy thời điểm, và vào mùa cao điểm có thể lên tới 250 USD/ 1 ngày ở tại đây.

Ở Bhutan không có ăn xin, không có người vô gia cư. Người dân nơi đây kể rằng, ai gặp khó khăn cứ gõ cửa quốc vương và sẽ nhận được sự trợ giúp. Đất nước này không có nhà tù vì tỉ lệ tội phạm rất thấp. Để giữ được quan niệm đó, họ đã lập hẳn Bộ Hạnh phúc. Bộ trưởng đảm trách giúp người dân cảm thấy hài lòng với thực tại. Bhutan cũng không có đèn giao thông, vì vậy ở ngã tư luôn có người điều tiết phương tiện. Người Bhutan yêu mẹ thiên nhiên, họ trân trọng từng cánh rừng, dòng sông, nhành hoa, ngọn cỏ./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Chiều mưa, hương ngọc lan bên hiên nhà cứ lặng thầm quyến rũ. Bản nhạc Trịnh văng vẳng đâu đây cùng tiếng mưa "nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa...".

Hoa lưu ly (forget me not) - một loài hoa tím nhỏ thủy chung, suốt đời ôm thương nhớ về mối tình vô vọng. Loài hoa tím ấy như tượng trưng cho một cuộc tình tàn phai rồi hồi sinh, hồi sinh rồi lại phai tàn từ kiếp này qua kiếp khác mặc cho trong đời ai nhớ ai quên.

Dường như hầu hết ở các làng quê Việt bây giờ, cùng với những thiết chế văn hóa được xây dựng khang trang, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân, thì cổng làng gắn với tên làng đã tạo nên nét riêng dáng dấp của một làng lưu dấu trong tâm khảm mỗi người. Những tên gọi của làng thường hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa nhân văn sâu xa, mang cả ước vọng khát khao của cha ông một thuở lập làng với sự bình an, ấm no đầy đủ. Vì thế, danh xưng những tên làng cứ lưu mãi qua từng thế hệ…

Hà Nội đón tôi đương vào khoảnh khắc giao mùa. Gánh hoa loa kèn trắng tinh khôi tỏa mùi hương dịu nhẹ giao hòa trong làn gió nhè nhẹ khiến tâm hồn đa cảm thêm khắc khoải giao cảm với đời, để mênh mang thương nhớ hương vị cà phê Giảng - thức uống trở thành một phần thân thương, một phần văn hóa của Hà Nội phố.

Mẹ tôi không nghiện trầu cau nhưng mẹ vẫn trồng một giàn trầu xanh mơn mởn. Mẹ bảo nhà có giàn trầu mới ấm áp. Nhưng tôi hiểu mẹ đã gửi gắm vào đó biết bao nhiêu ân tình và cả nỗi nhớ về ngoại khôn nguôi.

Sống nhẩn nha giữa đời vội vã có thể chưa từng dễ dàng với chúng ta. Nhưng khi bước đi dưới những tán lá xanh xào xạc theo con gió, dưới bầu trời một màu ngăn ngắt xa xôi, tôi cảm giác hồn mình như cánh bồ công anh mảnh khảnh tự do bay mãi, chẳng nghĩ ngợi gì. Có những ngày như thế, những khoảnh khắc như thế. Chỉ cần im lặng hít thở thôi cũng đủ hạnh phúc.