Trao trọn tình yêu dân tộc qua những nàng búp bê
Trong kho tàng văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, mỗi bộ trang phục dân tộc là một câu chuyện, một vẻ đẹp riêng biệt, mang đậm dấu ấn lịch sử và truyền thống của từng vùng miền. Những bộ trang phục ấy không chỉ thể hiện sự tinh tế trong nghệ thuật may mặc mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa đặc sắc.
Họa sĩ Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ, tuổi thơ anh gắn liền với phố cổ Hà Nội. Hàng ngày, anh đều được nhìn thấy hình ảnh những cô búp bê bằng len hay vải được bày bán ở các cửa hàng bán đồ lưu niệm trên đường phố Hà Nội nhưng lại chưa được chú ý nhiều.
Nhận thấy thị trường làm búp bê tại Việt Nam chưa đa dạng, cũng như xuất phát từ tình yêu đất nước, anh Hoàng Anh luôn ấp ủ mong muốn phát triển quà lưu niệm từ búp bê sao cho đẹp nhất, tinh xảo nhất và mang đậm dấu ấn Việt Nam. Trong quá trình đi ký họa, người hoạ sĩ này nảy ra ý tưởng mang văn hóa người dân vùng cao khoác lên mình những cô búp bê.

Nhìn lại hành trình hơn 10 năm đến với búp bê, họa sĩ Hoàng Anh cho hay, trước khi bắt tay vào làm trang phục dân tộc trên búp bê, anh đã có 26 tháng sống và trải nghiệm cùng đồng bào dân tộc, nay đây mai đó. Trong quá trình đi tìm chất liệu cho bức tranh của mình, anh tình cờ nghe được những câu chuyện của người vùng cao, cách họ may mặc. Đây đều là cảm hứng cho công việc chế tác búp bê của họa sĩ.
Họa sĩ Hoàng Anh cũng cho rằng, việc tạo ra sản phẩm búp bê mặc trang phục dân tộc là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hội họa và thời trang. Tự nhận bản thân mình là người mê cái đẹp, anh cho hay, để chế tác hoàn chỉnh một mẫu búp bê dân tộc, bước đầu tiên anh thực hiện là nghiên cứu trang phục. Những bộ váy khoác lên mình của búp bê được anh chú trọng, chọn lựa kỹ lưỡng từ chất liệu vải, hoạ tiết trên miếng vải cho đến những họa tiết, phụ kiện đi kèm.
Hình ảnh búp bê của dân tộc Kinh sẽ khác với hình ảnh búp bê người Dao. Người Kinh thông thường sẽ có họa tiết rồng phượng, miếng vải phải được chọn sao cho hình ảnh rồng bay lên và vừa vặn với kích thước của búp bê. Bước tiếp theo là tiến hành tạo phôi bằng chất liệu composite. Loại chất liệu này vừa bền, đẹp lại vừa dễ tạo dáng, chất liệu không như sáp nhưng giúp diễn tả phần da thịt giống với người thật.
Thực tế, anh không phải nhà thiết kế trang phục, cũng chưa từng học qua trường lớp về thêu may. Bản thân anh tả trang phục dưới con mắt của hội họa và theo trải nghiệm. Từng chi tiết, đường kim mũi chỉ là anh tự mày mò và tìm hiểu. Đặc biệt, anh sử dụng kiến thức hội họa vốn có để ứng dụng vào từng bộ váy búp bê của mình, làm sao cách phối màu tạo điểm nhấn ấn tượng nhất có thể.
Với anh, những bộ trang phục dân tộc của 54 vùng miền không chỉ đơn thuần là từng đường kim mũi chỉ, từng chiếc khăn tà áo, mà đằng sau đó là cả một kho tàng văn hóa đồ sộ, càng khám phá càng thấy tuyệt vời. Chính cảnh đẹp từ núi rừng nơi họ sống đã được kết tinh lại, được thể hiện trong trang phục dân tộc.
Chia sẻ về dự định sắp tới, họa sĩ Hoàng Anh cho biết, trong hành trình tìm kiếm những điều mới mẻ, đến một ngày nào đó anh sẽ hoàn thành đủ trang phục 54 dân tộc. Ngoài ra, anh còn đang ấp ủ ý tưởng làm thêm búp bê nam mặc trang phụ dân tộc để ghép đôi với búp bê nữ, thích hợp làm quà tặng đám cưới.

Đặc biêt, họa sĩ Hoàng Anh cũng chia sẻ, khi nhìn thấy những mẫu búp bê khoác lên mình các bộ phục trang đồng bào dân tộc trên những kệ trưng bày ở các nhà ga bay quốc tế và một số shop lưu niệm trên phố cổ Hà Nội, anh cảm nhận được niềm hạnh phúc. Bản thân anh cũng tin tưởng, những món quà nhỏ này sẽ theo chân du khách đi khắp năm châu, chứng minh sản phẩm búp bê của người Việt cũng đặc sắc không kém búp bê của người Hàn Quốc và Nhật Bản... Từ đó, góp phần đưa nét sinh hoạt của người dân vùng cao vươn tầm thế giới.
Có thể thấy, mỗi bộ trang phục được anh tỉ mỉ làm thủ công, từ chất liệu thổ cẩm, lụa truyền thống đến từng đường kim mũi chỉ, đều mang trong mình câu chuyện riêng của từng dân tộc, của những vùng miền đầy màu sắc. Những cô búp bê không chỉ là sản phẩm nghệ thuật mà còn là những thông điệp văn hóa sâu sắc, giúp chúng ta hiểu và yêu quý hơn những giá trị truyền thống của dân tộc.
Với tình yêu và niềm đam mê mãnh liệt dành cho văn hóa dân tộc, họa sĩ Hoàng Anh không chỉ khôi phục mà còn làm sống dậy những vẻ đẹp đã được gìn giữ qua bao thế hệ; góp phần mang văn hóa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế, khẳng định sức sống mãnh liệt của những giá trị truyền thống trong thế giới hiện đại.
Nhiều ý kiến cho rằng việc quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết một số khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm là cần thiết để khai thác tiềm năng, biến hồ thực sự trở thành viên ngọc sáng của Thủ đô.
Những câu chuyện và ký ức về hồ Gươm không chỉ là những mảnh ghép quý giá về quá khứ, mà còn là cầu nối giữa các thế hệ, giúp chúng ta hiểu và trân trọng hơn giá trị của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Bằng chính cuộc sống đời thường và tình yêu Hà Nội, hai nghệ sĩ Lan Hương và Đỗ Kỷ đã lan tỏa những giá trị văn hoá truyền thống qua nền tảng mạng xã hội TikTok - vốn là sân chơi sáng tạo của thế hệ trẻ.
Giữa những bộn bề cuộc sống, người ta luôn tìm kiếm cách để giải trí, để tái tạo năng lượng. Swing - môn nhảy sôi động là một cách để người trẻ tận hưởng cuộc sống.
Cổng Đục là đoạn phố nối giữa hai phố Hàng Vải và Hàng Mã, nơi đây đã trở thành một điểm nhấn trong bản đồ du lịch văn hóa của du khách.
Ngay giữa lòng Hà Nội, phiên chợ Yên ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông vẫn mộc mạc đậm chất quê, chứa đầy đủ yếu tố của một phiên chợ quê Bắc Bộ đúng nghĩa.
0